Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa được thống nhất.
Nhà triết học cổ Hy Lạp Platon (427 - 346 trước CN) cho rằng: “Mơ là tiếp tục cuộc sống thường ngày của loài người. Mơ là suối nguồn của sáng tạo”.
Freud nói: “Mơ là một loại thỏa mãn nguyện vọng đã được biến hình.” Chưa ai nói rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống về giấc mơ, ảnh hưởng của nó đến tư tưởng, hành động và sức khỏe con người.
Thực ra giấc mơ gắn liền với cuộc sống thực, có lúc rất ứng nghiệm nhưng khó giải thích.
Người xưa thường cho giấc mơ là huyền bí. Việc đoán giải các giấc mơ trở nên nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội cổ đại phương Đông, đặc biệt thịnh hành ở Trung Hoa. Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, thuật chiêm mộng đã được thịnh hành trong các vương triều. Qua nội dung các giấc mơ, các thầy “chiêm mộng” đã vận dụng tri thức thô sơ để đoán định tương lai, những sự việc sắp xảy ra.
Ngày nay, dưới góc độ khoa học, chúng ta cần mạnh dạn đi sâu phân tích, nghiên cứu một cách khoa học các giấc mơ để góp phần tiên định tương lai.
Nói như thế không có nghĩa là cuốn sách nhỏ này sẽ cung cấp được tất cả những điều cần biết về giấc mơ. Có những vấn đề đưa ra trong sách cũng chỉ dừng lại ở mức nêu vấn đề, trình bày hiện tượng, còn việc lý giải cho thực sự khoa học, thấu đáo đang trông chờ nơi các nhà khoa học.
Biên soạn cuốn sách Khoa học với những giấc mơ chúng tôi có tham khảo nhiều sách nghiên cứu của phương Đông cũng như phương Tây, nhưng do trình độ có hạn, chắc hẳn còn nhiều khiếm khuyết, mong được lượng thứ.
Xin cảm ơn các nhà nghiên cứu, các tác giả đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình biên soạn.
Tác giả
Trong Tam quốc diễn nghĩa có chép giấc mơ hung dữ của Ngụy Diên. Lúa bấy giờ Gia Cát Lượng đang nhận chức Đại tướng quân chinh tây, đi dẹp Tào Tháo, bổ nhiệm Ngụy Diên làm tướng tiên phong đem quân ra Kỳ Sơn. Có một người nghiên cứu mơ nổi tiếng là Triệu Trực cũng theo đi và cùng ở trong doanh trại. Ngụy Diên hạ trại cách Gia Cát Khổng Minh hơn 10 dặm. Từ đó Ngụy Diên mơ thấy mình mọc một cái sừng trên đầu, bèn mời Triệu Trực đến giải thích.
Triệu Trực biết Ngụy Diên là người tiểu nhân phản phúc, không dám nói thẳng bèn nói thác rằng ngày xưa kỳ lân có sừng mà không dùng, chẳng khác gì có giặc mà không đánh thì sẽ chuốc lấy bại. Ngụy Diên nghe rất khoái chí. Triệu Trực nói với mọi người: Chữ “giác”, trên có chữ “dao” dưới có chữ “dụng” là điều cực kỳ xấu.
Về sau Gia Cát Lượng lúc sắp qua đời đã để lại cho Tham quân Dương Nghi cẩm nang, trong đó có diệu kế.
Khi Gia Cát Lượng thu phục Ngụy Diên đã thấy sau gáy của Ngụy Diên có xương phản phúc, muốn giết đi trừ hậu họa. Do Lưu Bị thu hàng dùng người nên Ngụy Diên được làm tướng trong quân Lưu - Thục. Lần này Gia Cát Lượng biết mình chết, trong quân không có chủ soái, Ngụy Diên thế nào cũng làm phản liền bảo Dương Nghi mở cẩm nang ra, cứ theo kế mà làm.
Quả nhiên Gia Cát Lượng vừa chết, Ngụy Diên mưu phản, dẫn quân quay giáo. Dương Nghi theo diệu kế của Gia Cát Lượng cố ý làm cho Ngụy Diên nổi giận, khích cho Ngụy Diên giữa trận tiền hô ba lần: “Ai dám giết ta”. Ngụy Diên không biết bị lừa, bèn đứng giữa ba quân hô to, câu thứ hai vừa cất lên thì sau lưng có Mã Đại quát to: “Tao dám giết mày” rồi vung dao chém Ngụy Diên ngã xuống chân ngựa.
Mã Đại đã theo kế của Gia Cát Lượng theo sát Ngụy Diên, chờ thời cơ giết Ngụy Diên, giữ được giang sơn cho nước Thục được mấy chục năm.
Trong Tả truyện cũng có chuyện thế này:
Thành công được mười năm, Tấn Hầu nằm mơ thấy bầy quỷ không đầu, con cháu Đại Lịch nhảy nhót quanh giường ông, nạt nộ:
- Nhà ngươi giết con cháu của ta, làm việc bất nghĩa.
Ngọc hoàng Thượng đế cho phép ta báo thù.
Tấn Hầu tỉnh giấc, hết sức lo sợ, cho mời Tang Điền đến đoán mơ. Tang Điền nói là có chuyện chết chóc, tháng 6 năm đó khi thu hoạch lúa mới sẽ không còn ai trông thấy Tấn Hầu nữa.
Sau đó Tấn Hầu nhờ danh y nước Tần đến xem bệnh cũng được báo là bệnh không có thuốc nào chữa được.
Tấn Hầu nghe phán chẳng khác gì bị xử tử hình, quyết tâm chống lại số mệnh. Đến tháng 6, khi gặt lúa mới, Tấn Hầu bắt chém đầu các thầy bói để thị uy.
Nhưng lúc đang ăn cơm mới đột nhiên bụng Tấn Hầu trương to, chết ngay.
Ngày nay quan điểm khoa học có thể giải thích rằng:
Tấn Hầu nằm mơ thấy Đại Lịch, thấy có quỷ là do đã giết quá nhiều con cháu của Đại Lịch, lòng lo sợ, giấc mơ phản ánh tâm lý này.
Tục ngữ có câu:
“Bệnh từ tâm không có thuốc chữa” Người bói toán đã mượn thường thức y học để giải nghĩa các giấc mơ, không phải là không có lý.
Về cái chết của Tần Thủy Hoàng cũng có điềm báo trước trong giấc mơ. Trong tác phẩm nổi tiếng Luận Hành của nhà triết học Vương Sung đời Đông Hán có chép:
“Cuộc đời ba mươi sáu năm ngồi trên ngai vàng của Tần Thủy Hoàng luôn luôn thủ thế, năm thứ 36 có một ngôi sao rơi xuống thành đá, có khắc rõ:
Tần Thủy Hoàng chết là báo điềm tan rã của nhà Tần.
Tần Thủy Hoàng xem tấm đá có khắc chữ, trầm ngâm suy nghĩ.
Năm sau, Tần Thủy Hoàng nằm mơ thấy Thần biển bắn chết cá lớn, năm đó ông chết ở Sa Khâu.
Giấc mơ đã báo trước cái chết của con người, con cá lớn là Tần Thủy Hoàng (người ta ví Tần Thủy Hoàng như tổ tiên của Rồng).
Vào giữa năm Đồng Trị, triều Mãn Thanh có Thái giám An Đức Hải lộng hành, dựa vào thế Từ Hy bày việc ca vũ trong thuyền mua vui, còn trang hoàng trần thiết theo kiểu nhà vua như áo rồng, thuyền rồng. Trước khi dời kinh thành, An Đức Hải nằm mơ thấy hắn biến thành một cây to, cành lá xum xuê. Rồi đột nhiên cái cây bị chặt thành từng đoạn gỗ, đầu đuôi không thấy. Tỉnh giấc, hắn cho rằng mình lớn như cây lá, có người che chở, những đoạn gỗ trong giấc mơ báo rằng mình có thể đi lại tự do, không ai gò bó.
An Đức Hải tổ chức yến ẩm ca hát, lại còn sai người xin chữ phê của Hoàng đế. Hoàng đế viết một chữ “nữ” 女 đưa cho hắn. Lúc bấy giờ có người nói chữ vua cho như thế là không tốt. Bởi vì chữ “nữ” 女là chữ “an” 安 mất đầu, làm việc cần giữ gìn. Cũng phải nhớ rằng từ lâu Hoàng đế Đồng Trị muốn trừ bỏ An Đức Hải nhưng chưa có dịp, giờ là thời điểm rất tốt để diệt trừ tên tâm phúc của Từ Hy.
Quả nhiên, An Đức Hải chưa về đến kinh sư đã bị Bảo Trinh lấy khuôn phép của tổ tiên buộc hắn vào tội “người trong cung không được phép ra ngoài”.
Sách Thái Bình quảng ký có chép:
Có một người tên gọi là Chu Thiếu Khanh, đến Thành Đô trọ. Đêm Chu Thiếu Khanh nằm mơ thấy có người gọi lanh lảnh thì giật mình tỉnh dậy, thấy xung quanh không có động tĩnh gì lại nằm xuống ngủ. Giấc mơ lại đến. Lần này Chu Thiếu Khanh mơ thấy có một người cầm một quyển sách nói:
- Chu Thiếu Khanh quả nhiên ở đây!
Chu Thiếu Khanh nói:
- Họ như nhau, nhưng Thiếu Khanh không phải là tôi.
Người nọ cuộn quyển sách chỉ để lộ một dòng có ba chữ Chu Thiếu Khanh.
Lúc đó có một người cưỡi ngựa từ ngoài vào và gọi:
- Chu Thiếu Khanh, ra mà lấy này.
Chu Thiếu Khanh nhìn ra thì thấy con ngựa không có chân trước, đi khập khiễng trông rất khổ sở.
Chu Thiếu Khanh giật mình tỉnh dậy, sau đó vẫn bị giấc mơ ám ảnh. Quả nhiên không lâu hai chân của anh bị thương, phải cưa đứt.
Một nhà khoa học Mỹ đã thể nghiệm sâu sắc điều này. Ông cùng với một người bạn đốn cây trong rừng, cả hai người đều nằm mơ thấy chân của họ bị cụt một nửa. Hôm sau hai người kể chuyện này cho nhau nghe, họ chẳng biết có điều gì xảy ra, quyết định không đi làm nữa. Về sau mọi việc xảy ra đúng như những điều đã mơ thấy.
Một số nhà y học và tâm lí học hiện đại sau khi nghiên cứu số mệnh con người đã đi đến kết luận:
Những bệnh sinh ra ở bộ phận chân con người đều liên quan đến hình ảnh chó hoặc ngựa trong giấc mơ.
Trong giấc mơ nếu chó và ngựa gãy chân thì con người cũng thế.