“Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để biết rằng tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”, câu nói của thi sĩ tài hoa họ Trịnh đã vang lên và ám ảnh tôi vô cùng khi tôi bước vào thế giới của “Người đón tàu”, một câu chuyện đã soi chiếu vào tận tâm can của những thân phận quá bé nhỏ tồn tại trong cuộc đời này, với những vùng vẫy, những tuyệt vọng, bế tắc và tha hóa trong trần trụi hư hao.
Từng con người trong các câu chuyện của “Người đón tàu” được Jiro miêu tả vô cùng sắc sảo và sống động như hiện hiện một nỗi đau bằng xương bằng thịt của con người trong xã hội hiện đại này. Ở đó có biết bao nhiêu loại người bị xem là rẻ mạt, khinh thường hiện lên trong muôn ngàn nỗi đớn đau: từ các tay anh chị, gái điếm đến kẻ tù tội, người nhập cư trái phép, từ những trí thức bị dày vò bởi dục vọng đến những con người mang trong mình đầy tham vọng nhưng luôn thất bại trên con đường tìm kiếm tiền tài và danh vọng của mình. Họ không có tên, nhưng họ là đại diện cho cả một lớp người ngày càng nhiều thêm trong xã hội hiện đại này.
Cuốn sách “Người đón tàu” của nhà văn Nhật Bản Jiro Asada đã mang đến cho tôi những cảm xúc quá thực thà đến mức tôi tưởng chừng như mình cũng là một nhân vật trong những câu chuyện ấy với những khốn khổ, u tối của cuộc đời chính mình. Những góc khuất của các một xã hội văn minh hiện đại lại như hiện ra sáng rõ dưới ngòi bút của Jiro Asada, cũng ma túy, khách sạn, cũng sex điên loạn… nhưng điều khiến tôi thực sự bị Jiro cuốn hút đó là một giọng văn điềm đạm, tinh tế và đầy cảm thông chứ không hề méo mó, gay gắt như nhiều cây bút cùng thời với ông. Khi bước vào những đoạn đầu tiên trong các câu chuyện của “Người đón tàu”, tôi như bị kéo trôi tuột vào một hố sâu đen đặc, với những cay đắng vấp váp của chính mình, tôi sợ hãi loay hoay trong cái không gian bế tắc, chật hẹp ấy.
Cảm giác tuyệt vọng len lỏi tận cùng trong tâm hồn tôi. Nhưng tôi vẫn cố gắng bước đi, bước đi trong cái nỗi niềm xót xa đến vô cùng ấy để rồi càng đi về những đoạn cuối truyện tôi mới hiểu ra một điều rằng, tại sao “Người đón tàu” lại khiến biết bao thế hệ những số phận con người như chúng tôi phải chìm đắm, phải khát khao. Jiro đã hoàn toàn thành công khi tái hiện cuộc sống hoang mang khủng hoảng tinh thân trầm trọng của một thể hệ người trong một thành phố hiện đại, khiến chúng ta phải đau đớn, nhưng điều quan trọng hơn, đó chính là sự cảm thông, sự hi vọng mà Jiro đã trao gửi như một bông hoa đẹp của nỗi niềm tuyệt vọng đến với những người đọc như chính tôi.
Phong Linh (Theo Trí Thức Trẻ)