Mưa suốt tháng Giêng là là tập truyện ngắn của hơn 20 tác giả đã được in trên báo Tiền Phong Chủ nhật do nhà văn Lê Anh Hoài tuyển chọn.
Các tác giả xuất hiện ở đây số là những nhà văn trẻ có tên tuổi, đã hình thành phong cách. Nhiều nhà văn đoạt giải trong các cuộc thi văn chương gần đây, như: Nguyễn Hồng Nhung, Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Đinh Công Thủy, Nhật Phi, Hoa Xuân, Phong Linh, Trần Băng Khuê, Nguyễn Thị Việt Hà, Tạ Xuân Hải…
Ngoài ra có tên của những tác giả đã thành danh: Nguyễn Hiệp, Phùng Tấn Đông, Đỗ Phấn, Nguyễn Trí, Phạm Thanh Thúy,…
Các tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại, suy tư của người trẻ về tình yêu, thời cuộc. Phong cách viết hiện đại. Mỗi tác phẩm đều được nhà văn Lê Anh Hoài giới thiệu ngắn gọn kèm theo đó là các minh họa cho truyện.Và cũng chính vì “mỗi người một giọng”, họ đều có đối tượng độc giả riêng của mình.
Một ít truyện ngắn, tản văn và ký, nhưng về cơ bản, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác đây là tự truyện… trong tập sách mới của Nguyễn Thị Hậu, Vẫn còn nhớ nhau.
Nhớ nhau, và nhớ chính mình.
Bởi, Nguyễn Thị Hậu viết giản dị và chân thành lắm, chị không đi xa quá trên con đường văn chương xa lạ và gập ghềnh với mình. Cứ bình thản có gì kể nấy, những câu chuyện bé thơ thời sơ tán, những mối tình xinh xinh. Dù là nó, cô ấy hay cô…, những đại từ ngôi thứ ba đều khiến người đọc tin rằng mình đang sống trong những mẩu hồi ức trong trẻo và thanh thản của chính người kể chuyện, đang xưng tôi, chứ không của ai khác.
Trong trẻo và thanh thản, chỉ hai từ đó thôi là đủ để nói về những câu chuyện Nguyễn Thị Hậu kể, mặc dù khi đọc kĩ sẽ thấy không chỉ như vậy. Cuốn sách mỏng, nhưng dày những kỷ niệm. Mỏng, mà thấy được sự đằng đẵng của đời một con người, từ lúc là một cô bé năm tuổi ở chỗ sơ tán, sống với một phụ nữ không phải mẹ, cho đến khi trưởng thành, là một người phụ nữ dịu dàng, chịu thương chịu khó.
Sự mẫn cảm và từng trải đã cho Nguyễn Thị Hậu sự trong trẻo và thanh thản khi nhìn về quá khứ không chỉ của mình mà còn là lịch sử của một thế hệ sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành vào thời hậu chiến.
Là nhà báo có “lưng vốn” hiểu biết khá dày dặn nhiều lĩnh vực văn hóa khác nhau, những “chuyện thường ngày” của giới văn nghệ, những chuyện bình thường của xã hội qua ngòi bút của Hiền Hòa hiện lên lạ hơn và sắc nét hơn. Bởi vì góc nhìn của anh đa chiều như chính những hiện tượng sự việc phản ánh “nội hàm” đa chiều của nó. Cái lạ cái sắc của Hiền Hòa ngay từ tựa những bài viết của anh.
Viết về cuốn sách Sài Gòn ve chai, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận xét: “Ngày càng có nhiều cuốn sách ra đời từ tập hợp bài viết đã đăng tải trên báo chí. Điều này không làm bạn đọc nhàm chán mà ngược lại nó tạo điều kiện để chúng ta (một lần nữa) ngẫm ngợi về những gì tưởng đã trôi qua, khi chúng ta lướt đọc trên báo hay trên mạng. Tôi nghĩ Sài Gòn ve chai của Hiền Hòa là một cơ hội như thế”.
Trịnh Dung - Zing.vn