Nếu bóng đá được xem là môn thể thao “vua”, thì quần vợt lại được mệnh danh là môn thể thao “nữ hoàng”. Trong bóng đá, bạn không cô đơn vì bạn là một thành viên trong đội. Bạn có 5 cú sút hỏng nhưng khi ghi được 1 bàn thắng thì bạn sẽ trở thành người hùng.
Trong quần vợt, nếu bạn là vận động viên chuyên nghiệp, bạn cô đơn trên sân đấu, không ai có thể giúp bạn.
100 năm Quần vợt Việt Nam - Một thời vàng son, một thời trăn trở là cuốn sách của hai nhà báo thể thao Đặng Hoàng (chủ biên) và Đinh Hiệp - hai tác giả đã có các cuốn sách ấn tượng viết về nền thể thao nước nhà như Ánh Viên - From zero to hero,Trần trụi Bóng đá Việt.
Nhiều câu chuyện thú vị sẽ có trong cuốn sách 100 năm Quần vợt Việt Nam - Một thời vàng son, một thời trăn trở. Ảnh: BTC cung cấp. |
Tác phẩm này đặc biệt dành cho những người yêu thích bộ môn quần vợt. Sách bao gồm 10 chương. Ở 2 chương đầu, tác giả cung cấp cho độc giả rõ nét về lịch sử hình thành, phát triển của quần vợt Việt Nam.
Mở đầu sách kể lại một thời vàng son của quần vợt khi người Pháp mang môn thể thao này vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Năm 1921, ông Lương Văn Mỹ, chủ tịch Hội quần vợt Chợ Lớn (Cholon Tennis), gửi thông báo đến chủ tịch các Hội thể thao ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh Nam kỳ về việc tổ chức giải Championnat de Tennis vào đầu năm 1922 tại sân của Hội quần vợt Chợ Lớn. Báo Écho Annamite ngày 31/12/1921 đã đăng toàn văn thông báo của ông Lương Văn Mỹ như chỉ dấu về một giải quần vợt tầm cỡ quốc gia đầu tiên được khai sinh.
Ngoài ra, trong phần một của sách còn nhắc đến tên nhiều tay vợt đã mở ra kỷ nguyên mới cho làng quần vợt nước nhà thời kỳ đầu như: Trần Thị Ngọc Oanh (bà Chiêu), Võ Văn Bảy - được xem những huyền thoại không tì vết của “làng banh nỉ” Việt Nam.
Tuy nhiên, tiếp nối một thời vàng son là một thời trăn trở. Cũng trong phần I tác giả đã giải thích cho bạn đọc lý do tại sao quần vợt Việt Nam chưa có nhiều bước đột phá trong nhiều năm qua.
Lúc 14h30 ngày 28/7, buổi ra mắt sách sẽ được diễn ra tại đường Nguyễn Văn Bình, quận 1 (TP.HCM).