Cuốn sách được chia thành hai phần rõ rệt. Phần đầu tiên được kể ở ngôi thứ nhất, có tựa Chân dung một người vô hình. Đó là một cuộc hành trình. Hành trình bước vào một bí mật, khi Auster không cố tình tìm kiếm, không chờ đợi, không kỳ vọng.
Từ những vết dấu để lại của người cha trong suốt mười lăm năm sống đơn độc, từ những mảnh ghép lấp chồng trong quá khứ hiện về rời rạc, vô thức, Auster đã tạo nên hình ảnh của người cha mà trước đó ông không thể chạm vào. Những bước chân của ông trên cuộc hành trình ấy, không dẫn lối ông về lòng hoài nhớ quá khứ, mà đi đến sự thấu cảm đầy sầu não. Người cha mà ông đã từng biết, không phải là người mà ông luôn nhìn thấy. Người cha đã từng vô hình, bỗng trở nên hữu hình với ông. Từ những điều ấy, sự đồng cảm nảy nở. Đó là cái khoảng ấm áp, cái tình yêu mà Auster gần như không bao giờ cảm thấy khi cha còn sống.
Tác phẩm Khởi sinh của cô độc.
Phần thứ hai của cuốn sách là Sách của ký ức. Dòng văn chương lại được kể ở ngôi thứ ba, nhân vật chính là một nhà văn tên A. Anh ở trong căn phòng của mình, cô lập với thế giới và bắt đầu tái hiện lại những mảnh ký ức của mình bằng những câu chuyện xung quanh, mà ở đó vết dấu của sự tưởng tượng và ghép nối của thực tại xoắn quện vào nhau, tạo nên một vùng mê cung tâm trí đầy rẫy những ý tưởng và tâm tư.
Trong cuốn sách ký ức, Auster đặt câu chuyện của mình giữa những mẩu chuyện khác, với mạch liên kết là mối kết nối giữa tình cha con. Từ thần thoại Hy Lạp, hình ảnh người anh hùng còn sót lại của thành Troy, vai cõng cha già, tay dắt con thơ vượt qua cơn nước lửa thoát đến chỗ an toàn, Paul Auster đã nhìn thấy được sự tương kết với hình ảnh Pinocchio cõng cha thoát khỏi bụng cá voi. Khi Pinocchio cõng cha bơi giữa biển khơi mịt mù và đêm tối dọa dẫm, cậu chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu phải chết thì “ít nhất cha con mình cũng được chết cùng nhau”.
Đó cũng là mẩu chuyện thi sĩ Pháp Mallarmé viết những vần thơ đau buồn bên giường đứa con trai đang chết dần, là chuyện của chính Auster – người cha thức suốt ba ngày ba đêm bên cậu con trai hai tuổi bệnh thập tử nhất sinh. Và còn có câu chuyện người con lần giở từng món đồ của người cha vừa từ giã cõi đời để nhận ra rằng mình vừa mất cha, cùng lúc đó lại tìm thấy cha.
Những mẩu chuyện ấy được kể lại trong những cuốn sách của ký ức, trong căn phòng xa lạ hoàn toàn với thế giới loài người. Ấy là sự ghi nhớ hay chính là sự phản chiếu lại chính bản thân mình, khi chỉ có mình đối diện với chính mình.
Auster nhắc đi nhắc lại trạng thái cô độc, lý giải sự cô độc, và đối diện với sự cô độc. Ông nhắc đi nhắc lại về hình ảnh một người trong căn phòng của mình, đó là A, là Anne Frank, Friedrich Holderlin, Emily Dickinson, Van Gogh.., Auster coi trạng thái ấy là khởi đầu và cũng là kết thúc của mọi chuyện. Còn ở đoạn giữa, giữa sự sống và cái chết ấy, thực ra đã diễn ra những điều gì. Để lưu giữ cái khoảng giữa cô độc ấy, ông viết những cuốn sách của Ký ức.
Auster viết: “Rồi anh viết. Nó đã từng. Nó sẽ không bao giờ lại như thế nữa”, những từ ngữ ấy là chìa khóa mở - đóng cho cuốn sách ký ức. Auster viết lại để ghi nhớ, bởi chúng ta dù cố gắng đến đâu cũng không thể tái lập lại quá khứ vẹn nguyên như thế nữa. Ấy là điều bất khả và gây đau đớn nếu ta cố chấp theo đuổi. Cũng bởi thế, Paul viết cuốn sách ký ức để bù đắp cho những gì người cha không làm được. Paul viết cho con trai mình, để sau này, con trai ông không cần phải dò dẫm, lục lọi, và xác định mọi điều như ông đã từng phải làm đối với người cha cô độc của mình. Ông đã lựa chọn điều đẹp đẽ ấy, như một cách giãi bày sâu thẳm nhất, đến gần với con người nhất. Ấy cũng là gắn kết mong manh nhưng tốt lành nhất giữa con người với con người.
Nhà văn Paul Auster. Ảnh: newstateman
Ở cuốn sách đầu tay này, Auster cũng đã bắt đầu bày tỏ những trăn trở về việc viết văn. Có lẽ cái khởi đầu của cô độc mà ông nhận ra ấy, đã đẩy ông đến gần hơn với ngôn ngữ. Lối viết của Auster ở đây đã tỏ ra vô cùng linh hoạt, và đa dạng khi cố tình phá bỏ cấu trúc thông thường của tiểu thuyết, để lồng ghép những tiểu thuyết nhỏ trong tiểu thuyết lớn, đặt những câu chuyện tưởng như tách bạch nhau bên cạnh nhau, tạo thành một đường dây liên văn bản đầy sáng tạo, hứng khởi và thách thức.
Thế giới văn chương của Paul là một thế giới văn chương biến hóa khôn lường. Bắt đầu từ Khởi sinh của cô độc, và sau này là Trần trụi với văn chương, Moon Palace, Người trong bóng tối, Nhạc đời may rủi... Paul Auster luôn có cách khiến độc giả bị hấp dẫn ban đầu bởi những đề tài độc đáo, những chi tiết “câu khách”, với lối viết đa dạng, kết hợp nhiều thể loại, như trinh thám, điều tra, đầy bí ẩn, đầy mâu thuẫn, đầy phi lý... Nhưng tất cả những chi tiết ấy, hòa trộn với nhau để tạo thành thế giới nghệ thuật Paul Auster, hoàn toàn đứng vững trên ranh giới giữa nghệ thuật đỉnh cao, và giải trí rẻ tiền.
Tác phẩm của Auster rất phổ biến tại Mỹ, nhưng không phải vì thế mà văn chương của ông tầm thường. Ngược lại, tận cùng hạt nhân của những tác phẩm ấy, chính là một sự suy nghiệm nhân sinh độc đáo, khúc triết và vô cùng nhân hậu. Ấy cũng chính là khởi sinh những tác phẩm độc đáo của nền văn chương hậu hiện đại.
Phong Linh - Zing.vn