Mưa Đỏ |
|
Tác giả | Chu Lai |
Bộ sách | |
Thể loại | Chiến tranh |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 18226 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Chu Lai Tiểu Thuyết Chiến Tranh Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Mưa Đỏ là tiểu thuyết sử thi mới nhất của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là 81 ngày đêm huyết chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè rực lửa năm 1972. “Đáy sông Thạch Hãn đâu chỉ có “bạn ta nằm” mà còn có cả những đồng loại nhưng không đồng chiến tuyến nằm” - nhà văn Chu Lai chia sẻ tại buổi giao lưu. Chủ ý của nhà văn khi viết cuốn sách này là muốn trình hiện thêm một tiếng nói quyền lực của văn chương, trong việc lay thức con người nỗ lực phòng tránh chiến tranh cũng như hòa hợp, hòa giải dân tộc, chiến truyến.
“Mưa đỏ” là ký ức lương thiện của một thế hệ “đem thân xơ xác giữ sơn hà”, là một tác phẩm ghi dấu sự thành công mới của Chu Lai, chứng tỏ sự trường sức, trường vốn của nhà văn này, khẳng định độ phong nhiêu của đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
***
***
Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Nắng Đồng Bằng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với câu chuyện và những phận người đầy gai góc. Người lính trong Nắng đồng bằng không chỉ biết có chiến đấu vì lý tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn... nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.***
Nhà văn quân đội Chu Lai là tác giả của những tiểu thuyết đồ sộ về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, như: “Nắng đồng bằng” (1978), “Ăn mày dĩ vãng” (1991), “Phố” (1992), “Ba lần và một lần” (1999), “Cuộc đời dài lắm” (2001), “Khúc bi tráng cuối cùng” (2004), “Chỉ còn một lần” (2006)… Và một số kịch bản phim như: “Hà Nội đêm trở gió”, “Người đi tìm dĩ vãng”, “Người Hà Nội”…“Mưa đỏ” là tiểu thuyết sử thi mới nhất của ông, kết quả sau nhiều năm trăn trở và sáng tạo. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, cả ở hai bên chiến tuyến (ta và địch), xoay quanh trục hai nhân vật chính: Cường (chiến sĩ Giải phóng) và Quang (tên chỉ huy hắc báo của ngụy). Bên cạnh đó là bối cảnh trên bàn đàm phán ở Pa-ri với nhân vật bà mẹ của Cường - một nhà ngoại giao là thành viên của đoàn đàm phán phía ta…
Tác giả đã mượn phông nền của một sự kiện lịch sử điển hình nhưng cũng khá “nhạy cảm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bằng ngòi bút đậm chất văn miêu tả, không ôm đồm đi vào “bề rộng” của không gian cuộc chiến, mà đi vào chiều sâu của những chi tiết, những nhân vật; lột tả tính chất khốc liệt và bi tráng, tác giả nhập hồn vào từng nhân vật để giúp bạn đọc thấy được tâm trạng giằng xé trong từng cảnh huống: Cả sự dũng cảm và đớn hèn, cái thiện và cái ác,… sự bùng nổ những trạng thái tích cực và tiêu cực… của những con người từng giây, từng phút phải đối mặt với sự hy sinh, chết chóc đến bất cứ lúc nào. Đan cài trong những trang miêu tả cuộc chiến đọc đến gai người là những khoảng bình yên, lãng mạn đầy chất thơ của tình yêu nảy mầm trong lửa đạn, của những sự hào hoa, phóng túng rất đời…
Nhóm nhân vật “phía ta” trong tiểu thuyết (chiếm dung lượng nhiều nhất) chỉ là một đơn vị cấp tiểu đội. Tiểu đội ấy như một gia đình nhỏ, với một Tiểu đội trưởng Tạ “chừng ba mươi tuổi, tóc rễ tre, trán vuông cằm vuông, cái chóp mũi hình như cũng vuông nốt, da đen mun, dáng nông dân chắc nịch vùng đồng bãi…”, và các chiến sĩ thì mỗi người một quê, một vẻ: Sen - chiến sĩ lớn tuổi người Sài Gòn, Cường - sinh viên nhạc viện người Hà Nội, Bình vẩu - cựu sinh viên mỹ thuật quê Đông Hà, Hải gù - công nhân điện nước quê Hà Tây, và người trẻ nhất là Tú, một chiến sĩ mới tròn tuổi mười sáu (sau đó, tiểu đội còn được bổ sung một chiến sĩ mới mười lăm tuổi là Tấn).
Theo dòng chảy của trận chiến 81 ngày đêm đó, tác giả đã khắc họa rõ nét tâm lý, cảm xúc, tình cảm của từng thành viên trong tiểu đội này như những thước phim quay chậm, có lúc toàn cảnh, có lúc cận cảnh, thậm chí đặc tả, đại đặc tả rõ đến từng chi tiết. Trong cuộc chiến sinh tử ấy, con người đã bộc lộ rõ nhất bản năng. Tất cả tiểu đội này đều ngã xuống (trừ nhân vật Tấn). Mỗi người hy sinh cũng một kiểu. Có sự hy sinh rất đỗi “nhẹ nhàng”, có sự hy sinh mà thi thể còn bao lần bị đạn bom cày đi xới lại, có sự hy sinh lại để “xóa lý lịch có vấn đề” (nhân vật Hải gù), hay có sự hy sinh đã xóa đi lỗi lầm hèn nhát trước đó của chính mình (nhân vật Sen)…
Nhân vật chính được khắc họa đầy đủ nhất trong tiểu thuyết là Đặng Huy Cường - một người lính đại diện cho lớp sinh viên “tài hoa ra trận”. Anh là một sinh viên nhạc viện xuất sắc, con trai một cựu chiến binh thời chống thực dân Pháp, có anh trai là liệt sĩ. Đáng lẽ sẽ đương nhiên được đi học nước ngoài, phát triển tài năng âm nhạc, nhưng anh đã tình nguyện “gác bút nghiên” để lên đường chiến đấu. Người lính cựu sinh viên ấy đã có mặt ở Thành cổ Quảng Trị trong suốt gần trọn 81 ngày đêm bi hùng đó. Và, trong sự sống mong manh, cái nét lãng mạn, hào hoa của chàng trai Hà Nội vẫn được bộc lộ, tỏa sáng; tâm hồn âm nhạc vẫn được thăng hoa để anh viết nên bản hòa tấu với những nốt nhạc đầy cảm xúc. Bản giao hưởng ấy rung lên những âm điệu bi tráng của chiến tranh, hòa trộn âm điệu của hòa bình, và cuối cùng, hòa bình vẫn là sự vĩnh cửu, trường tồn dù nó phải đổi bằng máu đỏ… Anh đã hy sinh trong trận đánh ở ngày gần cuối cùng của chiến dịch, máu của anh, của đồng đội anh như Tiểu đội trưởng Tạ, cùng bao chiến sĩ tuổi còn xanh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn ngầu đỏ để góp phần làm nên thắng lợi quyết định trên bàn đàm phán ở Pa-ri, buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định hòa bình.
Nhà văn Chu Lai cũng không áp đặt theo lối mòn (ta tốt, địch xấu…), mà đã khắc họa cả những nét nhân văn, nhân đạo đằng sau cái hung hãn, tàn bạo của kẻ địch (nhân vật Quang - toán trưởng hắc báo ngụy). Ở đây, nhóm nhân vật “phía bên kia chiến tuyến” được tác giả đầu tư rất công phu, sâu sắc, chiếm một dung lượng vừa đủ để những con người bằng xương bằng thịt và tính cách, diễn tiến tâm lý được lột tả đến tận cùng của bản ngã con người trong cuộc chiến khốc liệt, mà như một lẽ tự nhiên, không gò ép, đã khiến bạn đọc cảm giác thỏa mãn.
Khép lại tiểu thuyết là cảnh hai bà mẹ của hai nhân vật chính ở hai chiến tuyến cùng trở lại Thành cổ viếng mộ con, họ tình cờ gặp nhau, cùng thắp nén hương lên hai ngôi mộ, để lại nhiều sự day dứt trong lòng người đọc, nhưng lại sáng lên một niềm tin rằng, xóa bỏ những hận thù, khép lại quá khứ bi thương đã qua để cả dân tộc cùng chung tay xây dựng đất nước hòa bình…
Trong cuộc giao lưu chào mừng Ngày sách Việt Nam (21-4) và giới thiệu tiểu thuyết “Mưa đỏ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức mới đây, nhà văn Chu Lai chia sẻ rằng, ông đã từng viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyện về những vùng đất mà ông từng trực tiếp chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và cả những địa bàn mà ông chỉ qua nghiên cứu tư liệu, tiếp xúc với nhân chứng… Nhưng riêng về Thành cổ Quảng Trị thì ông chưa một lần chạm vào, dù đã nung nấu từ bao năm như một món nợ lớn chưa trả được. Đã bao lần ông cùng vợ ông, nhà văn Vũ Thị Hồng đi về vùng đất ấy, và mỗi lần, trong trái tim người lính chiến từng trải của ông lại rung lên mãnh liệt rằng phải viết về nó, và phải viết một cách sâu sắc, chứ chưa dám nghĩ đến sự “xứng tầm” với những mất mát, hy sinh mà bao đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ từng xăng-ti-mét vuông Thành cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972 ấy. Lăn lộn trong nhiều tháng trời ở nhiều nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học nghệ thuật - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đầu tư, bao ngày đêm một mình đối mặt với từng con chữ, từng chi tiết, nhân vật, “Mưa đỏ” cũng từng trang từng trang hiện ra. Món nợ của ông cũng như được vơi đi… Và người đầu tiên, độc giả đầu tiên đọc nó, góp ý chỉnh sửa, hoàn thiện nó, không ai khác, chính là người bạn đời yêu quý của ông, nhà văn Vũ Thị Hồng. Bà tâm sự: “Khi đọc lần đầu tiên bản thảo ngổn ngang câu chữ, tôi đã nhiều lần ngấn nước mắt vì xúc động. Có lẽ sự đồng cảm của người từng có những năm tháng cầm súng, từng đối mặt với bao thử thách đã khiến tôi như người trong cuộc để cảm nhận những gì mà người lính trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ đã trải qua…”. Khi được hỏi, nhân vật nào, chi tiết nào mà bà tâm đắc nhất trong tiểu thuyết, nhà văn Vũ Thị Hồng chia sẻ rằng, rất nhiều, khó có thể kể hết, nhưng bà cứ day dứt mãi về những nhân vật nữ trong đó. Đặc biệt là nhân vật bà mẹ của Cường. Rồi nhân vật khác tên Hồng, một nữ cán bộ xã đội xinh đẹp, dũng cảm. Những đoạn văn mô tả chị chèo đò chở bộ đội qua sông, lộ bắp chân trần trắng nhễ nhại, hay chi tiết chị gặp Cường, nhân vật chính và đem lòng yêu anh… là những đoạn văn, chi tiết mà bà ám ảnh mãi…
Nhân đây, xin được dẫn lời nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú khi nói về cảm nhận ban đầu đọc “Mưa đỏ”: “Chu Lai trong “Mưa đỏ” đã đẩy ngòi bút lách sâu, nhập thân vào nhân vật, gọi ra ở nhân vật những trăn trở, dằn vặt rất con người không chỉ ở phía ta mà cả ở phía địch. Để cho bạn đọc thấy, thì ra đã là người Việt ai cũng đều máu đỏ chung dòng giống. Câu chữ khép lại còn ý nghĩa thì mở ra: Hãy cùng yêu thương nhau, cùng yêu hòa bình, cùng nhau gắn nối và gắn kết để dân tộc mãi trường tồn, đất nước ngày càng giàu mạnh…”.
Sự thành công của việc tái dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 còn chờ sự cảm nhận của bạn đọc và nhận xét của giới nghiên cứu, phê bình văn học. Nhưng qua tiểu thuyết mới của Chu Lai, có thể khẳng định, sức sống mãnh liệt và sức hấp dẫn vẫn còn vẹn nguyên, đủ để lay động trái tim người đọc của đề tài lớn: Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, mà có lúc nhiều người bi quan cho rằng dường như đang bị nhạt phai…
NGUYỄN HOÀNG SÁU