Bức tranh hiện thực, với những gam màu xám lạnh về Sài Gòn của tác giả chuyên về những đề tài gai góc. Tất cả nhân vật, sự kiện trong tác phẩm này đều chỉ là hư cấu, nếu có trùng khớp hay hơi hơi giống bất cứ thứ gì ngoài đời, đều chỉ là ngẫu nhiên.
Sài Gòn kia hào nhoáng lắm, sôi nổi, đông vui lắm, hà cớ gì phải khóc? Nhưng đọc sách của Nguyễn Ngọc Thạch mới thấy ở những nơi càng rộng lớn, con người càng dễ cô đơn.
Gần đây, yếu tố sex xuất hiện khá nhiều trong sách của các nhà văn trẻ. Tuy nhiên, để đưa chất liệu nhạy cảm này vào tác phẩm một cách khéo léo và tinh tế không phải chuyện dễ. Nguyễn Ngọc Thạch đã thành công khi theo hướng này. Sau Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà, Chuyển giới, Mẹ ơi con đồng tính, Chênh vênh hai lăm, Một giọt đàn bà, Khóc giữa Sài Gòn là cuốn sách tiếp theo Nguyễn Ngọc Thạch viết về những đề tài gai góc của xã hội. Thạch như đang thuật lại những câu chuyện đời thường mà anh là một phần trong số đó. Thạch có một biệt tài khác nữa: hiểu đàn bà hơn chính đàn bà. Anh biết họ cần gì, muốn gì, và đau đớn vì điều gì. Cứ thế, Thạch chỉ việc khắc họa nhân vật thôi, và người đọc - nhất là phái nữ - tự nhiên sẽ tìm thấy mình trong các đứa con tinh thần của Thạch.
Cái nhìn của Thạch trong Khóc giữa Sài Gòn không chỉ về tình yêu đơn thuần mà còn về sự hy sinh và nỗ lực kéo người mình yêu khỏi nỗi đau của đời họ, như Phan "đã nguyện dùng phần đời còn lại để giúp Nam lau hết nước mắt đau thương". Dưới con mắt của Thạch, tình dục trở nên thơ và đẹp hơn bao giờ hết. Không trần trụi, cũng không bóng bẩy. Thạch khiến ta có cái nhìn khác hơn về những người đồng tính, về những khát khao tình yêu của họ, về cả những nỗi đau. Họ cũng yêu, đau và chấp nhận hy sinh. Họ cũng có những ước mơ hạnh phúc nhưng bị vướng vào những thị phi của xã hội. Họ bị dư luận nhấn chìm. Nguyễn Ngọc Thạch đã cho người đồng tính quyền được sống, được yêu và có thể ngẩng cao đầu với tất cả mọi người. Chỉ tiếc, những gì đi ngược với quy luật tạo hóa đều có một cái kết buồn...
Mời các bạn đón đọc
Khóc Giữa Sài Gòn của tác giả
Nguyễn Ngọc Thạch.