Có một câu nói rất hay rằng: “Phải đợi đến khi trời tối, người ta mới thấy được vẻ lấp lánh của viên kim cương lẫn trong đống than chì”. Trong đời sống văn chương và nghệ thuật, có những tác phẩm phải trải qua quãng thời gian “ngủ đông” khá dài, trước khi vẻ đẹp khác thường và đầy sáng tạo của chúng đến được với độc giả. Loạt tiểu thuyết của nhà văn người Pháp, Boris Vian cũng đã từng phải chịu số phận hẩm hiu như thế.
Những tác phẩm văn học ra đời trong giai đoạn cuối những năm 1930, đến đầu những năm 1950, phần lớn còn khá an toàn về kết cấu và văn phong. Phần lớn, độc giả vẫn ưa chuộng cách kể nhuần nhuyễn và lớp lang, mang đậm hơi hướng của thế kỉ XIX. Những cách tân bước đầu của các nhà sáng tạo lớn như: William Faulkner hay Jorge Luis Borges, cũng chẳng thể thay đổi được bầu không khí cổ điển đã quá rợn ngợp.
Boris Vian đã thổi một làn gió mới vào văn học. Chủ đề trong các tác phẩm của ông kể không hề mới. Chuyện con người vật lộn với gánh nặng mưu sinh hay hành trình đi tìm giấc mơ và hoài bão của đám thanh niên trẻ là chủ đề quen thuộc đã được nhiều nhà văn khai thác. Thế nhưng, tác giả người Pháp xây dựng nên một bối cảnh hoàn toàn mới lạ cho những đứa con tinh thần của mình. Ở đó, ông thỏa sức sáng tạo để viết nên những tác phẩm độc đáo, mang dấu ấn riêng.
Boris Vian sinh ngày 10/3/1920 tại Ville-d'Avray, một vùng ngoại ô thuộc phía tây thủ đô Paris. Ông may mắn được sinh trưởng trong một giàu có, với truyền thống kinh doanh từ lâu đời. Bên nội của cậu bé Boris nổi tiếng trong vùng với nghề sản xuất và kinh doanh đồ đồng. Còn ông bà ngoại của nhà văn tương lai, lại có xưởng sản xuất giấy đang làm ăn rất phát đạt.
Đám cưới của cha mẹ họ, Paul Vian và Yvonne Ravenez, được tổ chức rất linh đình, theo sự mai mối từ trước của hai gia đình. Sau khi cưới, đôi uyên ương chuyển tới sống tại một lâu đài ở Ville-d'Avray. Bốn người con của họ đều cất tiếng khóc chào đời tại đây.
Nhà văn điển trai người Pháp Boris Vian bên cây kèn saxophone. |
Cuộc sống của gia đình Vian rất sung túc, bà Yvonne cũng không phải tất bật chăm lo cho các con, vì vậy quanh bốn đứa trẻ lúc nào cũng có vài bảo mẫu và vú em. Khi muốn đi ra ngoài dạo chơi hay mua sắm, năm mẹ con đã có tài xế đưa rước. Thuở nhỏ, cậu bé Boris rất hiếu động và thích pha trò trêu chọc mọi người. Thế nhưng, vào năm 12 tuổi, sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”, mà thủ phạm chính là căn bệnh viêm khớp cấp, tính tình cậu con trai thứ hai nhà Vian thay đổi hẳn. Chú nhóc hóm hỉnh trở nên trầm lặng và suy tư nhiều hơn.
Để giữ cậu con trai bệnh tật ngồi yên trong phòng, hòng tránh được những rủi ro về sức khỏe, bà Yvonne đã khuyến khích cậu bé Boris học nhạc. Từng là nhạc sĩ, bà rất thích thú khi phát hiện ra con trai mình có khả năng thẩm âm tuyệt vời. Yvonne Vian muốn cho con trai học piano, nhưng xem ra cậu bé lại hứng thú với cây kèn saxophone, nhưng điều đó có hề gì.
Khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào năm 1929 khiến cho công việc kinh doanh của nhà Vian bị đình trệ. Lúc đó, Paul Vian tìm thấy một niềm đam mê mới, đó là công việc dịch thuật. Từ khi còn trẻ, ông đã yêu văn chương và thích đọc sách.
Sinh thời, Boris Vian có rất nhiều đam mê. Chơi kèn saxophone, sáng tác nhạc Jazz, hội họa, viết văn và thậm chí cả những việc không liên quan đến nghệ thuật như chế tạo ô tô. Nhưng xem ra, văn chương là bến đỗ bình yên nhất, nó tạo cơ hội để Boris Vian có thể bộc lộ được sự hóm hỉnh cùng trí tưởng tượng nhạy bén và khác thường của mình.
Các nhà phê bình văn học Pháp đã đặt Boris Vian trong hàng ngũ của các nhà sáng tạo. Trong các sáng tác của mình, ông tạo ra vô khối từ mới bằng cách lồng ghép các từ có sẵn và đảo trật tự chữ cái của các từ thông dụng. Boris Vian cho rằng: văn chương không phải là sự chau chuốt thái quá của câu từ, nó phải chân thành như đời sống. Thế nên, ông đưa khá nhiều văn nói cùng lối nói lái vào trong các tác phẩm của mình. Đọc tiểu thuyết của ông, người ta thường bắt gặp những đoạn hội thoại dài.
Bọt tháng ngày, tiểu thuyết nổi tiếng của Boris Vian vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam. |
Tên các nhân vật nổi tiếng cũng được ông biến tấu một cách rất ngộ nghĩnh. Trong tác phẩm Bọt tháng ngày, tên của người bạn thân- nhà văn, triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre bị ông ngẫu hứng đổi thành Jean-Sol Partre.
Trong kí ức của nhiều người yêu nhạc Jazz ở Paris cuối những năm 40 đầu những năm 50 của thế kỉ trước vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đẹp về một người đàn ông lịch lãm với mái tóc vàng và đôi mắt xanh, say sưa thổi saxophone… không ai khác, đó chính là Boris Vian.
Trong suốt cuộc đời mình, ông đã sáng tác hơn 500 bài hát và các bản nhạc không lời, trong đó nổi tiếng nhất là bài Le Déserteur (Người đào ngũ).
Vùng ngoại ô Ville-d'Avray thanh bình, nơi Boris Vian sống suốt thời thơ ấu. |
Boris Vian đã trải qua 2 cuộc hôn nhân. Người vợ đầu của ông là Michelle Léglise, một giáo viên tiếng Anh. Họ cảm mến nhau vì cả hai cùng yêu thích văn chương. Cả hai gặp nhau lần đầu năm 1940 và kết hôn chỉ một năm sau đó. Đời sống vợ chồng của nhà văn nổi tiếng trôi qua trong êm đềm với sự xuất hiện của hai thiên thần nhỏ: Patrick và Carole. Nhưng sau sự ra đi của cô con gái Carole vào năm 1948, thì mọi chuyện trở nên tồi tệ. Vợ chồng họ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và liên tục cãi vã.
Vào năm 1951, khi đã ly thân vợ, trong một lần đi uống rượu với bạn bè Boris Vian đã gặp cô vũ công người Thụy Sĩ Ursula Kübler. Lần này, âm nhạc trở thành "bà mai" giúp văn hào tìm thấy tình yêu mới. Sau đó, hai người bắt đầu lén lút qua lại với nhau. Vào năm 1954, Boris Vian ly hôn vợ để đến với Ursula Kübler. Đôi uyên ương này rất tâm đầu ý hợp, mặc dù không có con cái. Sau khi Boris Vian qua đời vào năm 1959 vì lên cơn đau tim, Ursula Kübler sống trong cảnh góa bụa suốt phần đời còn lại.