Hơn Nửa Đời Hư |
|
Tác giả | Vương Hồng Sển |
Bộ sách | |
Thể loại | Hồi Ký |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 5959 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Vương Hồng Sển Hồi Ký Danh Nhân Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | vnthuquan.net |
Hiểu theo trong Nam Hơn nửa đời hư, có nghĩa là hơn phân nửa đời người, chưa làm gì nên thân. Giọng hàng tôm, giặm mắm muối, rõ ràng hơn; đã quá nửa đời người, hổng nên thân gì ráo trọi!
Hơn nửa đời, biết làm sao mà định? Bốn mươi năm mươi cũng được, quá sáu bảy mươi cũng biết đâu chừng? Thôi thì để đó, khi đập nắp quan sẽ hiểu.
Chuyện tôi viết, bắt đầu từ năm sanh (1902) đến năm đi dạy học ở Huế về (1967), thấy nhộn quá nên ở nhà, chớ dư sức hoạt động. Con đường đã trải, cũng dài khá bộn, kể tuổi đầu cho đến nay đã trên bảy mươi, như vậy lẽ đáng nên gọi, nếu mai nầy chết, là “trọn một đời hư”, mới phải.
Như con bạc trúng một canh bài về khuya, đủ gỡ vốn lời, vì “nên” được vào mấy ngày chót vậy xin cho tôi ghi “Hơn nửa đời hư” làm nhan sách.
Tưởng “viết để lại cho con là Bảo” nhưng nay in thành sách có nhiều mắt cùng xem, như vậy “Hơn nửa đời hư” là phải.
Ngoài trời mưa, đêm vẫn lạnh. Gió mướt tỉ tê, mắt già mi ướt. Tôi chuốc đôi hài nhung, mặc thêm một lớp áo ấm, lại ngồi bàn viết:
“Đêm nay gió bấc mưa dầm,
Đèn khuya một bóng, bóng lầm với đêm”
Dưới Mái Tây, ngọn đèn điện cứ reo vui với mấy con thiêu thân tự sát. Song cửa mở sương che mất khu phố mấy từng cao.
Con mèo tam thể đi ăn vụng bị hàng xóm chém tét móng chân trước, đang nằm rên hì hì trên đầu tủ sách. Vừa viết đến đây, tôi đọc lớn. Con mèo nhướng mắt tưởng tôi ngỏ lời an ủi, nên hoà âm mấy tiếng hừ hừ, tợ chiếc ấm gần sôi. Bỗng tôi đổi sang giọng lớn, không mấy êm tai, tôi thấy vành tai con miêu đang xụ lại vành lên, trán con miêu nhăn nhăn, tam thể tựa hồ bụng bảo dạ: “Lão Vương nầy chướng, chúng cho về hưu cũng phải: Lão lai nhai những gì rỗng tuếch, chẳng bù má Năm, nói những lời đáng giá, hứa cho ăn thì no bụng đến phát ách, hăm đánh đòn thù nhừ tử nên thân; Bữa nay lão viết giống gì nữa đây, chỉ hại tốn giấy?”
Ấy đó, trên bảy mươi mà còn bị chó mèo xài xể, hỏi phải hư chưa? Lúc nhỏ vì mê đọc văn Anatole France nên vướng cái nghiệp của lão già Ba Tri nầy. Tuy không hiểu hết những câu sâu sắc của lão, nhưng lại thích cái giọng trịch thượng nửa đùa nửa thật, hơi cay một tí thôi, vừa nhẹ vừa thâm, hiểu được mớ nào, thấm ý đánh đùi cái chát? Thú vị nhứt, đọc mãi không chán là bộ “Le crime de Sylvestre Bonnard”, và đoạn ly kỳ nhứt trong sách là chỗ diễn tả cách báo ân đáp nghĩa của chị ả huê khôi, nửa đời tài sắc trước nghèo xơ xác đến nỗi phải trú ngụ trên gác thượng của lão hàn lâm nầy, rồi sau đụng một ông hoàng giàu sang không mấy hồi, trực nhớ ơn xưa lão hàn tặng một chén xúp khi đói lạnh, nay biết lão ham sách bèn sai con ôm đến nhà đêm No-en dâng cho lão một cuốn sách quí đựng trong bộng một khúc gỗ củi chuyện đọc thật là khoái trá. Chương trong sách tựa là “La buche de Noel”, ai muốn thường thức hãy tìm mà đọc. Nay tôi mượn ý viết tập nầy mở đầu truyện “Anh Vương tự thuật”.
“Dừng chén ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng: ta với ta”.
(Thơ Bà huyện Thanh Quan “Qua Đèo Ngang”)
Đêm nay, cớ sao hai câu thơ trên như thôi miên tôi, như vương vấn tâm hồn, ngâm đi ngâm lại mãi không biết chán. Buổi đầu hôm ăn mừng sinh nhựt, lễ trung thọ thất thập tam tuế, Năm dâng chén rượu mừng khiến cảm động, đóc giọng còn cay. Nếu đời quen lấy trăm năm làm hạn, thì kiếp sống mình kể đã hơn nửa độ đường, trời cho thêm được ngày nào, kể như là lãi. Phần còn lại, không nên tham nhiều. Ô hay! Lên chói đỉnh tự hồi nào? Và sẽ lần dốc xuống triền được bao lâu nữa? Thật là không sao nhớ xiết Và xiết bao bồi hồi. Lên đến chót đỉnh tất đã đăng cao. Lên cao rồi phải hạ. Mai nầy cất bước dò lần đường xuống. Tức nhiên câu thơ tức cảnh Đèo Ngang bà Thanh Quan làm sẵn mà nó phù hợp với cảnh ngộ của mình làm sao? Ám ảnh là phải.
Đêm đã về khuya, tư bề lặng lẽ; rất phải dịp cho mình chiêm nghiệm việc đời. Thử bỏ bàn toán tính sổ: lỗ hay lời, trước giờ gác đầu về núi, ta phải biết để mà lo liệu.
Nhà hiện thời đang ở, truyền đến tôi đã hơn ba đời. Thế mà mình vẫn tưởng là một dịch đình tạm, dừng chén đêm nay để mai nầy trẩy bước. Nơi phòng bên cạnh, mẹ con chúng đang ngon giấc. Hơi thở đều đều của một mớ tóc bông của người hiền phụ và làn môi son của trẻ. Nhớ đến trẻ, cục máu thâm tình duy nhứt, đứa con muộn màng mà cũng là cái mốc ăn chịu với đời của tôi. Bao nhiêu tình yêu buổi thanh xuân đã như giọt sương buổi sáng bao nhiêu người thương cũ đã rớt rơi hoặc nằm yên nơi bên kia triền dốc: mẹ tôi mất năm 1913, tôi biết khóc tiếc người hiền mẫu khi tuổi độ vừa mười một. Năm tản cư 1946 khi hồi cư về nhà thì chịu tang cậu tôi. Nhưng chưa thảm bằng năm ấy mất đứa em trai mười chín tuổi, Vương Hiển Vinh, tuy khác mẹ nhưng xem dường ruột thịt. Làm thanh niên tiền phong, lánh giặc Tây rút chân theo đồng chí, đang cữ rét hành, trốn lính Tây nhảy vào bụi ô rô, Tây đi mất là tử thần vội đến, Vinh thở hơi cuối cùng, nay nắm xương lạc loài còn vùi đâu đó nơi cù lao Dung lạnh lẽo, chưa được mang về. Thời gian mãi như vầy, khi hết chiến tranh, dễ gì tìm thấy xác.
Ba tôi tám mươi sáu tuổi, mất năm 1961, là người thân yêu khoá tạm cuốn sổ nầy. Hồn mẹ có linh, phách Ba dầu hiển, lại với mấy dì và mười đứa em trai sanh chưa kịp đặt tên đã trở về âm cảnh, bao nhiêu ấy là cốt nhục tình thâm nay gom lại làm mười mấy núm mộ nằm lúp xúp trên đất nhà ở Sốc Trăng, xin hãy về cùng tôi đêm nay nhấp chén mừng trung thọ. Nhưng xin đừng làm động giấc ngủ ngây thơ phòng bên cạnh. Hiền thê và Bảo con, hãy ngủ cho ngon, mai nầy chúng mình sẽ trẩy một khúc đường mới lạ còn dài lắm.
Tôi khoác thêm áo ấm, kéo ghế tránh bóng đèn, đêm nay nguyện thức viết cho thật nhiều, kể lại cuộc đời đã qua, lưu lại cho vợ hiền con thơ được biết.
Ô hô? Tuổi chẳng chờ ta...
Tôi nghe nhiều người phàn nàn, cho rằng không hơi đâu nhắc lại chuyện cũ. Cái gì đã qua, hãy để cho nó qua. Hãy nhìn tới tương lai mới phải.
Tương lai! Tương lai! Cách nay ba chục năm, tôi cũng say mê về tương lai, về ngày mai sẽ đến. Nhưng trải qua nhiều biến cố, từ năm 1945 cho đến nay, tuổi mòn chồng chất, tuy chưa đến độ chồn chân mỏi gối, tuy vẫn còn đi bộ hàng cây số không mệt, ngồi đánh máy suốt ngày không đau lưng, nhưng quay đầu ngó lại buổi đã qua, mới thấy cái hay của dĩ vãng.
Đời vẫn không cay nghiệt gì với tôi. Tôi phải biết ghi ân rằng đời đã dành riêng cho tôi khá nhiều hạnh phúc. Nhưng khi ai kia nhắc đến buổi tương lai, bỗng khiến tôi lại bùi ngùi lo sợ. Bất giác tôi lại hồi tường tới chuyện đâu đâu. Tôi đã hết trông cậy vào tương lai, và nếu phải ước mong, hoạ là gởi hết vào cái đầu non và mớ tóc xanh của trẻ đang say giấc nồng bên cạnh.
Xin ơn trên ban tôi thêm vài tuổi, có thì giờ đủ thấy đứa trẻ nên người.
Lai lịch
Họ Vương của chúng tôi, chỉ ở Sốc Trăng, vốn xuất thân từ tay trắng.
Xét cho kỹ, không làm gì có gia phả để lại. Sự ấy cũng dễ hiểu:
a) Ông tổ của chúng tôi, - chỉ biết được đến đời ông sơ, tức không hơn năm đời - từ Trung Quốc sang đất Miên rồi đất Việt một khi tách bước ra đi trên con đường vô định - nói ra không sợ xấu đã dấn thân trên đường lưu lạc, phiêu lưu, đi tha hương cầu thực, đi để tìm lẽ sống mà tại nơi nhau rúm không sao tìm thấy, nói thẳng ra, đi hoang làm vậy, thì cần gì đem theo gia phả? Giắt lưng cái tờ tộc phái ấy chỉ thêm bận chân vướng cẳng, ích gì? Và thương thay cho những người lang thang trên bước giang hồ,
b) Đến đời ông nội chúng tôi, sẵn tánh bần bạch kiêu nhân, dám đứng làm tùa-hia (đại ca) của chi nhánh Thiên Địa Hội tại Sốc Trăng, thì càng không nên cất giữ gia phả trong nhà. Nơi xứ lạ quê người, thù nhiều bạn ít, đã quyết chí chống triều đình Mãn Thanh, thì dẫu có bao nhiêu gia phả cũng phải thủ tiêu, để tránh liên luỵ gia đình thê tử.
c) Họ Vương, tiếng rằng sang, kêu lắm, giòn lấm, nhưng có giàu chăng là giàu hai chữ “thanh bần”. Từ ông sơ xuống đến ông cố, lang bạt kỳ hồ, làm miễn đủ ăn là đủ mừng, đèo bòng chi cái gia phả, chúng cười: “sang không phải chỗ”,
d) Thuở đó, trước đây một thế kỷ, sống trên đất lạ, vùng Sốc Trăng vừa mới phát, việc khai hoang chưa hoàn thành, ở chung đụng với người Miên người Thổ, họ quen dùng bùa ngải tà thuật, khi thư da trâu vô đầy bụng mà chết, khi trù ẻo dùng thiên linh cái bắt hồn, để tránh các tai hoạ dữ kia, muốn sống yên lành vô sự, tất nhiên phải giấu tên giấu họ, mai danh ẩn tích là hơn. Cho nên nói chung, tại Miền Nam chúng tôi không có tục lập gia phả, vì xét rằng tờ tộc phái có ghi tên họ năm sanh năm tử của ông bà để lại rủi lọt vào tay kẻ thù muốn hại mình thì quả là lợi ít hại nhiều, nên không lập. Tờ gia phả xét kỹ ra, chỉ dành cho các dòng họ lớn nào sống nơi thái bình yên định, không gặp cảnh loạn ly.
Tuy vậy không phải người miền Nam không biết quý trọng tổ tiên, duy không chép ra thành sách. Người tộc trưởng của một họ thường thuộc nằm lòng để truyền khẩu giữa con cháu hoặc kỹ hơn, dùng thẻ giữ kín ghi những ngày kỵ huý giỗ quải, và ít khi bằng lòng lấy ra cho người ngoại tộc xem.
Sau đây, tôi xin tóm tắt những gì tôi từng nghe phụ thân tôi thuật lại về chi họ Vương ớ Sốc Trăng, dòng ông Vương Thoại là ông cố của chúng tôi.
a) Kể về chi lớn, thì được biết vẫn ở tại Phước Kiến (Trung Hoa), và có thể nói, gồm trong mười lăm chữ: “Phước kiến tỉnh, Tuyền Châu phủ, Đồng Ân huyện, Lâm Mễ thôn, Quan Khảo lý”. Như vậy, không phải bất cứ người nào hễ sanh tại Phước Kiến và cùng một họ Vương là một dòng với chúng tôi. Phải sanh từ Lâm Mễ thôn, từ Quan Khảo lý mới đủ điều kiện.
Bây giờ thử hỏi: Một người như tôi, máu Hoa pha máu Việt đã bốn đời, không nói được tiếng Phước Kiến, giá thử có dịp qua bên ấy, vậy chớ có nhìn đồng tông đồng tánh với người bên ấy được chăng? Giấy tờ chứng minh không có, nói miệng tài ai tin vả lại nhìn bà con ở xa mút bên Tàu để làm gì? Khi đã xa cách nhau suốt nhiều đời, dẫu tình đậm cũng hoá lợt; thêm vấn đề ngôn ngữ bất đồng, phong tục cách ăn thói ở không giống, “y ăn xì-dầu, tôi húp nước mắm”, lại nữa tỉnh Phước Kiến là đất tiêm nhiễm lâu năm chủ nghĩa khác với tôi. Vương nầy Vương kia, tôi tưởng gặp nhau e không dám ngó ngay mặt chớ đừng nói chi chuyện bất tay nhau nhìn một họ một dòng. Gặp nhau, câu thi Học Lạc ngâm suông: “Hoá An-nam, lữ khách trú”... rồi huề. Không nói thêm được nửa lời.
Không phải cốt ý để khoe khoang, nhưng Ba tôi có thuật lại rằng xưa kia kiếng họ Vương ở Phước Kiến vốn có địa vị khá. Giữa triều Thanh đang thịnh cũng không bị bạc đãi. Một chi tiết nhỏ: Thuở ấy, cặp lồng đèn giấy treo trước cửa, được phép kẻ một chữ Vương duy nhất, thay vì các họ khác phải viết kèm chữ “phủ”, tỷ dụ Phạm phủ, Trần phủ, Quách phủ, v.v... Và đó là đặc ân dường như do bà Tây Thái Hậu ban ra, vì bà cho rằng hễ Vương thì ở phủ là cố nhiên, hà tất viết dư chữ “phủ”. Một giai thoại khác thuật luôn là cũng bà Tây Hậu khi sắp hạng những mười tám tỉnh dâng lễ khánh thọ cho bà, thì tỉnh Phước Kiến được sắp đứng đầu vì chữ “Phước” không thể sắp sau chữ khác.
Một đặc ân khác dành cho chi họ Vương quán ở Quan Khảo lý, là được dùng bốn chữ “Khai Mân đệ nhứt” là biển treo nhà, vì tương truyền họ nầy xưa kia có công khai phá mở mang đất Mân (Phước Kiến), biến hoang địa thành lương điền. Nói để nghe chơi chớ không dám vẽ viên nhiều, bằng sắc đâu có hòng chứng minh, khoác lác là tội. Không nên “thấy người sang, bắt quàng làm họ”,
b) Nay nói về chi thứ là chi xuất dương, vốn cùng một đầu ông sơ. Hiện biết có ba chi ở ba chỗ khác nhau: chi Nam Vang, chi Gia Định, chi Sốc Trăng. Nhưng đã tản lạc, chưa thấy ngày trùng phùng.
1) Ông sơ (?-?). Khuyết danh, khuyết ngày sanh, ngày tử. Giỗ chung với bà sơ, huý nhựt: ngày hai mươi lăm tháng chạp âm lịch. Theo Ba tôi kể lại, ban đầu ông sang ngụ đất Nam Vang, nhưng kể từ năm nào không rõ. Về sau, chi nầy tách ra một nhánh xuống định cư ở đất Gia Định. Hiện chi nầy ở đâu? Khi lên viếng Sài Gòn độ năm 1901, Ba tôi có gặp, hai đàng nhìn nhau mừng mừng tủi tủi rồi cũng chia tay từ đó rồi bặt vô âm tín, cũng không biết địa chỉ để liên lạc, nay kể như thất lạc, mất còn chẳng hay. Từ ngày tôi lên ở Gia Định, tôi cố gắng hỏi thăm nhưng chưa gặp một ai chỉ bảo.
Ông sơ chúng tôi ở Nam Vang một thời gian không biết bao nhiêu lâu, bỗng nhớ chén cơm lưu lạc động gót giang hồ, lại một gói một xách, một thân một mình, cất bước lên đường một phen nữa. Có lẽ nghe lời đồn đãi nên chuyến nầy, ông xuống Miền Ba Thắc (nay có miếu thờ ở Chợ Cũ Bãi Xàu), Thổ gọi Sroc Bassac, hoặc sroc khléang, là tên cũ xứ Sốc Trăng (nay là Khánh Hưng, Ba Xuyên). Thuở đó, vừa hơn một thế kỷ, vùng nầy là một đồng ruộng mênh mông, người thưa rừng nhiều, đất tốt “làm không hết” cá tôm, thịt rừng khỏi mua mạnh ai nấy bắt, đời sống dễ dãi như cảnh thiên đàng, khiến ông lưa gót lại đây, lập thêm một gia đình nữa với bà sơ chúng tôi. Ở như vậy bao lâu không biết, rồi đến lúc tuổi già sức yếu, biết đã gần ngày quay đầu về núi, ông bèn “qui cố hương” rồi mất luôn bên ấy. Có nên trách ông hai lần tạo lập gia đình rồi bỏ về chết ở bên Tàu không? Xin đáp rằng không. Ông vả chăng là người Phước Kiến. Tháp cánh bay xa để thử sức, khi sức kiệt thì bay về ổ cũ. “Phú quý không về làng thì khác nào áo gấm mặc đêm”. Người Âu khi xưa đĩ lập Tân thế giới cũng thế. Nếu đã trót để lại hai nơi hai giọt máu tươi, thì may thay trời sanh trời dưỡng, hai giọt ấy hoa đơm kết trái cháu chất nối dòng, bổn phận kẻ sau phải nhớ câu “mộc bổn thuý nguyên”.
Dẫu tôi quá hư, cũng không dám buộc tội ông, duy dám hỏi “Sao ông không nói cũng không để lại dấu tích nào?” Họ tên để khuyết, vậy xin giỗ ông chung với bà. Mộ ông ở bên Tàu, có còn hay đã san bằng lấy chỗ trồng rau cỏ? Mộ có người giữ gìn ấm cúng hay đã xiêu lạc mồ hoang? Ông hãy yên giấc ngàn thu. Tại Sốc Trăng, chúng tôi vẫn giữ nhang khói đều đều và giỗ quải không sơ sót.
Bà sơ (?-?) - Cũng không biết họ tên và không biết luôn năm sanh năm tử, duy nghe dặn lại ngày giỗ là ngày hai mươi lăm tháng chạp. Nhờ một chi tiết nhỏ có thể truy nguyên năm mất là Ba tôi có nói bà từ trần đúng năm ông nội chúng tôi được mười lăm tuổi đầu. Vả chăng ông nội tôi sanh năm 1848. Cộng thêm mười lăm năm nữa là năm 1863. Ba tôi kể lại lịch sử của bà chỉ có chạy giặc: hết giặc Thổ dậy đến giặc Tây qua lấy nước. Việc nầy trùng hợp, vì năm Tây xâm chiếm ba tỉnh Miền Tây đúng là năm 1862. Tội nghiệp bà chạy mãi thở chưa hết mệt, kế bà gặp một trận bão to bồi tiếp. Thân già sức mòn, tài nào chịu nổi? Phần thì lạnh, phần thì sợ, phần thiếu thuốc men, thiếu săn sóc, nên bà sơ chúng tôi tất hơi thở trong cảnh hãi hùng, duy bà khỏi thấy nước nhà mất độc lập, lọt vào tay Tây.
Chị em bà cả thảy bốn người: bà là chị cả, kế là mẹ vợ ông Châu Đức, kế nữa là mẹ ông Lưu Hỷ, và út chót là mẹ vợ xã Sức.
Con của Số là xã Kóln, người nầy có lập một gánh hát dù kê tức hát cải lương Khmer. Như vậy chi ngoại nầy có một nhánh trở về nguồn, trở lại Khmer. Đó là những gì Ba tôi thuật lại về bốn chị em của bà sơ chúng tôi, còn họ tên là gì, Ba tôi cũng không biết.
Nay mộ của bà vẫn nằm lên sở đất của mẹ vợ ông Châu Đức. Cuộc đất giồng (cương) nầy, Thổ gọi sốc Phno Tin, cách xa chợ Sốc Trăng độ bảy tám cây số ngàn. Phải chăng đây là vị trí xóm xưa bà ở? Phải chăng đây là quê ngoại của ông nội chúng tôi?
Năm trước đây, nhơn dịp lễ Thanh Minh, tôi có về tảo mộ thì thấy thì thấy cuộc đất nầy đã thay đổi chủ. Con cháu ông Châu Đức đã sang nhượng cho một Huê kiều tên là Xiều (Thiều). Ông nầy lập nơi đây một sanh phần vĩ đại, may sao ngôi mộ lúp xúp của bà sơ chúng tôi không án, nên được chủ đất mới để nằm yên chỗ cũ. Không như các mộ tổ tiên khác chôn nơi Trường đua, vốn là đất nghĩa địa thí, nhưng đến năm 1964, chánh quyền cần mở rộng sân phi trường và ra lịnh sung công, buộc lòng chúng tôi phải hốt cốt đem về đất nhà nơi miếng rẫy sau chùa bà Tu Định, đường cũ đi Bạc Liêu, an táng lại. Phen nầy cầu xin nằm đó được vĩnh viễn.