Văn học thời Minh Trị ghi dấu ấn của hai tác gia lớn là Natsume Soseki (Hạ Mục, Thấu Thạch) 夏目漱石 (1867-1916) và Mori Ogai (Sâm, Âu Ngoại) 森鴎外 (1862-1922). Là thế hệ nhà văn tiếp xúc với tri thức và văn minh phương Tây (Natsume đi du học Anh, Mori Ogai đi du học Ðức), cả hai người đều có những đóng góp quan trọng trong việc cách tân văn học Nhật Bản cận đại. Trong khi Natsume được dịch và giới thiệu với độc giả Việt hầu hết những tác phẩm quan trọng thì Mori Ogai chưa có được cái may mắn ấy. Khác với tác giả của “Nỗi lòng” 心 và “Từ đó về sau” それから hầu như chỉ chuyên tâm sáng tác, Mori Ogai ngoài văn chương dịch thuật còn tham gia quân ngũ. Chính Mori Ogai là người khởi xướng tạp chí văn học “Phên giậu” Shigarami soshi しがらみ草紙 và đã dịch tác phẩm “Faust” lừng danh của Goethe ra Nhật ngữ. Ngoài sự nghiệp dịch thuật và binh nghiệp lẫy lừng (làm đến chức Tổng trưởng Quân y Lục quân), văn nghiệp Mori Ogai cũng rất phong phú và trải qua nhiều biến chuyển gắn liền với lịch sử văn học Nhật Bản hiện đại. Vì thế chúng tôi chọn dịch một tác phẩm tiêu biểu của Mori Ogai, tiểu thuyết “Nhạn” 雁 .
Quyển tiểu thuyết này gồm 24 chương ngắn không có nhan đề được cấu trúc theo như chính lời tác giả ở chương 24: “Một nửa câu chuyện này là những chuyện xảy ra khi tôi với Okada còn chơi với nhau thân thiết, một nửa còn lại là nghe Otama mà tôi quen sau này kể lại sau khi Okada đã ra đi. Cũng giống như hai mảnh trái phải của một bức tranh dưới kính thực thể cùng phản chiếu một ảnh tượng, câu chuyện này là ghép và tương chiếu những điều tôi thấy trước đó và những điều nghe kể sau này”. Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Takemori Tenyu[1] ở phần giải thích tác phẩm cho rằng, “Câu chuyện được tái cấu thành từ “hai mảnh trái phải của một bức tranh”, tức là “những điều thấy trước đó và những điều nghe kể sau này”.
Tính chất của sự tái cấu thành này không chỉ trong quyển “Nhạn” mà còn là điểm cần phải chú ý xuyên qua chỗ thâm sâu của văn nghiệp Ogai”[2].
Takemori Tenyu cũng cho rằng vấn đề tái cấu thành này có bao hàm yếu tố phức tạp. Khi phân tích cụ thể tác phẩm ta có thể nhận ra 27 tình tiết. Chẳng hạn từ chương 1 đến chương 3 ta thấy có 5 tình tiết như sau:
1. “Tôi” dọn về khu nhà trọ Kamijo. Thời điểm là năm “Minh Trị thứ 13”. (Chương 1)
2. Okada, sinh viên trường y, dọn đến trọ sát phòng của nhân vật “tôi”. (Chương 1)
3. “Tôi” do mua quyển truyện “Kim Bình Mai” ở nhà sách cũ mà quen thân với Okada. (Chương 1)
4. Căn nhà phòng nhì nơi con dốc Vô Duyên. (Chương 2)
5. Truyện về “cô gái ngồi bên cửa sổ”. (Chương 2, 3)
Và “sau khi thử kiểm tra các tình tiết truyện, tôi (Takemori) đi đến suy nghĩ rằng đây không phải là nguyên vẹn một “câu chuyện cũ” của nhân vật “tôi”. Hơn nữa khi giản lược hóa câu chuyện đến đoạn cuối từ chương 22 đến chương 24 ta lại có thể lấy ra được 5 tình tiết khác.
I. Bữa ăn tối ở phòng trọ Kamijo có món cá saba hầm súp miso. (Chương 22)
II. Cuộc gặp gỡ giữa Otama, Okada và “tôi” ở con dốc Vô Duyên. (Chương 22, 24)
III. Câu chuyện về con ngỗng trời. (Chương 22, 23)
IV. Chuyện Okada đi du học Tây phương. (Chương 23, 24)
V. Các chuyện về sau và giải thích phương pháp viết. (Chương 24)
Tình tiết truyện từ I đến IV với tình tiết 1 đến 5 trước đó gần gũi về mặt thời gian, tuy nói là tồn tại với tư cách “nguyên hình” (hình dạng ban đầu, tự nhiên, chưa chỉnh sửa) nhưng chẳng phải là những tình tiết riêng biệt hay sao?”[3]
Còn về nội dung thì tác phẩm này xoay quanh chuyện tình của ba nhân vật chính là Suezo, Okada và Otama. Tuy gọi là tình tay ba nhưng thực ra chỉ xoay quanh tâm tình của Otama. Suezo hoàn toàn không hay biết gì về tình địch còn Okada thì chỉ như người đi qua đường, một lần giúp đỡ mỹ nhân mà còn chút gì lưu luyến.
Con dốc Vô Duyên là một địa danh có thật nhưng nó cũng hàm chứa ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật. Ðiềm báo của một cuộc tình không thành. Như một tấm tranh cuộn dần dần được mở ra, các nhân vật từ từ xuất hiện cùng những biến chuyển tâm lý qua các hoàn cảnh được Mori Ogai khắc họa rất sắc nét. Tâm trạng thất thường của người cha khi an ổn tuổi già nhớ nhung con gái, toan tính con buôn của Suezo, nỗi muộn phiền của người vợ Otsune, sự chuyển biến từ ngây thơ đến dạn dày của Otama, cả những giằng xé của Okada và của cả nhân vật “tôi”, thói ba hoa của Ishihara lần lượt điểm tô cho tấn tuồng có ba nhân vật chính.
Với giọng văn thong dong, điềm đạm và các câu văn gãy gọn rõ ràng, Mori Ogai kể lại cho chúng ta một câu chuyện đầy đủ chương hồi. Tác phẩm dần dần mở ra như một bộ phim quay chậm, như chiếc đèn kéo quân. Trên đó những toan tính, dằn vặt, mâu thuẫn gia đình, bản chất con người dần dần hiện lên rõ ràng minh bạch. Nhân sinh từ ngàn đời nay, dù nơi nào cũng vậy, cũng diễn đi diễn lại một vở tuồng. Có trung có nịnh, có khao khát đam mê, có tuyệt vọng thẫn thờ, có những toan tính nhỏ nhen với những ước vọng phi thường. Tuy chỉ có chừng ấy nội dung nhưng cách diễn đạt và hình ảnh mỗi thời mỗi khác với văn phong riêng biệt của từng tác gia khiến chúng ta mỗi lần xem là một lần cảm thấy tươi mới. Cũng như một bàn cờ tướng chỉ có ba mươi hai quân mà thiên biến vạn hóa, bàn cờ vây chỉ hai màu trắng đen mà mấy ngàn năm để lại biết bao nhiêu huyền thoại, diễn ra biết bao nhiêu trận thư hùng. Mori Ogai đã mang đến cho chúng ta thêm một phối cảnh mới của vở kịch đời với sắc màu riêng biệt độc đáo Nhật Bản. Qua biến thiên dâu bể hàng trăm năm, tác phẩm vẫn ngời sáng lung linh một ngọn lửa tinh thần bất diệt.
Nagoya, ngày 23/2/2013
Hoàng Long
Mời các bạn đón đọc
Nhạn của tác giả
Mori Ogai.