Thôn Quý Châu mang lấy cho mình cái tiếng nghèo đã từ mấy đời nay.
Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, ai khá giả lắm thì trong vườn nhà mới có vài con gà, con vịt. Thôn tuy nghèo nhưng cuộc sống rất yên ả, dân quê bản chất thật thà tốt bụng, cứ hễ giúp nhau được gì là họ nhiệt tình lắm. Nói tới có tình có nghĩa phải nói tới gia đình ông Vương ở cuối thôn.
Ông bà Vương tuổi cũng đã gần 50, gia cảnh xếp vào loại khó khăn nhất nhì thôn.
Ngày trước vợ chồng ông làm ruộng nuôi đứa con nhỏ ăn học, ngày không phải ra đồng ông hay lên đồi chặt ít củi hay ra sông câu cá. Được ít được nhiều gì ông cũng mang chia cho bà con hàng xóm, nhiều người hỏi sao ông không mang ra chợ bán kiếm thêm mấy đồng nhưng ông đều xua tay, với ông tình làng nghĩa xóm còn làm ông vui hơn mấy đồng bạc đó.
Nhà ai bị đổ hàng rào hay mái lá lâu năm cần thay, ông cũng sang giúp đỡ nhiệt tình. Nhưng từ mấy năm nay bệnh tim ông trở nặng hầu như chỉ có thể nằm trên giường, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai người vợ. Nhiều lần ông bất lực nói bà để ông chết quách đi cho xong, sống mà làm vợ con mình thêm khổ ông xót lòng lắm. Nhưng vợ thương chồng con thương cha, họ làm sao đành.
Cậu con trai tuy còn nhỏ tuổi nhưng ý thức được hoàn cảnh gia đình, cậu xin được nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ. Ban đầu bà Vương nhất quyết không đồng ý, bà muốn con mình được ăn học đến nơi đến chốn để mai sau còn đổi đời, không phải sống cuộc sống vất vả như cha mẹ nhưng theo thời gian và theo cái gánh nặng đang oằn cong trên vai, bà đành chấp nhận mong muốn của cậu.
Từ đó hai mẹ con ngày ngày ra đồng làm từ tờ mờ sang, bà nhận thêm đan lát lúc rãnh rỗi.
Còn cậu từ bé đã tháo vát việc nhà, trong xóm ai cần gì thì cậu làm nấy, từ dọn cỏ, làm vườn tới gánh nước, gặt thuê. Tiền công chẳng nhiều nhưng nghĩ tới mua thêm cho ông Vương được vài viên thuốc hay phụ cho bà Vương được lon gạo là cậu thấy vui lắm. Cả thôn ai cũng thương cậu giỏi làm mà còn hiếu thảo.
...