Với hơn hai trăm biểu đối chiếu sơ về ngôn ngữ Việt-Mã và nhiều khám phá mới lạ về thượng cổ 5000 năm của dân tộc Việt Nam.
Không có nền văn hóa nào tự thẹn, cũng không có nền văn hóa nào được phép khinh bỉ các nền văn hóa khác. Cũng như các sinh vật, các nhóm dân tộc đã trải qua nhiều giai đoạn tiến triển y hệt như nhau. Đôi khi chỉ nhờ những nguyên nhơn địa phương và ngẫu nhiên nó giúp vài dân tộc trội hẳn các dân tộc khác. Nhưng luôn luôn, ở tỷ độ lịch sử, những thành tích ấy, lớn hay nhỏ, dài hay ngắn hạn, không bao giờ ổn cố, và những nền văn minh tàn lụi, không còn làm sao mà đếm cho xiết nữa.
Vậy, người ta đi đến cái quan niệm là có một sự đồng đẳng căn bản nào ban đầu, chung cho cả nhân loại, đó là cái thực thể hạ tầng của những chênh lệch phụ thuộc khác.
Ở đây, cũng như ở các vấn đề khác, tự ty hoặc tự tôn mặc cảm đều không chính đáng.
Bác sĩ P. HUARD
Giáo sư Y khoa Hà Nội (Tiền chiến)
***
Công trình khảo cứu về địa chất và tiền sử ở Việt Nam đã được các nhà bác học Âu Mỹ làm xong.
Về địa chất, những công trình ấy được ba nhà trí thức Việt Nam là quý vị Trần Kim Thạch, Lê Quang Sáng và Lê Thị Đính rút tỉa đại cương để soạn thành một quyển sách mà chắc không có quyển nào khác nữa thay cho, tuy quá sơ lược, và có nhiều điểm không đúng lắm, nhưng vẫn giúp người đọc có ý niệm tổng quát và đại khái về đất đai của nước Việt Nam từ thời Hồng hoang đến ngày nay.
Đó là quyển Lịch sử thành lập đất Việt, phát hành đầu năm 1971. Đọc quyển sách ấy, ta thấy đất nước ta cổ hàng tỷ năm.
Đất thì đã được biết đích xác, còn người?
Lòng đất của ta xưa đã được biết rõ. Người xưa cũng được biết rõ không kém, nhưng nguồn gốc của tổ tiên ta thì lại chưa thể biết được, vì tổ tiên ta ở nơi khác mà đến (mà tổ tiên của dân tộc nào hiện nay cũng thế cả), hơn thế, chưa từng có nhà bác học nào ráp nối được những cái sọ cổ và đồ vật cổ với sọ của ta và đồ vật của ta, để chỉ người cổ nào là tổ tiên của ta vì trong lòng đất có hàng chục thứ người cổ khác nhau.
Muốn biết tổ tiên ta là ai thì chỉ có một phương pháp độc nhứt mà khoa học nhìn nhận, đó là đối chiếu các thứ sọ người cổ và sọ của ta hiện nay.
...
Mời các bạn đón đọc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của tác giả
Bình Nguyên Lộc.