"Ngày 210" được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1096 tại Nhật Bản. Một cuốn sách nhỏ, dày chưa đến 100 trang, nhưng lại chứa đựng trong đó sức nặng ghê gớm.
Tiểu thuyết thể nghiệm một lối kể chuyện qua hình thức đối đáp kéo dài giữa hai chàng thanh niên khác nhau về tính cách là Kei và Roku khi họ cố sức leo lên đỉnh Aso đang rền rĩ như muốn bùng nổ phun trào dung nham. Và họ phải đối mặt với ngày 210, theo âm lịch là ngày bão tố. Những trường đoạn đối đáp của họ không chỉ thể hiện không khí căng thẳng khốc liệt của thiên nhiên vào ngày núi lửa và bão tố hoành hành mà còn cho thấy những xung đột xã hội gay gắt âm u.
Hành trình leo núi đầy ám ảnh của họ liệu có thành không, tác giả để mở cho trí tưởng tượng của người đọc.
Tiểu thuyết còn là một phối hợp thú vị giữa thể nhật ký văn chương rất Nhật có truyền thống lâu đời và thể tự truyện pha hư cấu của phương Tây.
Tác phẩm dựa trên một hành trình thật sự của Soseki đến Kyushu năm 1899 cùng với người bạn thân là Yamakawa Shinjiro. Hai người gặp bão tố ngày 210 khi thực hiện cuộc leo lên đỉnh Aso.
Núi lửa phun trào, văn hóa cũ suy tàn, bão tố ập về… Và những người trẻ tuổi vẫn đi lên với những bước chân đầy trầm tư, khát vọng.
Soseki vốn được xem là “một con tắc kè hoa” trong văn hóa, tức là luôn luôn biến đổi chứ không bao giờ chịu đóng khung mình trong những hình thức lặp lại. Người mới đọc Soseki hẳn sẽ có chút ngỡ ngàng nếu biết rằng một Gối đầu lên cỏ mong manh đẹp đẽ như hư ảo, và một Tôi là con mèo sắc sảo, hài hước, giễu nhại lại đều do một Soseki tạo nên.
Ngày 210 có lẽ là cuốn sách thể hiện sự đổi mới quyết liệt nhất trong suốt thời gian sáng tác của Soseki. Với lối viết thể nghiệm mới, khi sáng tác cả một tiểu thuyết chỉ bằng những trường đoạn đối thoại dài liên tục, Soseki không những tạo được sự mới mẻ, mà còn đề cập được rất nhiều vấn đề sâu sắc về con người, thời cuộc của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Kết thúc cuốn sách, người đọc không hề biết rằng Kei và Roku rốt cuộc có tiếp tục đi đến đỉnh của ngọn núi lửa Aso ấy không. Chỉ có một cõi bụi mù thẫm sương mở ra trước mắt. Ấy cũng là một cái kết rộng mở như dư âm đọng lại trong những bài thơ haiku rất ngắn trong văn học Nhật.
Mời các bạn đón đọc
Ngày 210 của tác giả
Natsume Soseki.