DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Mùa Hè Ước Nguyện

Tác giả Barbara O Connor
Bộ sách
Thể loại Thiếu Nhi
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3408
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Barbara O'Connor Phạm Hồng Anh Thiếu Nhi Tiểu Thuyết Văn Học Mỹ Văn Học Phương Tây
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Barbara O'Connor là nhà văn Mỹ có nhiều sáng tác hay dành cho thiếu nhi được đông đảo độc giả nhí hâm mộ và sở hữu nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi danh giá.

Sách “Mùa hè ước nguyện” kể về Charlie - một cô bé có hoàn cảnh khó khăn. Cha cô bỏ nhà đi, mẹ cô lại bị bệnh ko thể chăm sóc cô.

Cô phải rời thành phố, về thị trấn nhỏ sống với hai người bác mà cô chưa gặp bao giờ. Cô bé cho rằng thị trấn nhỏ này thật buồn tẻ và lạc hậu. Bạn bè ở trường thì xấu tính, nói chung là chán ngắt và cô đơn. Giữa cuộc sống mệt mỏi, Charlie đặt trọn niềm tin vào những điều ước.

Cô bé ước khắp mọi nơi, theo những cách đặc biệt nhất

Charlie chỉ ước duy nhất một thứ, nhưng điều đó chưa từng trở thành sự thật.

Cho đến

Cô bé gặp cậu bạn kèm cặp tóc đỏ của mình. Và từ phút giây đó, mùa hè ước nguyện của Charlie bắt đầu. Nhưng điều ước của cô bé là gì nhỉ? Các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời về gia đình, tình bạn diệu kỳ trong cuốn sách nhỏ này!

***

Tôi liếc nhìn tờ giấy trên bàn mình.

Một tờ “Phiếu làm quen”.

Cô Willibey đã viết sẵn cái tên “Charlemagne Reese” lên đầu phiếu.

Tôi liền gạch xoẹt chữ Charlemagne, rồi viết “Charlie” ngay cạnh đó.

Tên tôi là Charlie. Cái tên Charlemagne nghe thật đần độn đối với một đứa con gái. Mà trước đây tôi cũng từng phàn nàn chuyện đó với mẹ hàng tỉ tỉ lần rồi ấy.

Sau đó, tôi ngẩng đầu nhìn mấy đứa nhà quê xung quanh đang chúi mắt chúi mũi vào quyển vở toán.

Alvina, bạn thân nhất của tôi, nói rằng tất cả tụi nhóc ở đây đều là đồ nhà quê.

“Cậu sẽ không thích thị trấn Colby đâu. Ở đó chỉ toàn những con đường đất đỏ và tụi nhà quê thôi.” Sau đó, nó hất mái tóc mượt mà ra sau vai và nói tiếp, “Tớ cá là bọn nó ăn cả thịt sóc đấy.”

Tôi vội liếc những hộp thức ăn trưa dưới mấy ngăn bàn quanh mình để kiểm tra xem có đứa nào mang bánh kẹp thịt sóc đến trường không.

Sau đó, tôi nhìn xuống tờ giấy trước mặt. Tôi phải điền hết mấy ô trống này để cung cấp thông tin cá nhân cho giáo viên mới.

Ở chỗ trống cạnh câu Miêu tả gia đình em, tôi chỉ điền chữ “Tệ.”

Em thích môn học nào nhất? “Chẳng môn nào cả.”

Liệt kê ba hoạt động em thích nhất. “Bóng đá, múa ba lê, và đánh nhau.”

Hai điều trong danh sách trên là bịa đặt, nhưng cái còn lại là thật.

Tôi thực sự thích đánh nhau.

Chị tôi, Jackie, được thừa hưởng màu tóc đen như mực của bố, còn tôi thì được bố truyền cho tính khí nóng như lửa. Nếu cứ mỗi lần có người nói “Đúng là cha nào con nấy” mà tôi được cho năm xu, thì hẳn bây giờ tôi đã giàu sụ rồi. Bố tôi ẩu đả nhiều đến nỗi mọi người đều gọi ông là Thích Gây Gổ. Thật đấy, ngay bây giờ đây, khi tôi đang mắc kẹt ở Bắc Carolina, trong cái thị trấn Colby khỉ ho cò gáy này, và xung quanh rặt một lũ nhóc nhà quê... thì bố già Thích Gây Gổ của tôi đang ngồi bóc lịch ở Raleigh vì tội suổt ngày ẩu đả.

Và chẳng cần có quả cầu thủy tinh như mấy bà phù thủy, tôi cũng thừa biết rằng ngay lúc này tại căn nhà ở Raleigh của gia đình tôi, dù là giữa ban ngày ban mặt, nhưng mẹ tôi vẫn đang nằm bệt trên giường, xung quanh là rèm cửa buông kín mít và mấy lon sô-đa rỗng thì lăn lóc trên tủ kệ. Mẹ sẽ nằm ườn như thế cả ngày trên giường. Nếu bây giờ tôi có ở nhà thì mẹ cũng chẳng thèm bận tâm đến tôi đâu. Cho dù tôi ngoan ngoãn đến trường, hay hư đốn bùng học và ngồi ì trên ghế bành xem tivi và ăn bánh quy thay bữa trưa, thì mẹ tôi cũng mặc kệ.

“Nhưng đó chỉ là bế nổi thôi,” cô nhân viên xã hội nói với tôi khi đọc to danh sách những lí do tôi phải chuyển đến cái thị trấn mắc dịch này, và phải sống cùng hai người chẳng quen cũng chẳng thân. “Sống cùng họ hàng vẫn tốt hơn mà,” cô ấy nói. “Bác Gus và bác Bertha là họ hàng của cháu đấy.”

“Họ hàng kiểu gì cơ ạ?” tôi hỏi vặn lại.

Sau đó cô ấy bắt đầu giải thích về việc bác Bertha là chị gái của mẹ tôi, còn bác Gus là chồng bác ấy. Cô ấy nói là bởi họ không có con cái, nên họ rất vui khi được đón tôi về đó.

“Vậy tại sao Jackie lại được ở nhà chị Carol Lee ạ?” Thực ra tôi cũng đã hỏi cô ấy câu đó khoảng một triệu lần rối ấy. Carol Lee là bạn thân nhất của Jackie. Bả sống trong một căn biệt thự lát gạch xa hoa, và nhà bả còn có cả hồ bơi nữa. Mẹ bả chẳng bao giờ nằm lì trên giường mỗi sáng, và bố bả cũng không phải quý ngài Thích Gây Gổ.

Cô ấy cũng kiên nhẫn nhắc lại rằng từ giờ Jackie có thể được coi là người lớn rồi, bởi vài tháng nữa bả sẽ tốt nghiệp trung học.

Tôi cũng nhắc cô ấy rằng tôi giờ đã lên lớp Năm, nên tôi cũng đâu còn bé bỏng gì nữa. Nhưng cô nhân viên xã hội chỉ cười lấy lệ và đáp, “Cháu phải chuyển đến nhà bác Gus và bác Bertha một thời gian, Charlie ạ.”

Tôi còn chưa từng gặp mấy người đó lần nào, vậy mà tôi phải chuyển đến sống cùng họ ư? Sau đó tôi tiếp tục hỏi, thế cháu sẽ phải ở cùng họ bao lâu, thì cô ấy nói rằng tôi sẽ ở đó đến khi mọi chuyện ở Raleigh lắng xuống và mẹ tôi bình ổn trở lại.

Hừm, chuyện đó thì có gì khó cơ chứ? - Tôi thầm thắc mắc.

“Cháu cần một gia đình ổn định,” cô ấy nói. Nhưng tôi biết điều cô ấy muốn nói là “Cháu cần một gia đình hoàn chỉnh, thay vì một gia đình tan vỡ như nhà cháu.”

Sau đó tôi tiếp tục than vãn và cự cãi mãi với cô nhân viên xã hội, nhưng cuối cùng thì tôi vẫn phải chuyển đến Bắc Carolina, tới cái thị trấn Colby dở hơi này, và phải trả lời các câu hỏi trong tờ “Phiếu làm quen” trước mặt.

“Em điền xong chưa, Charlemagne?” Đột nhiên cô Willibey đến đứng ngay cạnh tôi.

“Em tên là Charlie ạ,” tôi đáp, và một thằng tóc-đầy-dầu ngồi đầu lớp phụt ra một tràng cười ha hả. Tôi liền tặng nó cái lườm cháy mặt kinh điển của mình và cứ tiếp tục lườm nó, cho đến khi mặt nó đỏ lựng và chịu ngậm miệng lại mới thôi.

Tôi nộp lại phiếu cho cô Willibey rồi quan sát hai con ngươi của cô liếc qua liếc lại khi đọc mấy thông tin trên tờ phiếu đó. Trên cổ cô lâm tấm vài vệt đỏ, và khóe miệng cô hơi giật giật. Cô thậm chí còn chẳng thèm quay lại nhìn tôi thêm lần nào trước khi quay về chỗ ngồi ở bàn giáo viên, và vội thả tờ phiếu của tôi lên mặt bàn, như thể nó là củ khoai tây nóng rẫy cô mới lây ra từ trong lò nướng vậy.

Tôi ngả người xuống ghế rồi miết hai bàn tay đẫm mồ hôi lên ống quần đùi. Mới tháng Tư thôi, nhưng ngoài trời đã nóng như thiêu.

“Cậu cần tớ chỉ cách làm mấy bài tập đó không?” Thằng nhóc bàn trước quay lại chỉ vào tờ bài tập toán trên bàn tôi. Nó có mái tóc đỏ và đeo một cặp kính đen xấu mù.

“Không,” tôi đáp.

Nó nhún vai, sau đó vớ lấy cây bút chì trên bàn rồi bước đến chỗ gọt.

Cà.

Nhắc.

Cà.

Nhắc.

Nó bước đi như thế đấy.

Tôi cảm giác hình như chân thằng nhóc này bị tật hay sao ấy.

Thậm chí nó còn phải lết một bàn chân trên sàn lớp, nên, chiếc giầy của nó cứ phát ra tiếng rít rít hoài.

Tôi ngước nhìn đồng hồ.

Chết tiệt! Lỡ mất 11 giờ 11 phút rồi.

Tôi có hẳn một danh sách các cách để ước nguyện, ví dụ như khi bất ngờ bắt gặp một chú bạch mã, hay thổi bay những cánh hoa bổ công anh. Và việc nhìn chính xác thời khắc 11 giờ 11 phút trên đồng hồ cũng nằm trong danh sách đó. Ông già ở cửa hàng đồ câu ven hồ đã dạy tôi điều đó, hồi trước bố và tôi thường đến đó câu cá. Giờ tôi đã lỡ mất thời khắc 11 giờ 11 phút, nên từ giờ tới trước nửa đêm tôi nhất định phải tìm một cách khác để ước nguyện mới được. Từ hồi cuối năm lớp bốn đến giờ, tôi chưa quên “nhiệm vụ” ước nguyện này một ngày nào hết, nên chắc chắn hôm nay tôi sẽ tìm cách thực hiện nó.

Sau đó cô Willibey gật đầu với thằng nhóc tóc đỏ đang gọt bút chì: “Howard, em làm Bạn Kèm Cặp của Charlie một thời gian nhé?”.

Cô Willibey giải thích rằng đây là tục lệ khi một học sinh mới chuyển đến, Bạn Kèm Cặp có trách nhiệm dẫn “ma mới” đi tham quan trường và giải thích nội quy cặn kẽ, cho đến khi nó hoàn toàn hòa nhập được với ngôi trường mới.

Thằng Howard kia cười toét miệng: “Vâng, thưa cô,” và thế là mọi chuyện an bài. Tự nhiên tôi lại có một đứa Bạn Kèm Cặp, dù tôi có muốn hay không.

Thời gian nửa buổi chiều còn lại trôi chậm đến mức tôi suýt chút nữa phát điên. Tôi ngồi nhìn cảnh vật cửa sổ, trong khi lũ nhóc trong lớp lẩn lượt lên khoe khoang về mây đề tài nghiên cứu môn khoa học xã hội của tụi nó. Mưa bắt đầu lất phất, và những đám mây đen lững lờ kéo đến ngự trị những đỉnh núi trong tầm mắt tôi.

Khi chuông reo, tôi đã cố phóng thật nhanh ra khỏi lớp để lên xe buýt. Sau khi chiếm chỗ ngồi hàng cuối rồi ngồi phịch xuống, tôi nhìn chằm chằm cái bã kẹo cao su khô đét dính chặt ở hàng ghế trước, và cố gắng truyền tín hiệu đến não những đứa khác trên xe.

Đừng đến ngồi cạnh tôi.

Đừng đến ngồi cạnh tôi.

Đừng đến ngồi cạnh tôi.

Nếu tôi buộc phải ngồi chung xe buýt với một đám nhóc lạ mặt, thì chí ít tôi cũng mong được ngồi một mình.

Việc truyền tín hiệu có vẻ khá hiệu quả, nên tôi không nhìn cái bã kẹo cao su nữa, mà hướng mắt nhìn ra phía ngoài cửa sổ.

Thằng nhóc tóc đỏ có cái tướng đi cà nhắc đang cố đi thật nhanh tới chỗ xe buýt, ba lô của nó cứ giật tưng theo mỗi bước đi.

Khi nó đặt chân lên xe buýt, tôi liền quay ngoắt lại nhìn cái bã kẹo cao su và tiếp tục thử dùng chiêu “tâm linh tương thông” thêm một lần nữa với nó.

Nhưng thằng nhóc đó chẳng hề lãng phí một giây phút nào, nó bước nhanh giữa hai hàng ghế rồi đặt mông xuống chỗ ngồi cạnh tôi.

Nó chìa bàn tay về phía tôi và nói, “Chào đằng ấy. Tớ là Howard Odom.” Nó đẩy cái gọng kính đen xấu xí lên cao và nói thêm, “Bạn Kèm Cặp của cậu đây.”

Trời đất, có đứa nhóc nào bắt tay kiểu đó không? Tôi thì chưa từng quen đứa nào như thế cả.

Nó cứ chìa tay và nhìn tôi chòng chọc một lúc lâu, cho đến khi tôi không chịu nổi nữa và đành phải bắt tay nó.

“Charlie Reese,” tôi đáp.

“Cậu đến từ đâu?”

“Raleigh.”

“Sao cậu lại đến đây?”

Thằng nhóc này tọc mạch thật đấy. Nhưng tôi nghĩ nếu mình nói ra sự thật, thì chắc chắn nó sẽ á khẩu, và có thể sẽ từ bỏ luôn việc làm Bạn Kèm Cặp của tôi.

“Bố tớ ngồi tù, còn mẹ thì nằm lì trên giường suốt,” tôi đáp.

Nhưng thằng nhóc đó thậm chí còn chẳng hề chớp mắt. “Sao bố cậu lại vào tù?”

“Vì tội ẩu đả.”

“Tại sao?”

“Cậu hỏi thế là sao?”

Nó chùi cặp mắt kính mờ vào vạt áo phông. Hơi nóng hầm hập trong chiếc xe buýt chật kín người làm hai gò má nó ửng đỏ. “Sao bố cậu lại ẩu đả với người khác?” nó hỏi.

Tôi nhún vai. Ông bố già Thích Gây Gổ của tôi có thể đánh nhau mà chẳng cần lí do gì cả. Vả lại, có thể có hàng đống lý do khiến ổng phải ngồi tù, nhưng chẳng ai chịu kể cho tôi những điều đó.

“Bác Gus và bác Bertha đã kể với mẹ tớ là cậu sắp chuyển đến đây. Hai bác ấy cùng đi lễ ở nhà thờ với gia đình tớ. Có lần tớ còn cho bác Bertha một chú mèo nữa đây,” Howard nói. “Một chú mèo hoang lông xám gầy nhắng trốn chui lủi dưới hiên nhà tớ.”

Sau đó nó tiếp tục thao thao bất tuyệt về chuyện bác Gus đã dạy nó làm súng cao su, và chuyện bác Bertha thi thoảng bán món dưa chuột muối bên vệ đường vào mùa hè. Tiếp theo là chuyện có lần mẹ nó đã phi xe xuống cái rãnh cạnh nhà bác Gus và bác Bertha, thế nên bác Gus đã phải dùng máy kéo để giải cứu chiếc xe của mẹ nó, rồi sau đó mọi người đều vui vẻ ăn bánh mì kẹp thịt nướng ở sân trước.

“Cậu sẽ sống cùng hai bác ấy nhỉ,” nó nói.

“Tớ không sống cùng họ lâu đâu,” tôi đáp. “Tớ sẽ về Raleigh.”

“Ồ.” Nó cúi đầu nhìn hai bàn tay lấm chấm tàn nhang đặt trên đùi. “Bao giờ thế?”

“Khi mẹ tớ bình ổn trở lại.”

“Thế mẹ cậu cần bao nhiêu thời gian?”

Tôi nhún vai. “Không lâu đâu.”

Nhưng trong thâm tâm, tôi biết mình đang tự dối lòng. Tôi biết mẹ mình có lẽ sẽ chẳng thể nào trở lại như xưa nữa.

Khi chiếc xe buýt bắt đầu lăn bánh tiến về thị trấn, Howard bắt đầu luyên thuyên một tràng về luật lệ xe buýt. Không được giữ chỗ. Không nhai kẹo cao su. Không được viết lên lưng ghế. Không chửi bậy. Cả một đống luật lệ lằng bà nhằng - mà tôi dám cá là chẳng ai thèm để tâm ngoại trừ Howard.

Qua khung cửa sổ xe buýt, tôi thấy thị trấn Colby thật thảm hại. Một trạm xăng. Một khu nhà lưu động. Một tiệm giặt tự động. Nếu có ai hỏi, tôi sẽ nói nơi này trông chẳng giống một thị trấn cho lắm. Không có trung tâm mua sắm, cũng chẳng có rạp chiếu phim. Thậm chí, ở đây cũng chẳng có nhà hàng đổ Trung Hoa nào cả.

Một lúc sau, chiếc xe buýt bắt đầu leo dốc lên núi. Trời đã ngừng mưa, và lúc này những làn hơi nước nhỏ bắt đầu bay lên từ mặt đường nhựa. Con đường núi hẹp có rất nhiều khúc cua quanh co, ngoằn ngoèo. Thi thoảng, bác tài lại dừng xe để trả tụi nhóc về mấy ngôi nhà tồi tàn đến đáng thương bên mặt đường đất đỏ. Khi chiếc xe dừng lại gần nhà bác Gus và bác Bertha, Howard nói với tôi, “Hẹn gặp cậu sau nhé.”

Một thằng nhóc tóc đỏ khác có vẻ nhỏ tuổi hơn Howard cũng xuống xe cùng nó. Tôi thấy hai đứa băng qua một khoảng sân đầy cỏ dại để vào nhà. Mấy chiếc xe đạp, ván trượt, bóng đá và giày thể thao nằm la liệt trên đoạn đường từ ngoài đường cái tới cửa ra vào. Một chiếc ống nước tưới cây trườn ngoằn ngoèo từ cái vòi rỉ nước đến một cái hố trong sân. Một thằng nhóc mặt lem luốc đang ngồi thảy đá và sỏi vào cái hố nước, khiến làn nước đục ngầu trong đó bắn lên tung tóe.

Howard vẫy tay chào khi chiếc xe chuẩn bị lăn bánh, nhưng tôi lại tiếp tục dán mắt vào cái bã kẹo cao su ở băng ghế trước mặt.

Khi bác tài dừng xe bên con đường trải sỏi dẫn vào nhà bác Gus và bác Bertha, tôi bước xuống và nhìn bác ấy lái xe đi. Luồng gió từ chiếc xe buýt khiến mấy đóa hoa cà rốt dại đẫm nước mưa bên vệ đường lay động rung rinh. Khi bắt đầu bước về phía ngôi nhà, tôi chợt phát hiện một thứ lấp lánh lan trong đám đất bên vệ đường.

Một đồng xu!

Tôi liền lao nhanh đến đó và nhặt nó lên. Sau đó tôi cố gắng thảy đổng xu đi xa hết cỡ, rồi thầm ước thật nhanh trước khi nó chạm mặt đất và lăn về phía rừng cây.

Thế là xong nhiệm vụ ước nguyện ngày hôm nay!

Có lẽ lần này điều ước của tôi sẽ thành hiện thực.

Mời các bạn đón đọc Mùa Hè Ước Nguyện của tác giả Barbara O'Connor & Phạm Hồng Anh (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000