Người Đẹp Ngủ Mê - Yasunari Kawabata |
|
Tác giả | Yasunari Kawabata |
Bộ sách | Tủ sách Tinh hoa Văn học |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 12124 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Yasunari Kawabata Tinh Hoa Văn Học Tiểu Thuyết Lãng mạn Văn học Nhật bản Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Qua tác phẩm “Người đẹp ngủ mê”, Kawabata mô tả những suy tư của một người đàn ông già với những cô gái trẻ hoàn toàn xa lạ, vô danh, khỏa thân chung chăn chiếu nhưng không hề có trao đổi bằng ngôn ngữ hoặc đụng chạm thân xác.
Đó như thái độ phản tỉnh của một người thực hành thiền định để tới giác ngộ về dục tính của chính mình và về ý nghĩa của nhân sinh.
Cũng trong tác phẩm này, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”.
Tác phẩm “Người đẹp ngủ mê” đã giúp cho tác giả Yasunari Kawabata trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học năm 1968 với lời ca ngợi của Viện Hàn Lâm Thụy Điển rằng: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uất của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.
***
Yasunari Kawabata sinh năm 1899 và mất năm 1972. Sinh ra ở Osaka, sớm mồ côi năm lên hai tuổi, từ đóYasunari Kawabata và chị sống lần lượt cùng ông bà ngoại và gia đình người dì.
Cảm thức cô đơn trong tác phẩm văn chương của Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu và tuổi trẻ của ông. Cái cô đơn ấy bắt đầu với tập “Nhật ký tuổi mười sáu”được xuất bản vào năm 1925.
Rồi lần lượt là sự ra đời của các tác phẩm như:
Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo mà đáng chú ý nhất là tờ Mainnichi Shimbun ở Osaka và Tokyo.
Nhà văn García Márquez của Colombia tình cờ đọc “Người đẹp ngủ mê” của Kawabata trên một chuyến bay và từ cảm hứng được gợi từ cuốn tiểu thuyết này đã xây dựng về cuộc tình giữa một ông già 90 tuổi và một cô gái 14 tuổi qua cuốn “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi”.
Trong tất cả các tác phẩm của Yasunari Kawabata, “Người đẹp ngủ mê” là tiểu thuyết đẫm cảm thức u huyền nhất.
Nó thuộc về nền “Văn chương của cái bóng” trong văn học Nhật Bản thế kỷ hai mươi mà có lẽ mở đầu với tác giả Izumi Kyôka.
“Cái bóng” (Kage: ảnh) vừa là bóng tối, bóng râm, bóng cây, bóng người mà cũng là ánh sáng, như bóng trăng.
Ngay từ chương đầu, cái bóng tối lung linh đó đã hé lộ: “Những tấm màn nhung màu đỏ thẫm. Màu đỏ trông thẫm hơn trong cái ánh sáng lờ mờ. Như thể có một vừng sáng mỏng lơ lửng trước các màn, như thể ông bước vào một thế giới ma quái. Màn che cả bốn bức tường. Cánh cửa thông cũng được che màn... Ông khóa cửa, vén màn, và nhìn xuống cô gái... Eguchi nín thở: nàng đẹp quá, đẹp hơn ông tưởng...”
Ông già Eguchi đến ngôi nhà có người đẹp ngủ mê chờ đợi. Ông lần lượt “gặp” những tấm thân ngà ngọc phô bày trước mắt mình vô ý thức vì đang say giấc nồng. Lần cuối cùng ông nằm với hai cô gái như vậy. Ông gặp cái chết đến với một cô gái đang ngủ.
Ðó là ngôi nhà của những nhan sắc thanh xuân bí ẩn cũng như của những cái chết bí ẩn. Một người bạn già của Eguchi cũng đã chết ở đây vào một đêm đến chơi.
Ðó là trò chơi của thanh xuân, của cái già và cái chết.
Ðó là bi cảm của cái đẹp và cái chết.
Các cô gái đó là ai? Một loại kỹ nữ? Nhưng họ không có nghệ thuật nào ngoài cái đẹp của lõa thể, của tuổi xuân mơn mởn trong giấc ngủ vùi.
Vậy mà nằm bên họ lại được so sánh là “ngủ với Bụt” (chương một) hơn nữa, “ông gần như nghĩ tới chuyện nàng là hóa thân của vị Phật nào đó, như trong các truyền thuyết xưa cũ”.
Tác phẩm “Người đẹp ngủ mê” trong cảm thức u huyền của nó đã gợi không khí của sân khấu Nô lại càng liên kết nhau qua truyền thuyết Bồ Tát hóa thân thành kỹ nữ.
Nói cách khác, văn chương Nô và Kawabata đi giữa trầm luân và cứu độ.
Cái tên Eguchi (Giang Khẩu) mà Kawabata gọi nhân vật của mình trong “Người đẹp ngủ mê” cũng là tên vở kịch Nô lừng danh Eguchi.
Nó bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa cũ. Nhà sư Shôku trên núi Shosha nhiệt tâm cầu nguyện Ðức Quan Âm cho mình có thể nhìn thấy hiện thân của Phổ Hiền Bồ Tát - giấc mơ một đêm kia mách bảo sư hãy đến miền Eguchi tìm gặp một kỹ nữ được gọi là Nàng Eguchi. Sư lên đường, đến nơi và gặp nàng đang vui đùa với các kỹ nữ khác trên một du thuyền. Tiếng nước rì rầm trên sông vang vọng bên tai sư như lời tụng kinh êm dịu. Bỗng hiện lên trước mặt ông hình ảnh rạng ngời của Phổ Hiền Bồ Tát cùng với đoàn nữ tùy tùng lộng lẫy. Ðã mãn nguyện rồi đấy. Và khi mở mắt ra, lại thấy Nàng Eguchi trong hình thể một người nữ như trước.
Ca từ trong vở kịch Nô Eguchi có đoạn:
Ðời theo đời trôi vào quá khứ
Trôi vào vô thủy ai hay
Ðời theo đời trôi vào tương lai
Trôi vào vô chung ai biết.
Trong “Người đẹp ngủ mê”, Eguchi không biết gì về các cô gái say ngủ. Họ càng không biết gì về ông. Ðời theo đời trôi đi. Ðiệp khúc vô tận.
Một vở kịch Nô khác là Murôzumi, Phổ Hiền Bồ Tát hiện hình trên thớt voi trắng, chiếu ngời hào quang. Chỉ trong chớp mắt, biến tan. Nhà sư lại nhìn thấy nàng kỹ nữ Murôzumi.
Khi đã nhìn ra hiện thân bồ tát hay Phật tính ở những nơi thấp hèn rồi thì cái nhìn từ đó đã khác. Cái nhìn đó cứu vớt cái đẹp. văn chương nghệ thuật là nỗ lực cứu vớt cái đẹp của đời sống trong bất kỳ tình thế nà>
Kawabata viết “Người đẹp ngủ mê” vào năm 1960 lúc ông đã 61 tuổi. Nhưng từ năm 1925 ông đã sáng tác truyện ngắn Bồ tát O-Shin trong đó một “cô gái điếm bẩm sinh” được thờ như một thần hộ mệnh trẻ thơ.
Cái đẹp mang tính cứu độ mà Kawabata miêu tả trong “Người đẹp ngủ mê” còn gợi ta nhớ đến Nghìn lẻ một đêm, trong đó có một đêm miêu tả người đẹp say giấc nồng bằng những lời thơ tuyệt đẹp:
Người ngủ ơi, đừng xoay
Ngực em trong giấc ngủ
Như sóng triều vơi đầy
Ngực em là tuyết trắng
Hay là bọt biển đây?...
(Ðêm 206, theo bản Anh dịch của Mathers)
Trong “Người đẹp ngủ mê”, cái đẹp của cô gái cũng được hòa lẫn với thiên nhiên:
“Hơi ấm người nàng bao trùm Eguchi hơn là đi sâu vào ông. Ngực nàng đầy đặn, đôi vú lớn hay trễ xuống nhưng núm vú thì nhỏ một cách khác thường... Tuyết rơi rất nhẹ hòa lẫn với mưa rì rào vọng tới tận căn phòng... Ông tưởng mình thấy được mặt biển tối đen, không bến bờ và những nụ tuyết trắng rơi xuống rồi tan đi”.
Kiệt tác “Người đẹp ngủ mê” đã ảnh hưởng lớn đến văn chương Nhật cũng như được yêu thích trên thế giới. Dấu ấn của nó có thể thấy sâu đậm ở García Marquez (Người đẹp ngủ mê trên máy bay, Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi). Cả hai tác giả đều là những tên tuổi lớn của giải Nobel văn học.
Nhật Chiêu
Mời các bạn đón đọc Người Đẹp Ngủ Mê của tác giả Yasunari Kawabata.