Giáo sư Trần Hữu Dũng, một học giả người Việt hiện đang sinh sống ở Mỹ từng viết, có hai cuốn sách ấn tượng với ông nhất. Đầu tiên, nhờ cuốn Kim chỉ nam của học sinh của học giả Nguyễn Hiến Lê mà ông biết phương pháp nghiên cứu (index cards) từ hồi còn học tiểu học, sau đó là cuốn Từ điển chính tả của GS. Hoàng Phê mà ông tra cứu ba, bốn lần mỗi ngày.
Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) vốn học trường Công chính ra và làm nhân viên đo đạc thủy lợi thời Pháp thuộc. Sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông chạy giặc về Long Xuyên (An Giang ngày nay) và sinh sống bằng nghề dạy học. Đầu tiên, ông dạy tư, kèm cặp các môn Pháp văn và Toán. Đến năm 1948, trường Thoại Ngọc Hầu mở, ông Lê được mời làm giáo viên của trường, dạy các môn Pháp văn, Việt văn, Đức dục (Giáo dục công dân), sau dạy thêm cả Hán văn từ lớp Tư đến lớp Nhì (tương đương với lớp 7 đến lớp 9 ngày nay).
Sau ba năm dạy học, ông rời Long Xuyên lên Sài Gòn và bắt đầu sự nghiệp viết và xuất bản sách, trở thành một học giả tên tuổi với lượng đầu sách đồ sộ ở nhiều lĩnh vực như triết học, văn học, lịch sử, gương danh nhân, kinh tế, chính trị...
Kim chỉ nam của học sinh được học giả Nguyễn Hiến Lê biên soạn sau ba năm dạy học ở Long Xuyên. |
Trong cuốn Hồi ký của mình, học giả kể về quá trình viết sách Kim chỉ nam của học sinh: “Tôi áp dụng môn tổ chức vào việc học để cho đỡ phí sức, đỡ tốn thì giờ mà mau có kết quả; tôi dẫn nhiều kinh nghiệm bản thân từ hồi tôi học ở trường Yên Phụ và trường Bưởi. Tôi đã sớm có tinh thần phương pháp, ngay từ hồi học lớp Sơ đẳng (cours élémentaire), tôi đã có lối học riêng của tôi: ở trong lớp vừa chép bài vừa học thầm, vừa đi từ trường về nhà vừa nghĩ cách làm một bài toán, tìm ý cho một bài luận, rồi về tới nhà là làm, học ngay bài trong ngày, nhờ vậy tôi tốn rất ít thì giờ”.
Ông kể tiếp: "Lên trung học, tôi có một sổ tay tóm tắt những ý quan trọng trong mỗi bài sử, địa, vật lí, hoá, toán, những điều tôi cho rằng lúc nào cũng phải nhớ, như vậy khi học ôn để thi trong lớp hoặc thi ra trường, tôi chỉ cần coi lại những sổ tay đó, ít khi phải coi lại trong sách. Những kinh nghiệm đó và nhiều kinh nghiệm khác nữa tôi đều chỉ lại cho học sinh”.
Viết xong, thấy tập đó có thể in thành sách được, ông đặt cho nó nhan đề Kim chỉ nam của học sinh. Lúc này ông đã có được một số tiền tiết kiệm, nên đã thuê nhà in duy nhất ở Long Xuyên in cho 1.000 cuốn. Nhà in chỉ có máy đạp chân (pédale) in rất chậm, mà mỗi "cahier" chỉ được 4 hay 8 trang nhỏ, cho nên công in và khâu rất tốn mà mà sách rất xấu.
Nguyễn Hiến Lê bán được một số ít cho vài tiệm sách ở Long Xuyên, còn lại gửi lên Sài Gòn cho nhà phát hành sách Phạm Văn Tươi. Ông Tươi chê sách in xấu quá nhưng khen nội dung có giá trị, bán trong mấy tháng đã hết, và xin ông Lê cho phép tái bản. Cuốn đó bán chạy hơn cuốn Voulez vous que vos enfants soient de bons élèvres của giáo sư La Varenne, Thiên Giang lược dịch, nhan đề là Muốn thành học sinh giỏi, cũng do nhà P. Văn Tươi xuất bản, ra trước cuốn của ông Lê chừng một năm, và không hề được tái bản.
Trong Hồi ký, Nguyễn Hiến Lê cho biết Kim chỉ nam của học sinh rất được hoan nghênh. “Nhiều phụ huynh học sinh sau gặp tôi, cảm ơn tôi vì nhờ cuốn đó mà con họ tấn tới”.
Trong lời giới thiệu cuốn Kim chỉ nam của học sinh do NXB Tổng hợp TP HCM tái bản năm 2012, viết: "Sách ra đời cách đây đã lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều có thể giúp học sinh áp dụng trong việc học tập một cách khoa học, chính xác mà không làm mất thì giờ trong lúc học tập cũng như ôn tập cho từng học kỳ, năm học".
Trong phần "Thay lời tựa - Cùng các học trò cũ và mới của tôi", in trong lần xuất bản đầu tiên, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã bày tỏ: "Tôi đau lòng khi thấy có nhiều học trò học thi cặm cụi từ 5 giờ sáng tới 11, 12 giờ khuya, không bỏ một phút nào; lại có em phải uống thuốc kích thích thần kinh để thức suốt đêm nữa. Tội nghiệp! Cái tuổi xuân đáng lẽ được nhảy nhót, đùa giỡn, ngủ 9, 10 giờ một đêm thì lại phải giam mình trong buồng tốt suốt ngày thâu đêm như vậy".
Một bản Kim chỉ nam của học sinh cũ. |
Do đó, ông cho rằng, cần chỉ cho các em một phương pháp học mau có kết quả và ít phí sức. Phương pháp của ông là hướng dẫn cho học sinh tự tìm hiểu rồi giáo viên sẽ sửa chữa lại. Tóm lại, ông muốn dạy học sinh tự học.
Ông hy vọng: "Nếu cuốn sách sẽ giúp học sinh mỗi ngày rút đi nửa giờ học mà kết quả có phần khả quan hơn trước thì đó là nỗi vui vô cùng của tôi. Vì các em thử tính: mỗi ngày rút được nửa giờ thì một năm là trên 180 giờ. Như vậy trong 5 năm, biết bao thì giờ để nghỉ ngơi, hoặc học một môn khác như âm nhạc, hội họa hay sinh ngữ".
Cuốn sách chia làm bốn phần, trong đó, phần thứ nhất chỉ ra những điều kiện cốt yếu phải có đủ mới học được là sức khỏe, sức học đủ để theo được chương trình và sách vở, dụng cụ học tập. Phần thứ hai, tác giả vạch ra một phương pháp học tập chung để học ở trường và ở nhà sao cho đỡ phí sức, đỡ tốn thì giờ và mau có kết quả.
Phần thứ ba, cuốn sách nhắc lại một số phương pháp riêng để học bài, làm và luyện sao cho nhanh giỏi về một số môn quan trọng. Phần cuối, tác giả đưa ra một số lời khuyên về cách học tư, chọn thầy và bạn để học tư, cách tổ chức việc học trong năm thi tốt nghiệp, cùng một số nội dung như cách dùng thẻ ghi chép trong việc học, bàn về liên quan giữa gia đình và trường học.
Học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết, từng có một giáo viên nhận xét với học trò về cuốn Kim chỉ nam của học sinh: "Nếu theo đúng cuốn đó thì học rất giỏi, nhưng ít người theo đúng được lắm". Tác giả bình luận: “Cần gì phải theo đúng. Cứ hiểu nguyên tắc, hiểu phương pháp rồi chịu khó áp dụng tuỳ khả năng, hoàn cảnh của mỗi người, cũng đủ có lợi nhiều rồi”.