Một triết gia từng nói trên đời này loài người có hai nỗi sợ. Một là bóng đêm thứ còn lại chính là nỗi cô đơn vĩnh hằng. Thượng đế đã tạo ra Adam nhưng người cũng không quên ban cho ông một nàng Eva xinh đẹp.
Thử tưởng tượng nếu một ngày bạn thức dậy một mình bơ vơ giữa chốn hoang đảo không một bóng người, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Hoang mang, lo sợ hay bình tĩnh vạch một kế hoạch chu toàn để sẵn sàng sống sót. Với Karana, cô gái duy nhất còn sống và bị bỏ lại một mình tại hòn đảo cá heo xanh, đó là một cơn ác mộng. Một cuộc hành trình sinh tồn vô tiền khoáng hậu vượt xa tất cả những gì độc giả có thể mường tượng được mới chỉ bắt đầu.
Nhà văn Scott O’Dell trước khi đến với nghiệp cầm bút từng là một quân nhân phục vụ cho lực lượng không quân Mỹ. Chính vì vậy mỗi trang sách của ông dường như đều thấm đượm tư tưởng, chiêm nghiệm của một người lính từ sống sót và trở về sau thế chiến thứ hai. Đặc biệt, Scott O’Dell rất thích viết sách cho trẻ em. Ông chia sẻ rằng: “Lý do duy nhất mà tôi viết sách là để truyền tải một thông điệp nào đó. Tôi không còn viết cho người lớn bởi vì họ sẽ không thay đổi dù có thể họ đã rất cố gắng. Nhưng trẻ em thì có và sẽ thay đổi”. Và từ đó Hòn đảo cá heo xanh ra đời và trở thành một trong hai tác phẩm tâm đắc nhất của ông trong sự nghiệp văn học, bên cạnh cuốn Đường đến Damietta.
Hòn đảo cá heo xanh được viết dựa trên một sự kiện có thật trong lịch sử. Bối cảnh đặt ở hòn đảo San Nicolas, ngoài khơi bờ biển California, quê hương thời thơ ấu của tác giả. Truyện kể về một thiếu nữ người bộ lạc da đỏ Ghalas-at mang tên Karana bị bỏ lại tại hòn đảo trong chuyến di dân lịch sử của bộ lạc. Để tìm người em trai không theo kịp đoàn người, cô đã bất chấp mọi sự can ngăn nhảy xuống biển quay trở về đảo.
Khi ấy Karana mới mười hai tuổi, công việc hằng ngày của cô bé chỉ là tìm rễ cây hoặc phụ giúp gia đình nhưng giờ mọi chuyện đã đảo chiều. Giờ đây cô phải tự tìm thức ăn, tự dựng chỗ ở, tự làm vũ khí để bảo vệ mình. Cuộc sống tưởng chừng như sẽ êm ả trôi qua cho đến khi biến cố ập đến cướp đi em trai cô. Karana lúc này mới thực sự thấm thía nỗi cô đơn tận cùng khi chỉ còn lại đơn độc giữa miền hoang vắng.
Cuốn sách Hòn đảo cá heo xanh. |
Hình ảnh của Karana sẽ khiến độc giả gợi nhớ đến nhân vật Robinson Crusoe lừng danh. Nhưng Robinson còn có Thứ Sáu để bầu bạn còn Karana chỉ có thể tự tạo niềm vui khi nói chuyện với cỏ cây hoa lá. Tác giả đặt điểm nhìn của mình vào người trong cuộc để có thể mang tới những miêu tả chân thực nhất. Karana đã kể một câu chuyện phi thường, lòng quả cảm, sự kiên trì và nhẫn nại của con người khi đối mặt với tự nhiên.
Trước một vùng biển đẹp như tranh vẽ với những con sóng rì rào, hàng dừa xanh biết trải mướt tầm mắt nhưng sao lòng người vẫn không vui, hoang hoải trong nỗi đau vô tận. Chậm rãi quá từ chương, độc giả được chứng kiến sự thay đổi bất ngờ trong tâm tính của cô gái trẻ. Từ một kẻ mang khát vọng muốn giết sạch chó hoang trên đảo để trả thù cô đã biến thành một người vị tha và đầy lòng trắc ẩn, học được cách biết yêu thương. Nỗi buồn dần bị đẩy tan thế chỗ cho guồng quay sinh tồn "bận rộn".
Dù phải trải qua nhiều biến cố nhưng bản chất Karana vẫn là một đứa trẻ, cô tận hưởng cuộc sống theo cách đáng yêu nhất. Cô thưởng thức món hàu nướng ngắm cảnh trời mây khi đang ngồi vắt vẻo trên ngọn núi cao hay biết tự làm đẹp cho bản thân bằng cách đan những bộ cánh bằng da thú hay cổ chim tuyệt lung linh. Tác giả Scott O’Dell đặc tả cuộc sống sinh hoạt của Karana. Ông chi tiết tới mức những vết thương, cái sẹo do chế tạo vũ khí không cẩn thận hay bị thú vật tấn công cũng đẹp một cách lạ thường.
Ngoài những kỹ năng sinh tồn được khéo léo đan cài xuyên suốt câu chuyện, tác giả còn kích thích trí tưởng tượng của người đọc khi liệt kê vô số những món ăn, thực phẩm đa dạng xuất hiện trên hòn đảo. Chỉ đọc văn cũng dễ dàng hình dung ra món ốc chiên bơ thơm lừng uống kèm nước dừa tươi ngọt lịm. Hay những miếng cá biển được nướng kỹ ăn với món cháo đặc biệt gồm hạt và các loại rễ cây do riêng Karana nghĩ ra. Những câu chữ cứ thể nhảy múa sống động qua trí tưởng tượng phong phú của độc giả.
Xen giữa những yếu tố kỳ lạ khiến người đọc say mê, Scott O’Dell còn khéo léo đưa những thông điệp sâu sắc về sức mạnh hàn gắn nỗi đau của tình yêu mà ông hướng tới trong tác phẩm này. Thông qua thế giới quan của Karana tác giả đã thể hiện sự phẫn nộ của mình trước những thợ săn vô đạo sẵn sàng tàn phá thiên nhiên vì tư lợi trước mắt.
Những hình ảnh nước biển nhuộm đỏ bởi máu của loài rái cá bị sát hại điên cuồng, bãi cát bốc lên mùi khó chịu, tanh tưởi bởi thi thể những người đã ngã xuống muốn bảo vệ vùng biển yên bình chắc chắc sẽ để lại trong người đọc những suy nghĩ về tội ác con người đã gây ra với thiên nhiên. Những yếu tố đó khi được đưa vào tác phẩm như càng đẩy mạch chuyện lên mức cao nhất, hướng tới cái nhìn đầy tinh thần nhân đạo của tác giả.
Hòn đảo cá heo xanh đã đem về cho Scott O’Dell giải thưởng truyện cho thiếu nhi xuất sắc nhất năm 1961. Sau nhiều năm cuốn sách đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của các thế hệ độc giả dù ở bất kỳ độ tuổi hay giới tình nào. Bằng sự chân thành và cảm thông của mình dành cho các nhân vật, Hòn đảo cá heo xanh đã vượt cao hơn những chi tiết lịch sử để biến nó thành một cuộc hành trình khó quên.
My Lan - zing.vn