Franz Kafka (1883-1924) là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Tại Việt Nam, Kafka được dịch, xuất bản, nghiên cứu từ khá sớm và đầy đủ, có ảnh hưởng nhất định tới các nhà văn trong nước.
Trong khuôn khổ Kafka Festival Hanoi (5/3-14/4), hội thảo “Kafka với nền văn học châu Á” được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào ngày 14/4. PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - trưởng khoa Văn học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, đồng thời là một người tìm hiểu về Kafka - chia sẻ quan điểm, nhìn nhận về ảnh hưởng của nhà văn này ở Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Tần Tần |
- Tháng 4 tới, Đại học KHXH&NV sẽ tổ chức hội thảo “Kafka với nền văn học châu Á”. Theo ông, Kafka có ảnh hưởng như thế nào tới nền văn học Việt Nam?
- Nội dung chủ yếu của hội thảo này là Kafka ở Việt Nam, bên cạnh đó có so sánh thêm một số thông tin về Kafka ở châu Á như các nước Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…
Đối với Việt Nam, điều độc đáo là Kafka ảnh hưởng sâu sắc ở một số nhà văn quan trọng như Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh… Tôi nghĩ những nhà văn ấy, nếu thiếu họ thì khó có một nền văn học Việt Nam đương đại.
Kafka là một nhà tiên tri. Ông tiên báo trước rất nhiều vấn đề của xã hội đương đại. Đó chính là điểm gặp gỡ giữa ông và các nhà văn Việt Nam.
- Theo ông, Kafka có những tư tưởng chính nào ảnh hưởng mạnh tới các nhà văn Việt Nam?
- Sự tha hóa của con người. Trong những tiểu thuyết viết trước năm 1986 của Nguyễn Xuân Khánh, về tình trạng nghèo khổ, phải nuôi lợn để sống (tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo), chúng ta gặp rất nhiều chi tiết giống như Hóa thân của Kafka.
Hay Kafka nói về tình trạng con người không còn quyền tồn tại độc lập nữa, mà bị ảnh hưởng bởi những sức mạnh bí ẩn như trong tác phẩm Vụ án, Lâu đài. Những tình thế đó ta gặp trong các tác phẩm của Tạ Duy Anh. Đó là cuộc gặp gỡ tư tưởng giữa họ với nhau.
- Ngoài tiên tri sự tha hóa, Kafka còn có tư tưởng nào gây ảnh hưởng?
- Kafka còn lo lắng về sự tồn tại của con người cá nhân trong thế giới hiện đại. Câu chuyện Facebook để lộ thông tin người dùng mấy ngày gần đây chẳng hạn, đó chính là điều mà Kafka tiên tri. Liệu con người cá nhân có được sống, tồn tại riêng tư, được là mình, được sống theo ý mình trong một thế giới quá nhiều quyền lực lớn ảnh hưởng hay không?
- Trong số những người chịu ảnh hưởng Kafka, có ai sau này trở thành gương mặt lớn của văn chương thế giới?
- Điều đó khó có thể kể cho hết được. Giống như người ta nói văn học Nga được sinh ra từ cái túi của Gogol, thì rất nhiều nhà văn sau này đều có lấp lánh nhất định trong Kafka. Câu hỏi đó quá rộng lớn.
Nhà văn Áo gốc Do Thái Stefan Zweig khi mất để lại hồi ký Hồi ức một công dân châu Âu, trong đó cho thấy, trong văn hóa đọc của người châu Âu có Kafka. Giống như chúng ta lớn lên là đã đọc Truyện Kiều vậy.
- Kafka đã xuất hiện ở Việt Nam như thế nào?
- Đầu tiên là ở miền Nam trước năm 1975, Kafka được dịch ở những tập san của các đại học như Đại học Đà Lạt, Đại học Sài Gòn, tạp chí Văn ở Sài Gòn. Vào những năm 1960, 1970, họ bắt đầu dịch truyện ngắn và tiểu thuyết của Kafka.
Sau đó ở miền Bắc từ những năm 1980, trước Đổi mới, dịch giả Đoàn Tử Huyến và Dương Tất Từ đã dịch truyện ngắn Kafka. Tôi tin có những truyện được dịch từ tiếng Séc, tiếng Đức.
Trong thập niên 1990, Kafka được dịch khá đầy đủ ở Việt Nam, từ nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Pháp, như tập Vụ án do nhà nghiên cứu văn học phương Tây xuất sắc là Phùng Văn Tửu dịch.
Tác phẩm của Kafka, túi, sổ in hình Kafka là những món đồ lưu niệm được ưa thích tại festival về ông đang tổ chức tại Hà Nội. |
- Hiện nay, ở Việt Nam đã dịch trọn bộ tác phẩm Kafka chưa?
- Tôi nghĩ câu chuyện ở đây không chỉ là đã dịch trọn bộ hay không. Nếu trọn bộ, thì có thể nói rằng chưa thể dịch hết được. Vì ngay cả tác phẩm Kafka có một vấn đề là trước khi mất, ông muốn đốt hết đi. Và ông gửi lại, giao phó cho người bạn Max Brod làm việc đó. Nhưng Max đã không làm như vậy, mà biên tập lại tiểu thuyết của Kafka, rồi xuất bản chúng.
Nên ngay cả những tác phẩm chúng ta đã dịch, liệu đó có hoàn toàn là tác phẩm của Kafka viết ra hay chưa? Đó cũng là một vấn đề.
Còn nói về toàn tập, trọn vẹn tác phẩm Kafka, thì tôi nghĩ là chưa dịch hết. Nhưng những cuốn quan trọng nhất như Vụ án, Hóa thân, Lâu đài, Nước Mỹ, Thư gửi bố đều đã được dịch.
- Ông đánh giá như thế nào về việc nghiên cứu Kafka ở Việt Nam?
- Tôi nghĩ là rất tuyệt. Kafka đã hiện diện trong những nghiên cứu của các giáo sư quan tâm tới văn học phương Tây, như Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm… Họ đã có những nghiên cứu sâu về Kafka trong bối cảnh chung văn hóa châu Âu. Thậm chí chúng ta còn có chuyên luận riêng của Lê Huy Bắc về Kafka, chúng ta có chuyên luận Kafka và văn học phi lý của Nguyễn Văn Dân…
Nên trường hợp Kafka được nghiên cứu rất sâu sắc ở Việt Nam. Tôi nghĩ ông "may mắn" hơn rất nhiều so với các nhà văn cổ điển ở châu Âu. Ví dụ, chúng ta gần như chưa biết gì về James Joyce, Marcel Proust. Trong khi đó, Kafka, James Joyce và Prout là ba vị khai sinh, mở màn thế giới hiện đại phương Tây. Ông là trường hợp được dịch, nghiên cứu khá đầy đủ ở Việt Nam. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều điều để chúng ta mở rộng, nhưng đó là điều đáng mừng.
- Ở khoa Văn học trường ĐH KHXH&NV, Kafka được dạy như thế nào?
- Chúng tôi không có chuyên đề về tác giả. Nhưng ít nhất, chúng tôi có hai phân môn có Kafka. Thứ nhất là Lịch sử Văn học phương Tây, và hai là Tiểu thuyết phương Tây hiện đại. “Dạy về hai phân môn ấy, nếu không giới thiệu Kafka, thì còn giới thiệu gì nữa?” - chúng tôi thường nói đùa với nhau như vậy. Kafka đã được dạy trong nhà trường. Nhưng tiếc thay, trường phổ thông của chúng ta chưa biết Kafka là ai.
Theo nghiên cứu của một đồng nghiệp từ Đại học Sư phạm, Trung Quốc đã đưa trích đoạn Hóa thân vào sách giáo khoa phổ thông. Điều ấy không khỏi khiến chúng ta giật mình!
- Ông đánh giá thế nào về sự kiện Kafka festival đang diễn ra tại Hà Nội?
- Đây là lần đầu có một festival về nhà văn Kafka được tổ chức ở Việt Nam, và tôi hy vọng nó thành công. Nó có những khó khăn nhất định, bởi đây là những giá trị cổ điển, chứ không phải giá trị đại chúng. Nếu là những giá trị đại chúng, việc giới thiệu sẽ dễ có công chúng hơn. Nhưng tôi vừa xem doanh thu hội sách TP.HCM mới đây, tôi thấy đó có thể là tín hiệu khiến chúng ta có thể yên lòng, rằng càng ngày, khi đã có chiều rộng, chiều sâu văn hóa đọc sẽ càng được khơi thông, đẩy mạnh.