Truyện ngụ ngôn, như cái tên vốn có của nó, hàm chứa một thông điệp nào đó gởi đến với chúng ta với một cách thức hết sức giản dị và mộc mạc, đôi khi khôi hài và hóm hỉnh, thông qua các thú vật đã được nhân cách hóa. Mọi người chúng ta, dù già hay trẻ, có học thức cao hay thấp, đang ở bất kỳ địa vị sang hèn nào trong xã hội, đang có một cuộc sống hạnh phúc hay không, toại nguyện hay không, bất cứ hoàn cảnh nào... đều có thể cảm nhận được các câu truyện ngụ ngôn, đều có thể tìm thấy trong đó những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, phải học hỏi.
Thông điệp của ngụ ngôn rất đa dạng, đó là các tâm hồn cao thượng, là lòng thương yêu, là các đức tính tốt, là kinh nghiệm sống, là quan điểm sống. Đó cũng là những thói hư tật xấu, tính ích kỷ, kiêu căng, độc ác, ngu dốt...Là những gì bạn vẫn thấy trong cuộc sống thường ngày được minh họa một cách hết sức giản dị nhưng tinh tế, khôi hài nhưng thấm thía. Dù đã đọc qua nhiều lần, nhưng thỉnh thoảng đọc lại, bạn cũng sẽ thấy rằng các câu truyện này sẽ không bao giờ cũ, không bao giờ lạc hậu. Nó đã sống từ vài ngàn năm nay và sẽ còn sống mãi, với mọi người, mọi dân tộc trên khắp thế giới.
Đọc truyện ngụ ngôn giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về thế giới, về xã hội, giúp chúng ta trở nên hiểu biết hơn và cư xử với nhau tốt hơn trong cuộc sống. Tuy là câu chuyện của các loài thú vật nhưng đọc truyện ngụ ngôn lại giúp chúng ta có thể vươn lên sống như những “con người” thực sự.
Easop đã để lại cho chúng ta một kho tàng truyện ngụ ngôn đồ sộ cả về mặt số lượng lẫn giá trị. Với lòng yêu mến ông và di sản của ông để lại cho nhân loại, tôi đã bỏ công sưu tầm và biên dịch từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Các nguồn tài liệu này cũng đã là các bản dịch hoặc sưu tầm qua nhiều thế hệ, đôi khi cũng được cho là không phải của Aesop. Quý bạn đọc có thể tìm hiểu thêm ở các liên kết kèm theo ở đây. Các lời bình sau mỗi câu truyện một phần do tôi tự đặt, một phần cũng dịch từ các tài liệu khác, có thể chưa được chính xác, phù hợp lắm với ngụ ngôn của câu truyện, xin quý bạn đọc vui lòng góp ý thêm.
***
Cáo và dê con
Ngày xưa có một chú dê con đang nhú sừng nghĩ rằng mình đã lớn và có thể tự lo cho mình được. Thế nên vào một buổi chiều, khi đàn dê từ đồng cỏ bắt đầu quay về chuồng thì dê mẹ gọi, nhưng dê con chẳng thèm nghe và cứ kiếm cỏ non gặm tiếp. Lát sau, khi nó ngẩng đầu lên thì đàn dê đã về hết.
Nó chỉ còn lại một mình. Mặt trời đang lặn xuống. Các bóng cây đổ dài trên mặt đất. Một cơn gió nhẹ lạnh run lướt qua đồng cỏ rít lên những tiếng động đáng sợ. Dê con rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến tên Cáo khủng khiếp. Nó bắt đầu chạy lung tung khắp cánh đồng, kêu be be mẹ ơi mẹ. Nhưng mới được một tí, tên Cáo bỗng xuất hiện, gần một bụi cây!
Dê con biết là mình chẳng còn nhiều hy vọng gì nữa.
“Cháu xin ông, ông Cáo,” dê con run rẩy nói, “cháu biết là ông sẽ ăn thịt cháu. Nhưng trước khi ăn, xin ông hãy thổi kèn lên giúp cháu, vì cháu muốn được nhảy múa cho vui vẻ trước khi chết.”
Cáo thấy trước khi ăn được nghe nhạc chút ít cũng thích thú, nên nó liền lấy kèn thổi cho Dê Con nhảy múa tưng bừng.
Trong lúc đó, đàn dê đang trên đường từ từ trở về chuồng. Trong buổi chiều im ắng tiếng kèn của Cáo được gió thổi đi xa. Mấy chú chó chăn dê vểnh tai lắng nghe. Chúng liền nhận ra bài Cáo vẫn thường hát trước khi ăn, chỉ một thoáng, chúng đã phóng như bay trở lại cánh đồng cỏ. Cáo đột ngột ngừng thổi, và bỏ chạy, nhưng không còn kịp nữa vì lũ chó đã đến gần, nó bèn trách mình sao ngu ngốc đi thổi kèn để làm vui lòng dê, thay vì cứ để tâm đến cái công việc sát sinh của mình.
Đừng bao giờ để bất cứ việc gì gây sao nhãng mục tiêu chính của mình
Mời các bạn đón đọc
Ngụ Ngôn Aesop: Những Câu Chuyện Bị Lãng Quên của tác giả
Fiona Waters & Fulvio Testa.