Người Nuôi Ong Thành Aleppo |
|
Tác giả | Christy Lefteri |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 1053 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Christy Lefteri Nhất Diệp Hiện Thực Tiểu Thuyết Di Dân Văn học Anh Văn học phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Tóm tắt và Đánh giá "Người Nuôi Ong Thành Aleppo"
Người Nuôi Ong Thành Aleppo của Christy Lefteri là một tác phẩm sâu sắc về cuộc sống của những người di cư, được xây dựng từ trải nghiệm của tác giả khi làm tình nguyện viên tại các trung tâm tiếp nhận người tị nạn vào năm 2016-2017 tại Athens. Câu chuyện xoay quanh Nuri Ibrahim, một người đàn ông từ Aleppo, và vợ anh, Afra, trong hành trình tị nạn đầy gian nan từ Syria đến Anh.
Cuốn sách đặc biệt chú trọng đến mặt tâm lý của người di cư, mô tả những tổn thương và ám ảnh mà họ phải chịu sau khi rời bỏ quê hương. Khác với các tác phẩm chỉ tập trung vào hành trình vật lý, Lefteri khai thác sâu sắc tâm lý của nhân vật, đặc biệt là nỗi đau tinh thần mà Afra phải chịu đựng khi mất con trai và trở nên mù lòa, cũng như những ám ảnh của Nuri về quá khứ của mình. Qua đó, Lefteri không chỉ kể về một hành trình di cư mà còn về sự hủy hoại tinh thần của con người khi họ phải đối mặt với chiến tranh và mất mát.
Tác phẩm đi sâu vào những nỗi đau, sự mất mát, nhưng cũng không thiếu sự nhẹ nhàng, ủi an qua những hành động của những người xung quanh, từ sự giúp đỡ của những người dân Istanbul đến nhân viên nhập cư Lucy Fisher ở Anh. Dưới những nỗi đau khắc nghiệt, tình yêu và lòng kiên cường vẫn tồn tại, giúp các nhân vật vượt qua mọi thử thách.
Cuối cùng, cuốn sách mang đến một thông điệp hy vọng: dù cuộc sống có đầy rẫy mất mát, một tương lai tươi sáng vẫn luôn có thể chờ đón những ai kiên trì và không từ bỏ.
Đánh giá
Người Nuôi Ong Thành Aleppo là một câu chuyện đầy cảm động về cuộc sống của người tị nạn, nơi chiến tranh, mất mát và đau đớn hiện hữu khắp nơi. Christy Lefteri đã khắc họa thành công tâm lý phức tạp của các nhân vật, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc được nỗi đau cũng như sự kiên cường trong hành trình tị nạn. Dù có những đoạn miêu tả rất khó khăn và đau đớn, cuốn sách vẫn mang lại cho độc giả một cảm giác lạc quan về tương lai, cho thấy rằng, dù những tổn thương có thể không bao giờ lành, nhưng luôn có những điều tốt đẹp đang đón chờ phía trước.
***
Như Christy Lefteri thừa nhận, cuốn tiểu thuyết này được viết dựa trên những trải nghiệm khi cô làm tình nguyện viên cho các trung tâm tiếp nhận người tị nạn vào hai năm 2016 và 2017 tại Athens.
Bám theo nhân vật Nuri Ibrahim và những khó khăn trên hành trình của anh, Người nuôi ong thành Aleppo không chỉ cho thấy tình cảnh không thể chịu nổi của những người dân vô tội, đó đồng thời là những tổn thương, ám ảnh mà họ phải chịu.
Khác những tác phẩm cùng dòng như Bụi đường di dân (Jeanine Cummins), Thoát đến phương Tây (Mohsin Hamid)… tập trung khai thác hành trình gian lao đến với tự do, Christy Lefteri trong cuốn sách này đi sâu hơn về mặt tâm lý khi khai thác thương tổn về mặt tinh thần của những con người bị chia cắt với quá khứ của mình.
Sức khỏe tinh thần của họ dường như sụp đổ trong những ngày ấy. Afra, vợ của Nuri, bỗng dưng hóa mù ngay khi chứng kiến cái chết của con trai họ. Cô sống mà chẳng khác nào chết.
Từng là người yêu biển và những dòng sông, từng có cả thế giới, thế nhưng giờ đây Afra hoàn toàn trống rỗng và thấy trước mắt chỉ là đêm đen với những giấc mơ đầy vẻ hỗn loạn.
Nuri xuất hiện trong tiểu thuyết này không những là một đối trọng đầy lý trí của Afra, mà anh cũng mang trong mình những ám ảnh, ghê sợ khi bị quăng quật khỏi những tháng ngày có phần an yên mà mình từng sống.
Trong những tháng ngày trốn chạy, anh nhớ lại tiệm bán vải của cha, nhớ mẹ, nhớ đến chiếc quạt Trung Hoa của bà, những câu chuyện kể Nghìn lẻ một đêm cũng như tháng ngày nuôi ong với Mustafa…
Quá khứ vừa là chất lỏng xoa dịu thần kinh, cũng đồng thời là thứ thuốc độc khiến anh đau đớn. Cũng như vợ mình và những người khác, anh tự dựng lên cho mình một thế giới mới, nơi không còn niềm đau,
Liệu chứng mù của Afra có phải là thật về mặt sinh học? Và hành động biến mất của Mohammad - cậu bé đồng hành trên đường từ Istanbul đến đảo Leros của vợ chồng họ bắt nguồn do đâu? Đó là những gì thật sự diễn ra hay chỉ là tưởng tượng trong chính não trạng đang bị thương tổn tự tạo ra?
Trong những câu văn không thôi day dứt, Christy Lefteri đã xây dựng một cách thành công hai thế giới song song, với niềm vui cũng như nỗi đau đan cài. Cùng đó là cách kể chuyện đa tuyến với những phân đoạn chuyển mạch mượt mà, sử dụng hình tượng giàu sức gợi.
Hành trình từ Syria đến với nước Anh qua Istanbul cũng như Athens của người di dân không bao giờ là dễ dàng. Ở đó họ có được sức mạnh dựa trên những nỗi đau. Họ lấy tình thương từ người ở lại để làm nguồn cơn cho cuộc hành trình vượt lên khó khăn của mình.
Những cái chết, cảnh chia ly, quá khứ nát vụn… được Lefteri khắc họa rõ nét. Tuy thế, phủ trên những nỗi đau đớn, cô lại mang đến sự dịu dàng như một cú chạm ủi an cho những thân phận đã quá mỏi mệt trên hành trình đó.
Đó là Nuri mong muốn vợ chết bằng những nụ hôn của mình ở hầm trú ẩn. Đó là Mustafa không muốn nhìn mình như kẻ giết con khi chần chừ mãi và không chịu rời Syria… Họ đớn đau nhưng được ủi an bằng chính tình yêu luôn hướng về nhau.
Từ những loài ong mà mình đã nuôi dưỡng, Nuri học được bài học kiên gan. Khi sa mạc mở rộng, khí hậu dần khắc nghiệt hơn, dòng sông đang khô cạn dần thì cũng chỉ có bầy ong thích nghi được với những biến động ấy. Chúng vẫn cần mẫn liên kết với nhau để cùng làm việc trong khi mọi thứ đang chết dần mòn.
Nuri và những người đồng cảnh ngộ hệt như chú ong nghệ đã bị mất cánh mà anh tìm thấy ở trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Anh. Tưởng như nó sẽ chết đi với khiếm khuyết ấy, thế nhưng nó vẫn kiên cường và tiếp tục sống.
Ở những vùng đất mà họ đã qua, rất nhiều người tốt bụng đã đến giúp đỡ. Đó là những người dân ở Istanbul để lại thức ăn trên đường họ qua, là những phụ nữ công tác xã hội ở công viên chiến tranh Athens hay Lucy Fisher - nhân viên ở sở nhập cư liên tục đến gần và an ủi họ. Dẫu trong tình cảnh đen tối, sự đồng cảm cũng như sẻ chia luôn là ánh sáng giúp họ thêm phần vững tin.
Khép lại cuốn sách, Lefteri mang đến một bầu trời lớn, trong xanh và tươi đẹp hơn đang chờ đón trước mắt.
Trong cuốn Mù lòa, nhà văn đoạt giải Nobel José Saramago từng viết: “Chúng ta mù nhưng thấy. Người mù thì có thể nhìn nhưng không thể thấy”. Và một lần nữa với Người nuôi ong thành Aleppo, ta hiểu thêm về câu nói trên, vì ánh sáng hay bóng tối cũng chính là do ta chọn đứng về phía nào.
***
Hãy thử tưởng tượng, bạn sống ở một đất nước loạn lạc, với tiếng súng bắn đạn nã khắp nơi, bạn mất con trai ngay trước mắt trong một chiều hè đầy nắng vì bom nổ, những người thân thuộc đã rời đi, hằng ngày bạn chứng kiến các toán lính đe doạ, giết chóc người dân vô tội, vợ bạn mất thị lực do cú sốc mất con, bạn phải trốn chạy, vượt biên nửa vòng Trái Đất với cái chết rình rập mà không biết mình có thực sự đến được nơi mình muốn. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh ấy, bạn có can đảm để sống tiếp cuộc đời đó không? Nuri - người nuôi ong thành Aleppo, người “sở hữu” cuộc đời đầy mất mát và khổ đau ấy đã không từ bỏ.
Cuốn tiểu thuyết của tác giả Christy Lefteri cho chúng ta thấy, khi chiến tranh xảy đến, nỗi đau, sự mất mát có thể “ăn mòn” tinh thần và “đóng băng” tình yêu, nhưng bằng sự cố gắng và niềm tin mãnh liệt, chúng ta có thể chiến thắng và một tương lai mới vẫn luôn chờ ta ở phía cuối con đường.
Hành trình rời bỏ quê hương đổ nát đầy rẫy những thương tổn để tới một vùng đất mới hoàn toàn không dễ dàng. Thế nhưng trong hành trình gian khó đó, họ chấp nhận biến nỗi đau thành động lực, để bước đi và để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Nuri và Afra chứng kiến cái chết của Sami - đứa con trai đầu lòng của họ, tất cả những xúc cảm của hai vợ chồng dường như đã tan vỡ. Afra lạc lối trong bóng tối còn Nuri thì bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Cuộc chiến cá nhân của Nuri với chính tâm trí anh là một cuộc chiến đặc biệt. Người đọc sẽ thấy anh ở những thời điểm tồi tệ, nhưng đó cũng chính là lúc họ cảm thông với anh, với số phận đời anh. Hy vọng là sợi dây mà Nuri đánh mất, nhặt lại được rồi lại đánh mất. Nhưng cho dù hiện tại của họ có ảm đạm đến đâu, niềm hy vọng vẫn xuất hiện khi họ cần nó nhất - trong những giấc mơ, trong những ảo ảnh, trong email, trên một con ong bị thương, trên bầu trời xanh, trong ký ức. Không phải tất cả ký ức đều là bóng tối, một số tràn ngập ánh sáng.
Dù tình yêu của Afra và Nuri gặp nhiều thách thức trong suốt cuộc hành trình, song cuối cùng, chính nó đã giúp họ “nhìn” thấy nhau, tha thứ cho nhau. Câu chuyện tình của Nuri và Afra có thể coi là trọng tâm của cuốn sách và Lefteri đã thực sự thành công trong việc khắc họa nó một cách khéo léo và lộng lẫy giống như cách cô tạo ra cảnh chiến tranh tàn khốc nhất. Sau cùng, mọi thứ có thể mất đi nhưng tình yêu sẽ mãi còn và nó có thể giúp ta tìm ra hy vọng về một tương lai tốt hơn.
Cuối cùng, giống như chú ong nhỏ mất cánh Nuri thấy trong vườn. Nó phải đối mặt với việc không bay được, sống trong điều kiện không phù hợp, nhưng nó vẫn sống, vẫn cố gắng từng ngày. Nuri và Afra đến được nơi họ cần đến dù đó không phải quê hương thân yêu của họ, nhưng bằng cách khép lại nỗi đau, chia sẻ nó với những người còn lại, họ sẽ tiếp tục cuộc sống của mình cũng như sống cho phần đời của Sami - con trai yêu quý của họ.
Cảm động, mạnh mẽ, ám ảnh và đau lòng, “Người nuôi ong thành Aleppo” là minh chứng cho sự chiến thắng của tinh thần con người trong nghịch cảnh, nhắc chúng ta về sự trân quý mọi điều tồn tại xung quanh. Đồng thời nó cũng truyền cho người đọc động lực sống, để thêm yêu, thêm mến sự may mắn khi được tự do trong thời bình và quý trọng những người thân luôn ở cạnh ta.