Từ điển Bách khoa Columbia, ấn bản năm 2001, ghi rằng Murakami Haruki “Được công nhận một cách phổ biến là một trong những tiểu thuyết gia thế kỷ XX quan trọng nhất của Nhật Bản”. Đề cập đến thời đại lắm bão tố hiện nay ở Nhật, Matsuda Tetsuo của Báo Yomiuri Shimbun, tờ nhật báo có số in lớn nhất Nhật Bản, viết: “Trong bất cứ trận bão lớn nào cũng có những nhà văn giương cao ngọn đèn soi cho quần chúng. Murakami Haruki đang và sẽ lãnh vai trò đó”. Báo The Guardian ở nước Anh viết: “Không có nhiều tác giả cùng thời với ông mà tác phẩm lôi cuốn được giới độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới”.
Murakami Haruki sinh năm 1949 ở Cố đô Kyoto, nhưng lớn lên ở Kobe. Cha ông có thời là nhà sư, dạy văn học Nhật Bản ở cấp trung học, và mẹ ông cũng là giáo viên văn. Ngay từ thuở nhỏ, Murakami Haruki đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Thay vì chia sẻ với cha mẹ sự quan tâm về văn học Nhật, ông lại tìm đọc mê mải tác phẩm của những tác giả châu Âu thế kỷ XIX: Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky, Dickens. Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác tiếng Anh những tiểu thuyết trinh thám, khoa học viễn tưởng, Truman Capote, Kurt Vonnegut, Richard Brautigan… Ông ham mê nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz… Thế giới mới đó quyến rũ ông đến nỗi không bao lâu sau khi kết hôn với bạn đồng học Takahashi Yôko, năm 1971, ông ngưng việc học ở Đại học Waseba, cùng vợ mở một quán rượu nhạc jazz ở Tokyo. Ở quán jazz đó, có tên đặt theo con mèo của ông nuôi là Peter Cat, ông làm cả hầu bàn, rửa chén dĩa, thay đĩa nhạc, bố trí nhạc công, khi rảnh thì đọc rất nhiều sách và học tiếp khóa trình đại học. Cha mẹ ông rất thất vọng về việc ông lấy vợ sớm và quay lưng lại với đời sống tư chức vẫn được xem là an toàn, ổn định. Quán jazz tồn tại được 7 năm, hai vợ chồng ông cũng đã tốt nghiệp đại học trong khoảng thời gian đó.
Ông chỉ bắt đầu viết văn từ 1978. Khi đang xem một trận bóng chày baseball, ý nghĩ viết văn chợt đến với ông, như một tiếng gọi siêu hình, ông cho đó là sự kiện hạnh phúc nhất của đời ông. Tác phẩm đầu tay của ông, “Lắng nghe gió hát” (Kaze no uta wo kike, hear the wind sing) xuất bản năm 1979, kể lại thời sinh viên tranh đấu phản kháng mà ông đã tham gia với một ít hoài nghi. Tác phẩm đầu tay này được giải thưởng “Tác giả Mới - Gunzô” ngay năm đó.
Tiếp tục thành công với hai tác phẩm sau đó và một số truyện ngắn, ông bán quán jazz, và trở thành một tác gia chuyên nghiệp. Ông cũng bắt đầu việc dịch sách tiếng Anh, và thường cộng tác với một giáo sư về văn học Mỹ ở Đại học Tokyo. Cùng với tiếng tăm đang lên của ông trong lãnh vực sáng tác, những tác phẩm dịch thuật của ông từ Raymond Canver, Truman Capote, F. Scott Fỉeald… cũng được đông đảo độc giả yêu thích.
Phong cách Murakami Haruki định hình từ tác phẩm thứ ba là “Cuộc phiêu lưu của con Cừu” (Hitsuji wo meguru bôken, a wild Sheep chase) xuất bản năm 1982, được trao giải “Tác giả Mới - Noma” trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông có những giá trị quan điểm khác lạ với truyền thống xã hội Nhật; ham mê âm nhạc mới, phim ảnh mới Âu Mỹ. Những đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Lúc này, số in mỗi tác phẩm của ông đã đạt mức 100 ngàn bản.
Dị ứng với lối sống đua đòi vật chất trong một nền kinh tế hãnh tiến, và do chưa có con, vợ chồng ông rời Nhật sang sống ở Ý năm 1986. Ở Rome, ông viết “Rừng Nauy” (Noruuei no Mori, Nowegian Wood), tác phẩm đã đưa ông lên địa vị “siêu sao” trong văn học Nhật Bản. Những ký ức hoài niệm trong tuổi mới lớn chen lẫn với ý thức về sự biến động đổi thay của đời sống, ý thức về sự không thể tránh được của những mất mát, là đề tài của tác phẩm, đặt trong bối cảnh thời sinh viên tranh đấu phản kháng cùng lúc với bình minh của phong trào tự do tình dục những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. Không những độc giả cùng lứa tuổi chia sẻ được với ông những hoài niệm, mà cả giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, cũng đồng cảm với ông về những trầm tư về tình yêu và đau khổ của thời mới lớn, cũng tâm trạng bơ vơ trong cuộc sống. “Rừng Na Uy” trở thành một cơn sốt, hiện diện trong cuộc sống từ quảng cáo, bánh kẹo cho đến vật dụng trong nhà; các nhà sản xuất xin làm phim; Murakami Haruki được mời làm quảng cáo truyền hình; nhạc phẩm dựa trên cuốn sách được leo lên hạng bán chạy nhất; người hâm mộ hành hương về hộp đêm ở Shinjuku được nhắc đến trong sách… Ngay trong năm đầu tiên, “Rừng Na Uy” đã bán được 2 triệu bộ.
Sống ở châu Âu, Murakami Haruki vẫn băn khoăn về mục đích về đời sống của ông, một người Nhật, một tác giả Nhật. Hai vợ chồng lại quay về Nhật năm 1990, cao điểm của thời kinh tế bọt, mọi người giàu lên và không ngừng nói về tiền. Năm sau, ông lại khoác áo ra đi, lần này sang Mỹ làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Princeton hai năm, rồi hai nắm tiếp theo làm tác gia thường trú (Writer-In-Residence) ở Đại học Tufts, Massachusetts. Hai tác phẩm nổi tiếng khác của ông được xuất bản trong thời gian này.
Tháng Giêng năm 1995, xảy ra thảm kịch động đất ở Kobe, trên sáu ngàn người chết, ba ngàn người trở thành không nhà không cửa, trong đó có cha mẹ của ông. Hai tháng sau, lại xảy ra vụ tín đồ Chân lý Giáo thả hơi độc sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo làm mười hai người chết và trên ai ngàn người bị thương. Ông cho rằng hai thảm kịch này đánh dấu sự chuyển biến từ căn bản của xã hội Nhật. Ý thức an định do an toàn xã hội từ lâu nay vẫn là một biểu hiện tính ưu việt của truyền thống văn hóa Nhật Bản, được tăng cảm nhờ tình trạng không ngừng phát triển của kinh tế bọt, bỗng nhiên bị thách thức gay gắt đến độ sụp đổ theo những tòa nhà Kobe trong cơn động đất. Không lâu sau đó, kinh tế bọt Nhật Bản cũng vỡ tan.
Hai con sốc liên tiếp này đã đưa ông trở về Nhật và là bối cảnh chính các tác phẩm gần đây của ông. Tuyển tập truyện ngắn “Sau cơn động đất” (Jishin no Atode, After The Quake) có những nhân vậy chính, do ảnh hưởng gián tiếp xa côi của trận động đất Kobe, đã cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng của chính mình, mất niềm tin vào sự an định của đời sống gia đình, bơ vơ đi tìm những chỗ nương tựa siêu hình. Tập “Mạch ngầm” (Andaguraundo, Underground) thoát ra khỏi thể loại tiểu thuyết, ghi những cuộc phỏng vấn trực tiếp các tín đồ Chân lý Giáo Aum cũng những nạn nhân, những chi tiết thực tế của thảm kịch hơi độc, cho thấy tâm trạng phản kháng đối với những giá trị quan điểm tôn thờ vật chất của xã hội hiện đại, cố gắng tìm kiếm ý nghĩ cuộc đời từ những giả thuyết siêu hình, có khi những nhân vật chính của Murakami Haruki cũng chia sẻ tâm trạng đó.
Những nhân vật chính của Murakami Haruki không những chỉ hấp dẫn giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc văn hóa truyền thống Nhật Bản, mà còn cộng hưởng với tâm tình giới trẻ Âu Mỹ vì những nét quen thuộc trong lối sống, lối suy nghĩ, thị hiếu mới; và chia sẻ với giới trẻ các nước chậm tiến bộ hơn Âu Mỹ lòng ngưỡng mộ hay ước vọng về lối sống Âu Mỹ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và có nhiều người hâm mộ ở Mỹ, Anh, Nga, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo, Canada, Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Tiếng tăm của ông ở nước ngoài cộng với địa vị “siêu sao” trong nước Nhật, đã làm tăng thêm khoảng cách đối với dòng văn học truyền thống Nhật Bản vốn vẫn nghi ngờ ý đồ có vẻ tác loạn của ông. Giải Nobel Văn học 1994 Oe Kenzaburo công kích Murakami Haruki là đã “Thấy bại trong việc lôi cuốn giới độc giả trí thức bằng những kiểu mẫu cho tương lai Nhật Bản” và chê ông là “hôi mùi bơ” (batakusai) vì hay dẫn dụ những chi tiết văn hóa Âu Mỹ. Điều đó dễ hiểu. Chính Murakami Haruki từ lâu vẫn tự nhận là “người dưng” (outsider) đối với xã hội Nhật Bản nói chung, vốn cứng ngắt vì những trật tự quá gò bó.
Murakami Haruki không thích sự săn đón của giới truyền thông, ông ít khi chịu phỏng vấn. Giống như giới trẻ hiện đại, thành phần độc giả chủ yếu của ông, Murakami Haruki thoải mái với quần bò, áo thun, giày thể thao, ham thích các hoạt động thể thao, tham gia nhiệt tình các kỳ chạy việt dã mỗi năm trong suốt 20 năm qua: Athens, New York (4 lần), Boston (7 lần),… Koyama Tetsurô của hãng thông tấn Kyodo News (năm 2004) nhận xét: “Hiện nay, Murakami Haruki là tác giả văn học thuần túy (pure literature) duy nhát cứ mỗi lần tác phẩm mới phát hành là đạt ngôi vị sách bán chạy nhất (Nhật Bản). Tác phẩm mới nhất của ông là “Kafka bên bờ Biển - Umibe no Kafuka” ngay trong tháng đầu tiên (tháng 9, 2002) đã bán được 600 ngàn cuốn”.
Tạp chí The New York Times số ra ngày 11/12/2005 trong mục bình chọn 10 tác phẩm văn học xuất sắc nhất thế giới trong năm 2005 đã nêu tên cuốn “Kafka On The Shore - Umibe bo Kafuka - Kafka bên bờ Biển” của Murakami Haruki đầu tiên, tán thưởng rằng đây là công trình của một tác gia đường đường tự tín.
Tác phẩm này cũng đã giúp Murakami Haruki đoạt Giải thưởng Văn học Franz Kafka của Tiệp Khắc năm 2006. Ông là tác gia thứ 6 được giải, trong số đó có nhà văn Mỹ Philip Roth.
Ngày 25 tháng 9, 2006, Giải thưởng quốc tế đắt giá nhất về truyện ngắn Frank O’Connor năm 2006 đã được trao cho Murakami Haruki. Hội đồng thẩm định đánh giá cao “Tài năng hiện đại trong việc sáng tạo những độc thoại triền miên về nỗi sợ hãi”, “Những tình tiết đào sâu xuống nhiều tầng ý nghĩa”.
Murakami Haruki hiện nay đang sống ở Boston, Mỹ, làm việc với trường đại học Harvard, và diễn giảng tại các cơ sở văn hóa giáo dục trong vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời nhất nước Mỹ.
***
Tập truyện ngắn Người Ti-Vi gồm có:
- Máy bay
- Truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi
- Kano Creta
- Xác ướp
- Giấc ngủ
- Quần cộc kiểu Đức
- Người đàn ông đi xe taxi
- Cho nữ hoàng đã mất
- Buồn nôn 1979
- Trú mưa
- Sân bóng chày
- Dao săn
***
Hiện nay, Murakami Haruki là tác gia Nhật Bản nổi tiếng vào bậc nhất cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng trên thế giới. Ở những nước đồng văn với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, hầu như toàn bộ tác phẩm Haruki đã được dịch, xuất bản. Các tác phẩm mới vừa ra mắt độc giả Nhật Bản thì vài tháng sau đã có ngay bản dịch tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc. Ở Nga và Mỹ cũng có nhiều độc giả nhiệt liệt hâm mộ tác phẩm Haruki. Những nhà phê bình và độc giả yêu thích còn nói đến chuyện Haruki sẽ có thể đoạt giải Nobel văn học.
Murakami Haruki là tác giả Nhật Bản có khuynh hướng phản kháng đối với truyền thống. Tác phẩm Haruki đặc sắc trong cả thể loại truyện dài lẫn truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn của ông đã trở thành hạt giống được khai phát thành truyện dài thành công, và nhiều truyện dài của ông đã chia nhánh phát triển thành những truyện ngắn đặc sắc. Chính ông cho biết không đặc biệt chú trọng hay ưa chuộng thể loại nào hơn.
Trong lời tựa của một tập truyện ngắn, Murakami Haruki viết:
“Ðối với tôi, viết tiểu thuyết là thử thách, mà viết truyện ngắn là niềm vui. Nếu ví việc viết tiểu thuyết như trồng một khu rừng, thì viết truyện ngắn giống như trồng một mảnh vườn nhà. Hai công trình ấy bổ túc cho nhau, tạo ra cảnh trí mà tôi yêu thích”...
“Từ lúc khởi đầu nghiệp văn năm 1979 đến nay, tôi vẫn viết tiểu thuyết và truyện ngắn đan xen nhau. Khi vừa hoàn tất một tiểu thuyết, tôi lại thấy muốn viết truyện ngắn, và khi xong một tập truyện ngắn, tôi lại muốn tập trung vào một truyện dài”...
“Ba truyện ngắn đầu tiên của tôi, đã được viết trong khoảng 1980-1981, là Thuyền hàng đi Trung Quốc, Chuyện bà cô nghèo khó, và Bi kịch mỏ than New York. Lúc bấy giờ, tôi hiểu biết rất ít về việc viết truyện ngắn, nên đã rất cực nhọc, nhưng đó là những kinh nghiệm rất đáng ghi nhớ. Và độc giả có vẻ ưa thích truyện ngắn của tôi”.
“Về cơ bản, tôi là một tiểu thuyết gia, nhưng rất nhiều người cho biết là họ thích truyện ngắn của tôi hơn là truyện dài. Ðiều đó không làm bận lòng tôi, và tôi cũng không cố thuyết phục họ suy nghĩ ngược lại. Thật tình tôi rất vui mừng nghe họ nói vậy. Bởi các truyện ngắn của tôi đã như những cái bóng nhạt, những dấu chân mờ tôi để lại trên đường. Tôi nhớ rõ nơi chốn nào tôi đã để lại mỗi một bóng, mỗi một dấu chân ấy, và lúc bấy giờ tôi đã có cảm giác như thế nào. Các truyện ngắn giống như những cột mốc hướng dẫn vào tâm tình tôi, và nhà văn là tôi, rất vui thích đã nhờ đó mà chia sẻ được những tâm tình thân mật ấy với độc giả”.
“Có lúc, những chi tiết tôi viết trong các truyện ngắn đã xuất bản xong, vẫn tiếp tục nảy nở trong trí tôi, phát triển thành tiểu thuyết... Cả trong ý nghĩa đó, các truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi nối kết với nhau trong tôi, một cách hữu cơ và tự nhiên”.
Truyện ngắn của Haruki được độc giả khắp nơi trên thế giới yêu chuộng. Ðiều này được thực chứng qua sự kiện Giải thưởng quốc tế đắt giá nhất về truyện ngắn (đã dịch ra tiếng Anh) Frank O'Connor năm 2006, là ba mươi lăm ngàn đồng Euro, đã được trao cho Murakami Haruki ngày 25 tháng 9, 2006. Hội đồng thẩm định gồm năm tác gia của các nước Anh, Mỹ, Ðức, Ái Nhĩ Lan; chủ tịch hội đồng Tom McCarthy, nhận xét: “Thật là một bậc thầy về văn xuôi”, đánh giá cao “cảm nhận xuất chúng về hiện thực huyền ảo”, “bút pháp điêu luyện”, “tài năng hiện đại trong việc sáng tạo những độc thoại triền miên về nỗi sợ hãi”, “những tình tiết đào sâu xuống nhiều tầng ý nghĩa”, “Murakami viết thật đường hoàng, không ngần ngại đối đầu với những tình huống khó khăn, nan giải giữa những con người thường xuyên hiểu lầm về nhau”. “Ðọc xong tác phẩm của Haruki, những hình tượng và tình huống ông sáng tạo ra, vẫn còn lưu lại lâu dài khó quên”.
Tiếp cận văn chương Haruki từ các truyện ngắn là cách hay nhất, bởi tương quan khắng khít giữa hai thể loại, như đã nói ở trên, hơn nữa, sự phong phú trong đề tài và văn phong Haruki có thể lĩnh hội được nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện từ tuyển tập những truyện ngắn súc tích và đa dạng, hơn là truyện dài.
Với tập truyện ngắn này, tác giả Murakami Haruki đồng ý cho chúng tôi nhập chung hai tuyển tập gốc, nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự trình bày của các truyện ngắn trong hai tuyển tập đã xuất bản tại Nhật Bản.
7 truyện đầu được dịch từ nguyên tác trong Tập truyện ngắn “Chugoku yuki no Slow Boat” (Slow Boat to China - Thuyền hàng đi Trung Quốc) xuất bản năm 1983.
7 truyện tiếp theo từ Tập truyện ngắn “Lexington no Yurei” (Lexington Ghosts - Bóng ma ở Lexington) xuất bản năm 1993.
Tuyển tập này tiếp theo bộ ba Tập truyện ngắn Murakami Haruki: “Ðom đóm”, “Ngày đẹp trời để xem Kangaroo” và “Sau cơn động đất”, do Nhà xuất bản Ðà Nẵng thực hiện và phát hành tháng 5-2006, cùng với Tập truyện ngắn “Bóng ma ở Lexington” xuất bản tháng 6-2007, cả 5 tập này đã thu tập tổng cộng trên sáu mươi truyện ngắn tiêu biểu cho thấy rõ tính đa dạng về đề tài và bút pháp của tác giả.
Hy vọng rằng những truyện ngắn được tuyển dịch này nêu lên được những đặc điểm trong sáng tạo của nhà văn Haruki, nhất là sự khác biệt giữa phong cách Murakami Haruki và những màu sắc truyền thống Nhật Bản.
Chúng tôi mong nhận được ý kiến, phê bình của quí độc giả, để có thể sửa đổi những chỗ sai sót, và thực hiện hoàn chỉnh hơn trong những lần xuất bản tới. Xin chân thành cảm ơn quí độc giả.
Người dịch
Phạm Vũ Thịnh
Sydney 2-2007
t4phamvu@hotmail.com
Mời các bạn đón đọc
Người Ti-Vi của tác giả
Murakami Haruki.