Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình |
|
Tác giả | Nguyễn Nhật Ánh |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 4940 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Nguyễn Nhật Ánh Tiểu thuyết Lãng mạn Văn học Việt Nam Văn học phương Đông |
Nguồn | Đọc Truyện Đêm Khuya |
Hiếm có nhà văn nào viết truyện cho thiếu nhi mà vẫn được người lớn phải gật gù tấm tắc như Nguyễn Nhật Ánh. Với những độc giả không đủ kiên nhẫn, khi đọc những chương đầu tiên của cuốn sách này có thể đã vứt bỏ giữa chừng kèm theo một câu cảm thán: chuyện con nít ba xu. Thế nhưng với những ai đã thực sự phiêu lưu cùng ngòi bút của tác giả đến những chương sách cuối cùng mới thực sự trải nghiệm được thông điệp rõ ràng của ông: câu chuyện này vốn dĩ chưa bao giờ được viết dành cho trẻ con cả.
Nhưng trong ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, hiện lên những nhân vật rất thật và mang màu sắc cao nhất của hiện thực. Thẳng thắn, hồn nhiên ở tuổi mới lớn. Những trải lòng khi người ta đã trưởng thành. Và đứng trước ngã ba của sự lựa chọn, quyết định của mỗi nhân vật khiến người ta vừa cảm động vừa thấy mỉa mai cho số phận của ba con người.
Vinh, Miền và Phúc, ba nhân vật thay nhau kể cho ta nghe về một câu chuyện tình, có thể nói là rất đẹp giữa họ. Vinh mến người con gái tên Miền, nhưng cô gái tuổi ngây thơ ấy lại bị mê hoặc bởi Phúc, anh bạn thân của cậu ấy. Đến khi cậu chàng tên Phúc biết được, cậu ấy lại ngẩn ngơ tương tư và câu chuyện bắt đầu đơn giản là thế
“Mày đánh tao đi” Phúc lôi Vinh ra
“Vì sao”
“Vì tao biết người mà Miền thích rồi”
“Không phải là tao, đúng không”
….
“Là mày?”
….
“Mày không có lỗi gì hết. Lỗi tại tình yêu.”
Câu chuyện tình yêu của Miền và Phúc bắt đầu như thế, hiển nhiên ta có thể hình dung ra việc Vinh ở giữa không hề dễ dàng gì. Nhưng cuộc đời luôn có cái giá của nó. Vinh không nhận được tình cảm của Miền thuở ban đầu, và Phúc thì không thể ở bên Miền nửa về sau. Âu cũng là số phận trêu ngươi.
Mô típ yêu người mình yêu và lấy người yêu mình, sự lựa chọn quen thuộc của các cô gái. Nhưng với 3 nhân vật này, có thể nói là hoàn cảnh không thể tội nghiệp hơn giữa họ.
Suýt nữa tác phẩm này đã được nhà xuất bản gắn mác 18+ khi ở giữa câu chuyện có một tình tiết gọi là “ăn cơm trước kẻng”. Đó là sự việc xảy ra trước khi Phúc biến mất. Để tạo sự tò mò và cũng để cuốn hút hơn, giai đoạn nhân vật này ra đi, tác giả chỉ tập trung để cho Vinh và Miền thay nhau kể câu chuyện giữa họ.
So với bao nhiêu chàng trai tốt bụng và lịch thiệp khác vốn không được cô gái nhân vật chính yêu thương như trong những cuốn truyện ngôn tình quen thuộc, Vinh may mắn hơn khi cuối cùng cũng cưới được Miền. Thế nhưng tình yêu ấy đến khi có hôn nhân chỉ là tình cảm một phía. Anh đóng vai nhân vật Hộ trong Tác phẩm Đời Thừa của nhà văn Nam Cao, thu nhận mẹ con Miền về và làm đám cưới, một là vì tình yêu trong anh với Miền chưa bao giờ ngừng cạn, một là bởi vì tình thương. Có lẽ là tình thương sẽ lớn hơn. Không nhiều người con trai có thể làm được điều đó nếu ở trong hoàn cảnh của Vinh.
Tình yêu của Vinh cao thượng là thế. Nhưng Miền đối xử với anh ra sao? Với những người có hàm ý trách móc ắt hẳn sẽ phải nghĩ lại sau khi đọc được những tâm sự từ cô vợ Miền.
“Tôi biết Vinh thích tôi”
Ngay từ thuở mới yêu, Miền với bản năng của phụ nữ đã ngay lập tức biết được chàng trai kia thích mình. Nhưng trái tim cô vẫn chỉ dành riêng cho Phúc chứ Vinh chỉ là một anh bạn tốt mà thôi. Đúng như những gì mà đàn ông thường bảo với nhau “no love for good men” là hoàn toàn chính xác. Vinh là người tốt, nhưng Miền lại đơn giản là không yêu được, thế thôi.
Nhưng số phận trêu ngươi cô, người mà cô yêu nhất biệt tăm không một chút tin tức, trước khi đi còn để lại cho cô một đứa con mà chính anh còn không biết. Nhiều năm trời đằng đẵng, cô không dám nhận đứa trẻ là con, chỉ đến khi Vinh trở về bên cạnh cô và chuẩn bị tỏ tình, Miền mới dám thú nhận đứa trẻ bấy lâu nay mọi người vẫn lầm tưởng là cháu Miền, thực ra nó chính là con trai của cô và Phúc.
Khao khát được làm mẹ trong Miền trỗi dậy. Và Vinh cầu hôn cô, đối với Miền mà nói nó giống như một sự cứu rỗi. Anh giống như thiên thần, ông Bụt trong cổ tích, đứng ra cưu mang mẹ con cô. Nếu nói đúng ra, Miền không nên đến với Vinh khi mà trong lòng cô vẫn chỉ có một tình yêu thời tuổi trẻ. Nhưng vì đứa trẻ, vì cả chính cô nữa, Miền vẫn trở thành vợ của Vinh.
Câu chuyện lẽ ra có thể kết thúc lãng xẹt kiểu đó. Vinh cưới Miền và thế là hết. Nhưng cái hay của nhà văn là đã để Phúc trở về. Mọi hiểu lầm được dỡ bỏ. Lý do Phúc biến mất. Tại sao anh lại biền biệt nhiều năm đến thế. Và bây giờ là lựa chọn?
Miền: tôi phải làm sao, chẳng nhẽ lại bỏ đi theo tiếng gọi của tình yêu. Còn Vinh, anh sẽ thế nào?
Vinh: vốn dĩ cô ấy đã không yêu mình, có lẽ mình nên lặng lẽ tỏ ra không biết gì, rời đi thôi.
Phúc: mình làm vậy có tàn nhẫn quá không. Rồi thằng bé khi lớn nó sẽ nghĩ gì?
Và phải thừa nhận một điều là Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả rất tài tình nội tâm của từng nhân vật. Cái kết thúc có hậu của câu chuyện phản ánh đúng một hiện thực về nghĩa vợ chồng, về tinh thần trách nhiệm trong tình yêu, để rồi khi gập cuốn sách lại, ngay cả những tâm hồn mơ mộng nhất cũng phải lặng mình để suy nghĩ, suy nghĩ như một người trưởng thành đích thực.
Vốn dĩ câu chuyện sẽ rất nhẹ nhàng, như một tản văn của người Nhật, nhưng với tác giả tài hoa này, câu chuyện đã trở nên kịch tính và lôi cuốn hơn rất nhiều. Một cuốn sách rất đáng đọc với những người đã, đang và sẽ sống trong hạnh phúc với tình yêu của đời mình.
***
"Hạ đỏ có chàng đến hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?"
Tôi thích hai câu thơ này trích từ bài Tình sầu của Huyền Kiêu mà Nguyễn Nhật Ánh mượn làm lời đề từ của cuốn truyện dài Hạ đỏ.
Thậm chí, nó cũng có thể mượn để làm lời đề từ cho bất cứ cuốn truyện dài nào của anh, đặc biệt về những câu chuyện về đề tài tình đầu, những câu chuyện đọc xong rồi cứ buồn thương vương vấn, về những đứa trẻ cùng lớn lên ở một cái làng quê nghèo xa ngái đâu đó ở miền Trung, của những cậu chàng mới lớn loay hoay ôm ấp mối tình đầu tổn thương của mình, khi cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đem lòng yêu kẻ khác, nên cứ thế ôm một mối tình đơn phương vô vọng...
Thời học cấp 3 tôi mê Nguyễn Nhật Ánh như điếu đổ. Đọc không sót một truyện nào của anh. Rồi bẵng đi chừng 15 năm, tôi mới đọc lại Nguyễn Nhật Ánh và vẫn bồi hồi xúc động như gặp lại người bạn thiếu thời của mình. Hai cuốn gần nhất tôi đọc là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Ngày xưa có một chuyện tình. Cả hai cuốn này, mắt tôi cay xè không biết bao nhiêu lần, và mũi thì bắt đầu nghẹt.
Ngày xưa có một chuyện tình - cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh - vẫn là thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn ngắn, gãy gọn, vẫn là cái vòng tròn mà tác giả tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của mình.
Tôi nghĩ Nguyễn Nhật Ánh là một storyteller (người kể chuyện) có từ trường trong trong giọng kể của mình, khiến anh vẫn giữ được phong độ sau hơn 3 thập niên sáng tác, chinh phục hàng triệu độc giả, dù chỉ với một cái "vòng tròn" quen thuộc.
Điều này xem ra Nguyễn Nhật Ánh khá giống với Haruki Murakami. Họ chỉ viết trong cái "vòng tròn" của họ mà ít khi thoát ra ngoài. Và cho dù ta đã quen thuộc, đã thuộc lòng như cháo chảy cái bối cảnh, các “thuộc tính” của nhân vật, cách hành xử của bọn họ… ta vẫn rưng rưng chào đón họ, như chào đón một người bạn cố tri lâu ngày gặp lại.Có lẽ sau khi đã đọc, xem rất nhiều thứ phức tạp, những tiếng cười giễu nhại đô thị, những thế giới đen tối và tăm tối của con người, đọc lại Nguyễn Nhật Ánh ta như được uống lại thứ nước giếng trong veo và ngọt lịm mỗi trưa hè đi chơi ngoài nắng về.
Có lẽ đến một độ tuổi nào đó, người ta thích có xu hướng tìm về những thứ giản dị, những thứ đẹp đẽ của khu vườn tuổi thơ, của những suy nghĩ trong lành chưa bị vẫn đục bởi những toan tính, của những cái tốt, sự cao thượng mà không cần hàm ơn. phút cuối, anh giáo Ngạn đành phải bỏ ra đi trong đêm tối, từ chối món quà đền bù của số phận dành cho anh ta, bởi anh ta hiểu tình yêu đâu phải là sự đền bù:
“Ngày mai khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ khôg khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”
Tôi gặp lại thứ tình cảm đẹp đẽ, cao thượng và tử tế của Mắt biếc trong Ngày xưa có một chuyện tình.
Ngoài những ngôi làng nghèo ở miền Trung những năm 80, những sự chia tay đột ngột lặp đi lặp lại thường khiến những đứa ở lại hụt hẫng với một trái tim tan vỡ và người đọc thấy xao lòng, ở Ngày xưa có một chuyện tình, ta còn chứng kiến thêm một nỗi buồn, một sự day dứt của trò đánh tráo số phận, khiến 3 kẻ liên đới trong một mối tình tay ba kéo dài hơn một thập kỷ phải vật lộn, phải đấu tranh với nội tâm của chính họ cho thứ tình yêu đẹp đẽ, cao thượng mà họ phụng sự.
Truyện được kể ở 3 góc nhìn, và cả 3 nhân vật cùng thay nhau lên tiếng, để giúp ta hiểu được tiếng lòng của họ, để không kẻ nào bị hàm oan khi được kể lại cuộc đời mình ở giọng của kẻ khác.
Và nghe được cả 3 tiếng nói của bọn họ, ta càng thông cảm được nỗi day dứt của từng kẻ một, nỗi day dứt được sống là mình, với tình yêu và hạnh phúc của chính mình, nhưng đồng thời làm sao để không tổn thương kẻ khác, và cuối cùng, để không xấu hổ khi nhìn thẳng vào mắt nhau để sống tiếp, phải không?
Tôi thích cả những chiêm nghiệm của Nguyễn Nhật Ánh qua nhân vật Vinh về nỗi buồn, về sự ngắn hạn của hạnh phúc, về sự bất ổn của cuộc sống này. "...Nếu con người sống trọn một trăm năm, trừ ra cộng lại một cách chi li thì thời gian thực sự vui vẻ, bình yên, hạnh phúc chắc chỉ gói ghém trong vỏn vẹn một năm. Chín mươi chín năm còn lại được định nghĩa bằng các từ khóa: buồn khổ, toan tính, lo lắng, ưu tư và vô vàn những thứ mệt mỏi khác".
Với Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về một chuyện tình dang dở của những kẻ yêu nhau. Anh còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích.
Đó là thứ cổ tích đã dần dần tuyệt chủng trong thời đại của chúng ta.
"... Nhưng tình yêu không phải là một trận tuyến và trái tim người con gái cũng không phải là bốt đồn. Nó cũng khác với tiền bạc và quyền lực, không phải là thứ để tranh đoạt và có thể tranh đoạt. (...) Nhưng thành công trong việc níu kéo một đôi chân bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại trong việc chinh phục một tâm hồn. Tình yêu đâu phải là hành động trả ơn, càng không phải là hành động từ thiện. Nó không đến với chúng ta trên xe lăn, với tay và chân bó bột, để kêu gọi sự xót thương" - trích Ngày xưa có một chuyện tình của Nguyễn Nhật Ánh |
LÂM LÊ