Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vĩ |
|
Tác giả | Brian Eyler |
Bộ sách | |
Thể loại | Biên khảo - Địa Lý |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3747 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Brian Eyler Nguyễn Đình Huỳnh Biên Khảo Địa Lý |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Tác giả Brian Eyler là giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, DC. Ông từng có thời gian quản lý các trung tâm du học ở Bắc Kinh và Côn Minh, Trung Quốc cho IES Abroad và dẫn đầu nhiều chuyến tham quan học tập trên khắp khu vực sông Mekong.
Trong Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ, Brian Eyler dẫn người đọc bước vào một chuyến khảo sát Mekong từ thượng đến hạ nguồn, tìm hiểu về những người phụ thuộc vào tài nguyên nơi đây. Thông qua câu chuyện sinh kế của các cộng đồng cư dân chịu tác động bởi chính sách khai thác và tái định hình môi trường dòng sông này, ông đưa ra các giải pháp hợp lý, và cũng cảnh báo nếu những kịch bản tốt lành không xảy ra.
"Một tác phẩm tuyệt vời, giàu thông tin về cuọc sống dọc theo dòng Mekong, và về các lực lượng đang làm thay đổi vùng này. Eyler đưa ra những kiến giải sâu sắc chỉ có thể có được sau nhiều năm làm việc tại thực địa"_Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
***
Trường Mekong ở huyện vùng biên Chiang Khong, Thái Lan, gần trung tâm Tam Giác Vàng, cách bờ dòng sông nổi tiếng này chưa đến hai mươi mét. Ngôi trường kiểu nhà sàn hai tầng bằng gỗ tếch được nhóm bảo tồn cộng đồng Rak Chiang Khong xây dựng vào năm 2013. Phòng họp là một không gian mở trên tầng hai của trường, các vị lãnh đạo cộng đồng địa phương thường tụ họp ở đây trên những chiếc chiếu dài, trao đổi quan điểm về cách bảo tồn văn hóa địa phương, quản lý rừng cộng đồng, và bảo vệ các tài nguyên quý giá của sông Mekong. Gian nhà chính của trường dài tầm hai mươi mét, cạnh chiếc lán nhỏ ba vách mặt tiền mở ra sông. Ba buồng chuối xanh chưa chín cắt từ những cây chuối trồng dọc theo rìa mảnh đất của trường treo trên xà ngang cái lán. Một tấm áp phích mua ngoài cửa hàng in hình Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa qua đời được treo trên bức tường phía sau cạnh những tấm áp phích lớn vẽ bằng tay hình Hồ Chí Minh, Che Guevara và Nelson Mandela. Phía dưới là bức tranh vẽ Naga, thần rắn bảo vệ sông Mekong. Trong bức tranh, phần cuối đuôi của Naga bị chặt nát, nhưng đôi mắt vẫn rất sống động.
Đó là một buổi sáng tháng Một trong lành, tôi đang ngồi bên chiếc bàn dã ngoại đặt giữa ngôi trường và con sông cùng với Niwat Roykeaw, trưởng nhóm Rak Chiang Khong và là người am hiểu mọi thứ về dòng Mekong. Người dân địa phương gọi ông là Khru Tee, có nghĩa là thầy hay đạo sư, và Trường Mekong là đạo tràng của ông. Vài ngày trước, Khru Tee đã chỉ cho tôi thấy cách các cộng đồng địa phương thích nghi với tình hình đang thay đổi. Ông cho biết sản lượng cá đánh bắt ở đây đang sụt giảm và mực nước sông Mekong gần đây dâng cao một cách khó lường vào giữa mùa khô. Cả hai tình huống trên đều liên quan đến các con đập của Trung Quốc, cách Chiang Khong hàng trăm cây số về phía thượng nguồn. Ông có vóc người mảnh khảnh, tóc bạc để dài, buộc thả sau lưng cho thấy phong trào văn hóa đối kháng những năm 1960 ở phương Tây đã lan đến tận Tam Giác Vàng từ hàng chục năm trước. Đặc điểm nổi bật nhất của ông là chiếc răng cửa dài hơi nhô ra ngoài so với những chiếc còn lại. Nhìn kỹ mới thấy đôi mắt của Khru Tee lấp lánh ngọn lửa chất chứa những câu chuyện về dòng Mekong.
Vào những năm 1960, Khru Tee còn là một cậu bé sống trong căn nhà sàn bằng gỗ phía bên bờ sông của con phố độc nhất ở Chiang Khong. Cậu giúp mẹ chăm sóc khu vườn ven sông trồng đu đủ, ớt, cà tím, và mò cua bắt ốc, tìm kiếm những thứ ngon lành khác trên bờ sông. Cậu nhìn ngư dân ngày ngày mang hàng đống cá lên chợ. Thỉnh thoảng, người dân trong huyện tụ tập xem cá trê Mekong khổng lồ mới bắt được có khi dài tới 3m và nặng hơn 300kg. Vào những tháng mùa đông mát mẻ, gia đình cậu ngủ trên chiếu trải dưới sàn nhà cạnh đống lửa, điểm chung của các ngôi nhà ở vùng Tam Giác Vàng và vùng cao Đông Nam Á. Những người lớn tuổi nhất luôn ngủ gần lửa nhất, và Khru Tee thường tranh với anh chị mình ngủ cạnh ông nội cho ấm. Đêm đêm để dỗ Khru Tee ngủ, ông nội kể cho cậu nghe những câu chuyện về Bulaheng khổng lồ, ông lão của sông Mekong, người bảo vệ dòng sông và các vùng đất lân cận. Theo tôi, Bulaheng là nhân vật kiểu như Paul Bunyan, người thợ đốn gỗ khổng lồ trong truyện dân gian Mỹ. Nhưng điểm khác biệt ở đây là thay vì đốn hạ rừng, ông là người canh giữ vùng Tam Giác Vàng, chiến đấu chống lại quỷ dữ và những kẻ xâm phạm. Dấu chân của Bulaheng tạo ra núi và sông khi ông đi qua vùng đất này. Giống như Paul Bunyan nuôi bò Babe the Blue Ox thành một con thú khổng lồ, Bulaheng đã nuôi cá sông Mekong để chúng luôn dồi dào, to lớn, cung cấp cho những người sống gần sông. Nơi ông nghỉ ngơi, Bulaheng tạo ra vùng đất bằng phẳng và dạy cho người dân sông Mekong cách trồng lúa trên đồng và làm cái đơm để bắt cá.
Năm 2001, Khru Tee cùng với vài người dân Chiang Khong đã chiếm giữ những tảng đá trồi lên trên mặt nước giữa sông Mekong ngay phía bắc Chiang Khong. Vài ngày trước, các kỹ sư từ Trung Quốc chạy tàu cao tốc đến và cài chất nổ vào các tảng đá theo một kế hoạch phát triển nhằm dọn đường cho tàu thuyền buôn bán của Trung Quốc đi xuống hạ nguồn. Người dân địa phương tin rằng những tảng đá là nơi sinh sản theo mùa của loài cá trê Mekong khổng lồ, và nếu không có chúng, những loài đang gặp nguy này sẽ bị tuyệt chủng. Khru Tee và những người bạn của ông đã ngăn chặn thành công đám người Trung Quốc, những người này về sau đã chấp nhận xây dựng công trình cảng ở Chiang Saen, thành phố cách 40km về phía thượng nguồn. Khi Khru Tee kể cho tôi chuyện này, ông nói chính ý chí của Bulaheng đã dẫn dắt những người phản kháng tiến lên.
Qua chương trình ở Trường Mekong, Khru Tee cố gắng làm sống lại huyền thoại Bulaheng. “Nếu mọi người biết được huyền thoại này, họ sẽ hiểu vì sao Bulaheng là người bảo vệ hệ sinh thái vùng này. Thông qua Bulaheng, trẻ em sẽ biết được các thành phần của hệ sinh thái phối hợp với nhau như thế nào và hiểu được vị trí của chúng trong hệ sinh thái này”, ông nói. Những năm vừa qua, vào mùa câu cá trê theo truyền thống, nhóm Rak Chiang Khong tổ chức một lễ hội tưởng niệm Bulaheng. Mỗi năm, Khru Tee cùng với trẻ em địa phương dựng hình Bulaheng cao hai tầng diễu hành qua huyện và diễn các vở kịch luân lý theo truyền thuyết Bulaheng.
Trong cuộc trò chuyện, tôi gợi ý trong vở diễn năm nay Bulaheng đụng phải con đập trên sông Mekong và đá sập nó. Mắt Khru Tee sáng lên. “Bulaheng đá con đập!”, ông nói to, “Hay, chúng tôi sẽ làm thế!” và bắt đầu phổ biến ý tưởng đó cho những người khác ngồi quanh bàn. Tôi nhắc ông Trung Quốc lại đang tập hợp nỗ lực để phá hủy các bãi cạn ngay phía bắc Chiang Khong và khai thông lòng sông để tàu hàng lớn qua lại. Tôi hỏi nhóm ông có chuẩn bị hành động gì không. “Chúng tôi sẽ tiến ra đó lần nữa và ngăn họ lại. Chúng tôi có Bulaheng sau lưng, và nếu Bulaheng đá đập được thì Bulaheng chặn người Trung Quốc được!” Nhưng với những thay đổi nhanh chóng do việc đầu tư xây dựng cầu, đường cao tốc, đập, và siêu thị ở khu Tam Giác Vàng, một số do Trung Quốc xây và một số do nước khác, giữ cho truyền thuyết Bulaheng sống mãi dường như là một nhiệm vụ rất khó khăn.
***
Sông Mekong dài 4300km và chạy qua hay tạo thành đường biên giới của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, hơn nửa chiều dài sông chảy qua Trung Quốc. Ở Trung Quốc, người ta gọi là sông Lan Thương. Để tiện cho độc giả, tôi không gọi sông Mekong ở Trung Quốc là sông Lan Thương. Cho đến gần đây, phần lớn người dân Trung Quốc không biết sông Lan Thương và sông Mekong là một, dẫn đến chuyện nhiều người ở Trung Quốc thắc mắc vì sao các nước hạ nguồn lại quá bận tâm đến cách Trung Quốc đối xử với sông Mekong. Where Have All the Fish Gone (Cá đi đâu hết rồi), phim tài liệu của nhà báo Đông Nam Á kỳ cựu Tom Fawthrop, cho thấy sự thiếu hiểu biết đó khi ông quay phim một nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng những việc xảy ra trên sông Lan Thương chẳng ảnh hưởng gì đến sông Mekong vì chúng là hai con sông khác nhau. Truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về các sự kiện xuyên biên giới như vụ sát hại tàn bạo 13 thương nhân Trung Quốc vào năm 2011 trên sông Mekong ở Tam Giác Vàng đã cố thay đổi suy nghĩ đó. Nhưng với nhiều người, đó vẫn là hai con sông khác nhau.
Tuy phần sông Mekong chảy qua Trung Quốc rất dài nhưng nó đóng góp chưa đến hai mươi phần trăm lượng nước trong lưu vực sông Mekong. Con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và sau khi vào Vân Nam, nó chảy nhanh qua các hẻm núi sâu, chạy song song với ba con sông lớn của châu Á. Ở Vân Nam, khoảng cách giữa sông Salween, sông Irrawaddy, sông Mekong với dòng chính của con sông dài nhất Trung Quốc - sông Dương Tử, có lúc dưới 120km. Ở phía nam tỉnh Vân Nam, sông Mekong cũng chảy gần sông Hồng, tuyến đường thủy quan trọng nhất Bắc Việt Nam. Ngay sau khi ra khỏi Trung Quốc, dòng sông không có đối thủ cạnh tranh giành nguồn cung cấp nước. Lưu vực của nó lấy nước từ khắp nơi, ngoại trừ phần đông bắc nhỏ bé của Lào, một nửa của Thái Lan và gần như toàn bộ Campuchia. Phía nam Phnom Penh, thủ đô Campuchia, sông Mekong phân thành nhiều nhánh, cấp nước cho hơn 30.000km kênh nhân tạo của đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam.
Bản đồ Lưu vực sông Mekong.
Hơn sáu mươi sáu triệu người sống trong lưu vực sông Mekong. Con số này bao gồm phần lớn dân số Lào và Campuchia, một phần ba của sáu mươi lăm triệu dân Thái Lan, và một phần năm của chín mươi triệu người Việt Nam. Phần sông thuộc Trung Quốc có dân cư thưa thớt trừ Cảnh Hồng, thủ phủ của châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, thành phố lớn thứ ba nằm dọc theo bờ sông có dân số 500.000 người. Xuôi theo dòng sông sẽ thấy phần lớn cư dân gần bờ sông sống trong những ngôi làng và thị trấn nhỏ có vài trăm hay vài ngàn dân. Trung bình một người dân nông thôn trong lưu vực sông Mekong đánh cá, trồng lúa hay hoa màu có thu nhập khoảng 800 đô-la một năm. Thực phẩm của dân ở lưu vực sông Mekong chủ yếu lấy trực tiếp từ dòng sông này hay vùng đất bao quanh, cùng với những thứ bày bán ở chợ địa phương. Chẳng hạn, trung bình một người Campuchia nhận được khoảng 60% lượng protein nhờ ăn cá đánh bắt từ sông Mekong. Nếu ngồi bè đi dọc chiều dài sông, điều thực ra không thể thực hiện được do các thác nước ở biên giới Lào và Campuchia, các đô thị như thủ đô Viêng Chăn và Phnom Penh là những thứ hiếm hoi nhìn thấy được. Tuy nhiên, các thành phố như Phnom Penh đang bùng nổ thu hút những người mới đến từ các vùng nông thôn do nền kinh tế đô thị phát triển của chúng. Dân số Phnom Penh đã tăng từ 1,3 triệu năm 2008 lên 2 triệu năm 2017. Cũng trong khoảng thời gian đó, dân số Viêng Chăn tăng gần bốn lần từ 208.000 lên gần 800.000.
Tình trạng mật độ dân số tương đối thấp và sự phát triển đô thị rầm rộ nhưng không thường xuyên này không có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Khi hành trình giả định của chúng ta xuôi theo dòng sông vào Việt Nam còn chưa đầy hai trăm kilomét sẽ tới biển, dòng sông đang lờ đờ lười biếng bỗng nhộn nhịp thương lái và nông dân. Dân đồng bằng sông Cửu Long vận chuyển hàng hóa bằng sà lan và thuyền đuôi dài đến các chợ nổi nằm ngay giữa sông hay đến các thị trấn và thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Mỹ Tho. Ở đồng bằng này, những dãy nhà nhỏ một đến hai tầng chạy dài không dứt dọc theo các mạng lưới kênh đào được người Việt và các cường quốc thực dân thất bại trong việc thống trị Việt Nam xây dựng cách đây hơn ba thế kỷ. Mật độ dân số ở đây là 425 người/km2, cao hơn năm lần so với mật độ ở phần thượng nguồn lưu vực này. Mãi đến gần đầy, ba đặc điểm - sự biệt lập, chu trình thủy văn độc đáo của dòng sông, và cách hai đặc điểm này tương tác với nhau để tạo ra sự đa dạng của dân cư, hệ thực vật, và động vật - đã xác định cách người dân ở đây tương tác với nhau, với dòng sông, và với vùng đất xung quanh. Đầu tiên, dòng sông cắt đôi lục địa Đông Nam Á, tạo ra sự tách biệt giữa các vùng ảnh hưởng của Việt Nam và Thái Lan trước đây. Ngoài Đế quốc Khmer, dòng sông còn đánh dấu biên giới biệt lập của các vương quốc. Ví dụ, một tỉnh đông bắc Thái Lan giáp sông Mekong có tên là Loei, nghĩa là “ngoài kia”. Đối với người Thái, đó là nơi không người sinh sống hay nơi nền văn minh của nó không thể xâm nhập. Đi lại đường bộ qua lưu vực này lúc nào cũng khó khăn. Nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã ghi nhận vào giữa thế kỷ 19 đi đường bộ từ Sài Gòn đến cố đô Luông Pha Băng cổ xưa ở Bắc Lào còn lâu hơn so với đi đường thủy từ Sài Gòn đến Paris. Sự cô lập của sông Mekong khiến các vương quốc và đế chế lớn của Thái Lan, Việt Nam, và Campuchia thời cận đại hiếm khi mua bán với nhau và thay vào đó mua hàng hóa của các thương nhân Trung Quốc, Ấn Độ, và Mã Lai đang thống trị các tuyến thương mại đường biển. Chắc chắn đã từng có thương mại đường bộ, và trong lịch sử nó được các thương nhân lui tới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc kiểm soát. Địa hình trắc trở và mật độ dân số tương đối thấp khiến cho sức mạnh các vương quốc này hiếm khi vượt quá 1OOkm tính từ thủ đô của chúng. Do địa lý như thế, mãi đến cuối thế kỷ 19, các khái niệm biên giới theo nghĩa hiện đại mới được biết đến, và các quốc gia hình thành từ các vương quốc này không có nhiều di sản quan hệ khu vực. Thực ra, các nước này trong lịch sử đều có quan hệ với các cường quốc xa xôi như Trung Quốc, Liên Xô, và Hoa Kỳ tốt hơn là với nhau. Đối với nhau, các nước này chỉ cướp phá kinh đô của nhau hay bắt giữ và nô dịch người dân các nước lân cận.
Sông Mekong thường đông đúc thuyền bè qua lại, nhưng chỉ đi được từng đoạn, và điều này củng cố đặc điểm cô lập của nó. Ở đoạn giữa sông, đá nhô và bãi cạn ở gần Tam Giác Vàng cản trở tàu hàng lớn đi qua. Trong hai thập niên vừa qua, giao thương đường sông giữa Trung Quốc và Thái Lan đã cải thiện hơn, nhưng những chỗ khó qua trên đoạn sông dài 180km đòi hỏi kỹ năng của những thuyền trưởng giàu kinh nghiệm nhất. Mực nước ở đây thường xuống rất thấp trong mùa khô - kéo dài từ tháng 11 đến tháng 6 - đến nỗi tàu buôn của Trung Quốc không thể xuất bến. Xa hơn về phía hạ nguồn, một đường đứt gãy tự nhiên cắt ngang dòng sông tại Siphandone (Bốn Ngàn Đảo) trên biên giới Lào với Campuchia tạo ra một loạt thác nước không thể vượt qua.
Trong lịch sử, khó khăn do những rặng núi cao càng làm tăng tính biệt lập và xa cách của vùng Mekong. Bản đồ địa hình cho thấy phần lớn lục địa Đông Nam Á có độ cao hơn ba trăm mét, và những ngọn núi vùng cao Đông Nam Á là nơi khó vượt qua nhất trên thế giới. Những vương quốc tìm cách mở rộng lãnh thổ qua xâm chiếm hay thương mại đều đuối sức dưới chân núi đồi vùng cao Đông Nam Á và trở thành mục tiêu dễ dàng của các nhóm sắc tộc thiểu số sống trên vùng núi. Trong các cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, quân đội Việt Nam và Lào đã lợi dụng độ cao này để tạo lợi thế, ẩn nấp trong rừng rậm và hang động rồi đánh bại các đội quân mạnh nhất thế giới bằng cách sử dụng chiến thuật du kích thay vì giáp mặt kẻ thù trên chiến trường theo lối cũ. Khmer Đỏ, chế độ chính trị sát hại hơn 1 triệu người ở Campuchia từ 1975 đến 1978 đã tồn tại ở vùng núi của Campuchia trong nhiều thập niên sau khi bị người Việt Nam đánh đuổi vào năm 1979. Thậm chí hiện nay, các vùng cao hẻo lánh của lưu vực sông Mekong là các trung tâm sản xuất thuốc phiện vì các nước yếu như Lào và Myanmar không thể triển khai lực lượng an ninh và bài trừ ma túy lên vùng đồi núi để triệt phá. Đồng thời, thuốc phiện là sản phẩm duy nhất bán được giá cao tới mức dân làng hay bọn buôn lậu sẵn sàng gùi nó xuống những con đường mòn nhỏ hẹp ra chợ.
Chu trình thủy văn tự nhiên của dòng sông là đặc điểm quan trọng thứ hai của nó. Từ khi định cư ở lưu vực sông Mekong, người ta đã dựa vào các đợt lũ theo mùa của dòng sông để đưa nước khắp vùng đầu nguồn và đưa phù sa màu mỡ vào các cánh đồng giúp mùa màng bội thu. Không nơi nào sức mạnh hung hãn của dòng Mekong hiện rõ và tác động lớn hơn vùng hồ Tonle Sap ở miền Trung Campuchia. Vào mùa mưa, nhịp thoát lũ của sông Mekong khiến nhánh sông chảy ra từ hồ Tonle Sap đảo ngược dòng chảy, đưa nhiều nước trở lại hồ đến nỗi diện tích mặt hồ tăng gần năm lần. Hiện tượng tự nhiên này đã tạo ra Đế quốc Khmer, và vào thế kỷ 10 họ đã bắt đầu lợi dụng chu kỳ lũ lụt hằng năm này để trồng ba vụ lúa một năm, đủ để nuôi sống bộ máy hành chính và quân đội lớn đến nỗi đế chế này bành trướng ra gần như toàn bộ lục địa Đông Nam Á. Kế bên phế tích Angkor Wat gần Xiêm Riệp ngày nay là hai hồ chứa hình chữ nhật khổng lồ được xây dựng vào thời hoàng kim của Đế quốc Khmer, các công trình này trữ nước trong mùa khô để tưới cho những vùng đất trồng trọt của đế quốc. Ngày nay, hệ thống tưới tiêu hiện đại của Campuchia không tinh vi như thời từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13. Vì thế, nông dân hiện còn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nước lũ của sông Mekong và hồ Tonle Sap trong mùa mưa. Xa hơn về phía hạ nguồn là vùng châu thổ của Việt Nam, lũ lụt hằng năm cũng hỗ trợ sinh kế cho 18 triệu người sản xuất 75% sản lượng lúa gạo trên chưa đến 12% đất đai của nước này.
Hai đặc điểm nêu trên của sông Mekong, sự cách biệt và lưu lượng nước mạnh cùng với tài nguyên trong dòng chảy nhờ chu trình thủy văn tự nhiên của nó, đã kết hợp tạo ra đặc điểm thứ ba - độ đa dạng cao, cả về sắc tộc dân cư trong khu vực và hệ động thực vật của nó. Học giả James Scott thuộc Đại học Yale đã miêu tả các miền cao của vùng Mekong là khu vực nương náu của các nhóm sắc tộc chọn trốn tránh các nền văn minh đồng bằng đang bành trướng như Trung Quốc, Việt Nam, hay Thái Lan. Trong tác phẩm quan trọng năm 2009 The Art of Not Being Governed(Nghệ thuật để không bị trị), Scott đặt tên cho vùng cao này của Trung Quốc và Đông Nam Á là Zomia[1]. Quân đội đồng bằng bạo ngược không thể đưa xe cộ và vũ khí lên đồi núi tấn công những người ẩn náu ở đó. Rừng có nhiều tài nguyên thiên nhiên có thể làm thức ăn và việc giao dịch mua bán giúp duy trì sinh kế và bản sắc của những người này. Điều này giúp cho các nhóm sắc tộc ở Zomia giao dịch độc lập và bình đẳng với các vương quốc đồng bằng theo điều kiện của họ và phần nào giữ được khoảng cách. Do đó, những người trốn lên vùng tài nguyên thiên nhiên bất tận được tự do lựa chọn những nét đặc sắc văn hóa từ cuộc sống của họ ở đồng bằng trước đây và lấp đầy những chỗ trống còn lại bằng các phong tục và nghi lễ do chính họ nghĩ ra. Ví dụ, tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, nơi sông Mekong chia đôi, là quê hương của 26 trong 56 nhóm sắc tộc được công nhận chính thức và Lào có đến 149 nhóm sắc tộc được đăng ký gồm 8 ngữ hệ khác nhau. Mức độ đa dạng sắc tộc tương tự cũng có ở các vùng cao của Thái Lan, Campuchia, và Myanmar nằm trong hay quanh lưu vực sông Mekong. Zomia, theo định nghĩa là các phần thuộc lục địa Đông Nam Á và Trung Quốc ở độ cao trên 300 mét, là một trong những khu vực đa dạng văn hóa nhất trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu nghề cá trên sông Mekong đã xác định hơn 1.000 loài đặc hữu của con sông này, trong đó có hơn 700 loài di trú[2]. Chỉ có sông Amazon hơn hẳn sông Mekong về sự đa dạng các loài cá, nhưng sông Amazon dài gần gấp đôi và có vùng đầu nguồn rộng gần mười lần sông Mekong. Không dòng sông nào trên trái đất có nhiều cá di trú hơn sông Mekong. Các con sông nhiệt đới như sông Mekong và sông Amazon thường có nhiệt độ ấm áp, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự tiến hóa hình thành loài. Nói cách khác, cá ngủ ít hơn và sinh sản thường xuyên hơn, do đó đẩy nhanh chu kỳ tiến hóa. Ở những khu vực bằng phẳng như hồ Tonle Sap, nhịp lũ hằng năm đưa nước tiến sâu vào các đầm lầy và rừng, giúp cá có được nguồn dinh dưỡng gần như không giới hạn. Nguồn dinh dưỡng dồi dào có được nhờ chu kỳ lũ lụt hằng năm tạo điều kiện cho những quần thể cực lớn của nhiều loài cá. Ví dụ, một ngày đánh cá bình thường trên hồ Tonle Sap sẽ thu được hơn 20 loài cá đủ kích cỡ. Một số loài cá tiếp tục lớn chừng nào chúng vẫn còn thứ để ăn, vì thế nguồn thức ăn dồi dào do lũ sông Mekong mang lại đã tạo ra một số loài cá lớn nhất thế giới như loài cá trê Mekong khổng lồ và loài cá đuối nước ngọt khổng lồ, cũng như các động vật có vú sống dưới sông như loài cá heo nước ngọt. Nguồn cá tự nhiên dồi dào ở sông Mekong khiến nơi đây trở thành ngư trường nước ngọt nội địa lớn nhất thế giới, với sản lượng đánh bắt mỗi năm hơn 2 triệu tấn[3]. Không có lưu vực sông nào trên thế giới có được sản lượng như thế. So sánh, sản lượng đánh bắt hằng năm của sông Mekong cao hơn 13 lần sản lượng đánh bắt của tất cả các sông và hồ ở Bắc Mỹ - tính cả Ngũ Đại Hồ - cộng lại.
Ngày nay ba đặc điểm quan trọng và phụ thuộc lẫn nhau đó đang thay đổi mạnh mẽ do các quá trình năng động liên quan đến việc hiện đại hóa, công cuộc phát triển kinh tế quốc gia, và sự xuất hiện các cấu trúc khu vực mới thúc đẩy thương mại quốc tế và kết nối khu vực. Các trung tâm quyền lực ở đồng bằng có thể sử dụng công nghệ hiện đại để giành quyền kiểm soát tài nguyên ở vùng cao và tác động mạnh mẽ lên dân cư ở đó với mức độ lớn hơn nhiều so với trước. Nơi từng là vùng xa xôi hẻo lánh giờ nằm trong mạng lưới các dự án đường bộ và đường sắt kết nối với nhau, không chỉ đưa các nước trước đây chia cách gần lại với nhau, mà còn thâm nhập lên các triền núi để khuyến dụ dân chúng, phần lớn còn trẻ và chủ yếu thuộc các sắc tộc thiểu số, đi xuống các thành phố miền xuôi hòa lẫn vào lối sống hiện đại mới nổi.
Các nước dọc sông Mekong hiện đang thao túng khả năng sản xuất của hệ sinh thái sông Mekong bằng cách tận dụng nhịp lũ hằng năm và khai thác cát ở lòng sông. Tất cả các quốc gia sông Mekong đi qua đều tìm cách xây đập trên sông và các sông nhánh. Đập sẽ điều tiết chu trình tự nhiên của dòng sông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và phân phối nước cho thâm canh trong nông nghiệp. Hiện tại, Trung Quốc vận hành 10 đập trên thượng lưu sông Mekong và thêm 9 đập khác dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Lào có kế hoạch xây 9 đập trên dòng chính sông Mekong và dự trù xây hơn 130 đập ở các sông nhánh - tất cả nằm trong mục tiêu trở thành “nguồn điện của Đông Nam Á”. Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các đập thượng nguồn, nhưng nước này cũng có kế hoạch xây 2 đập trên dòng chính và một loạt đập trên sông nhánh. Vô số nghiên cứu cho thấy xây đập trên dòng chính của sông Mekong và các nhánh của nó sẽ tác động hủy diệt các loài cá di cư và sinh kế của ngư dân địa phương, nhưng rất ít nhà hoạch định chính sách trong lưu vực quan tâm đến các cảnh báo này. Điều đó khiến ngành đánh bắt cá trong đất liền lớn nhất thế giới ở đây lâm nguy và tiếp đó là an ninh lương thực cho hàng triệu người sống trong phạm vi vài kilomét quanh dòng sông, dựa vào lượng cá đánh bắt được để đáp ứng phần lớn nhu cầu protein của họ. Để xây đập, các công ty xây dựng đã đốn sạch những khu rừng mênh mông và cưỡng bức hàng trăm ngàn người tái định cư. Người ta cho rằng ở Lào, việc di dời dân để xây đập hiện là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng di cư trong nước. Họ hầu hết là người sắc tộc thiểu số, và việc tách họ khỏi quê cha đất tổ và các mối quan hệ xã hội của họ sẽ đe dọa hủy hoại kết nối văn hóa từng làm cho văn hóa khu vực này vô cùng đa dạng và độc đáo.
Bản đồ khu vực Zomia.
Điều đó không có nghĩa là hiện đại hóa và liên kết khu vực không mang lại lợi ích cho người dân Mekong. Trước những năm 1990, lịch sử cho thấy khu vực này hiếm khi yên ổn. Đầu những năm 1990, chính phủ các nước Đông Nam Á và Liên Hiệp Quốc đã cùng nhau tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên ở Campuchia, và việc đó lại trùng hợp với sự tăng tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Hai nhân tố đó đã mang lại một thời kỳ tương đối bình yên trên toàn khu vực và nhìn chung đến nay vẫn còn tác dụng. Hiện nay các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được xếp trong các nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Người dân trung bình[4] các nước này dưới 25 tuổi. Thái Lan và Trung Quốc, dù khá hơn một chút so với các nước còn lại trong khu vực, hiện đang phải vật lộn với những khó khăn ngày càng tăng khi gia nhập vào hàng ngũ các nước thu nhập cao. Trong toàn bộ khu vực sông Mekong, người dân trung bình chưa bao giờ khỏe mạnh hơn, có học thức hơn, hay cuộc sống tương đối tốt hơn hiện nay. Nhưng người dân trung bình đó đang chọn lối sống chịu ảnh hưởng từ phương Tây hiện đại và Trung Quốc đang đô thị hóa hơn là từ truyền thống lịch sử và tự nhiên của sông Mekong. Để theo lối sống đó, người ta thường phải chuyển khỏi lưu vực này đến các trung tâm đô thị như Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh, hay thúc đẩy lối sống thời thượng ở các khu vực đô thị của lưu vực như Viêng Chăn và Phnom Penh theo văn hóa tiêu dùng của Bangkok, Thành phố Hồ Chí Minh, Tokyo, New York, hay Bắc Kinh. Trong khi đó, sông Mekong ngày càng nối kết chặt hơn, bị khai thác nhiều hơn, và ít đa dạng hơn.
Cuốn sách này cho thấy quá trình chuyển đổi, ngay cả với thiện chí tốt nhất, cũng không phải là nhiệm vụ đơn giản, vì đây là trường hợp cố lắp chốt vuông vào cái lỗ tròn. Cỗ máy phát triển kinh tế vốn đã mang lại một cuộc sống tương đối hòa bình và ổn định trên khắp vùng đồng bằng và ven biển Đông Nam Á giờ đang bắt đầu xâm nhập vào vùng nội địa và vùng sâu vùng xa của khu vực. Sẽ cần nhiều tài nguyên hơn để giữ cho cỗ máy này hoạt động. Vì sông Mekong và lưu vực của nó được xem là những kho báu chưa được chạm đến, các tài nguyên này đang bị khai thác ngày càng triệt để hơn. Có một nhận thức chung trong giới hoạch định chính sách ở tất cả các nước Mekong là trong quá khứ sông Mekong đã cung cấp rất nhiều tài nguyên nên trong tương lai cũng sẽ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, các hạn chế đang bắt đầu bộc lộ. Các nước ở hạ nguồn thường cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các đập trên Thượng Mekong để giữ nước lại. Ủy hội Sông Mekong, thành lập năm 1995 với nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác về các nguồn tài nguyên chung của sông này ở Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam, bị cả bên trong lẫn bên ngoài lưu vực xem là một tổ chức thất bại vì không thiết lập được nền tảng tạo thuận lợi cho sự phân phối hài hòa và công bằng các nguồn tài nguyên của dòng Mekong. Việt Nam và Campuchia tiếp tục phản đối các đập thượng nguồn của Lào, và các nước trong khu vực kịch liệt phản đối Thái Lan khi nước này chuyển hướng lượng nước khổng lồ từ dòng chính sông Mekong cho mục đích tưới tiêu. Như vậy, ngay cả ở cấp chính phủ quốc gia cũng thừa nhận rằng các cách tiếp cận nhằm phát triển lưu vực sông Mekong đang tạo ra những rủi ro trong hiện tại lẫn tương lai.
Cuốn sách này kể về cuộc hành trình xuôi dòng Mekong từ rìa dãy núi Himalayaa ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Đây là công trình đầu tiên thuộc loại này tìm hiểu bốn chủ đề liên quan với nhau góp phần vào sự thay đổi môi trường và xã hội năng động đang diễn ra ở lưu vực này: quản lý các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa với trọng tâm cụ thể là nước, đầm lầy, rừng; phát triển du lịch; di cư từ nông thôn ra thành thị; và tác động của biến đổi khí hậu. Cuốn sách năm 2000 của Milton Ostern The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future (Sông Mekong: Quá khứ bất an, Tương lai bất định) viết về lịch sử của vùng Mekong từ những khu định cư đầu tiên tại Óc Eo được các thương nhân Trung Hoa ghi lại 2.000 năm trước, qua thời Đế quốc Khmer, rồi đến thời kỳ thuộc địa và cuối cùng là tình trạng bạo lực trong thế kỷ 20 khi các cường quốc tiến hành các cuộc chiến tranh đã đưa nước Mỹ can dự vào vùng Mekong. Ở mặt nào đó cuốn sách này tiếp nối cuốn sách của Milton Ostern với nỗi lo về một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ tác động đến các quốc gia cuối dòng Mekong như thế nào. Các tác động môi trường và xã hội của việc bành trướng kinh tế của Trung Quốc vào Hạ Mekong cũng là một chủ đề khác được trình bày trong sách.
Tuy nhiên, sách này không được viết với thành kiến chống Trung Quốc. Tôi đã sống và làm việc ở Trung Quốc trong 15 năm, và tôi hiểu quan điểm và thế lưỡng nan trong phát triển của Trung Quốc cũng sâu sắc như hiểu quan điểm và thế lưỡng nan của 5 quốc gia Hạ Mekong. Nếu cuốn sách này chống lại điều gì thì đó chính là mô hình phát triển mà Trung Quốc đã sao chép của phương Tây. Mô hình này được xác lập bởi chủ nghĩa tư bản chú trọng đầu tư và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đánh đổi bằng thiệt hại trong việc bảo vệ các cộng đồng và đa dạng sinh học tự nhiên. Xuyên suốt cuốn sách, tôi cho rằng dù mô hình này có thể mang lại những kết quả ấn tượng ở các khu vực đô thị ở đồng bằng như Thượng Hải, Bangkok và Thành phố Hồ Chí Minh, nó có thể không hiệu quả ở các vùng xa, vùng cao, và các vùng ven sông thuộc lưu vực sông Mekong.
Tôi cố gắng tìm hiểu lịch sử và văn hóa địa phương các nơi được nói đến trong sách, chú ý đến thực phẩm và các địa điểm quan trọng làm nổi bật các kho báu độc đáo của sông Mekong, và tìm hiểu những kho báu này đang gặp nguy thế nào. Vì thế, sách này có thể là bạn đồng hành cho lữ khách thích khám phá đi qua lưu vực này. Đồng thời, độc giả am hiểu, học giả hàn lâm, và giới hoạch định chính sách có thể sẽ thấy cuốn sách này hữu ích vì nó vạch trần những rủi ro đối với phương thức phát triển kinh tế hiện nay và thảo luận đường hướng nhằm cải thiện tình hình phát triển và bảo vệ hệ sinh thái cốt lõi của lưu vực sông này.
Ba chương đầu viết về những gì diễn ra ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, và việc nhấn mạnh Trung Quốc trong sách không phải không có mục đích. Xét cho cùng, một nửa chiều dài sông chảy trên đất Trung Quốc nhưng hầu hết các tài liệu hiện có về sông Mekong chỉ tập trung vào các phần lưu vực hạ nguồn bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trong toàn bộ vùng Mekong, và người dân, giới đầu tư cũng như chính quyền nước này hiện đang thâm nhập sâu vào các quốc gia Hạ Mekong. Chương Một đưa người đọc đến ngôi làng Tây Tạng Vũ Băng (Yubeng) hẻo lánh được xem là Shangri-la (thiên đường hạ giới) cuối cùng, và xem xét tác động của du lịch và biến đổi khí hậu lên sinh kế của dân làng Tây Tạng. Chương Hai tìm hiểu các động lực phát triển vĩ mô đối với loạt đập của Trung Quốc ở Thượng Mekong, và lý do dân địa phương cần phải tham gia vào các quá trình từ dưới lên để duy trì sinh kế của họ. Chương Ba đưa người đọc đến cố đô Đại Lý (Dali) và cho thấy các áp lực từ phát triển du lịch và nông nghiệp đã đe dọa khả năng tồn tại của tài nguyên quan trọng nhất của Đại Lý, hồ Nhĩ Hải (Erhai), như thế nào.
Chương Bốn chuyển sang Đông Nam Á, tìm hiểu tại sao người Akha (A Tạp) sống trên các đỉnh núi ở Trung Quốc và Đông Nam Á, sau nhiều thế kỷ lần tránh sự thống trị của văn hóa vùng xuôi, lại chọn lối sống hiện đang gắn kết họ với các xu hướng đang nổi trên cả nước và toàn cầu. Chương Năm kể câu chuyện lợi lộc kinh doanh của Trung Quốc - hợp pháp lẫn bất hợp pháp - đang thống trị Tam Giác Vàng một thời bất khuất và cách dân địa phương thích nghi với thay đổi. Chính tại đây, chúng tôi gặp lại Khru Tee và tìm hiểu hoạt động bảo tồn văn hóa bản địa của ông. Chương Sáu đi sâu vào nước Lào không có biển và chưa thực sự quan tâm thích đáng nhằm cải thiện cuộc sống của hàng chục ngàn người dân sắc tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các con đập và các dự án phát triển khác, phần lớn đến từ Trung Quốc. Chương Bảy thảo luận quan điểm tổng thể về toàn vùng Hạ Mekong, cách điều phối phát triển năng lượng tốt hơn và sáng tạo hơn để các kế hoạch hiện có về 180 con đập trên dòng chính và các sông nhánh có thể giảm mạnh và mang lại một kết quả chi phí - lợi ích tốt hơn. Chương Tám tìm hiểu sự hủy diệt hồ Boeung Kak, một nguồn nước quan trọng ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia trong bối cảnh phát triển chính trị ở Campuchia suốt nửa thế kỷ qua. Chương Chín nghiên cứu kỹ các quá trình sinh thái quan trọng khiến hồ Tonle Sap của Campuchia trở thành ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và khám phá xem các cộng đồng ở đó đối phó với việc nguồn cá bị suy giảm do đánh bắt quá mức và các con đập thượng nguồn. Cuối cùng, sách kết thúc tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và nghiên cứu các phương án thích nghi trong khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, hiện đang bị kẹp giữa các đập thượng nguồn và biển dâng cao.
Một nguồn cảm hứng chính của sách này là vấn đề lựa chọn cá nhân và cách tác động của các lựa chọn này phá vỡ và có thể sẽ chấm dứt mối quan hệ xã hội và sinh thái vốn đã biến sông Mekong thành một khung cảnh văn hóa sôi động và một nơi phong phú đa dạng sinh học. Một số lựa chọn cá nhân đó cũng bình thường như việc dùng điện thoại thông minh, trong khi những lựa chọn khác, như chọn xây đập chắn một đoạn sông Mekong, có tác động mạnh mẽ hơn nhiều. Rõ ràng người đọc không nên có ấn tượng từ tên sách là sông Mekong đang quằn quại chết dần. Tháng 2 năm 2017, Giám đốc điều hành của Ủy hội Sông Mekong, Tiến sĩ Phạm Tuấn Phan đã nhận xét trong một cuộc phỏng vấn “Phát triển thủy điện không giết chết sông Mekong”[5]. Phát biểu của ông gây ra nhiều tranh cãi. Nếu dòng Mekong là con sông chỉ để sản xuất điện, giao thông đường thủy, và tưới tiêu, thì chắc chắn các con đập sẽ không giết chết sông Mekong. Nhưng dòng Mekong không chỉ là một con sông. Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại, và địa lý cùng với sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào khác trên thế giới có được. Trong bối cảnh đó, không còn nghi ngờ gì nữa, các con đập, các tuyến đường sắt và đường cao tốc mới, và hệ thống mang lại kiểu phát triển mới này cho lưu vực sông Mekong sẽ làm thay đổi hẳn môi trường văn hóa và sự phong phú sinh thái vẫn còn được thấy trong những ngày cuối này của dòng Mekong hùng vĩ, nếu chúng ta không bắt tay hành động trong thời gian tới.
Mời các bạn đón đọc Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vĩ của tác giả Brian Eyler & Nguyễn Đình Huỳnh (dịch).