Tập truyện ngắn
Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo gồm có:
Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo
Cô Gái Trăm Phần Trăm Trong Một Sáng Đẹp Trời Tháng Tư
Buồn Ngủ
Quỷ Hút Máu Trên Xe Taxi
Khu Phố Của Cô, Đàn Cừu Của Cô
Nàng Ipanema Năm 1963 / 1982
Có Yêu Burt Bacharach Không?
Người Đi Vé Ngày
Thăng Trầm Của Bánh Nướng Nhọn Mỏ
Cái Nghèo Của Tôi Hình Miếng Bánh Phó Mát
Năm Của Spaghetti
Cậu Ếch Cứu Tokyo
Đĩa Bay Đáp Xuống Kushiro
Folklore Của Thời Đại Chúng Ta
Cô Gái Trăm Phần Trăm Hoàn Hảo
Gương Soi
Lưỡi Dao Săn
Một Cách Chết Khác
Người Đàn Ông Băng
Người Thứ Bảy
Những Bóng Ma Vùng Lexington
Phong Cảnh Có Bàn Ủi
Thành Phố Của Nàng, Bầy Cừu Của Nàng
Thông Báo Kangaroo
Tony Takitani
***
Hiện nay. Murakami Haruki là tác giả Nhật Bản nổi tiếng vào bậc nhất cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng trên thế giới.
Ở những nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc các lãnh thổ Đài Loan Hồng kông hầu như toàn bộ tác phẩm Haruki đã được dịch, xuất bản; các tác phẩm mới vừa ra mắt độc giả Nhật Bản thì vài tháng sau đã có ngay bản dịch tiếng Trung Quốc, Hàn quốc. Ở Nga và Mỹ cũng có nhiều độc giả nhiệt liệt hâm mộ tác phẩm Haruki, qua các bản dịch nghiêm túc và thành công.
Những nhà phê bình và độc giả ái mộ còn nói đến chuyện Haruki sẽ có thể đoạt giải Nobel văn học, hay có hình in trên giấy bạc Nhật Bản. Murakami Haruki là tác giả Nhật Bản có khuynh hướng phản kháng đối với truyền thống. Tác phẩm Haruki đặc sắc cả trong thể loại truyện dài lẫn truyện ngắn. Chính ông cho biết không đặc biệt chú trọng hay ưa chuộng thể loại nào hơn. Nhiều truyện ngắn của ông đã trở thành hạt giống được. khai phát thành truyện dài thành công. và nhiều truyện dài của ông đã chia nhánh phát triển thành những truyện ngắn đặc sắc.
Tiếp cận văn chương Haruki từ các truyện ngắn là cách hay nhất, bởi tương quan khăng khít giữa hai thể loại, như đã nói trên đây, hơn nữa, sự phong phú trong đề tài và văn phong Haruki có thể lĩnh hội được nhanh chóng, dễ dàng và tiện lợi từ tuyển tập những truyện ngắn nồng súc và đa dạng, hơn là truyện dài.
Các truyện ngắn sau đây được dịch từ Tuyển tập Kangaruu Biyori - Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo xuất bản năm 1 983 tại Nhật Bản, và giữ nguyên thứ tự trong Tuyển tập nguyên tác, theo yêu cầu của tác giả Murakami Haruki. Trừ truyện cuối tập, 17 truyện ngắn này đã ra mắt độc giả Nhật Bản trong tạp chí Torefuru - Trefle khoảng năm 1981 - 1983.
Tuyển tập này là một trong bộ ba Tuyển tập truyện ngắn Murakami Haruki:
Đom Đóm, Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo và
Sau Cơn Động Đất, do nhà xuất bản Đà Nẵng thực hiện, thu thập gần bốn mươi truyện ngắn tiêu biểu khá đầy đủ cho tính đa dạng về đề tài và bút pháp của tác giả.
Hy vọng rằng những truyện ngắn được tuyển dịch này nêu lên được những đặc điểm Haruki, nhất là sự tương phản giữa phong cách Murakami Haruki và những màu sắc truyền thống Nhật Bản.
Chúng tôi mong nhận được ý kiến, phê bình của quý độc giả, hầu có thể sửa đổi những chỗ sai sót, và thực hiện hoàn chỉnh hơn trong những lần xuất bản tới. Xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã mua sách, đọc sách và chỉ giáo cho.
Phạm Vũ ThịnhSydney 09-2005
***
Trong chuồng có bốn con Kangaroo 1. Một con đực, hai con cái, và một con mới sinh. Trước chuồng kangaroo thì chỉ có hai vợ chồng tôi chứ chẳng có ai khác. Nguyên là một vườn thú không nổi tiếng mấy, mà lại nhằm sáng thứ Hai nữa. Số thú vật lớn hơn số người đi xem quá nhiều.
Tất nhiên là vợ chồng tôi nhắm đến chuyện xem bé Kangaroo mới sinh. Ngoài ra, không nghĩ ra được một con vật nào khác cần xem cả. Vợ chồng tôi từ một tháng trước đã đọc trên báo mà biết có bé kangaroo mới sinh. Rồi trong suốt tháng nay, chỉ chờ đến một buổi sáng thích hợp để đi xem bé kangaroo mới sinh ấy. Thế mà, buổi sáng thích hợp như thế lại khó đến quá. Có buổi sáng mưa suốt buổi. Sáng hôm sau lại cũng mưa. Rồi sáng sau nữa thì đất còn ướt quá, mà hai ngày tiếp theo lại nổi cơn gió chướng. Có buổi sáng răng sâu của vợ tôi đau nhức, có buổi sáng cô ấy phải đến Sở hành chính Phường. Cứ thế một tháng trôi qua đi mất.
Nói một tháng thì nghe có vẻ lâu, nhưng thật sự trôi qua nhanh như chớp mắt. Trong vòng một tháng nay, mình đã làm được gì, tôi hoàn toàn không nhớ. Có cảm giác như mình đã làm đủ thứ chuyện, nhưng cũng có cảm giác như mình đã chẳng làm chuyện gì cả. Nếu không có người thu tiền đến lấy tiền mua báo, thì ngay cả chuyện một tháng đã trôi qua rồi, tôi cũng chẳng để ý nữa.
Nhưng dù thế nào đi nữa, buổi sáng thích hợp để đi xem bé kangaroo mới sinh đã đến. Sáng 6 giờ, vợ chồng tôi thức giấc, mở màn cửa sổ ra thì xác nhận được tức thì hôm ấy là ngày đẹp trời để xem kangaroo. Chúng tôi rửa mặt, ăn sáng xong, cho con mèo ăn, giặt giũ, rồi đội mũ che nắng, ra đi.
- "Anh này, không biết bé Kangaroo mới sinh còn sống không nhỉ?". Nàng hỏi tôi trong tàu điện.
- "Anh nghĩ là con sống. Chứ có thấy báo đăng nó chết đâu".
- "Nhưng có khi bé ấy phải vào bệnh viện nữa chứ".
- "Nếu thế thì cũng có báo đăng."
- "Hỗn loạn thần kinh mà trốn miết vào trong góc chuồng thì sao?."
- "Bé con mới sinh mà"
- "Anh này! Em nói mẹ bé đấy chứ. Mang bé vào trốn miết trong góc tối không chừng"
Tôi thấy nể các cô, quả thật họ nghĩ ra được đủ thứ chuyện có thể xảy ra.
- "Em lo nếu mình lỡ mất dịp này thì sẽ không còn cơ hội nào để xem bé Kangaroo mới sinh nữa đấy"
- "Biết có thật thế không"
- "Chứ anh xem được bé Kangaroo mới sinh chưa?"
- "Chưa lần nào"
- "Anh có tự tin rằng từ đây về sau còn có dịp xem bé kangaroo mới sinh không nào?"
- "Sao nhỉ. Anh chẳng biết".
- " Chính vì thế em mới lo đấy chứ".
- "Nhưng mà này", tôi cãi, "quả thật điều em nói có thể đúng, thế nhưng anh chưa bao giờ thấy loài hươu sinh con, mà cá voi lội cũng chưa hề thấy. Vậy thì tại sao lại chỉ phải đặt vấn đề xem bé kangaroo mới sinh mà thôi?"
- "Thì bởi vì là bé kangaroo mới sinh mà". Cô ấy nói.
Tôi đành chịu thua, giở báo ra xem. Từ trước đến nay, cãi nhau với các cô thì chưa bao giờ tôi thắng cả.
Bé kangaroo mới sinh dĩ nhiên là còn sống. Cậu ( hay cô) bé trông to hơn trong ảnh trên báo nhiều. Đang chạy nhảy khỏe mạnh trên mặt đất. Gọi là một con kangaroo nhỏ thì đúng hơn là bé Kangaroo mới sinh. Sự thật này làm nàng thất vọng đôi phần.
- "Có vẻ không còn là bé kangaroo mới sinh nữa nhỉ"
Tôi an ủi "Thì cũng vẫn là bé kangaroo mới sinh đấy chứ".
- "Đáng lẽ mình phải đến xem từ trước, tiếc thật".
Tôi đến quán hàng mua kem sô-cô-la cho cả hai. Lúc trở lại, nàng vẫn còn tựa người vào lưới chuồng, ngắm mê mải con kangaroo.
- "Chẳng còn là bé kangaroo mới sinh nữa rồi". Nàng lặp lại.
- "Thế à?" Tôi đưa em sô-cô-la cho nàng.
- "Chứ nếu còn là bé kangaroo mới sinh thì phải ở trong túi của mẹ nó chứ."
Tôi gật đầu, liếm kem.
- "Có ở trong túi của mẹ nó đâu nào".
Chúng tôi đưa mắt dõi tìm con kangaroo mẹ. Chứ kangaroo bố thì thấy ngay. Đấy là con to nhất mà lại có vẻ hiền lành nhất. Anh ta có khuôn mặt giống như một nhạc sĩ đã khô cạn tài năng, đang nhìn đăm đăm vào đám rau xanh trong hộp đựng đồ ăn. Hai con còn lại là kangaroo cái, thân hình giống nhau. Con nào cũng có thể cho là kangaroo mẹ được cả.
- "Nhưng mà, chỉ một con là kangaroo mẹ, con kia có phải là con kangaroo mẹ đâu". Tôi nói.
- "Vâng"
- "Vậy thì, con không phải là con kangaroo mẹ ấy là gì nhỉ"
Nàng nói không biết.
Chẳng để ý đến chuyện ấy, bé kangaroo mới sinh cứ tiếp tục chạy nhảy vòng quanh, thỉnh thoảng dừng lại, lấy hai chân trước đào lỗ vớ vẩn chẳng để làm gì. Có vẻ cậu (hay cô) bé chẳng biết chán. Cứ chạy vòng vòng quanh ông bố, nhấm nháp chút rau xanh, đào lỗ trên đất, trêu trọc hai bà kangaroo, nằm lăn trên đất, rồi nhổm dậy, lại bắt đầu chạy vòng vòng.
- "Kangaroo chạy nhảy làm gì mà nhanh thế nhỉ?" Nàng hỏi.
- "Để trốn khỏi kẻ địch đấy mà."
- "Kẻ địch à? Kẻ địch nào thế?"
- "Con người đấy", tôi nói, "Con người ném boomerang 2 giết kangaroo để ăn thịt đấy".
- "Tại sao bé kangaroo mới sinh lại vào trong túi ở bụng mẹ thế?"
- "Để cùng chạy trốn đấy mà. Bởi Kangaroo con đâu có thể chạy nhanh được"
- "Được bảo hộ đấy nhỉ"
- "Đúng đấy". Tôi nói.- "Trẻ con nào cũng được bảo hộ cả.
- "Được bảo hộ như thế trong bao lâu?"
Đáng lẽ tôi phải điều nghiên kỹ càng từ các bộ sách khảo cứu động vật, tất cả các chi tiết về kangaroo!. Biết trước thế nào cũng bị hỏi kiểu này rồi mà!
- "Một hay hai tháng. Chắc là cỡ đó"
Nàng chỉ vào bé kangaroo mới sinh.
- "Vậy thì bé này mới được một tháng, còn vào túi mẹ đấy nhỉ"
- "Ừ", tôi nói, "có lẽ thế"
- "Này anh, vào trong túi mẹ chắc là thích lắm nhỉ?"
- "Có lẽ thế thật"
- "Chú mèo Doraemon cũng có túi, vậy là có nguyện vọng trở về trong thai của mẹ đấy nhỉ."
- "Chẳng biết có phải thế không"
- "Hẳn là thế rồi"
Mặt trời đã lên cao lắm. Từ hồ tắm gần đấy vang tiếng trẻ con nô đùa. Những đám mây mùa hè nổi rõ trên nền trời.
- "Em muốn ăn gì không?'. Tôi hỏi nàng.
- "Hot-dog". Nàng đáp.- "và cola"
Người bán hot-dog là một sinh viên trẻ vừa làm thêm vừa đi học; trong xe bán bánh làm theo hình cỗ xe ngựa, có để mấy thu thanh quay băng cỡ lớn. Trong lúc đợi bánh, Stevie Wonder và Billy Joel hát cho tôi nghe.
Khi tôi trở lại trước chuồng kangaroo, vợ tôi nói: " Anh xem kìa" vừa chỉ tay về phía một con kangaroo cái.
- "Đấy, xem kìa, vào trong túi mẹ rồi đấy"
Đúng là bé kangaroo mới sinh đã chiu tọt vào túi mẹ nó. Chiếc túi trước bụng kangaroo mẹ phồng to lên, chỉ có cái tai vểnh và khúc đầu của cái đuôi bé kangaroo mới sinh còn thò lên trên miệng túi.
- "Không nặng sao nhỉ?"
- "Kangaroo mạnh lắm em ạ"
- "Thật không?"
- "Nhờ thế mới sống sót được đến bây giờ đấy chứ."
Trong ánh nắng gay gắt này, kangaroo mẹ vẫn không có giọt mồ hôi nào. Có vẻ như buổi chiều, bà vừa đi chợ trong siêu thị đường Aoyama xong, đang ngồi thư giãn trong quán cà- phê.
- "Bé đang được bảo hộ đấy nhỉ?"
- "Ừ"
- "Ngủ mất rồi sao chứ?"
- "Có lẽ thế"
Chúng tôi ăn hot-dog, uống cola, rồi rời khỏi chuồng kangaroo.
Lúc chúng tôi rời đi, kangaroo bố vẫn còn đăm đăm truy cầu dư âm nào đấy trong hộp đựng đồ ăn. Kangaroo mẹ và bé kangaroo mới sinh nhập làm một, dừng chân, nghỉ ngơi, nhìn thời gian qua. Còn lại cô kangaroo bí mật kia đang nhảy đi nhảy lại như thử xem đuôi mình có săn chắc hay không.
Lâu lắm rồi mới có một ngày nóng như thế này.
- "Này anh, đi uống bia không?". Nàng rủ.
- "Được quá chứ". Tôi nói.
...
Mời các bạn đón đọc tập truyện ngắn
Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo của tác giả
Haruki Murakami.