DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Khu Trại Trong Thảo Nguyên

Tác giả Valentine Kataev
Bộ sách Sóng Hắc Hải
Thể loại Tiểu thuyết
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3108
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Valentine Kataev Sóng Hắc Hải Tiểu thuyết Văn học Nga Văn học phương Tây
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Bộ tiểu thuyết Sóng Hắc Hải - Valentin Kataev gồm 4 phần:
  • Phần 1: Cánh buồm trắng cô độc
  • Phần 2: Khu trại trong thảo nguyên
  • Phần 3: Gió mùa đông
  • Phần 4: Đường hầm Ô đét xa

 

KHU TRẠI TRONG THẢO NGUYÊN

trong bộ bốn tập - “SÓNG HẮC HẢI”

Năm 1910, trên báo “Người đưa tin Ôđexxa” - xuất hiện bài thơ đầu tiên của cậu bé Valia1 mười bốn tuổi - bài thơ “Mùa thu”. Ở đây dường như có điều gì báo trước về một nhà văn tương lai có tâm hồn thơ mộng, sớm gắn bó lòng mình với thiên nhiên. Bài thơ đầu tay là những suy tưởng trữ tình, những nét phác họa về mùa thu, về thiên nhiên Nga tươi đẹp.

Mùa hè năm 1913, lần đầu tiên nếm hương vị thành quả văn chương, khi nhận được giấy mời của một tờ báo nhỏ ở Ôđexxa mời các nhà thơ trẻ tham gia câu lạc bộ văn nghệ địa phương, nhà văn tương lai ấy đã đắn đo suy nghĩ: “Liệu một học sinh trung học 16 tuổi đầu đã có thể coi mình là “trẻ”? Với dăm ba bài thơ đăng trên báo hàng ngày liệu đã có thể coi mình là “nhà thơ”?. Nhưng anh vẫn lên đường đến câu lạc bộ. Ở đây việc kết nạp hội viên phải thông qua đầu phiếu. Nhưng trong số những người đã từng đọc thơ mình ở đây chỉ có hai người được hưởng cái vinh dự lớn là được mời thẳng lên đoàn chủ tịch mà không phải bầu bán gì cả. Đó là V. Kataep và E. Bagrixki2.

Khi trở thành nhà văn nổi tiếng, V. Kataep đã nhắc lại sự việc trên trong truyện ngắn “Gặp gỡ”. Cái thuở ban đầu ấy có cái gì đã kết tinh, không thể hòa tan mà sau này bạn đọc vẫn còn gặp lại trên nhiều trang sách của nhà văn, đó là nụ cười châm biếm, có khi nhân hậu, có khi cay độc như một nét riêng của miền duyên hải Ôđexxa, bắt nguồn từ quá khứ xa xưa: từ người dân chài trên bãi biển, từ anh công nhân lam lũ, từ người lính thủy can trường hay ở những em bé đồng biển với nước da đen sạm vì sóng gió Hắc hải và mặt trời phương nam.

Cũng như nhiều nhà văn khác thuộc thời kỳ này, V. Kataep bước vào làng văn qua lối chiến hào bằng những bản tin và bút ký mặt trận. Tiếp theo là những ngày sôi nổi của Cách mạng. Trong những giờ phút gay go và căng thẳng, con người thường trưởng thành sớm hơn tuổi tác, nhất là nhà văn, và chính trong cơn lốc cách mạng ấy tài năng của nhiều nhà văn, trong đó có V. Kataep đã nảy nở một cách mau lẹ và vững chắc. V. Kataep đã trưởng thành trước khi ông từ giã tuổi thiếu niên. Thế nhưng đối với V. Kataep ngay cả khi tuổi niên thiếu đã qua rồi, ông vẫn còn giữ được rất lâu tâm hồn khát khao được quay lại đầm mình trong tuổi niên thiếu, và quả thực nhà văn đã trở lại sau những lần “trở về” ấy. V. Kataep là một trong những người trong khi vẫn vui vẻ tiếp nhận tuổi đời và say sưa với những công việc của “tuổi tác mình” nhưng vẫn háo hức sống với những năm tháng đã qua, có khi là những tháng năm xa xôi tưởng như chẳng mấy ai còn nhớ tới nữa - những năm tháng có khi vui tươi, đầy mơ ước háo hức, song cũng có khi buồn.

Vào những năm thứ hai mươi, khi tuổi đời và tuổi nghề của nhà văn chưa có bao lăm, các nhân vật trong sáng tác của ông thường là những kẻ nhàn tản vô vị: người ta chơi cờ, chơi bài, người ta đùa với tình yêu và dỡn trong đủ mọi quan hệ. Thế nhưng ông chưa có đủ ngay lòng căm thù với những kẻ thù của nhân dân để hành động và chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng, đấu tranh với bản thân để đưa ông đến “Cái giếng thần” (1966), thì lòng căm thù trong ông mới chín muồi, mới trở nên sôi sục, và được sử dụng không đến nỗi uổng phí. Nhà văn đã thấy được mình viết cho ai và chống ai. Lúc này trong sáng tác của ông thể hiện rõ khuynh hướng bi hùng và châm biếm: “Trong thành phố bị bao vây” (1922); “Bút ký về cuộc nội chiến” (1924). Tuy nhiên người ta vẫn thấy trong sáng tác của ông phảng phất “cái thứ triết lý của anh tiểu tư sản, cái thứ triết lý của những người không muốn xây dựng lại cuộc đời, văng vẳng tiếng thở dài mệt mỏi trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, dốt nát...”.

Vào những năm 30, khi nhân dân Liên Xô náo nức hưởng ứng dự định táo bạo của Đảng CSLX: xây dựng trong thảo nguyên hoang vu “Pugatsep” một nhà máy: liên hợp luyện kim, V. Kataep đã say mê với cái nhà máy “Magnitka” tương lai ấy và viết tiểu thuyết thời sự “Thời gian ơi, tiến lên!”, tác phẩm này của ông cũng mới mẻ và táo bạo như bản thân cái công trường xây dựng kia vậy. Cuốn tiểu thuyết đã từng làm cho nhiều bạn đọc ngạc nhiên. Cuốn sách ca tụng những con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trong sự nghiệp xây dựng lại cuộc đời, đấu tranh với đói nghèo, dốt nát, những con người không biết tới khoái lạc tầm thường ngoài lao động quên mình - lao động là nhu cầu sống còn số một. Trong tiểu thuyết, lối văn châm biếm với cái giọng nhát gừng, đầy sức sống kết hợp với lối văn nhanh gọn của báo chí và ngôn ngữ đanh thép, chính xác của các quy phạm công vụ, tạo nên một lối văn phong hỗn hợp, độc đáo mà vẫn gắn bó hữu cơ - người đương thời gọi là phong cách thời đại. Trong cuốn sách đầy nhiệt tình tiến lên phía trước: lao động, lao động vượt mức kế hoạch, tiến trước thời gian! Con người ở đây hăng say lao động như một cơn lốc, cơn lốc của một điệu Vanxơ vui tươi và phấn kích...

Lúc này V. Kataep cộng tác với báo “Pravda” và nhiều báo khác, ông có dịp lăn lộn trên khắp các ngả đường của đất nước, viết nhiều bài thơ cổ động phục vụ những nhiệm vụ cấp bách của Đảng, cả trong thời chiến cũng như trong lúc xây dựng hòa bình. Công cuộc lao động xây dựng đất nước đã mang lại cho ông nhiều cảm nghĩ vui tươi, nụ cười của ông trở nên lạc quan và châm chọc đúng chỗ. Ông viết những vở kịch vui “Hình vuông của hình tròn”, “Một triệu nỗi khổ cực”, “Con đường hoa” - ông tiếp tục chế giễu tên tiểu tư sản; mặc dù ông đã nhiều lần đọc điếu văn bên nấm mồ của hắn, vậy mà hắn vẫn ngoan cố, thay hình đổi dạng trở về bằng đủ mọi cách. Ông biểu lộ niềm sung sướng trước thắng lợi của cuộc sống mới, trước những đổi thay ngày một tốt đẹp hơn trong nhiều quan hệ giữa người với người bằng những sáng tác kịp thời.

Đến đây bỗng nhiên ta thấy thêm một đổi thay bất ngờ. Khi ông đang say sưa bám sát thời gian và sáng tác theo nhịp độ của công trường, tìm thấy ở đấy những nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, đang tiếp tục cười nhạo báng tất cả những gì lạc lõng, sai với nhịp bước của điệu Vanxơ thời đại kia, thì bỗng nhiên cuốn tiểu thuyết “Cánh buồm trắng cô độc” (1936) xuất hiện như một hành trình đường đột, bí mật quay lại thời thơ ấu xa xưa tưởng như đã lu mờ sau khói bụi của công trường và nhà máy - thời gian.

Uống nước nhớ nguồn. Cái hôm nay đã bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?! Ông quay lại quá khứ không phải “đơn giản” như người ta tưởng, và sự ra đời của cuốn “Cánh buồm trắng cô độc” cũng không phải là một “bỗng nhiên”, vì một nhà văn nghiêm khắc viết về quá khứ không thể là “bỗng nhiên”. Cuộc sống của ông diễn ra theo hai chiều đối nhau: chạy nhanh lên phía trước sánh bước với thời gian và đồng thời quay lại suy tư về những cái đã qua, đó quả là một quá trình lao động gian khổ: thu thập tư liệu, xác định tâm trạng - cái quyết định sắc thái của cuốn sách.

Chính V. Kataep đã xác nhận rằng từ lâu ông vẫn hằng mong ước được hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình: - Năm 1905, một ngày tháng sáu oi bức. Trên kè đá bờ biển Ôđexxa chật ních người. Bầu không khí trầm lặng đầy vẻ lo âu, rùng rợn.

Một chú bé tám tuổi, trố mắt ra vì kinh ngạc, cố lách mình qua đám đông, len lỏi đến tận hàng rào sắt. Chú bé nhìn thấy chiếc chiến hạm ba ống khói “Pôchômkin” với lá cờ đỏ tung bay trong gió đã nổi dậy và giờ đây đang tiến gần về phía bờ biển Ôđexxa, Và ông kể lại rằng: “Cả thành phố vui mừng chào đón tin nổi dậy của chiến hạm. Và từ giờ phút ấy trong tôi bắt đầu nhen nhóm một ý thức. - Hình ảnh kỳ diệu của con tầu “nổi loạn” cứ bám riết theo nhà văn trên mọi nẻo đường sáng tạo của ông. Nhưng thời thơ ấu ấy không phải chỉ là sự hồi tưởng cá nhân đầy xúc động, mà còn là một giai đoạn lịch sử đẫm máu. Về cái bi tráng của tháng năm này ông đã viết truyện ngắn “Rôđiôn Giukốp” (1926).

Rôđiôn Giukốp là một trong 700 thủy thủ của chiến hạm “nổi loạn” “Pôchômkin” đã đổ bộ lên bờ biển Rumani. Sau đó họ tản đi khắp thế giới và không mấy ai biết đến số phận của họ ra sao nữa. Nhưng Rôđiôn Giukốp là một người không thể sống xa tổ quốc, biết là nguy hiểm anh vẫn tìm cách trở về. Anh đã trở về và sau nhiều ngày đêm lang thang trong thảo nguyên Ukrain: ốm yếu, đói khát với tâm trạng phấp phỏng lo âu, anh dốc nốt đồng 50 kôpếch cuối cùng để mua tấm vé tầu trở về Ôđexxa, nhưng anh đã bị bắt ngay trên bến cảng.

Truyện được tả lại bằng lối văn thích hợp với đề tài, không cường điệu và phô trương. Nhưng trong, đó dường như vẫn vấn vương một điều gì chưa giải quyết xong, nó tựa hồ như một hạt giống nếu gặp môi trường ắt sẽ nảy sinh. Vào những năm 20, rõ ràng nhà văn không hề nghĩ tới cuộc đời thứ hai của Rôđiôn Giukốp, ông cho rằng nói thế là đủ rồi. Nhưng khi ông có ý định quay về với thời thơ ấu, trở lại năm 1905 thì những cái tưởng đã phai mờ lại sống lại trong ký ức của ông dưới một nhãn quan khác, tinh tường hơn, trong đó có Rôđiôn Giukốp.

Khi ông viết “Cánh buồm trắng cô độc” kể về những người bạn ấu thơ giãi dầu trong sóng gió Hắc hải và cháy sạm dưới mặt trời phương nam, thì cái chất bi tráng của câu chuyện mà ông đã viết về Giukốp không thật thích hợp với sắc diện của cuốn sách nữa. Nhưng Giukốp vẫn trở lại, anh trở thành cái cầu để đưa Pêchya và Gavrik đến với cuộc cách mạng đang sinh sôi và phát triển. Trong bộ bốn tập “Sóng Hắc hải”, tuy là nhân vật quan trọng, song Rôđiôn Giukốp vẫn chỉ đứng ở bình diện thứ hai. Từ câu chuyện cũ, chỉ vài ba tình tiết được chọn lọc dựa vào bộ tiểu thuyết bốn tập này, Giukốp con người thực đã nhường chỗ cho Giukốp tượng trưng và Giukốp biểu tượng cho bối cảnh đấu tranh cách mạng đầy nguy hiểm của thời kỳ bí mật.

Đối với trẻ em, nhất là đối với cậu học sinh hay mơ mộng Pêchya Batsây, thế giới này đầy những bí ẩn hấp dẫn: những nhiệm vụ bí mật, những cuộc gặp gỡ đáng ngờ văng vẳng những câu nói nghe lạ tai... Ở đây tính lãng mạn nhiều màu sắc vốn có của biển khơi được nâng lên thành tính lãng mạn mộc mạc, kín đáo của cuộc cách mạng. Sự kết hợp hài hòa ấy đã làm cho câu chuyện vừa êm ái, thơ mộng vừa có cái không khí oi nồng, tức tối của lúc trời sắp nổi cơn giông.

Ở đây không còn thấy cái nhịp điệu hối hả, dồn dập của bao sự kiện trong tiểu thuyết “Thời gian ơi, tiến lên!”, không còn cái sắc thái bông đùa riễu cợt của những truyện ngắn thuở xưa. Ở đây đã hình thành một phong cách mới - một lối văn xuôi điềm tĩnh, trầm mặc với những sắc thái muôn hình muôn vẻ, một lối viết súc tích cổ điển, chú ý nhiều đến những chi tiết tưởng như vụn vặt, chẳng có gì quan trọng, nhưng lại là chất liệu tạo ra nội dung mềm mại của câu chuyện. Đó là những tình tiết hết sức thông thường và đồng thời cũng rất bất ngờ. Biển ở đây cũng sống một cuộc sống gắn bó với các nhân vật nhỏ bé và với những sự kiện vĩ đại.

“Khi thì biển yên tĩnh, xanh biếc màu da trời, đôi chỗ có những dải nước lặng, trăng trắng như những con đường nhỏ. Khi thì nó rực lên một màu xanh lơ bừng chói lấp lánh. Khi thì nó dập dờn như những đàn cừu tung tăng đùa dỡn. Khi thì một làn gió mát thoảng qua, làm nó bỗng nhiên ngả sang màu chàm xẫm và xù lên như lông cừu bị vuốt ngược. Khi thì bão ập tới, biển thay hình đổi dạng nom đến đáng sợ. Một trận cuồng phong rồ lên một đợt sóng lớn. Trên bầu trời màu than chì, những con hải âu vừa bay vừa kêu la ầm ĩ. Những làn sóng hung cuồn cuộn đi và quăng quật dọc bờ biển một cái xác cá heo bóng nhẫy. Phía trên nhưng đám mây nâu của cơn bão biển, chân trời màu lá mạ sáng chói dựng lên như một bức tường lởm chởm. Những con sóng nhào đầy bọt hệt như tấm đá khổng tước chằng chịt những đường vân rộng trắng xóa, đâm xô vào bờ, vỡ tan ra, làm dội lên những tiếng ầm ầm như tiếng súng đại bác. Tiếng dội âm vang ngân lên trong bầu không khí đầy tiếng động inh tai. Bụi nước bắn lên, tạo thành một làn sương mù mỏng mảnh, rủ xuống như một tấm sa mỏng phơ phất trên suốt chiều cao đồ sộ của những bờ dốc đang rung chuyển.

Nhưng vẻ mê hoặc chủ yếu của biển là trong khoảng không bao la của nó bao giờ cũng giữ kín một điều gì bí mật.

Ánh lân quang của biển chẳng phải là điều bí mật sao, khi mà trong một đêm tháng sáu không trăng, bàn tay ta dúng xuống làn nước ấm đen sì bỗng sáng rực lên, lấp lánh những tia sáng xanh. Hay những đốm lửa chuyển động của những con tàu vô hình và những luồng sáng nhợt nhạt, bừng lên một cách chậm chạp của ngọn hải đăng chưa từng biết? Hay số hạt cát mà trí tuệ con người không thể nào đếm xuể?

Cuối cùng là hình ảnh kỳ ảo của chiếc thiết giáp hạm nổi loạn có lần đã xuất hiện ở ngoài khơi xa tắp, chẳng phải là một điều hoàn toàn bí ẩn sao?”

Đọc những đoạn văn trên đây ta có cảm tưởng rằng đó không thể là ký ức của nghệ sĩ dù là một nghệ sĩ từng trải và có tài, mà phải là cặp mắt trong sáng và tinh tường của một đứa bé mẫn cảm mới chộp nổi. Ngay từ những dòng đầu của tập I, “Sóng Hắc hải” đã được viết theo một phong cách khác hẳn, tạo nên một tâm trạng khác tất cả những gì ông đã viết, nhất là tiểu thuyết “Thời gian ơi, tiến lên!” Lối văn mô tả chậm rãi, dẫn dắt người đọc đi vào suy tư và hồi tưởng, trong đó hứa hẹn một cái gì chân xác và trữ tình. Chất thơ thấm vào các trang sách và tô điểm cho chúng bằng những màu sắc êm ái, làm cho chúng trở nên hấp dẫn và độc đáo: lúc vui, lúc buồn nhưng bao giờ cũng là sự chân xác lãng mạn.

Trong hành động của hai đứa trẻ Pêchya và Gavrik tính tự nhiên không phải chỉ do logic nội tâm mà còn do cả logic cuộc sống riêng của chúng tạo nên: mỗi đứa một vẻ. Song đó cũng là cái logic, và tâm lý thông thường: trẻ con ở tuổi đó thường muốn bứt mình ra khỏi người lớn, muốn sống một cuộc sống độc lập, nhất là trong những hành động hấp dẫn của trẻ con, không muốn cái khôn ngoan chán ngắt của người lớn can thiệp vào. Càng nguy hiểm càng hấp dẫn, càng là việc làm vô cùng thích thú. Bí mật là cái gì đè nặng lên con tim đến ngạt thở, nhưng ngọt ngào xiết bao, cái hương vị của khám phá. Do đó chúng đã bị lôi cuốn vào cuộc cách mạng như tham gia vào một trò chơi thích thú đang tiếp diễn ở giai đoạn gay go, căng thẳng. Bị thua trắng tay trong cuộc chơi uski, Pêchya trở thành “nô lệ” của Gavrik và nó phải theo “hầu” ông chủ, tha cái túi nặng đầy tài sản uski lang thang khắp thành phố giữa lúc hỗn mang, chui rúc qua các ngõ hẻm heo hút và rùng rợn. Thoạt tiên Pêchya không biết cái túi nó mang trên lưng là đạn và việc luồn lánh qua các ngõ ngách kia là làm nhiệm vụ tiếp vận đạn dược cho những người khởi nghĩa đang chống cự với cảnh sát và quân lính chính phủ. Nhưng khi đã vỡ lẽ, nó lại hồ hởi tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới.

Bây giờ cố nhiên thằng bé đã hiểu rõ nó mang thứ uski gì. Giá vào lúc khác thì có lẽ nó đã vứt tuốt và chạy về nhà. Nhưng hôm ấy, mê say với cái công việc nguy hiểm nhưng hấp dẫn này; niềm mê say còn mãnh liệt gấp trăm lần những lúc ham chơi, nó nhất định không chịu bỏ bạn một mình. Nhưng ngay trong trường hợp này tác giả cũng không quên tuổi đời của nhân vật, tính hiếu danh trẻ con vốn có của lứa tuổi đó. “Hơn nữa, - nhà văn viết thêm, - nó không thể từ bỏ cái vinh quang của Gavrik. Chỉ riêng một ý nghĩ rằng sau này nó sẽ không có quyền kể lại những chuyện mạo hiểm của mình, đã lập tức buộc nó phải coi thường nguy hiểm”.

Ở đây bộc lộ cái năng khiếu quan sát tinh tường của nhà văn: ông thận trọng quan sát, không bỏ sót một chi tiết nhỏ để nhận ra những tính chất mới, quan điểm mới đang hình thành trong tâm hồn thằng bé Pêchya, trong khi cuộc sống xung quanh hầu như vẫn bình thường. Tuổi thơ là tuổi của những tìm tòi, khám phá, và quả thực những khám phá vĩ đại đều bắt đầu ngay từ những bước đi đầu tiên, những tiếng nói đầu tiên trong đời người. Mỗi đứa trẻ đều tìm ra một châu Mỹ của mình, và tạo ra cho nó - cái châu Mỹ ấy, một cuộc sống riêng theo ý mình. Những cuốn sách về tuổi thơ là những cuốn sách về tìm tòi và khám phá cái mới - khám phá thế giới. Tuy nhiên bất kỳ một khám phá nào cũng đều xảy ra trong những giờ phút nhất định của lịch sử và trong những tình huống nhất định. Khi nhận ra cái túi nó mang trên lưng là đạn, Pêchya hiểu rõ rằng việc làm của nó và Gavrik không còn là trò chơi trẻ con nữa.

Trong hai tập đầu của bộ sử thi “Cánh buồm trắng cô độc” và “Khu trại trong thảo nguyên” sự khám phá thế giới trong tâm hồn cậu bé diễn ra dưới ánh sáng của ngọn lửa cách mạng đang cháy lan ra khắp nước Nga.

Thế giới hiện lên trong sự đổ vỡ khốc liệt của năm 1905. Những biểu tượng tưởng như không gì lay chuyền nổi của tuổi thơ về nước Nga, về Sa hoàng, về Thượng đế và về người bố thế là bắt đầu sụp đổ.

“... Thì ra nước Nga là một nước bất hạnh, và ngoài bố ra còn có những người ưu tú nào đó đang chết mòn ở những nơi làm việc khổ sai. Thì ra Sa hoàng là thằng ngốc và một tên nát rượu, lại còn bị người ta dùng gậy tre đánh vào đầu. Ngoài ra, các bộ trưởng là những kẻ bất tài, các tướng tá là những kẻ bất tàỉ, và té ra không phải nước Nga đánh bại nước Nhật - điều mà cho đến nay không ai mảy may nghi ngờ - mà là nước Nhật đánh bại nước Nga.

Và điều chủ yếu nhất là bố và bác đều nói về việc đó. Tuy nhiên, chính Pêchya cũng đã đoán được đôi điều.

Trong bót cảnh sát, người ta nhốt những người hoàn toàn tử tế, không say rượu, thậm chỉ nhốt cả một ông già tuyệt diệu, mà còn đánh cả ông cụ nữa chứ.”

Lưng đeo cái xắc cốt nặng, ngoan ngoãn theo Gavrik đi khắp hang cùng ngõ hẻm, lần đầu tiên Pêchya nhìn thấy cái cảnh bần cùng vừa đáng kinh sợ, vừa nên thơ của những khu phố nghèo của Ôđexxa, nhìn thấy cái tử thi có bộ mặt vàng ệch như sáp ong trong trận chiến đấu mà Pêchya có cảm tưởng như một trò chơi trẻ con.

V. Kataep là một nhà văn hay viết về trẻ em và hai tập đầu của bộ bốn tập “Sóng Hắc hải” là những cuốn sách viết về niềm sung sướng đầu tiên của bản tính trẻ em và những đau khổ đầu tiên khi tiếp cận với sự thật. Trong cuộc đời của một đứa trẻ, và nhất là của một đứa trẻ mơ mộng, lãng mạn như Pêchya, thì liệu có những tấn bi kịch nào có thể so sánh được với những thất vọng đầu tiên, với việc phải đánh giá lại những giá trị đã ăn sâu trong ý niệm của nó! Cuộc sống không thương tiếc những ảo mộng. Đó là quá trình tất yếu, nhưng lại diễn ra khác nhau tùy theo môi trường của mỗi cá nhân và ảnh hưởng của lịch sử. Ở đây nhà văn phải dựng lại toàn bộ bối cảnh lịch sử và không khí xã hội của những năm ấy một cách chính xác: hoàn cảnh gia đình ông giáo Batsây, quanh cảnh đường phố Ôđexxa và tất cả những gì tạo nên môi trường vật chất và đạo đức của Pêchya. Nhưng tuổi thơ của Gavrik là căn lều nghèo nàn của ông lão đánh cá, ở đây không có chỗ cho những ước mơ và viễn tưởng rực rỡ. Viễn tưởng lãng mạn là cái cốt do môi trường của Pêchya tạo nên. Một chú bé được nuôi dưỡng trong môi trường chính trực, liêm khiết và yêu cái thiện, nó sẽ hướng về cái thiện, cái công bằng. Khi vào đời, cái sức mạnh vốn có của cái ác, mà cái ác bao giờ cũng có khuynh hướng chà đạp lên cái thiện sơ khai của con người, mới bắt đầu tác động đến con người. May mắn thay, vừa bước chân ra khỏi cửa, Pêchya đã gặp ngay Gavrik, một người bạn đường đáng tin cậy, một đứa trẻ nghèo mà tâm hồn trong sáng, ý chí thông minh, bản năng chiến đấu vượt lên trên những thiếu niên cùng lứa tuổi.

Do hoàn cảnh gia đình, ngay từ tấm bé, Gavrik đã phải lăn lộn với thiên nhiên để kiếm sống và phải va chạm với đủ loại người, nó sớm trưởng thành và là một đứa trẻ tháo vát, có đầu óc thực tế. Ý thức đoàn kết và công bằng xã hội đã ăn sâu trong tâm khảm nó ngay từ tấm bé. Khi đưa Pêchya. đến tiếp xúc với những người lao động nó không quên giới thiệu: “Đây là con trai ông giáo Batsây” và “đó là một gia đình không có gì làm giàu sang, hiện đang gặp khó khăn.”

Như một người lớn, chín chắn không phải do tuổi đời song Gavrik vẫn là một thủ lĩnh tí hon tinh nhanh và nghịch ngợm, nó luôn luôn tự hào với vai trò của mình trong đám trẻ con trên đường phố, nó cũng ham chơi, nhiều khi quên cả công việc. Sắc thái đó làm cho nhà văn có thể mang vào câu chuyện chút ít hài hước, làm cho “chú Gavrôs Tênarđiê của Ôđexxa” có sức cảm hóa đặc biệt.

Gavrik tháo vát, đảm đang và chu đáo, Pêchya mơ mộng mà ngờ nghệch trước việc đời. Do đó trong tình bạn của chúng có cái gì thiếu bình đẳng. Những cái mà đứa con của đường phố Ôđexxa nhận thức một cách dễ dàng và chắc chắn thì đối với Pêchya - đứa con của một gia đình trí thức, một học sinh trường quốc lập, lại là một điều bí ẩn. Pêchya chỉ có mỗi một ưu thế là thầy dạy tiếng la tinh cho Gavrik. Tuy vậy Gavrik cũng không xem thường cái khôn ngoan thông thái của nhà trường. Đối với nó những kiến thức sách vở không phải là điều thích thú, nhưng nó hiểu được giá trị thực tiễn của kiến thức đó: cần học, học vẫn là điều bổ ích.

Viết về tình bạn của hai đứa trẻ có cá tính khác nhau, được giáo dục trong những môi trường khác nhau, nhưng vẫn giữ được tình thân ái, ngay cả khi chúng đã khôn lớn, là một khó khăn lớn: tình bạn đó rất dễ rơi vào tình trạng gượng gạo, nhưng ở đây tác giả đã khắc phục được khó khăn ấy một cách tài tình.

Cái khôn ngoan của Gavrik thường có giá trị thực tiễn hơn kiến thức sách vở của Pêchya, nhất là khi vấp phải những vấn đề không hề có trong giáo trình. Ở đây nhà văn đã giải quyết khá tốt vấn đề khác biệt giữa đôi bạn: dù ảnh hưởng của Gavrik đến Pêchya có mạnh đến mấy, dù tâm hồn của chàng thiếu niên mơ mộng và lãng mạn này có ngây thơ và trong trắng thế nào, dù Pêchya có hướng đến cái thiện, cái công bằng đến mấy thì nó vẫn là một đứa con cưng của một gia đình trí thức đang dao động; hoang mang trước thời cuộc. Mỗi đứa có một thế giới nội tâm riêng của mình.

Khi nói đến gia đình Batsây, đến người chủ gia đình ấy, ngay cả khi họ đang gặp khó khăn như trong “Khu trại trong thảo nguyên”, V. Kataep vẫn tả với nụ cười vốn có của ông - nụ cười nhân từ, thấu hiểu, rộng lượng và có cái gì như ái ngại. Thực ra trong cái chất Đôngkisốt của Vaxili Pêtrôvits Batsây có cái gì vừa tức cười vừa cảm động, cũng như trong tình trạng tuyệt vọng của bà bác Tachyana Ivanôvna, khi phẫn nộ bà thốt ra một tràng những lời phỉ báng có tính chất chính trị của bà. Trong gia đình Batsây không phải tất cả bao giờ cũng rõ ràng và luôn luôn nổ ra những cuộc tranh cãi. Ở đây chủ nghĩa duy tâm không phải như một hệ thống triết học mà là một loạt những nguyên tắc sinh hoạt gọi là vô tư, trung thực, lề thói, những ý niệm cao cả về người trí thức và bổn phận, của nó. Với Vaxili Pêtrôvits hai tiếng “chính trị” cũng làm ông e ngại chứ đừng nói tới giai cấp và đấu tranh giai cấp. Thế nhưng trong gia đình ông hầu như người nào cũng thấy rõ cái ranh giới xã hội đã được bàn tay vô hình vạch ra giữa những con người:

“Pêchya biết rằng chính ở đây, ở phía trên, bên kia đại lộ Nicolai là cái khu phố rực sáng, ồn ào, vô cùng quyến rũ, cao sang, huyền ảo mà trong gia đình Batsây người ta thường nói đến với một vẻ vừa kính trọng, vừa khinh bỉ là “Khu trung tâm”.

Dĩ nhiên là gia đình Batsây không ở “khu trung tâm”. Ở đấy là “những người giàu có”, tức là những người đặc biệt, đi tàu bay hay xe đều đi vé hạng nhất, ngày nào cũng có thể đi xem hát, và không hiểu tại sao mãi bẩy giờ tối mới ăn trưa...” Nhưng không phải vì ghen tức mà ông bất mãn, ông Vaxili Bátsây vốn có thái độ ôn hòa, bất đối kháng, lý tưởng hóa cuộc sống - cái thái độ cố hữu của trí thức Nga. Nhất là ông, một con người nhân từ, đa cảm trong giọng nói thường nhiều nước mắt hơn là sắt thép. Nhưng khi phải đi đến quyết định: chỉ cần tỏ thái độ đầu hàng hay nhượng bộ trong phút chốc thôi để giữ cho cuộc đời yên hòa và sung túc, thì trong con người ông lại bộc lộ cái thái độ cứng rắn trước mọi thứ dọa dẫm và mua chuộc vì sự thánh thiện của đạo lý và vì lòng tự trọng.

Cuộc sống nghiệt ngã, những bất công và đau khổ đã mở cho tầm mắt ông nhận ra cái bản chất của thứ uy lực tối thượng mà ông đang thờ phụng. Sau lần xung đột với thượng cấp, lần đầu tiên trong đời ông hiểu: “Ở nước Nga một khi đã ra làm việc Nhà nước thì không thể làm một con người ngay thẳng, không khom lưng cúi đầu được. Chỉ có thể là một quan chức đần độn của Sa hoàng, một viên chức không có ý kiến riêng của mình, chỉ biết tuân lệnh, tức là tuân lệnh quan trên, cho dù đấy là những mệnh lệnh bất chính và tội lỗi đi nữa. Với Vaxili Pêtrôvits, điều khủng khiếp nhất là tất cả cái đó lại bắt nguồn chính từ uy lực tối thượng của người đã được thượng đế ban cho ngai vàng để cai quản nước Nga”.

Những giây phút tỉnh ngộ ấy hiếm hoi và quý giá vô cùng. Nó đã hướng ông Batsây đi vào một cuộc đời mới.

Khác với gia đình ông Vaxili Batsây, trong xóm Cối xay Gần, ở cái thế giới người nghèo này của Gavrik, tất cả đều được thực hiện một cách dứt khoát, nhanh chóng, chắc chắn và không khoan nhượng. Ở đây, người ta không thừa nhận những cảm lụy, suy tư và dao động, ở họ - những người lao động bao giờ cũng sẵn sàng một quyết định hành động và ai cũng biết rõ là phải thực hiện quyết định đó như thế nào. Đối với V. Kataep, thì Rôđirôn Giukốp, Terenti, Tsernoivanepko, Gavrik và những chiến hữu của họ đều là những anh hùng.

Trong “Khu trại trong thảo nguyên” ảnh hưởng của Gavrik đối với Pêchya quá rõ ràng và cụ thể. Nhà văn đã bám sát đôi bạn của mình lang thang đi khắp chốn: trên bãi biển, trên đường phố và chui cả vào những ngõ ngách của Ôđexxa. Đối với Gavrik thì bãi biển, đường phố, xó chợ... chỗ nào cũng thân thuộc như trong căn lều rách nát của ông nó trước đây và ngôi nhà lụp xụp của anh nó hiện nay. Việc kiếm sống đã dạy cho nó tính tháo vát, khôn khéo, đôi khi ranh mãnh và tính thận trọng, đã khơi lên lòng căm thù. Do đó thái độ của nó rất dứt khoát: một lần thôi và suốt đời.

Pêchya luôn luôn khâm phục cái khôn ngoan mà bạn nó đã học được trên đường phố. Và tất cả “những gì ở nhà đối với nó đều trở nên chán ngắt và vô vị, mặc dù nó rất yêu bố và bà bác “bướng bỉnh” của nó. Khi đến xóm Cối xay Gần, ở đây cái gì đối với nó cũng mới mẻ và mỗi lúc một khác. Nhưng nó không quay lưng lại với gia đình.

Ngôi nhà, bầu không khí gia đình, những ảo tưởng của bố và lòng bất mãn cao thượng của bác là một dòng tư tưởng, những câu chuyện của anh Terenti, tấm gương của Rôđiôn Giukốp, những hoạt động của Gavrik lại là một dòng khác. Và hai dòng tư tưởng đó thoạt nhìn mới trái ngược làm sao. Trong cả bộ sử thi “Sóng Hắc hải” Pêchya luôn luôn là điểm xoáy của các luồng gió từ bốn phương thổi tới. Cuộc đời Pêchya: tham gia cách mạng, tham gia nội chiến và sau này tham gia cuộc chiến tranh yêu nước luôn luôn là sự tiếp diễn và phát triển của điểm giao lưu của các luồng tư tưởng đó.

*

* *

      “Khu trại trong thảo nguyên” là tập thứ hai của bộ “Sóng Hắc hải” đã được mở đầu bằng cuốn tiểu thuyết mang cái tên thơ mộng “Cánh buồm trắng cô độc”, bắt nguồn từ chủ nghĩa lãng mạn trong sáng tô điểm cho những bước đi ban đầu ít nhiều có suy nghĩ của nhân vật trung tâm là Pêchya Batsây và tình bạn của nó với Gavrik Tsornôivanenko. Trong “Khu trại trong thảo nguyên”, vẫn thông qua cuộc sống của hai gia đình ông giáo Batsây và anh công nhân Tsornôivanenko mà tiêu biểu vẫn là Pêchya và Gavrik. V. Kataep tái hiện lại một cách chi tiết cuộc sống của Ôđexxa, của nước Nga và phong trào cách mạng Nga vào những năm 1910 - 1915, cũng như phong trào dân chủ trên quy mô thế giới, thông qua chuyến du lịch của ba bố con Batsây qua một số nước.

Sau thất bại của cuộc cách mạng 1905, chính phủ Nga hoàng tăng cường đàn áp phong trào công nhân và truy lùng những người hoạt động cách mạng, Đảng rút vào hoạt động bí mật, đồng thời kết hợp với hoạt động công khai: sự ra đời của tờ báo “Sự thật” và việc chuẩn bị đưa người ra tranh cử vào viện Đuma. Chính việc kết hợp giữa hoạt động hợp pháp với hoạt động bí mật là nét đặc trưng của giai đoạn cách mạng này giai đoạn chuẩn bị điều kiện cho một cuộc cách mạng mới, - cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong những chương đầu của “Khu trại trong thảo nguyên”, vốn là một người trí thức Nga trung trực, một con chiên ngoan đạo, một người yêu nước theo kiểu thánh đường và hết mực tin yêu Sa hoàng, ông giáo Batsây ra sức bảo vệ nhà thờ và nhà nước với tấm lòng chân thiện của một nhà sư phạm mẫu mực. Ông làm ngơ trước mọi hoạt động của những người cách mạng, tuy không chống đối nhưng cương quyết không tham gia và cũng không để họ lợi dụng mình vào mục đích “chính trị” của họ. Hai chữ chính trị bao giờ cũng làm ông bối rối, ông xa lánh nó như người ta xa lánh những kẻ nhiễu sự. Ông không muốn ai quấy rầy cuộc sống “lương thiện” và yên hòa của gia đình ông. Nhưng sự thật đã không như ông tưởng!

Trước cái tang lớn của nước Nga - nhà văn vĩ đại Lep Tônxtôi từ trần, ông đã đọc bài diễn văn tưởng niệm - “Mặt trời của nước Nga đã tắt” trước học sinh. Nhưng việc làm trung thực của ông lại trái với “nghĩa vụ” của người viên chức nhà nước, lại là hoạt động chống đối chính phủ. Giữa L. Tônxtôi và nhà nước thì chân lý ở đâu? Một câu hỏi hiện lên và niềm tin của ông bắt đầu lung lay. Còn nhà thờ ư? Sau lần tiếp xúc với lão linh mục đại diện cho nhà thờ ở nghĩa trang, bên nấm mồ của vợ ông, ông thấy rõ đó chẳng qua cũng chỉ là trò xảo trá! Và niềm tin của ông tiêu tan. Sau câu nói “kháng cự” đầy công phẫn: “Ngài làm nhục tôi!” ông bắt buộc phải thôi việc. Sau lần tống cổ tên hối lộ Blagienxki ra khỏi nhà, ông trở nên thất nghiệp và lần này thì vô phương cứu chữa. Ông hiểu ra rằng chẳng qua mình chỉ là một “tên nô lệ”. Tiếng ấy đúng nhất. “Thoạt đầu tôi là tên nô lệ của Bộ giáo dục nhân dân mà đại diện là Xmôlianinôp, đốc học ty giáo dục và y đã đuổi tôi như đuổi một con chó, bởi vì tôi đã cả gan có ý kiến riêng về Tônxtôi. Sau đó tôi trở thành nô lệ của Faigơ, kẻ cải đạo và là kẻ đầu óc thô thiển, y cùng đuổi tôi như đuổi con chó, bởi vì lương tâm tôi không cho phép tôi ghi điểm ba cho Blagienxki, một tên dốt đặc và ba hoa, trong khi người ta muốn tôi cho hắn điểm ba chỉ vì một lý do duy nhất hắn là con trai một nhà triệu phú. Tôi muốn nhổ toẹt vào mặt cả Xmôlianinôp lẫn Faigơ, và đồng thời phỉ nhổ cả toàn bộ chính phủ Nga! Và nếu ở nước Nga ta không thể không làm nô lệ cho kẻ khác, thì thà tôi làm một tên nô lệ bình thường, còn hơn làm tên nô lệ trí thức. Ít ra thì tôi còn giữ được sức sống cho tâm hồn tôi...”

Theo sáng kiến của bác Tachiana Ivanôvna - gia đình Batsây thuê khu trại trồng cây ăn quả trong thảo nguyên với ý định cứu sống gia đình bằng lao động của mình. Nhưng trong một xã hội mà quan hệ giữa người với người là chó sói, thì gia đình ông làm sao tránh khỏi tai họa khánh kiệt. Ở đây lại xuất hiện mụ Xtôrôgienkô, một nhân vật hắc ám, ngày xưa buôn hàng cá, đã cướp cơm của ông cháu Gavrik và bao người khác, giờ đây lại chuyển sang buôn trái cây, đang ra sức dìm giá vườn quả của gia đình Batsây với ý định cướp trắng cả vụ trái cây lẫn khu trại. Nhưng mụ đã vấp phải kẻ thù cố cựu của mình: Gavrik. “Có điều hồi xưa nó bé tí và bất lực, mụ muốn làm gì nó thì làm, nhưng giờ đây nó đã hoàn toàn khác, và do bản năng mụ đánh hơi thấy nó có sức mạnh nguy hiểm chưa rõ đến mức nào”. Phải chăng đó là sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, đã đến lúc làm cho kẻ thù kiêng nể. Những cuộc tìm kiếm để xây dựng cuộc sống điền viên, những lo âu và xung đột của Vaxili Batsây rút cục cũng có cái gì giống với tính chất lãng mạn tích cực của những người trong ủy ban bí mật. Giữa ông giáo Batsây và họ có những cái giống nhau: họ có chung một kẻ thù.

Trong lúc gia đình Batsây đã bó tay trước sự chèn ép của cái xã hội “cá lớn nuốt cá bé”, mọi người đã an phận chờ đợi cái tai họa phải đến, thì vào một buổi sáng đẹp trời anh em công nhân ở Xóm Cối xay Gần đã đến giúp gia đình Batsây thu hoạch vụ trái cây theo lệnh của ủy ban bí mật. Ở đây có một cái gì rất cảm động, phóng khoáng như một khúc ca đồng nội. Và để trả công, - theo nguyên tắc có đi có lại, ông giáo Batsây giảng cho anh em công nhân một số bài học phổ thông về lịch sử, địa lý, văn học... Sau cái phút tỉnh ngộ kia giờ đây đã đến lúc ông dậm chân quật vào mặt bọn cảnh sát khi chúng ập đến muốn phá rối cuộc sống điền viên của ông “Tôi yêu cầu những người lạ mặt đêm hôm không được xộc vào trang trại của tôi”. Phút tỉnh ngộ đã đưa đến bước ngoặt lớn là sự giác ngộ tư tưởng của ông. Hành động đó làm ta liên hệ tới hành động của ông cách đấy mấy năm (“Cánh buồm trắng cô độc”): chính ông đã che chở cho anh lính thủy của chiến hạm Pôchômkin là Rôđiôn Giukốp thoát khỏi sự truy nã của cảnh sát - lúc này, hành động của ông mới xuất phát từ lòng nhân từ.

Về Rôđiôn Giukốp khi anh ra đi thì “Thuyền ai thấp thoáng lẻ loi cánh buồm!” (“Cánh buồm trắng cô độc”) và giờ đây anh trở về thì mặt biển nhộn nhịp những cánh buồm. Khi ra đi anh chỉ là anh lính thủy quả cảm được ông cháu Gavrik cứu sống, giờ đây anh trở về với tư cách là đại diện của Ban chấp hành Trung ương Đảng công nhân xã hội dân chủ. Còn ông giáo Batsây thì đứng nghe anh nói chuyện về “tình hình chính trị” một cách chăm chú đến nỗi Pêchya đi ngang qua và chạm vào người ông cũng không hay. Và trong mỗi mắt kính của ông “lấp lánh một đốm lửa nhỏ”.

Chính những tình tiết này làm cho câu chuyện dịu dàng và hấp dẫn về đôi bạn tâm giao trở thành câu chuyện về sự tất yếu của cách mạng, về sự hấp dẫn tất nhiên của cách mạng đối với những tinh hoa của xã hội và của mỗi con người dù đó là cậu học sinh hay ông giáo trung học.

Trong cả hai tập “Cánh buồm trắng cô độc” cũng như “Khu trại trong thảo nguyên”, thời đại được quan sát và mô tả một cách xúc động dưới con mắt của những người sống trực tiếp trong các sự kiện.

Trong “Khu trại trong thảo nguyên” gia đình Tsornôivanenko hầu như không có gì thay đổi, ngoài việc Gavrik bỏ nghề đi biển và sau khi đã làm đủ nghề để cuối cùng trở thành thợ sắp chữ học nghề. Việc vào nghề in của nó cũng là do yêu cầu của cách mạng. Ở đây thông qua việc mô tả sinh hoạt của gia đình Tsornôivanenko và quan hệ của Terenti để nói lên phong trào công nhân và ngư dân Ôđexxa. Trong trường học nhân dân của ông giáo Batsây, ngoài Terenti ra, còn thấy bác lính thủy già Fêđia, anh Akim Perepelitxki. Và ở đây việc xuất hiện thêm một nhân vật mới: bà quả phụ Pavlôpxkaia, làm cho trường học của ông Batsây trở thành như một nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân.

Khi Rôđiôn Giukốp nhảy lên con thuyền nhỏ nhoi một mình một bóng vượt biển khơi thì Pêchya mới lên tám. Vào năm Lép Tônxtôi qua đời Chương mở đầu của “Khu trại trong thảo nguyên” Pêchya đã 13 tuổi, nó đã có những hồi tưởng. Những sự kiện rối ren nó không thể nào gỡ ra được. Trong đầu nó đã có nhiều điều đáng suy nghĩ hơn là cuộc chơi uski thua lỗ. Nhìn cảnh tượng thành phố trong những ngày có tang bỗng nhiên quá khứ trở về xâm chiếm tâm hồn nó: “bầu không khí lo âu và rùng rợn của “năm thứ năm”,

Nỗi lo âu đó khi tỏ, khi mờ đã xuyên suốt cuốn tiểu thuyết thứ hai “Khu trại trong thảo nguyên”. Không gian đã mở rộng ra ngoài phạm vi Ôđexxa. Đi du lịch ra nước ngoài ba bố con ông Vaxili Batsây tiếp xúc với thế giới bao la đủ màu sắc, với nhiều dân tộc và tiếng nói khác nhau, sức tưởng tượng vô hạn và không biết mệt của tuổi thơ bừng lên trước vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và đầy rẫy những cái bất ngờ hiện lên sau khung cửa tàu xe. Vẫn với nụ cười nhân hậu, nhưng cũng rất hóm hỉnh, tác giả mô tả tình cảm của Pêchya với cô bé người Nga mà nó vừa nhác thấy trên sân ga nước người. Tình cảm say đắm ấy nảy sinh có lẽ vì đã lâu nó chưa được gặp người bạn gái nơi quê nhà.

Chúng ta đã mấy ai không có một thời muốn giấu đi “cái đuôi trẻ con” bằng cách cố làm ra vẻ mình là người lớn: từ lời ăn tiếng nói đến dáng điệu, nhất là khi tiếp xúc với bạn nữ. Những cảm giác mơ hồ nhưng vấn vương bồi hồi, khi ta đi bên bạn ở chỗ vắng người, những cảm xúc làm bật ra những ý thơ tuyệt vời mà cho đến lúc đã làm người bố ta vẫn còn thấy xốn xang mỗi khi nhớ lại. Những cảm giác thơ ngây, trong trắng ấy - vào cái thuở chuẩn bị làm người lớn ấy, ta cứ thích gọi là “tình yêu”. Có thể đó sẽ là tình yêu, nhưng không hẳn. Ở đây ta lại thấy nụ cười của V. Kataep khi ông mô tả những xúc cảm yêu đương của cậu học sinh mơ mộng Pêchya Batsây với Môchya và Mariana. Nhưng đối với cậu thiếu niên Gavrik không được học như trẻ khác vì hoàn cảnh gia đình thì lại khác. Niềm khao khát của cậu là được học. Cậu sẵn sàng bỏ những đồng Kôpếch rất khó kiếm và cũng rất cần để nuôi sống gia đình, để trả tiền học phí. Cậu cũng muốn tỏ ra mình là người lớn, nhưng khác với Pêchya, cậu muốn mình là người lớn để làm được những việc lớn hơn. Chính Gavrik đã quắc mắt tống cổ mụ Xtôrôgienko ra khỏi trang trại của ông giáo Batsây.

Tuy nhiên, đối với Pêchya trong số những tình tiết dịu dàng và vui vẻ, trong cái ống kính vạn hoa các ấn tượng cứ luôn luôn thay đổi một cách nhanh chóng, qua cả một dòng ngôn ngữ xa lạ đầy huyên náo trên đường du lịch, đôi khi vẫn thoáng hiện lên nỗi lo âu mơ hồ, những phong thanh về đời sống của nước Nga xa xôi và khuất nẻo. Nỗi hốt hoảng của Pêchya khi nó bỏ quên ở tiệm cà phê chiếc mũ lính thủy mà b&a


Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000