Được mệnh danh là “phiên bản nữ” của cuốn sách best-seller Quân khu Nam Đồng, tự truyện Ba áng mây trôi dạt xứ bèo đã gặt hái được nhiều thành công ngoài niềm mong đợi cho nhà văn Việt kiều Nuage Rose (tên Việt là Hồng Vân).
- Tác phẩm “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã được tái bản chỉ trong vòng hơn nửa năm sau khi dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Đây là một điều hiếm thấy với cuốn tự truyện của một tác giả chưa được bạn đọc trong nước biết đến nhiều. Chị cảm thấy như thế nào trước tin mừng này?
- Tôi rất vui và bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn cả là trong khoảng thời gian từ khi cuốn sách ra mắt bạn đọc Việt Nam tới nay, tôi đã có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với nhiều độc giả. Họ ở nhiều lứa tuổi và công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có người đã trải qua chiến tranh giống như tôi, có người chỉ biết nó qua sách vở, tư liệu. Những trao đổi riêng của tôi với bạn đọc đôi khi mang đến cho tôi nhiều bất ngờ, xen lẫn thích thú.
Ở mỗi lứa tuổi lại có những cảm nhận khác nhau về Ba áng mây trôi dạt xứ bèo. Trong đó có những điều mà tôi không thể có được trong những buổi gặp gỡ, tiếp xúc đông đảo ở hội trường lớn. Sách của tôi thì có nhiều chuyện để nói lắm, đâu chỉ riêng chuyện chiến tranh.
- Vậy câu chuyện nào được chị chia sẻ nhiều nhất với độc giả?
- Đó là chuyện về thời sơ tán! Nhiều độc giả ở thế hệ của tôi, những đứa trẻ cùng chung cảnh ngộ phải xa nhà đi sơ tán. Có cả thế hệ trên tôi, những người bằng tuổi bố mẹ tôi và cả những bạn trẻ không biết tới chiến tranh đều quan tâm đến câu chuyện này.
Họ đã rung động trước câu chuyện của tôi. Tôi đã lo sợ, những gì mình viết đã thuộc về một niềm kí ức xa xôi, nhiều người sẽ không muốn nhắc lại, hay không muốn tìm hiểu về nó.
Nhưng phản ứng của độc giả đã làm tôi bất ngờ. Cảm giác của tôi lúc đó lâng lâng và hơi chao đảo một chút vì vui sướng. Đó là một khoảng thời gian đặc biệt, nơi những người dân ở nông thôn và thành thị sống chan hòa với nhau.
Trong suốt chục năm trời, Hà Nội vắng bóng người. Không chỉ riêng Hà Nội mà gần như nửa đất nước điều phải sống trong cảnh du lạc ấy, nhưng ở đầu kia đất nước, và cả ở châu Âu, thậm chí với cả những người biết nhiều về lịch sử cũng không biết rõ giai đoạn này.
Tôi đã dành rất nhiều tâm tư trong những dòng viết về những ngày tháng sơ tán ấy. Trong những ngày tháng ấy có rất nhiều nỗi buồn, có cả những nỗi buồn không thuộc về chiến tranh.
- “Nỗi buồn không thuộc về chiến tranh”, chị có thể nói rõ hơn về nó được không?
- Các bạn biết đó, người lớn trong thời bình đã bận bịu rồi, trong thời chiến người lớn còn nhiều mối bận bịu và lo toan hơn. Trẻ con sống trong cảnh sơ tán, giữa những hòn tên mũi đạn không được chăm bẵm từng li từng tí, để mắt đến suốt ngày.
Có những kẻ xấu đã lợi dụng điều đó để xâm hại chúng. Có đứa trẻ đã may mắn chưa bị làm hại, nhưng còn một số khác thì không. Tôi cũng đã tâm sự điều này trong cuốn sách của mình. Khi đọc được điều đó, có cô bé đã tìm thấy sự đồng cảm. Vì cháu chính là một nạn nhân.
Nhưng trước kia, và bây giờ cũng vậy, nhiều người lớn, các bậc phụ huynh đã chọn cách im lặng. Họ cho rằng đó là cách bảo vệ con mình, nhất là đối với các bé gái.
Nhưng chúng ta cần thay đổi thành kiến và nhận ra rằng: kẻ xấu không phải là nạn nhân mà chính là kẻ đồi bại đã gây ra hành vi bẩn thỉu với những đứa trẻ non nớt.
Tôi cảm ơn cô bé đó vì đã chia sẻ với tôi. Nỗi đau khi được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa.
Tự truyện Ba áng mây trôi dạt xứ bèo của tác giả Nuage Rose. |
- Ngoài việc muốn tái hiện lại những năm tháng đáng nhớ của tuổi thơ mà mình đã từng trải qua cho các con. Có còn điều gì khác khiến chị dành nhiều tâm huyết cho cuốn tự truyện đầu tay của mình tới vậy?
- Thú thực, chuyện lưu giữ kỉ niệm cho các con với tôi chỉ là thứ yếu. Thực sự, những gì mà tôi viết nên là những điều mà tôi không thể nói thành lời. Ba áng mây trôi dạt xứ bèo là một bức thư dài chan chứa tình yêu và sự biết ơn của tôi với Ông ngoại, Bố, Mẹ và những người đã cưu mang những đứa trẻ con Hà Nội trong thời sơ tán về thôn quê.
Người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung thường hay “xấu hổ” và bẽn lẽn khi nói tiếng “yêu” với bố mẹ hay người thân. Tại sao chúng ta phải như vậy?
Tôi không biết có ai suy nghĩ như tôi không? Khi gặp nạn, ốm đau tôi rất hoảng hốt. Không phải vì sợ chết, mà tôi sợ chưa kịp nói hết tình yêu và lòng biết ơn của mình tới những người mà tôi yêu thương.
Tôi vẫn thấy một điều nghịch lý và hơi ngốc nghếch là nhiều người chờ đến “hơi thở cuối cùng” mới nói những lời yêu thương. Những lời ấy nên được nói ra thường xuyên hơn là đợi khi quá muộn, hoặc không kịp nói.
- Trong “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” chị đã có những cảm nhận rất tinh tế, thú vị về ngày Tết. Ngoài cái Tết đáng nhớ mà cả gia đình được sum vầy trong những năm tháng chiến tranh, còn có cái Tết nào để lại nhiều ấn tượng trong chị?
- Đó là Tết năm 1973, khi Hiệp định Paris đã được kí kết. Đồ ăn, thức uống khi ấy chưa có gì đâu. Còn Hà Nội khi ngổn ngang đổ nát. Tiếng rên vẫn còn vảng vất ở Bạch Mai, Khâm Thiên… Nhưng sao mà vui thế! Một niềm vui rất lạ… Cảm giác như rốt cuộc, đã đến lúc mà cuộc sống sẽ mở rộng và chờ đợi trước mắt. Điều mà những đứa trẻ ở thế hệ tôi chưa hề được nếm mùi.
Ngày ấy, bố tôi đưa cả nhà lên Bờ Hồ. Người Hà Nội chỉ cần nói Bờ Hồ là hiểu ngay hồ Hoàn Kiếm. Sau đó mọi người cùng nhau đi ăn kem Tràng Tiền, xem pháo hoa, nghe pháo nổ, khói dày sặc lên cả mũi. Nhưng ai cũng thấy vui. Kể từ đó tết trong tôi luôn mang màu của hạnh phúc.
Sau đó, chị em chúng tôi còn được bố đưa lên hồ Tây, lên tận bờ đê để nhìn được thật xa, ngắm Hà Nội. Có lẽ, các bạn trẻ thời nay sẽ bật cười, vì điều ấy giờ đây không còn nghĩa lý gì.
Nhà văn Nuage Rose còn có tên Việt là Hồng Vân. |
- Với chị, điều gì là quan trọng nhất trong ngày Tết?
- Có rất nhiều điều tuyệt vời và quan trọng trong ngày Tết. Đó là chợ hoa rực rỡ với đào, nụ tầm xuân. Không khí nhộn nhịp của phố phường. Đông vui và không ai cãi nhau, mắng mỏ hay trách cứ người khác. Mọi người cư xử khoan hòa và vui vẻ với nhau.
Cả gia đình sẽ cùng nhau sum họp, cả ngày ăn uống no nê, không phải xin phép hay phải chờ đúng bữa. Có thể bạn sẽ bảo: “Bây giờ lúc nào chị cũng có thể ăn no nê mà không cần xin phép ai?!” Nhưng chính vì yêu cái Tết từ những điều nhỏ nhặt nên tôi vẫn mang tâm hồn của một đứa trẻ thuở xưa, tâm hồn của cô bé Mây Hồng năm nào.
- Vậy còn những cái Tết ở Paris thì sao?
- Tôi sống ở Paris đã hàng chục năm rồi. Nhiều khi Paris với tôi không có Tết. Ngày Tết cổ truyền tôi vẫn phải đi làm. Như năm nay, Tết đến vào đúng giữa mùa đông, tuyết rơi rất dày. Cây cối ở đây khẳng khiu, không có một nhành lá chứ đừng nói là vài đóa hoa. Bởi vậy, tôi nhớ không khí Tết, nhớ chợ hoa rất nhiều.
- Chị cảm thấy thế nào khi tác phẩm của mình sẽ được chuyển thể thành phim? Điều chị mong chờ nhất khi đứa con tinh thần của mình xuất hiện với ngôn ngữ của nghệ thuật thứ 7?
- Đây là một câu hỏi khó vì việc chuyển thể thành phim chỉ đang là dự án. Khi tôi quyết định trao số phận của Ba áng mây trôi dạt xứ bèo cho người xứng đáng, tôi sẽ tin tưởng tới cùng. Không chỉ Ba Áng Mây: Mây Vàng, Mây Hồng, Mây Xanh mà tất cả những đứa trẻ người Hà Nội đã từng đi sơ tán sẽ thấy mình trong phim. Không chỉ có vậy, các bạn niềm Nam sẽ được khám phá một mảng đời của đồng bào mình phía bên kia vĩ tuyến 17.