Kỷ niệm thì làm sao sửa được? Ấy là câu hỏi ai cũng thốt lên trước tấm biển tiệm đồng hồ góc khu phố mua sắm đã không còn tấp nập: “Ở đây sửa kỷ niệm xưa”. Dẫu vậy, họ vẫn chịu cho Akaridẫn vào trong tiệm, trao một món đồ quý giá nhờ Shuji sửa… Có sức mạnh thần kỳ từthần xã Tsukumocủa Taiichi, Akari và Shuji tiếp tục hành trình “sửa kỷ niệm”chonhữngngười còn nặng lòng với quá khứ, và tháo gỡ khó khăn trong mối tình mới chớm củamình. Tất cả chỉ bằng một câu thần chú đơn giản thế này: quá khứtuy chẳng thể di dời, nhưng lại có thể đổi màu nhờ chính chúng ta.
***
Tani Mizue sinh tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Năm 1997 bà ra mắt với tác phẩm Paradise Renaissance và nhận giải thưởng Romance. Ở đây sửa kỷ niệm xưa là một trong nhiều tác phẩm của Tani Mizue đã giúp bà ghi dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả Nhật Bản.
***
BÌNH LUẬN
Yoshikawa Toriko
Có cô thần tượng nọ, vào ngày sinh nhật đã đeo một chiếc đồng hồ hàng hiệu lên tay, kết quả là bị cư dân mạng lôi ra làm đề tài đàm tiếu. Tôi chỉ đọc lướt qua trên trang tin tức, nhưng vẫn kịp sôi gan với một câu bình luận cho rằng “Phụ nữ còn khuya mới tự mua đồng hồ cho mình”.
Rõ là nhảm nhí, gì chứ một chiếc đồng hồ thì phụ nữ chúng tôi cũng tự mua được nhé! Có vấn đề gì không? Chứ chẳng lẽ cô nào không có người yêu thì không có đồng hồ mà đeo, rồi cứ thế lững lờ lục bình trôi để thời xuân thì vụt qua à? Nhiều chuyện thật!!
Đó là những suy nghĩ hiện lên trong tôi. Sau đó, tôi cũng tự nhìn lại xem trước nay mình đã bao giờ tự mua cho bản thân chiếc đồng hồ nào chưa. Chiếc đeo thời phổ thông là quà dì tặng mừng tôi lên cấp ba, chiếc G Shock phù hợp với phong cách vintage bụi bụi kiểu Mỹ vốn do tôi chôm chỉa trong cửa hàng đồ cũ ở quê nhà. Còn chiếc đồng hồ thiết kế giả cổ gắn la bàn tôi yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên là tôi nằn nì người yêu mua cho nhân dịp sinh nhật.
Thế tức là không. Tôi chưa lần nào tự mua đồng hồ cho mình cả.
Nếu điều đó ghê gớm đến độ đáng phải gập đầu xin lỗi thì ngay từ đầu tôi đã chẳng điên tiết thế này. Ồ hàng cao cấp chứ gì, vậy tôi mua, chuyện nhỏ như con thỏ, tôi sẽ lấy tiền của mình ra mua. Tôi cáu tiết lắm. Khí thế tôi lúc ấy rất ghê gớm, hơi thở phì phà phì phò, sẵn sàng lao thẳng ra trung tâm thương mại mà mua ngay chứ chẳng đùa.
Tôi đọc cuốn sách này đúng vào lúc ấy. Chính vì vậy mà lần này, từ tận đáy lòng tôi mong ước có một chiếc đồng hồ. Nhưng tôi không muốn mua nó trong phút bốc đồng mà muốn nghiền ngẫm từ từ để lựa được một chiếc đặc biệt sẽ đi cùng mình cả cuộc đời.
Bộ sách này là những mẩu chuyện nối tiếp xoay quanh việc “sửa kỷ niệm xưa” viết dưới dạng truyện ngắn, nên đọc từ tập hai cũng không có vấn đề gì. Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở một tiệm đồng hồ ẩn mình trong khu phố mua sắm tình lẻ nay chỉ còn lớp vỏ ngoài với dàn cửa cuốn đóng kín. Mặt tiền cửa tiệm đặt tấm biển đề dòng chữ lạ lùng: “Ở đây sửa kỷ niệm xưa” và như bị hút lại, những người mang trong mình mảng quá khứ họ muốn một lần sửa lại cứ thế ghé qua.
Phần nhiều trong số đó là những người đàn ông và phụ nữ đã bước qua tuổi xế chiều, vậy mà chẳng hiểu sao tôi lại thấy bản thân mình trong đó. Truyện có một câu văn miêu tả khu phố mua sắm như thế này: “Dù có những lúc hoài niệm về tháng ngày tuổi trẻ, nhưng nó vẫn đắm mình trong niềm hạnh phúc êm ả không xô bồ của tuổi xế chiều”, tôi tự hỏi liệu có phải những người kia cũng bước vào cửa tiệm đồng hồ với tâm trạng ấy chăng?
Tuyến nhân vật hoàn toàn trái ngược chính là Kana - cô em gái cách Akari nhiều tuổi xuất hiện trong “Chuông ngân vì em”. Cô thiếu nữ đang tuổi trăng tròn không mang trong lòng quá khứ nào khiến cô canh cánh, nên mới có thể dễ dàng thốt ra câu: “Kỷ niệm chỉ đơn giản là ký ức trong quá khứ. [...] Mà suy cho cùng, nếu đã muốn sửa lại thì kỷ niệm đó chắc cũng chẳng vui vẻ cho cam, đã vậy thì gìn giữ để làm gì cơ chứ?” Cách nghĩ của cô bé thẳng thắn tới mức tưởng như lạnh lùng.
Có lẽ tuổi già đồng nghĩa với việc ta sẽ mất đi độ nhạy bén và càng lúc càng trở nên đù đờ. Hiện giờ, tôi chẳng còn trẻ trung gì nhưng cũng chưa đến cái tuổi gọi là già, ở vị trí lưng chừng như thế, tôi không khỏi có cảm tưởng ấy. Dạo gần đây, tôi hay hoài niệm lại những chuyện quá vãng mà vào cái thời tầm tuổi Kana, tôi không biết để tâm. Những suy nghĩ cứ dai dẳng trong tôi: lúc đó phải chi tôi làm thế này, giá mà tôi làm thế kia. Tôi hiểu rõ tất cả là chuyện đã rồi, nhưng một kẻ nay không còn độ sắc bén mang tên tuổi trẻ như tôi không biết cách nào để dứt khỏi quá khứ, rốt cuộc đành ôm giữ lấy nó.
Song tôi nghĩ, không phải vì tôi bất hạnh đâu, mà là vì tôi hạnh phúc nên mới thế. Hiện tại, cuộc sống tôi tràn niềm vui, nên tôi mỏi nảy sinh ý nghĩ tham lam muốn sơn lớp màu hạnh phúc lên dĩ vãng và hành động như vậy. Ngoài ra, tôi làm thế cũng xuất phát từ cảm xúc ngạo mạn muốn làm cho những người mình đã bỏ lại trong quá khứ được hạnh phúc. Nói cách khác, chung quy là để bồi đắp tương lai mình ngày càng tốt hơn. Nhưng vòng vo tam quốc thế nào, một điều không đổi đó là suy nghĩ ấy rất tham lam.
Những vị “khách hàng” xuất hiện trong tác phẩm này cũng vậy, ai nấy đều rất tham lam. Dường như tất cả bọn họ đều mắc lại trong quá khứ, còn ánh nhìn thì hướng thẳng đến tương lai. Họ muốn sửa lại quá khứ để có thể tiến tới ngày mai. Bởi vậy, phần kết thúc đều có gì đó tươi sáng, tràn đầy hy vọng.
Tôi hăng say đọc từ đầu đến cuối các mẩu truyện được dẫn dắt bởi sự tài tình không chút gượng ép, thêm nữa hoàn cảnh của hai chị em Akari và Kana trong “Chuông ngân vì em” lại giống tôi và em gái đến kinh ngạc, khiến tôi như bị hóp hồn vào câu chuyện.
Đặc biệt, khi đọc đến câu nói “Hóa ra kỷ niệm không phải chỉ lưu giữ trong lòng cô” của nhân vật Sumire, suýt chút nữa tôi đã rơi nước mắt.
Không khác gì Akari, trong lòng tôi, em gái mình mãi mãi vẫn là một cô bé, nhưng chính em tôi cũng đang lấp đầy lượng thời gian giống tôi, biết bao kỷ niệm của con bé cũng đang dần thành hình tướng. Nghĩ tới đây đã đủ khiến lồng ngực tôi nóng ran.
Một mình ta không thể tạo ra kỷ niệm. Nếu không có ai đó bên ta, hay nói cho đúng, nếu ta không có chút cảm xúc nào hướng đến đối phương, bất kể đó là yêu hay ghét, thì những thứ “chỉ đơn giản là ký ức trong quá khứ” không thể nào trở thành kỷ niệm được. Khoảnh khắc mối quan hệ giữa Akari và Kana tiến lên nấc thang mới, chuyện trước đây “chỉ đơn giản là ký ức trong quá khứ” nay đã hóa thành kỷ niệm quý giá mà cô bé không thể nào dứt bỏ. Thật là một câu chuyện cảm động làm sao (với một kẻ làm chị như tôi, chẳng khác nào cái huyệt mít ướt lớn nhất đã bị điểm trúng!)
Tác phẩm này bao gồm những câu chuyện xoay quanh kỷ niệm và đồng thời cũng xoay quanh rất nhiều đồ vật.
Mỗi câu chuyện lại đi kèm với một món đồ quý giá đong đầy kỷ niệm của chủ nhân. Nào là chiếc đồng hồ di vật của người chị gái mới chỉ gặp một lần duy nhất, hóa thạch của chiếc đồng hồ mang dấu ấn đắng cay thời tuổi trẻ, chìa lên dây cót cho chiếc đồng hồ đứng... tất nhiên phần nhiều đều liên quan đến đồng hồ, nhưng ngoài ra còn có những thứ khác, tỉ dụ bộ váy liền thân màu huyết dụ, con thú nhồi bông, hộp nhạc, v.v. Dẫu dòng đời đưa đẩy chúng lìa xa chủ nhân của mình, đến cuối truyện, chúng sẽ lại trở về với người ấy. Và có lẽ nhờ thế mà những kỷ niệm gắn với các món đồ này sẽ không bao giờ rời xa họ được cả.
Có duy nhất một ngoại lệ là chiếc chìa khóa của nhân vật Saya trong câu chuyện “Chìa khóa mở cửa tương lai”. Nó vốn là chìa khóa phòng của anh người yêu cũ của Saya, dù vẫn là một vật chứa đựng kỷ niệm quan trọng, song để tiến lên phía trước, điều cô nên làm là vứt bỏ nó. Cuối truyện, Saya đã buông bỏ chiếc chìa khóa, nhưng Taiichi đã kịp để mắt tới, cậu nói sẽ bổ sung nó vào bộ sưu tập rồi cứ thế đem về.
Suy cho cùng, Taiichi chừng như không phải một cậu thanh niên lông bông đến độ tôi phải viết ra ở đây câu hỏi “Rốt cuộc cậu ta là người thế nào”, song cậu cứ khiến tôi liên tưởng tới thần Okusare trong phim hoạt hình Vùng đất linh hồn, vị thần rồng từng cai quản con sông đã bay lên trời sau khi phun ra một lượng lớn rác rến. Thậm chí tôi còn trộm nghĩ, biết đâu Taiichi chính là hóa thân của thần rồng coi sóc dòng chảy thời gian và đang nuốt lấy những mảnh kỷ niệm con người vứt bỏ... Thêm một thứ khó vứt bỏ nữa chính là mối dây của anh em Nico xuất hiện trong bộ truyện Bá tước và yêu tinh, vốn là tác phẩm tiêu biểu của Tani Mizue. Tôi thấy họ giống nhau ở điểm xấu miệng, nhưng vẫn có những nét dịu dàng ẩn trong tính cách...
Trong lúc đọc cuốn sách này, tôi cứ nghĩ mãi về việc sở hữu thứ gì đó.
Hay nói cụ thể hơn, tôi tự hỏi hiện tại mình đang sở hữu bao nhiêu thứ, sau này sẽ tiếp tục sở hữu bao nhiêu thứ.
Vốn tôi không có cái tính quá gắn bó với đồ vật, cũng chẳng có món đồ nào chứa đựng kỷ niệm như những thứ xuất hiện trong tác phẩm này. Hiện lên trong đầu tôi cùng lắm chỉ có sách, những cuốn sách quý giá tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần từ thuở còn thơ. Nhưng tương lai, khi sách điện tử trở nên thịnh hành hoặc sách có ấn bản mới phát hành, không khéo tôi lại mua về thay thế. Tôi cũng bâng quơ nghĩ, hay chiếc túi xách đắt đỏ mà mình vung tay quá trán mua hôm nọ có thể được xếp vào diện này, nhưng quả thật, sở thích của tôi thay đổi đến chóng mặt, nên chẳng biết nó sẽ ở với tôi đến bao giờ đây.
Nếu vậy, cuối cùng chỉ còn mọi người bên tôi. Gia đình, bạn bè, người yêu. Nhưng ngay đến họ, tôi cũng chẳng rõ khi nào họ sẽ biến mất như bao người đã từng rời bỏ tôi đi từ trước đến nay, và dù ghét phải nghĩ đến điều này, song tôi hiểu tất cả bọn họ rồi một ngày đều sẽ bước sang thế giới bên kia.
Tuy nhiên, riêng kỷ niệm là thứ tôi có thể vĩnh viễn giữ lấy. Ngay cả khi không còn dịp hội ngộ đối phương, tôi vẫn tùy nghi mang theo kỷ niệm bên mình.
Lúc nhận ra điều đó, suýt chút nữa tôi đã la toáng lên. Nghe có vẻ hơi phóng đại, nhưng quả thật, tôi có cảm giác mình vừa chạm đến cơ chế hoạt động của một thế giới mới. Càng nhiều tuổi, số người ta chẳng còn cơ hội gặp được cả về mặt thể chất lẫn tinh thần lại càng nhiều, và một lẽ tự nhiên những kỷ niệm gắn bó sẽ ngày càng tăng lên.
Ở gần nhà tôi không có tiệm đồng hồ nào đáng yêu nhường này, nhưng chỉ cần đọc cuốn sách này, chẳng rõ tại sao song tôi cảm giác kỷ niệm trong mình cũng tự động đổi màu. Càng sống là càng nhiều gánh nặng, lưỡi dao càng mất đi độ sắc bén và trở nên trơ mòn, song giờ đây, tôi lại thấy nó thật đáng quý.
Tôi nghĩ những chiếc đồng hồ xuất hiện trong cuốn sách này vừa là đồ vật mà lại vừa không phải. Tác giả viết về chúng như những sinh vật sống, tựa người bạn đồng hành suốt bao tháng năm; tựa một người ta rất mực yêu thương, dù thức hay ngủ đều chiếm giữ tâm trí ta; tựa thú cưng ban đầu còn e ngại nhưng càng lúc càng quấn quýt bên ta.
“Dẫu trên đời có nhiều chiếc đồng hồ cùng loại, nhưng đối với người chủ, chiếc đồng hồ đã gắn bó với mình là độc nhất vô nhị. [...] Chính những chi tiết nhỏ bé ấy làm nên nét độc đáo chỉ chiếc đồng hồ này mới sở hữu, từ đó mà tình cảm nảy sinh. Dù nó có bị hỏng chăng nữa, người chủ cũng không dễ dàng vứt bỏ được.”
Đọc đến đoạn này, như một phản xạ tất nhiên, tôi cầm lòng không đặng mà nảy sinh mong muốn có một chiếc đồng hồ như thế.
Nếu được, tôi ao ước nó sẽ là một chiếc đồng hồ dress watch được đặt hàng chỉ vì tôi mà thôi, giống như chiếc Shuji đang làm cho Akari vậy. Nó sẽ thật trang nhã, giản đơn, không bao giờ khiến tôi phát chán. Tất nhiên, tôi sẽ tự mình mua nó, dù nếu quá đắt đỏ thì e không đủ hầu bao. Và lần này, tôi sẽ lập lời hứa ăn đời ở kiếp với nó.
Nhân tiện, chừng như Akari có ý tự mua chiếc đồng hồ ấy, nhưng không biết chuyện trả tiền sẽ thế nào đây? Tuy thú thật tôi cũng đôi chút tò mò về chân tướng của Taiichi, song hiện giờ, điều khiến tôi hiếu kỳ hơn cả lại là chuyện đó.
Mời các bạn đón đọc
Ở Đây Sửa Kỷ Niệm Xưa - Tập 2 của tác giả
Mizue Tani.