Sanshirō (Tiếng Việt) |
|
Tác giả | Natsume Soseki |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 10589 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Natsume Soseki Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Tác phẩm xoay quanh một chàng sinh viên nhà quê ở Kumamoto, Kyushu lên Tokyo học đại học. Ngay từ trên chuyến đi, Sanshiro đã cùng một cô gái xuống tàu trọ đêm ở Nagoya và bị chê là “nhát gái”, rồi sau đó tình cờ được gặp gỡ với giáo sư Hirota. Khi lên Tokyo cả một thế giới xa lạ quyến rũ và đầy phức tạp mở ra trước mắt Sanshiro khiến bao nhiêu tự tin của chàng sụp đổ tan tành. Chàng làm quen thêm được nhà nghiên cứu Nonomiya, cũng là một người bà con với mình, chuyên nghiên cứu về áp lực ánh sáng và cô em gái bệnh tật của Nonomiya là Yoshiko. Ngoài ra còn một người bạn học là Yojiro.
Trên tất cả là nàng Mineko với vẻ đẹp ngất ngây hiện thân cho tất cả những gì thuộc về phồn hoa đô hội. Nàng vốn là bạn gái của Nonimiya. Sanshiro luôn có cảm giác bị nàng nhìn thấu suốt, không sao có thể đuổi bắt kịp bóng hình nàng. Dường như chàng luôn bị hụt hơi, không sao diễn tả tấm tình của mình cho Mineko hiểu. Cuối cùng Mineko đi lấy chồng. Chồng nàng là một người bạn của anh trai nàng, vốn đã từng hỏi cưới Yoshiko.
Tác phẩm khắc họa sự trưởng thành của tầng lớp thanh niên cuối thời Minh Trị, với những dằn vặt chọn lựa giữa truyền thống và hiện đại, giữa chiều sâu của nghệ thuật với xô bồ hỗn độn của văn minh kỹ thuật, giữa lý tưởng và hiện thực cuộc đời. Như Natsume đã phác họa một ngã ba đường rẽ đến ba thế giới mà Sanshiro phải chọn lựa.
Đầu tiên là thế giới của quá khứ với người mẹ nơi quê nhà và cô nàng Omitsu quê mùa vốn được hứa gả cho Sanshiro. Cõi này thật bình yên lặng lẽ, là chốn dung thân cuối cùng cho Sanshiro. Thật ra đó là quá khứ mà chàng muốn chối bỏ.
Thế giới thứ hai là thế giới yên bình của học thuật với sách vở, nghiên cứu, thư viện mà giáo sư Hirota và Nonomiya thuộc về. Nơi này không biết gì về thế giới hiện thực nhưng có thể trốn thoát hỏa ngục trần gian. Họ ung dung tự tại hưởng thụ tri thức và sống trong nghèo đói. Sanshiro đang bước vào ngưỡng cửa thế giới thứ hai này.
Thế giới thứ ba là một thế giới của mùa xuân tràn sức sống với tiếng cười đùa, rượu sâm panh. Trên tất cả đó là thế giới của sự tôn vinh cái đẹp. Đối với Sanshiro thế giới này sâu sắc nhất, đang hiện diện ngay trước mắt nhưng vô cùng khó tiếp cận. Điểm khó tiếp cận đó lại như ánh sét nơi trời cao tít tắp. Chàng cảm thấy mình có thể trở thành chủ nhân để lấp đầy khoảng trống và phát triển viên mãn. Nhưng thế giới đó lại chặn mọi ngả đường mà đáng lẽ Sanshiro được tự do thâm nhập. Không cần phải nói thêm thì hình bóng của Mineko lấp đầy thế giới tươi đẹp này.
Sau khi so sánh ba thế giới, Sanshiro rút ra kết luận là phải đưa mẹ lên thành phố, kết hôn với một cô gái xinh đẹp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp học hành.
Thế nhưng liên tục những sự kiện phức tạp của Tokyo đã làm Sanshiro hướng dần về phía người mẹ nơi quê nhà và hiểu được rằng thế giới thứ ba với hình bóng Mineko vĩnh viễn không bao giờ bước vào được.
Có thể nói Sanshiro tượng trưng cho Nhật Bản đang trong quá trình hiện đại hóa, nỗ lực chạy theo văn minh kỹ thuật Phương Tây nhưng luôn cảm thấy cách xa tầm tay với.
Nonomiya, giáo sư Hirota và Yojiro tượng trưng cho những người đứng bên lề dòng chảy, khiếp sợ trước hiện thực và tìm quên trong sách vở, sống trong tháp ngà của riêng mình, tự nhận chịu nỗi cô đơn thần thánh. Yojiro đã dùng từ “bóng tối vĩ đại” để xưng tụng giáo sư Hirota nhưng cũng nói lên phần nào u uẩn của lớp người này.
Mineko là tượng trưng cho văn minh kỹ thuật Tây Phương và phần nào là sự nhiễm độc của nỗi rực rỡ hời hợt xô bồ, xa khuất cội nguồn văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Chi tiết kết thúc truyện Mineko đi lấy chồng thật tinh tế. Nó vừa phản ánh đúng được tâm lý người phụ nữ hiện đại vươn cao vừa nói lên được phần nào niềm cay đắng của tác giả khi cho rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ đuổi kịp Tây Phương. Nói như giáo sư Hirota thì cho dù có chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nhật Nga, cho dù có trở thành một cường quốc đệ nhất thì “chúng ta vẫn chẳng làm nên được điều gì khác biệt”, cũng vẫn chỉ những bộ mặt ấy, một thể trạng yếu ớt như thế này. Chỉ có núi Phú Sĩ là đáng tôn thờ nhưng nó lại là tạo phẩm của thiên nhiên, không phải do con người hiện đại tạo nên. Cái nhìn chứa đầy bi quan sâu sắc này đã theo suốt Natsume Sokeki cho nên những tác phẩm về sau lúc nào cũng mang một nỗi niềm nào u uất.
Đối lập hoàn toàn với Mori Ogai vốn hân hoan chấp nhận cái mới và sẵn sàng đi theo dòng chảy thời đại, Soseki có vẻ đứng nhìn từ xa với một sự lặng lẽ giữa chấp nhận và chối từ.
Tác phẩm này là nguồn cảm hứng để cho nhiều nhà văn thế hệ sau học tập. Ngay cả “Rừng Na Uy” của Murakami Haruki cũng có thể xem là nối dài của “Sanshiro” với cuộc sống và những trăn trở thời sinh viên mà Soseki đã khắc họa. Sự trung thực với chính mình khi sáng tác đã tạo nên tầm vóc của Soseki với những tác phẩm chân thực, không chỉ vẽ lên nhiều nỗi băn khoăn của thanh niên trước ngưỡng cửa đời như “Sanshiro” (三四郎) hay “Cậu ấm ngây thơ” (坊ちゃん) mà còn phản ánh được những bi kịch dằn vặt của nghệ sĩ hay con người thường tình chúng ta trong hiện thực cuộc đời khắc nghiệt như trong “Gối cỏ” (Kusamakura草枕), hay “Nỗi lòng” (Kokoro心)…
Mà đến tận ngày hôm nay những người trẻ tuổi vẫn còn tiếp tục….
Hoàng Long/ kilala.vn