Nhà văn Nga
Grigory Baklanov sinh ngày 11-9-1923. Khi ông đến tuổi nhập ngũ, trong nước tiếng súng chiến tranh đã vang lên được hơn hai tháng, cuốn theo gần như cả thế hệ của ông. Baklanov xung phong ra mặt trận, lúc đầu là một người lính, và sau khi tốt nghiệp trường quân sự là một trung đội trưởng pháo cao xạ.
Mười hai năm sau chiến tranh ông in truyện vừa đầu tiên “Hướng nam mũi đột kích chính”, tiếp theo là “Tấc đất” đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Ngay lập tức giới phê bình chính thống xếp chúng vào loại “sự thật chiến hào”. Hoạt động văn học của Baklanov, tác giả các truyện vừa, tiểu thuyết, kịch bản phim, hồi ký chiến tranh, vẫn gặt hái được nhiều kết quả cho đến ngày hôm nay.
***
Trận chiến đấu đã diễn ra nhiều giờ trong đám khói bụi che khuất cả mặt trời. Những chiếc xe tăng sa lầy trước hào chống tăng, chúng cố vượt qua hào, và một chiếc bốc cháy giữa cánh đồng. Nghe đâu bên cánh trái, bộ binh đang tiến, họ được trang bị áo giáp, mũ sắt, lưng che mộc sắt, ngực có áo giáp, dường như họ vượt qua hào chống tăng trước cả những chiếc xe tăng. Suốt cuộc chiến tranh Trêchiakov chưa trông thấy bộ bình ta như vậy, nhưng anh nghe nói cánh bộ binh ấy ở bên trái.
Chiếc xe tăng ba mươi tư tấn nằm bên miệng hào chống tăng bị phá hủy, bị đạn pháo cày rộng toác ra, và xác lính bộ binh nằm la liệt khắp chiến trường. Tất cả họ hòa vào cánh đồng vàng nục, ngưòi thì đội mũ ca-lô, người thì tóc húi cao gối đầu trên cỏ khô cứng, nhưng đều mặc những chiếc áo varơi cháy xém, cuộn lại vắt vai. Và không có tiếng nói của bất cứ ai — dù của trung đội trưởng, đại đội trưởng, người chỉ huy — có thể dựng họ dậy. Từ nay trở đi họ không phụ thuộc vào ai nữa, họ nằm trong cỏ trước hào chống tăng, dường như vẫn đang tiếp tục bò lên. Nghe tiếng nổ, Trêchiakov lao xuống, suýt nữa thi xéo phải một người lính bị đất sét phủ nửa người phía dưới. Cuộn dây điện màu xanh của ai đó nằm vắt ngang qua người anh ta.
Khi Trêchiakov cùng với Kưchin bò ra khỏi hào, vừa chạy trên trận địa, vừa rải dây theo, đạn réo gần đến nỗi lúc chạy đầu Trêchiakov lắc lư, như muốn dứt ra khỏi người. Một loạt pháo bất ngờ dội vào cả hai ngưòi. Trong khoảnh khắc nào đó, ngóc đầu khỏi mặt đất, anh trông thấy ở phía trước một đám tuyết đen xém giữa ngày nóng nực. Nó dựng thành bức tường dông bão cuồn cuộn và trên bức tường ấy, đàn bồ câu trắng đang bay lượn, và bỗng nhiên anh nhìn thấy một con chim trúng đạn. Lần đầu tiên trong đời Trêchiakov nhìn thấy điều đó. Chú bồ câu bay tung lên cao hơn đàn chim, quay tròn rồi rơi xuống, trên không trung chỉ còn những chiếc lông rụng từ đôi cánh giang rộng. Thế là cái lạnh tràn qua khắp tim anh: «Hôm nay nó sẽ giết mình!» — Anh chợt nghĩ và tự thấy hoảng sợ, vì đã nghĩ vậy. Và lát sau, anh chồm dậy chạy trên trận địa, tay giữ khẩu tiểu liên. Lính bộ bình khoác áo varơi đang khom người chạy phía trước, bỗng trở nên sáng trắng trước bức thành mây đen ngòm, giống như trên phim ảnh âm bản.
Trêchiakov hụp đầu trong khói súng, khi ngã xuống anh vẫn nghe thấy tiếng đạn cối đang bay xuống thấp. Và cả tiếng rên rỉ của ai đó ở ngav bên cạnh, nghẹn ngào, rên rỉ: «Ôi! Ối Ối! Ối giời ơi! ». Đạn cối nổ dữ đội hơn, Tiếng rên rỉ càng đau đớn hơn. Và còn nghe thấy hai giọng nói gầm lên vội vã: «Này, đã bảo...Đứa đây!». «Đưa cho ngay đấy... đưa ngay đấy….
Mời các bạn đón đọc
Mãi Mãi Tuổi Mười Chín của tác giả
Grigory Baklanov.