Người phương Tây xưa nay vốn phân biệt hai kiểu hôn nhân: lấy nhau theo lý trí và lấy nhau vì tình yêu.
Theo lý trí là cân nhắc kỹ lưỡng mọi điều kiện của hôn nhân mà quyết định sáng suốt, hợp với hoàn cảnh của cá nhân, gia đình và xã hội. Còn vì tình yêu là chỉ tuân theo có tiếng gọi của tấm lòng, bất chấp mọi điều kiện khác.
Trong những năm 30 của thế kỷ này, thanh niên nam nữ mới tiếp thu văn hóa Tây phương, muốn thoát ly khỏi gia đình phong kiến, chống lại quyền cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy, phần lớn cho rằng lấy nhau phải vì tình mới là hợp lý và mới có hạnh phúc vợ chồng.
Cái lối hôn nhân phong kiến, trước những thay đổi lớn của xã hội, đã làm sinh ra không ít bi kịch. Lên án nó và góp phần đào thải nó khỏi xã hội thì các nhà văn trong Tự lực văn đoàn chủ yếu là Nhất Linh và Khái Hưng, đã làm thật mạnh và thành công không ít. Nhưng trong không khí say sưa rất lãng mạn chủ nghĩa ấy, những người thuộc phái mới có ai đã bình tĩnh để sáng suốt mà tự hỏi: nhưng hôn nhân chỉ vì tình yêu thì có phải bao giờ cũng tốt đẹp, và cũng đem đến hạnh phúc cho gia đình cả không?
Chỉ có Vũ Trọng Phụng năm 1937, là như đặt ra cái câu hỏi ấy và đã trả lời bằng cuốn tiểu thuyết Lấy nhau vì tình.
Mới nghe tên sách như thế, mãi đến cả ngày nay ai mà chẳng tưởng rằng Vũ Trọng Phụng đã viết một truyện hoa tình diễm lệ theo phong cách lãng mạn chủ nghĩa, lúc bấy giờ đang độ cực thịnh. Ngờ đâu đó là một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, mà hiện thực xã hội thì vẽ ra thật trung thành và sinh động, mà tâm lý nhân vật thì phân tích thật tinh vi và sâu sắc.
***
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm Số đỏ và Giông Tố đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn của Việt Nam.
Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách "tả chân" và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì "tội tổn thương phong hóa" (outrage aux bonnes moeurs). Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm in, cấm đọc vì là "tác phẩm suy đồi" tại miền Bắc Việt Nam từ 1954 và cả nước từ ngày 30/4/1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành.
Tác phẩm:
Tiểu thuyết:
Và còn rất nhiều tác phẩm kịch, dịch thuật, phóng sự và truyện ngắn
Mời các bạn đón đọc
Lấy Nhau Vì Tình của tác giả
Vũ Trọng Phụng.