Thất bại trong tình yêu, rời viện thẩm mỹ, Akari chuyển về đường Thần Xã Tsukumo sống, nhưng cô nhận ra khu phố mua sắm sầm uất ngày nào nay đã vắng hoe. Khiến người chú ý, họa chăng chỉ có tấm biển lạ lùng “Ở đây sửa kỷ niệm xưa” treo trước cửa hiệu anh thợ sửa đồng hồ Shuji đang một mình sống lặng lẽ.
Chính tấm biển ấy lại run rủi Akari gặp những người mangcùng nỗi niềm quá khứ như cô. Akari, cùng với Shuji và cậu sinh viên thân thế bí ẩn Taichi bỗng trở thành chìa khóa giúp họ tháo gỡ những ưu phiền ôm giấu từ lâu. Vì một kỷ niệm chunggiữa họ đã trởvề, mở ra con đường dẫn tới những kỷ niệm êm đềm mới…
***
Tani Mizue sinh tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Năm 1997 bà ra mắt với tác phẩm Paradise Renaissance và nhận giải thưởng Romance. Ở đây sửa kỷ niệm xưa là một trong nhiều tác phẩm của Tani Mizue đã giúp bà ghi dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả Nhật Bản.
***
Review Linh Lee:
“Ở đây sửa kỷ niệm xưa” mà một tấm biển hiệu thực kỳ lạ, bởi kỷ niệm là những thứ mơ hồ, vô định, chẳng có thực thể, chẳng hỏng, càng chẳng thể sửa được. Bánh răng đang xoay chuyển, kim đồng hồ vẫn đang chạy và con người cũng thay đổi không ngừng, duy chỉ có kỷ niệm là bất biến. Cửa tiệm nằm lặng lẽ trong khu phố mua sắm tại đường Thần Xá Tsukumo vốn vắng vẻ, thưa khách.
Quanh khu phố ngập tràn một cảm giác thật ưu tư: chốn cũ vốn nhộn nhịp, đông đúc, tấp nập, dần chẳng còn mấy người, các cửa tiệm chìm vào trạng thái mơ màng như mê như tỉnh: mở cửa, đóng cửa không theo quy luật, chẳng mấy ai theo đuổi lợi nhuận, kinh tế. Nhịp sống chậm rãi, đều đều, từ từ như dòng suối êm ả chảy qua cuộc đời mỗi người nơi đây.
Cô gái trẻ Akari sau khi bước chân ra xã hội, đương đầu với những sóng gió cuộc đời, đã mệt mỏi, muốn tìm một nơi để vùi mình trong sự bình yên ngập tràn, và nơi cô chọn trở về là chốn nương náu của một thời tuổi thơ: Tsukumo. Tại đây, Akari gặp chủ tiệm sửa kỷ niệm nọ - Shuji. Từ những điểm chung về nỗi niềm, quá khứ hai tâm hồn dần đồng điệu, hòa quyện vào nhau, Akari và Shuji cũng thuận theo dòng chảy cuộc sống mà cùng khám phá những “kỷ niệm xưa”, và khôi phục nó cho những người cần.
Trong “Ở đây sửa kỷ niệm xưa” là những nét đậm chất Nhật Bản: một khu phố chẳng theo kịp dòng chảy thời gian mà bị thời đại bỏ lại, những con người đi tìm sự tĩnh lặng cho cuộc sống, sự cố chấp lưu giữ kỷ niệm, quá khứ, hồi ức…
Một người nghệ nhân, đôi khi, đam mê và yêu thích chưa phải là đủ, mà cần có sự khéo léo, nhạy cảm, tinh tế để thổi hồn vào trong những tác phẩm của mình. Tani Mizue viết về một nghệ nhân như vậy, nhưng chính bà có lẽ cũng là một “nghệ nhân”. Ánh mắt quá đỗi dịu dàng mà Akari và Shuji trao nhau dưới ánh sáng lấp lánh của đêm hội, những câu bộc bạch tình cảm chẳng lồ lộ nhưng vô cùng thiết tha, chân thành, cái cầm tay cùng nhau bước tiếp trên dòng thời gian của mỗi người, đó là cái hồn xuyên suốt của cuốn sách.
***
“Ở ĐÂY SỬA KỶ NIỆM XƯA”.
Akari dừng chân khi nhìn thấy bảng hiệu kim loại với dòng chữ như trên ở góc cửa kính trưng bày be bé.
Tấm biển đóng khung chỉ to ngang cuốn tập. Các con chữ bạc được dán trên nền màu đồng, tuy nhiên nếu không căng mắt nhìn sẽ khó đọc được trên đó viết gì do bên trong cửa hiệu khá tối.
“Ở đây sửa kỷ niệm xưa”.
Cô nhìn tới nhìn lui đến mấy lần, song quả thật tấm biển đề như vậy. Câu này có nghĩa là gì nhỉ? Akari đứng khựng lại, nghiêng đầu thắc mắc.
Có thể sửa lại những kỷ niệm đã hỏng nát ư? Mà vốn dĩ ký ức có phải thứ bị hỏng được không?
Biết đâu câu trả lời là có. Phải rồi. Bản thân Akari cũng mang trong mình những ký ức bị hỏng. Nhưng tất cả đều là chuyện đã qua. Cô không nghĩ rằng phục hồi quá khứ vốn chẳng thể chạm tay tới là điều khả dĩ.
Sau ô cửa kính trưng bày không to hon cửa sổ bình thường là bao chễm chệ chiếc đồng hồ để bàn có vẻ là đồ cổ. với các bức tượng thiên sứ trang trí xung quanh, trông nó lộng lẫy như một tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là cái đồng hồ.
Tuy nhiên, món đồ này hoàn toàn xa lạ với đời thường. Akari mắt hứng thú ngay tắp lự, tiếp tục kéo lê chiếc va li nặng trịch của mình đi.
Cô nhìn xuống bản đồ, nhủ thầm chính là khu này rồi và đưa mắt nhìn quanh. Trước mắt cô chỉ có những cánh của cuốn đang đóng. Mấy con chữ không còn rõ nét nói lên đó từng là các cửa tiệm kim khí, tiệm chăn gối... song dòng chữ Akari đang tìm lại chẳng thấy đâu.
Vòng đi vòng lại hai ba lần, cuối cùng cô cũng phát hiện tấm biển mình cần. Cây cột ba sọc màu xanh, đồ trên nền trắng cùng tấm biển treo trên tường ngoài gần như bị che khuất bởi lá thường xuân.
Không nhầm lẫn gì nữa, bảng hiệu đề chữ “Salon tóc Yui”. Akari thở phào nhẹ nhõm tiến về phía cửa tiệm. Đó là một căn nhà gỗ biệt lập, chỉ có mặt tiền quay ra đường của tầng một được sơn giả gạch, rặng thường xuân không được cắt tỉa leo lên tận mái tầng hai.
Nơi này từng là tiệm cắt tóc song đã đóng cửa được vài năm. Đây sẽ là ngôi nhà mới của Akari.
Cô quan sát xung quanh thêm lần nữa và trông thấy cửa tiệm “ký ức” lúc này nằm chênh chếch phía đối diện.
Để ý mới thấy nó có vẻ nổi bật nhất trong số các ngôi nhà nằm dọc con phố này. Căn nhà xây theo lối kiến trúc phương Tây, trên tầng hai có một cửa sổ tròn lắp kính màu. Nếu là một khu dân cư kiểu cách thì không nói làm gì, nhưng với khu phố mua sắm tiêu điều này, nó có phần lệch tông.
Khu phố mua sắm nằm cách nhà ga không xa. Trên đường Akari đến đây, hầu hết hàng quán đều đóng cửa im ỉm. Nếu không nhờ mấy bảng hiệu hình vòng cung mô phỏng cầu vồng lác đác dăm ba chỗ thì khó lòng biết được nơi này là khu phố mua sắm.
Cô nhìn thấy dòng chữ xỉn màu: “Phố mua sắm đường Thần Xã Tsukumo”.
Cột sắt hoen gỉ, lớp sơn màu cầu vồng cũng đã bong tróc. Mặc dù đường chỉ đủ rộng cho một ô tô con chạy qua song họa hoằn lắm mới thấy bóng người chứ đừng nói tới xe cộ.
Dòng người trước ga đi ngược hướng với Akari. Cô khẽ liếc nhìn vỉa hè lát gạch màu dẫn đến khu chung cư và trung tâm thương mại mới xây rồi đi theo con đường nhựa lồi lõm ổ gà. Băng qua gầm cầu vượt hẹp, cô thăng tiến về hướng thưa thớt người hơn rồi đi tiếp hai mươi phút thì tới được khu phố này.
Đây là một thị trấn nhỏ đang phát triển thành khu dân cư dành cho người hằng ngày đi làm trong thành phố, song khu vực này lại không thu được bất cứ lợi lộc nào từ điều đó mà ngày càng xuống dốc.
Tình hình hiện tại khác một trời một vực so với ký ức ngày cô còn thơ bé. Khu phố từng sầm uất hơn rất nhiều, đâu đâu cũng thấy những tấm biển rực rỡ sắc màu và hoa giả trang trí. Cô chẳng biết tiệm quà vặt bán bánh kẹo mình từng đến vài lần giờ ở đâu. Cả cửa hàng đồ chơi trước kia cô được ông bà mua pháo hoa cho giờ có lẽ cũng không còn nữa.
Dẫu vậy, thay vì tiếc nuối trước khung cảnh hoang tàn của khu phố, Akari lại thấy nhẹ cả người. Cũng bởi những hình bóng ngày xưa không còn mà phần nào cô cảm thấy mình được phép trở về nơi đây.
Khu phố mua sắm thuở ấy giờ đã biến mất, cô bé con Akari xưa kia cũng vậy. Chắc không còn ai nhớ đến cô, do đó một lời nói dối cỏn con có lẽ cũng sẽ được tha thứ.
Bầu trời cao vời vợi cùng làn gió mãng theo chút hơi ẩm báo hiệu sắp sang thu, song ánh mặt trời buổi chiều vẫn rát bỏng, Akari bước về phía cửa chính của tiệm cắt tóc, định đưa tay lên lau trán thì sực nhớ mình đang trang điểm rất kỹ.
Hôm nay là ngày cô chuyển nhà, vậy mà người bạn làm chung trong salon tóc lại nhờ cô làm người mẫu tóc. Sắp tới, cô bạn này sẽ tham gia cuộc thi do công ty tổ chức nên đang trong quá trình lên ý tưởng và cần người để luyện tập. Do thời gian eo hẹp, cô lao lên tàu điện với mái tóc quái dị rồi thẳng tiến đến thị trấn này.
Suốt từ ban nãy, thi thoảng những người đi ngược chiều lại nhìn cô với vẻ hồ nghi. Ban đầu cô nhầm tưởng nguyên nhân nằm ở chiếc va li trông như dân du lịch, song khi nhận ra lý do thực sự, cô cảm thấy ngượng không bỏ đâu cho hết.
Bóng Akari đổ trên mặt đất trông chẳng khác nào một vũ công dị quốc bí ẩn với mái tóc vấn cầu kỳ cùng những bím tóc bện xù. Nếu ở thành phố, bộ dạng nổi bật này cũng không phải hiếm song cứ như thế mà đến đây lại là cả một vấn đề.
Dù gì chuyện cũng đã rồi. Về trang phục, cô mặc áo sơ mi và quần vải rất bình thường thành ra trông vẻ ngoài càng kệch cỡm, nhưng đằng nào cũng chẳng lo gặp người quen nên cô mặc kệ. Bản thân cô lúc này là một kẻ bất cần đời. Cô đã bỏ việc, bỏ luôn người yêu, một thân một mình rong ruổi đến vùng đất lạ. Một kiểu dễ bị coi là hâm hâm. Song tóm lại, giờ chỉ cần vào được nhà, cô sẽ không cần lo bị ai đánh giá nữa.
Akari tra chìa vào cánh cửa gắn kính màu khảm hoa văn hình kỷ hà. Cửa kêu kèn kẹt mở ra, ánh sáng từ bên ngoài ùa vào trong nhà, lập tức bao ký ức cũ đã nhạt nhòa bỗng hiện ra trước mắt cô với những sắc màu sống động.
Mọi thứ chẳng khác gì so với lúc cô còn bé. Vân là ba tấm gương tròn to với ba chiếc ghế trắng xếp đằng trước. Ghế xô pha màu đồ cho khách ngồi đợi. Bên kia bức mành là bồn gội đầu và dụng cụ dùng để uốn tóc.
Cửa tiệm này ngày trước do ông bà cô mở, ông là thợ cắt tóc còn bà là chuyên viên thẩm mỹ. Bà để tóc ngắn nhuộm màu hạt dẻ, khi đứng tiệm luôn đeo tạp dề hồng nhạt. Ông có hàng ria mép rất bảnh, trong ký ức của cô, lúc nào ông cũng mặc áo khoác trắng cài kín cổ.
Thỉnh thoảng, Akari lại xuống cửa tiệm, để không quẩn chân ông bà, cô sẽ chiếm đóng ngay trước giá đựng báo dựng cạnh chỗ khách ngồi chờ. Vì ở đó có truyện tranh và tạp chí. Ngày ấy, cô suốt ngày chúi mũi vào những cuốn tạp chí đăng các kiểu tóc xinh đẹp, dù tất nhiên, lúc tiệm đông, cô sẽ phải đi lên tầng hai.
Cô còn nhớ có lần thích mê một kiểu tết tóc dễ thương đến độ ngắm mãi không thôi, thế là bà đã thắt cho cô kiểu tóc giống hệt.
Akari cứ tưởng mái tóc quăn cứng đầu của mình có chải, thắt thế nào cũng không như ý muốn, nhưng lúc ấy, đôi tay tài hoa của bà đã khiến mái tóc cô trở nên ngoan ngoãn như có phép màu.
Lên lớp hai, do mẹ bận nên Akari ở nhà ông bà suốt kỳ nghỉ hè. Đối với cô, mùa hè năm ấy là khoảng thời gian đặc biệt.
Hai mươi năm trôi qua, Akari lại trở về nơi này. Cô ngồi trước gương mà lòng dâng trào cảm xúc.
Đang đắm chìm trong suy tưởng, cô chợt nghe thấy tiếng động phát ra từ trong cửa tiệm rõ ràng không người.
Phía cuối lối đi hẹp có một cánh cửa, đằng sau đó là bồn rửa mặt và nhà vệ sinh cùng cầu thang dẫn lên tầng hai, song cô dám chắc không có ai ở đó. Vừa mới thầm nhủ chắc là do thần hồn nát thần tính, chợt cô nhác thấy chiếc rèm hạt trước cánh cửa khẽ rung rinh. Akari quay phắt lại, đoạn cẳng thẳng đứng dậy.
Có người.
Một bóng đen đang chuyển động chỗ cái kệ cạnh bức rèm.
“Ăn... Ăn trộm...?”
Akari toan hét lên thì cái bóng lao tới. Cô ré lên và lùi lại, bóng đen sượt qua, đáp xuống nền nhà rồi nhanh như cắt chạy biến về phía cửa chính.
Hóa ra là một chú mèo đen.
Lúc giật lùi về sau, Akari húc phải cái xe đẩy, cô định nhào ra chụp thì lại ngã lăn quay, cả người đau ê ẩm, ngán ngẩm trước sự ngớ ngẩn của bản thân khi mất hồn mất vía chỉ vì con mèo hoang, cô không đứng dậy ngay được.
“Cô không sao chứ?”
Giọng nói vang lên từ cửa ra vào vẫn mở toang.
“Tôi nghe thấy tiếng hét và tiếng loảng xoảng.” Tự lúc nào, một anh chàng trẻ tuổi đã bước vào cửa tiệm lúc này như bãi chiến trường xe đẩy đổ, ngăn kéo bung, đồ bên trong văng tung tóe.
Mời các bạn đón đọc
Ở Đây Sửa Kỷ Niệm Xưa - Tập 1 của tác giả
Mizue Tani.