“NHÀ BĂNG” , nguyên tác tiếng Anh “The money changers”, người dịch Vũ Đình Phòng, Nhà Xuất bản Hà Nội, xuất bản năm 1996.
Nếu anh giàu tức là anh nghèo
Bởi anh sẽ giống như con lừa còng lưng
Dưới những thỏi vàng đè nặng
Anh phải vác tiền bạc của cải
Nhưng chỉ trên một quãng đường
Rồi cái chết sẽ giải tỏa cho anh khỏi nỗi nhọc nhằn đó.
***
Nhiều người vẫn còn giữ lại ấn tượng lo âu, dai dẳng trong hai ngày hôm đó của tháng Mười. Hôm ấy là thứ Ba, Ben Rosselli, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại số một Hoa Kỳ, đồng thời là cháu nội của cố sáng lập viên nhà băng này đã công bố một tin ghê rợn. Tin này lập tức loan truyền khắp các phòng ban và ra cả bên ngoài.
Hôm sau, thứ Tư, người ta phát hiện ra một vụ ăn cắp ngay tại chi nhánh chính của Ngân hàng đóng ngay ở trung tâm thành phố, sự kiện này mở đầu cho một loạt sự kiện nối tiếp nhau như phản ứng dây chuyền, đầy bất ngờ, dẫn đến một thảm họa tài chính, đến một bi kịch con người, đến một cái chết.
Khi Tổng giám đốc Ben Rosselli gọi điện cho một số các quan chức thân cận dưới quyền, chưa ai đoán được ông định nói điều gì. Một số nhận được lời triệu tập trong lúc họ ăn sáng ở nhà, số khác vào lúc họ bước vào phòng giấy. Dĩ nhiên đó là những quan chức cấp cao nhất nhà băng, nhưng Ben Rosselli còn triệu tập cả một số nhân viên kỳ cựu mà ông vẫn thường coi là bạn bè thân thiết. Tất cả đều nhận được câu triệu tập y hệt nhau:
"Mời đến hội trường họp lớn trong Tòa nhà cao ốc vào mười một giờ sáng nay."
Đó là tên gọi trụ sở công khai của Ngân hàng Thương mại số một Hoa Kỳ. Đúng giờ quy định, khoảng hai chục người đã tề tựu trong phòng họp. Trong lúc chờ đợi, họ vẫn đứng bàn tán xôn xao, không ai quả quyết kéo ghế ra ngồi.
Đột nhiên một tiếng nói to làm mọi người ngừng trò chuyện:
- Ai cho phép bác làm chuyện này? Các cặp mắt quay cả lại nhìn người vừa nói câu đó: Roscoe Heyward, Phó tổng giám đốc, đặc trách khu vực các tài khoản. Ông ta quát hỏi bác quản lý nhà ăn dành cho các quan chức cao cấp của nhà băng, lúc này đang rót rượu Xeres ra ly.
Đây là thứ rượu quý đặc biệt của Tây Ban Nha. Là cấp lãnh đạo cao, Roscoe Heyward nổi tiếng là người nghiệt ngã trong công việc theo đúng các khuôn phép của nhà băng.
...
***
Arthur Hailey (người Anh có quốc tịch Canada) (1920 - 2004) là tác giả của mười một cuốn best-sellers, trong đó có "Bản tin chiều" đã được dựng thành phim. Ông có 11 tiểu thuyết bán rất chạy được in ở 40 quốc gia với 170 triệu bản.
Hailey được coi là người trường vốn trong sự nghiệp sáng tác. Những cuốn truyện ông viết đã vượt khỏi quê hương, được xuất bản trên 40 nước với hơn 170 triệu bản. Điểm nổi bật trong tác phẩm của ông là những nhân vật có xuất xứ rất tầm thường nhưng khi bị đẩy vào hoàn cảnh bi hùng đã vượt lên thành một số phận khác.
Sinh ngày 5/4/1920, Hailey sớm phải bỏ học ở tuổi mười bốn, bởi cha mẹ không đủ tiền chu cấp ăn học cho con trai. Sau đó, chàng trai Arthur trở thành phi công trong quân chủng Hoàng gia Anh trong đại chiến 2. Năm 1947, nhà văn tương lai rời bỏ xứ sở sương mù đến Canada và nhập quốc tịch tại đây. Thời gian đầu nơi đất khách, Hailey phải kiếm sống như một nhân viên tiếp thị cho nhà máy sản xuất máy kéo. Được một thời gian thì việc viết lách đã cám dỗ Hailey. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là The Final Diagnosis, xuất bản năm 1959, kể về một bác sĩ chẳng may gây ra cái chết với một bé sơ sinh.
Mải mê với những con chữ trong một thập kỷ, rồi ông trở về công việc kinh doanh, chỉ ngồi vào bàn viết như một thú vui.
Bà vợ của Hailey cho biết, nhà văn rất khiêm tốn và giản dị, nhưng ông có một niềm hân hoan đặc biệt khi đọc những bức thư của độc giả tán dương tác phẩm mình. Hậu duệ của ông dự định sẽ tổ chức một bữa tiệc tưởng nhớ ông vào tháng giêng theo đúng nguyện ước của người quá cố.
Mười bốn tuổi đã nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền cho ông đi học tiếp, Arthur Hailey tham gia thế chiến thứ 2 với tư cách là phi công trong không lực hoàng gia Anh và trở thành nhà văn khi xuất bản tác phẩm đầu tay The final diagnoisis vào năm 1959.
Arthur Hailey có cách viết tiểu thuyết rất hấp dẫn, mô tả những người bình thường trong hoàn cảnh bất thường. Năm 2001 ông nói với hãng tin AP: "Tôi không thật sự tạo ra ai cả. Tôi chỉ lấy từ đời thật". Một số tác phẩm của ông đã được ra tiếng Việt như Phi trường, Bản tin chiều, Trong khách sạn...
Mời các bạn đón đọc
Nhà Băng của tác giả
Arthur Hailey.