Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm, về kĩ thuật tạo dáng hay lối chạm trổ tuyệt kĩ của nghệ nhân Champa xưa trên các đồ trang sức bằng vàng, bạc, về huyền thoại loại giếng vuông Chăm, về gốm Bàu Trúc, về vị vua đầu tiên của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo ở đầu thế kỉ thứ năm đã làm cuộc vượt đại dương sang bờ sông Hằng... Người ta đã tốn bao giấy mực lý giải sự ra đời và biến mất của những bí ẩn Chăm xa xưa với bao nhiêu kỉ lục. Tôi thì khác, tôi muốn kể câu chuyện về những huyền bí và kì diệu của đời sống Chăm hôm nay...
Và về cuộc đời tôi, những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện và những điều tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc - từ vùng tù mù hay ngỡ sáng rỡ của kí ức. Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!? Nhưng tôi vẫn cứ tin nó thật. Thật mà chưa hẳn đúng thật. Bởi chúng được kể lại qua giới hạn ngôn ngữ và hiểu biết của tôi. Dẫu sao đi nữa, lịch sử luôn cần được kể lại. Lịch sử một đất nước, một dân tộc, một cộng đồng hay một cá thể. Dù nhỏ bé hay vô danh nhất.
***
"Lúc này ông đang viết gì?
Không phải Vang hay anh bạn chủ nhà mà là Thụy, hỏi. Có lẽ do tọc mạch.
- Tiểu thuyết Chân dung Cát.
- Để đem vài nhân vật ra giễu cho tiện chứ gì.
Hà Vân sâu sắc là thế mà đã khuyên tôi, anh sớm kết thúc tiểu thuyết đi để em nhờ cô bạn chuyển thể sang kịch bản phim... Tôi làm thơ cũng chả ý đồ được tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh học thuộc hay nhạc sĩ nào đó nổi hứng hoặc chiếu cố mang ra phổ nhạc. Tôi nói ý này cho đồng chí cán bộ Bá Thụy nghe và thêm: Văn chương không cúi xuống làm chuyện đó, không tự cho phép mình làm trò lếu láo ba bốn lăng nhăng đó.
Còn nó sẽ làm gì? Ông thật nghiêm túc muốn hiểu?
Tôi nhìn thẳng vào mắt ngài cán bộ Bá Thụy, đầy cải lương nghiêm trọng. Tôi nói: Văn chương không ưa nổi trò nghiêm nghị. Nhưng loài người thì nghiêm trang nghiêm trọng hơi bị nhiều. Nghiêm nghị trúng vụ bắp, nghiêm trọng tuổi tên chàng hảng trên trang báo, nghiêm nghị học vị học hàm hay nghiêm trọng trò đọc diễn văn, nghiêm nghị nghiên cứu hay nghiêm trọng một thành tích bé con mới giật được, nghiêm nghị tri kiến tha lâu lưng tổ hay nghiêm trọng trương mục ngân hàng, nghiêm nghị cá tính lẻ loi hoặc nghiêm trọng bản sắc tập thể cộng đồng, nghiêm nghị tôi với nghiêm trọng bác. Vân vân. Bác cứ tiếp tục kê biên, nếu cảm thấy khoái. Mấy trò nghiêm nghị đó, văn chương cười vào mũi. Cười nhạo thôi. Không mỉa mai sâu cay cũng chả chua chát căng thẳng bật máu mà làm gì cho nhọc cái tâm linh. Nó khoái hoạt. Nghĩa là chính văn chương cũng phải học không tự biến mình thành trầm trọng. Nó có khả năng tự cười mình. Cười mình to hơn cả.
Cái thằng tôi ấy yêu em yêu cả cuộc đời nhưng luôn biết tự nhạo cái tình yêu buồn cười ấy, dù mất em rồi xa em rồi hoa đã tàn tôi về đứng bờ sông Seine đêm nay định nhảy xuống cầu Mirabeau (ôi, ví có thêm đời sống thứ hai hay ba thì tôi đã nhảy cái cho đã đời rồi) nhưng chính cái cười níu tôi lại bên đời quạnh hiu sung ôi s-ư-ớ-n-g... Cái thằng tôi ấy dù từng nai vai [trâu] ra cày thuê sắm cho được tủ sách mỏng dày, mỏi gối chồn chân đi gõ tìm từng mảnh tư liệu rơi rớt dọc con đường điền dã hay còng lưng [cụ non] ra viết dúm công trình nặng bao tải chở đầy nguy cơ đẩy tuổi trẻ tôi chìm không đáy vào hố nghiêm nghị; lại cái cười lần nữa thòng cọng hành xuống cứu vớt tâm hồn dại dột tôi sống sót. Cái thằng tôi ấy từng buổi sáng nhấm nháp trà Bắc với nhâm nhi từng giọt lời khen tặng nhiều cố gắng đầy sáng tạo để được lâng lâng bay trên đôi cánh thiên thần của hội viên hội hội viên hội của nhà, sĩ, của trân trọng kính ngài lên phát biểu dạ thưa cám ơn, sẵn sàng dồi tung ngài như con rối; cái cười vội túm lấy chòm tóc em ôi sợi ngắn sợi dài giữ lại, vuốt vuốt nó và xoa đầu thôi đủ rồi em ạ chỉ là trò đùa trong điệp điệp muôn trùng trò đùa không hơn thua phân tấc ôi em!
- Văn chương đẩy ta ra xa bãi bờ buộc ta học nhìn mình từ bên ngoài, châm chọc ta cho ta biết mở trí xem nhẹ mình. Chức tước hay tên tuổi. Ria mép hay mụn nhọt. Mái tranh với lâu đài. Cốc bia ngoại hay chén rượu nội, như cái bác đang cầm ấy mà! Văn chương dạy bác xem thường nó, nhẹ hều một kiếp...
- Cái cười giải phóng con người khỏi mọi mê tín. Thình lình tôi ưỡn ngực nghiêm giọng...
( Chân dung Cát;, 2006)
Lịch sử là mớ hổ lốn. Hổ lốn hơn, là lịch sử được kể lại.
Tưởng chỉ tiểu thuyết mới là hư cấu, ngay cả công trình sử học rán ưỡn ngực trịnh trọng khách quan để ra vẻ khả tín, vẫn chỉ là hư cấu. Thứ hư cấu trá hình. Không bộ óc nào có thể quán xuyến hết sự thật, nhìn hết mọi khía cạnh toàn bộ sự thật cõi người của một giai đoạn lịch sử, dù ngắn nhất. Chúng luôn được kể lại từ kể lại từ kể lại. Bị chọn lựa, khúc xạ, bẻ gãy, lái cong, hư cấu, xuyên tạc. Bởi hiểu biết hạn chế của tôi, truyền thống văn hóa của dân tộc tôi, nền giáo dục tôi tiếp nhận, định kiến của tôi, quyền lợi cộng đồng hay của cá nhân tôi. Không chạy vào đâu được.
Cả với lịch sử của một cá nhân được kể lại. Kí ức luôn đánh lừa ta, kẻ trong cuộc. Lõm bõm, nhảy cóc, trơn trợt, hụt hẫng. Dù là kí ức gần được ghi vào sổ tay mỗi ngày, hay kí ức xa bị bỏ rơi hàng chục năm được gợi nhớ lại. Ta đánh tráo, bóp méo, định hướng nó có lợi cho ta. Đánh tráo, nhưng ta vẫn cứ tin nó là sự thật. Khốn thay cho kẻ không tin vào sự thật. Càng khốn hơn nữa, kẻ nào chỉ tin vào những sự thật hổ lốn kia!
Như câu chuyện tôi sắp kể ra đây, cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc - từ vùng tù mù hay ngỡ sáng rỡ của kí ức tôi. Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!? Nhưng tôi vẫn cứ tin nó thật. Thật mà chưa hẳn đúng thật. Bởi chúng được kể lại qua giới hạn ngôn ngữ của tôi, hiểu biết của tôi, hệ thẩm mỹ của tôi, triết lý của tôi, theo lợi ích/ vô vị lợi của tôi.
Dẫu sao đi nữa, lịch sử luôn cần được kể lại. Lịch sử một đất nước, một dân tộc, một cộng đồng hay một cá thể. Dù nhỏ bé hay vô danh nhất.
Và đây là câu chuyện của tôi.
***
Inrasara sinh trưởng ở một trong những làng Chăm cổ nhất, nơi các gia đình vẫn theo truyền thống Mẫu hệ. Trong một gia đình mẫu hệ, người đàn ông lo sự nghiệp, người phụ nữ lo việc gia đình. Con trai sinh ra lấy họ cha nhưng lúc chết lại được chôn trong nghĩa trang của dòng họ mẹ. Khi lập gia đình, tài sản do người phụ nữ quản lý.[2]
1969 - học sinh Trường Trung học Pô-Klong gi-rai- Ninh Thuận.
1977 - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
1978 - bỏ học, đi, đọc và làm thơ.
1982 - nghiên cứu ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm - Ninh Thuận.
1986 - thôi việc, làm nông dân, đi, nghiên cứu và làm thơ.
1992 - nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ 1998 - làm việc tự do. Hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Công việc đang làm: Nghiên cứu văn hóa Chăm; làm thơ, viết văn, dịch & viết tiểu luận - phê bình văn học.
Ông là hội viên của:
Hội Nhà văn Việt Nam
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Hội Văn học - nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.[3]
Tác phẩm
Nghiên cứu - Sưu tầm - Dịch thuật
Văn học Chăm I - Khái luận, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc 1994; in lần thứ hai: Nhà xuất bản Trí thức, H., 2012.
Văn học dân gian Chăm - Ca dao - Tục ngữ, Câu đố, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, 1995; in lần thứ 2[4], Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, 2006.
Văn học Chăm II - Trường ca, sưu tầm - nghiên cứu, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc 1995.
Từ điển Chăm - Việt (viết chung), Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1995.
Từ điển Việt- Chăm (viết chung), Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1996.
Các vấn đề văn hoá - xã hội Chăm (tiểu luận), Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc 1999.
Văn hoá - xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (tiểu luận), Nhà xuất bản Văn học 2003, 2008; in lần thứ tư: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, H., 2011.
Tự học tiếng Chăm, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc 2003.
Từ điển Việt - Chăm dùng trong nhà trường (viết chung), Nhà xuất bản Giáo dục 2004.
Ariya Cam - Trường ca Chăm, Nhà xuất bản Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2006; in lần thứ ba: Nhà xuất bản Thời đại, H., 2011
Sử thi Akayet Chăm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, H., 2009; in lần thứ ba, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2013
Thả diều xứ nắng, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2012
4.650 Từ Việt - Chăm thông dụng, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2014.
Minh triết Cham, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2016