Cách đây 13 năm, khi còn đang làm việc ở Nhật Bản, để chuẩn bị cho "sự nghiệp làm cha" của mình, tôi có hỏi một số vị giáo sư khả kính dạy cùng trường đại học xem nên làm gì, đọc gì để có thể tích lũy những kiến thức nuôi dạy con. Và câu trả lời tôi nhận được là: Hãy tìm đọc và áp dụng phương pháp Montessori! Các giáo sư đều nói thêm rằng, bản thân họ, khi còn là một đứa trẻ cũng từng được học ở những ngôi trường áp dụng phương pháp này. Quá hứng thú, tôi đã tìm đọc và lập tức bị "mê hoặc". Tôi mê đến nỗi tưởng như Montessori còn đang sống ở đâu đó quanh mình. Bà mỉm cười và thúc giục, bà động viên và khuyến khích, bà tin tưởng và hy vọng, rằng, tôi nhất định sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho đứa con tương lai của mình.
Giờ đây, khi con trai tôi đã qua một con giáp, sắp trở thành một chàng thanh niên, tôi có may mắn được Công ty Sách Thái Hà mời viết Lời giới thiệu cho cuốn sách về Phương pháp Monterssori. Khi cầm bản tiếng Việt, tôi đã đọc một lèo, quên cả giờ ăn tối, quên luôn cả "nhiệm vụ" được giao từ đơn vị xuất bản. Bởi tôi được đọc cuốn sách về phương pháp giáo dục này bằng tiếng Việt với cách biên tập súc tích, kết cấu hợp lý và sự Việt hóa nhuần nhuyễn, khiến cho Montessori càng hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Đọc cuốn sách, tôi bâng khuâng nhớ về quãng thời gian tuyệt vời mà hai vợ chồng tôi đã trải qua cùng với con trai. Nếu như Phương án 0 tuổichúng tôi áp dụng chủ yếu ở thời kì mang thai và sơ sinh thì phương pháp Montessori chính là một trong những điều làm nên tuổi thơ của cháu. Tôi đã cố gắng áp dụng tất cả những gì có thể theo nguyên tắc và triết lý Montessori để có thể chơi cùng con, dạy con theo năm lĩnh vực bao gồm: Phát triển kĩ năng sống, giác quan, ngôn ngữ, toán học, các kiến thức về văn hóa. Áp dụng Montessori, tôi phải từ bỏ "cái tôi" của mình để từ vị tríngười bố, người thầy thành người bạn, người cùng chơi và may mắn lắm thì mới làngười hướng dẫn. Tôi thật vui khi Thái Hà Books, trong cuốn sách này đã làm một bản so sánh giữa phương pháp giáo dục truyền thống với Phương pháp Montessori. Ngoài việc giúp người đọc hiểu về những ưu việt của phương pháp Montessori đó còn là một cách nhìn khác về vị trí của người dạy. Cũng từ việc áp dụng phương pháp Montessori, tôi trở thành một người cha cần mẫn, kĩ càng từ những việc nhỏ nhất. Ví như, thay vì những chiếc bàn bình thường trong nhà, tôi dùng thêm lớp nệm cao su, bởi theo Montessori, việc làm nhỏ bé ấy sẽ dạy trẻ "rèn luyện nội tâm" cho con trẻ và còn biết bao việc làm khác nữa. Cũng từ phương pháp này, tôi nhận thức được rằng, trẻ từ 0 đến 6 tuổi là thời kì phát triển rực rỡ nhất. Bạn đừng bỏ qua thời kì đó vì nó sẽ không trở lại lần thứ hai trong cuộc đời. Nói như T.S Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Thái Hà Books: Bạn có thể có một tuổi thơ nuối tiếc nhưng bạn không có quyền làm cho con bạn một tuổi thơ tiếc nuối! Tôi yêu triết lý giáo dục của Montessori, rằng: Trẻ em cần phải quyết định tương lai của mình; rằng: Chúng phải được là người TỰ DO. Thay vì "nhào nặn" con mình, tôi đã khuyến khích để cháu sống lạc quan, tràn đầy niềm vui, niềm tin vào bản thân. Và trên tất cả, cháu được làm con người Hạnh phúc, biết yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, khao khát khám phá và có một kiến thức khá tốt về văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Ở khía cạnh nào đó, cháu đã hướng tới điều tôi mong muốn khi áp dụng phương pháp, đó là có một "Bộ óc thẩm thấu" (Absorbent mind) với khả năng tự học và tự chiếm lĩnh tri thức tốt. Đây là những điều mà tôi được "hưởng lợi" từ Montessori! Và tôi tin, bạn cũng được thụ hưởng hoàn toàn những lợi ích đó khi áp dụng cuốn sách này cho những đứa con của mình.
Cuốn sách của Thái Hà Books lần này được tạo nên từ chính những người làm sách và làm MẸ. Họ, trước hết, bằng trái tim mẫn cảm đầy yêu thương của mình đã mong muốn được truyền bá một phương pháp dạy học đang được áp dụng ở hơn 5000 trường học trên thế giới. Với kết cấu rõ ràng, bố cục chặt chẽ, minh họa đầy đủ, cuốn sách đưa đến một cái nhìn tổng quan về phương pháp và giới thiệu cách dạy trẻ điển hình trên năm lĩnh vực mà Montessori đã đề ra.
Tôi biết, mỗi người làm cha làm mẹ đều có những cách dạy con khác nhau tùy theo hoàn cảnh, tùy theo khí chất và tâm lý trẻ. Tuy nhiên, với cuốn sách này, bậc cha mẹ nào cũng có thể cảm nhận thấy niềm khát khao của một nhà giáo dục lớn luôn mong muốn mang đến niềm vui cho trẻ: " Mục đích của Montessori là bảo vệ tâm hồn con người, giữ cho bản tính thật sự không biến mất. Đồng thời giải phóng nó khỏi áp lực xã hội". Và đó chẳng phải là mục đích tối cao của mỗi cha mẹ hay sao? Hãy đọc để nắm bắt lấy TINH THẦN của Montessori, bạn sẽ nghĩ ra nhiều cách khác, tự làm ra nhiều đồ dùng khác, có vô vàn những trò chơi khác, không gian khác cho đứa con thân yêu của mình. Chắc chắn bạn sẽ THÀNH CÔNG!
Điều cuối cùng tôi muốn nói là: Tôi đã áp dụng Montessori khi con trai mình từ thuở cháu còn ấu thơ, tôi đang và sẽ tiếp tục áp dụng tinh thần của Montessori khi con mình bước vào tuổi trưởng thành!
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
PGS.TS ĐỖ XUÂN THẢO
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,
Bố của tác giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam
***
Đến nay Thái Hà Books đã xuất bản khá nhiều sách về dạy trẻ thông minh sớm. Điển hình nhất là bộ sách Phương án 0 tuổi với ba cuốn "Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng", "Phát triển ngôn ngữ từ trong nôi" và "Con tôi đã phát triển tài năng như thế nào?" của Giáo sư Phùng Đức Toàn. Bộ sách đã gây tiếng vang lớn và được một số trường mầm non dùng làm giáo trình giảng dạy.
Bộ sách tiếp theo là Bách khoa thai giáo gồm hai cuốn "Giáo dục thai nhi và sinh con ưu việt" và "Phát triển toàn diện trong năm đầu đời". Việc giáo dục và nuôi dạy trẻ ngay từ trong bụng mẹ đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ trẻ. Trong các chương trình giao lưu cùng Giáo sư Trần Văn Khê - người đã trực tiếp nhận được những kết quả từ quá trình thai giáo của cha mẹ ông - nhiều cha mẹ đã chia sẻ cho chúng tôi nghe những kết quả rất đáng tự hào khi áp dụng phương pháp thai giáo với những đứa con thân yêu của mình.
Bộ sách năm cuốn Giáo dục sớm và thiên tài của Glenn Doman gồm: "Dạy trẻ biết đọc sớm", "Dạy trẻ thông minh sớm", "Dạy trẻ học Toán", "Dạy trẻ về thế giới xung quanh", "Tăng cường trí thông minh của trẻ" đã chính thức đưa phương pháp dạy trẻ thông minh sớm theo phương thức nuôi dạy trẻ kiểu Mỹ vào Việt Nam.
Chúng tôi quyết định cho xuất bản ngay bộ sách Dạy con kiểu Nhật gồm ba cuốn về ba năm phát triển đầu đời của trẻ: Giai đoạn trẻ 0 tuổi, trẻ 1 tuổi và trẻ 2 tuổi. Với bộ sách này, chúng tôi hi vọng các bậc cha mẹ sẽ áp dụng thành công phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật.
Chúng tôi tiếp tục tìm tòi những phương pháp giáo dục ưu việt khác để tất cả những ai quan tâm đến trẻ có thể có nhiều góc nhìn, nhiều lựa chọn trong việc nuôi dạy trẻ. Trên cơ sở khai thác nhiều nguồn tư liệu khác nhau và bằng những phân tích, đánh giá sắc sảo nhóm biên soạn đã giới thiệu đến cho chúng ta một phương pháp nuôi dạy trẻ - tuy nổi tiếng từ lâu trên thế giới, nhưng còn khá mới mẻ với Việt Nam - trong cuốn sách Phương pháp Montessori - Nghệ thuật nuôi dạy trẻ đỉnh cao. Quả thật, khi còn ở nước ngoài tôi đã nghe, đã đọc, đã nghiên cứu về phương pháp Montessori, nhưng khi ấy tôi cảm thấy phương pháp này rất khó áp dụng. Sau khi đọc cuốn sách này tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều bởi nhiều lý thuyết của phương pháp Montessori đã được lý giải cặn kẽ và đặc biệt là rất khoa học, gần gũi, dễ áp dụng bởi những bài tập luyện đơn giản, cụ thể dành cho trẻ. Với cuốn sách này, tôi khuyên bạn nên đọc lướt qua trong lần đầu để hiểu một cách khái quát nhất về phương pháp giáo dục Montessori. Đến lần thứ hai bạn hãy dành thời gian đọc kỹ hơn để chắt lọc ra những bài luyện tập phù hợp với con mình. Trong suốt quá trình dạy con, có thể bạn sẽ phải đọc đi đọc lại cuốn sách để thấm nhuần cách thức mà Montessori dạy bạn về cách quan sát trẻ, lắng nghe trẻ, chơi cùng trẻ và trưởng thành cùng trẻ.
Hàng trăm năm qua, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, chỉ riêng tại Mỹ và Canada đã có 5.000 trường học dạy trẻ theo phương pháp này. Và giờ đây đến lượt bạn, đến lượt tất cả chúng ta cần áp dụng phương pháp này.
Xin chúc mừng bạn đã có trong tay cuốn sách đáng có và cám ơn tác giả cuốn sách Nguyễn Minh.
T.S NGUYỄN MẠNH HÙNG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ
Quyền trẻ em Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà
***
Maria Montessori là nhà giáo dục, bác sĩ người Ý. Sau khi tốt nghiệp Đại học Roma, bà được giữ lại làm bác sĩ phụ tá chuyên khoa lâm sàng tại Viện Tâm thần của trường. Tại đây, bà đã miệt mài nghiên cứu phương pháp giáo dục trẻ chậm phát triển và đã trở thành hiệu trưởng của trường dành cho trẻ em chậm phát triển. Không lâu sau đó, bà tiếp tục học chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, triết học tại Đại học Roma và lập nên "Ngôi nhà trẻ thơ" đầu tiên. Phương pháp giáo dục Montessori được hình thành trên cơ sở thực nghiệm, quan sát và nghiên cứu đã tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng cho nền giáo dục trên thế giới. Nhiều nhà giáo dục tại các nước như Anh, Mỹ và Đức đã dành nhiều lời ca ngợi về bà và phương pháp của bà như: "Montessori là một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất mang đến sự tiến bộ cho khoa học và được thế giới công nhận của thế kỷ XX."; "Khi nói đến vấn đề giáo dục trẻ em giai đoạn trước khi đi học không thể không nhắc đến phương pháp Montessori."; "Trong lịch sử nền giáo dục, những nhà giáo dục được mọi người biết đến như Montessori là không nhiều. Chỉ có duy nhất phương pháp giáo dục Montessori có thể vượt qua sự khác biệt về lãnh thổ, thế giới quan, tôn giáo để nhanh chóng được phổ biến trên thế giới." Kể từ khi Montessori trở nên nổi tiếng đến nay, trẻ em trên khắp thế giới đã và đang tiếp nhận phương pháp giáo dục tự chủ hoàn toàn khác biệt với phương pháp truyền thống. Tác phẩm của bà đã được dịch sang 37 thứ tiếng. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập Hiệp hội Montessori hoặc Tổ chức Đào tạo Montessori. Các trường học áp dụng một phần hoặc toàn bộ phương pháp giáo dục Montessori đã có mặt tại hơn 110 quốc gia. Tại Việt Nam, các lớp học cho trẻ em áp dụng phương pháp Montessori ngày càng được phụ huynh và các trường mẫu giáo yêu thích.
Sở dĩ phương pháp giáo dục Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới là do bà dựa trên cơ sở đúc kết những tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên của Rousseau, Pestalozzi, Froebel1 để hình thành quan điểm về trẻ em mang tính cách mạng của riêng mình. Bà cho rằng, từ khi sinh ra trẻ em đã có một "sức sống nội tại" rất tích cực và không ngừng phát triển. Nó mang trong mình sức mạnh vô biên. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ em phát huy được "sức sống nội tại" đó để nó phát triển một cách tự nhiên và tự do theo một quy luật riêng. Bà cho rằng, không nên đối xử với trẻ em như thể chúng là một vật thể, mà nên đối xử với chúng như con người. Trẻ em không phải cái kho để người lớn và thầy cô giáo nhồi nhét mọi thứ vào. Trẻ em không phải là sáp hoặc bùn để có thể nhào nặn tùy ý, không phải tấm gỗ có thể khắc gì lên trên cũng được, không phải cái cây để cha mẹ và thầy cô giáo vun trồng, cũng không phải loài vật được nuôi dưỡng. Trẻ em là người có sức sống, năng động, hoạt bát và luôn phát triển. Các nhà giáo dục, thầy cô giáo và cha mẹ nên quan sát và nghiên cứu trẻ em thật kỹ lưỡng, tìm hiểu thế giới nội tâm của chúng, phát hiện "bí mật thời thơ ấu", phải yêu thương trẻ em, tôn trọng tính cách của chúng, giúp trí não, tinh thần, thân thể và tính cách của trẻ phát triển tự nhiên.
"Montessori là người đã cải cách hệ thống giáo dục trên toàn thế giới... là người phụ nữ dạy cho những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ biết đọc, biết viết - phương pháp giáo dục của Montessori đã thành công đến nỗi nó được áp dụng ở khắp các nước trên thế giới, từ nơi xa xôi nhất ở phía đông bán cầu như Hàn Quốc, cho đến nơi xa xôi nhất ở phía tây là Honolulu, và cả nơi xa xôi nhất ở phía nam như Argentina...”
– Nhật báo Brooklyn Eagle
Dựa vào tài liệu quan sát và thực nghiệm tại "Ngôi nhà trẻ thơ", Montessori đã đưa ra một loạt các quy luật có liên quan đến việc phát triển của trẻ em.
Quá trình phát triển của trẻ em có "giai đoạn phôi thai": Con người có hai giai đoạn phôi thai về sinh lý và tâm lý. Trong đó, giai đoạn phôi thai tâm lý chỉ có ở loài người. Thời kỳ mới sinh chính là sự bắt đầu của giai đoạn này. Đây là giai đoạn trẻ em tiếp nhận kích thích từ bên ngoài một cách vô thức để hình thành khả năng tiến hành các hoạt động tâm lý. Người lớn cần phải tạo môi trường tốt để đáp ứng nhu cầu nội tại của trẻ em, từ đó loại bỏ những yếu tố bất lợi đối với "sức sống nội tại" của trẻ.
Quá trình phát triển của trẻ em có giai đoạn nhạy cảm: "Chính bởi có tính nhạy cảm này mà trẻ em tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách hào hứng. Trong giai đoạn này, trẻ có thể học một cách thoải mái, luôn tràn đầy sức sống và luôn thấy thích thú." Qua quá trình quan sát, Montessori đã tổng kết được những giai đoạn nhạy cảm của trẻ em, vận dụng vào việc giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ trẻ em để tâm lý của chúng được phát triển bình thường, tránh tình trạng bỏ qua cơ hội, gây trở ngại đối với quá trình phát triển tâm lý của trẻ.
Quá trình phát triển của trẻ em có tính giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (từ 0 đến 6 tuổi) là giai đoạn hình thành tâm lý của trẻ em. Trong đó, từ 0 đến 3 tuổi là "giai đoạn phôi thai tâm lý". Trong giai đoạn này, trẻ không có các hoạt động tâm lý có ý thức mà chúng chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách vô thức. Giai đoạn còn lại là giai đoạn hình thành tính cách, trẻ em chuyển dần từ vô thức sang có ý thức, khả năng ghi nhớ, hiểu và tư duy dần hình thành, mối liên hệ giữa các hoạt động tâm lý cũng từng bước được tạo nên, đặc điểm tâm lý tính cách cũng xuất hiện. Giai đoạn thứ hai (từ 6 đến 12 tuổi) là giai đoạn tâm lý trẻ phát triển tương đối ổn định. Giai đoạn thứ ba (từ 12 đến 18 tuổi) là giai đoạn có những thay đổi lớn và từng bước trưởng thành.
Trẻ em trưởng thành trong "công việc": Montessori cho rằng, trò chơi sẽ dẫn trẻ em đến với thế giới mộng tưởng không thực tế, không thể hình thành tinh thần trách nhiệm với thái độ nghiêm túc, chăm chỉ, chính xác, thực tế và thói quen tuân thủ kỷ luật cho trẻ em. Công việc mới chính là hoạt động chủ yếu mà trẻ em thích nhất, chỉ có công việc mới có thể giúp trẻ có được khả năng làm mọi việc và giúp cho tâm lý trẻ phát triển toàn diện. Bà coi hoạt động sử dụng các đồ vật là "công việc", coi hoạt động vui chơi là "trò chơi" và cho rằng, chỉ có "công việc" mới giúp trẻ em phát triển cả về tâm hồn lẫn thể chất. Sau khi quan sát và nghiên cứu, bà phát hiện ra rằng, trong khi làm việc, trẻ em rất thích và rất muốn có trật tự: chúng yêu cầu được làm việc độc lập, không muốn người lớn giúp đỡ quá nhiều. Trong khi làm việc, trẻ em muốn được tự do lựa chọn phương tiện làm việc, tự do quy định thời gian làm việc. Chúng rất chuyên tâm, chăm chú vào công việc. Với những công việc có thể đáp ứng nhu cầu của trẻ, chúng có thể làm đi làm lại cho đến khi hoàn thành.
Ở Việt Nam, phương pháp Montessori chưa được phổ biến rộng rãi, hay nói đúng hơn với đại bộ phận các bậc phụ huynh và giáo viên, đây còn là phương pháp mới mẻ. Hơn nữa, những cuốn sách có bản quyền về phương pháp Montessori hầu như không được xuất bản do Montessori đã qua đời cách đây khá lâu. Vì thế nhóm biên soạn mạn phép được tổng hợp các tài liệu về phương pháp này để biên soạn nên cuốn sách Phương pháp Motessori, chỉ với mục đích duy nhất là mong muốn nhiều trường mầm non, nhiều gia đình có thể hiểu một cách cơ bản về phương pháp, để từ đó học hỏi và áp dụng cho con em mình. Trên tất cả, mong muốn của chúng tôi là những đứa trẻ được dạy theo phương pháp Montessori sẽ là những đứa trẻ tự tin độc lập, phát triển toàn diện và cảm nhận cuộc sống với một thái độ trân trọng, hạnh phúc.
Mời các bạn đón đọc
Phương Pháp Montessori - Nghệ Thuật Nuôi Dạy Trẻ Đỉnh Cao của tác giả
Nguyên Minh.