Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức |
|
Tác giả | Lucius Annaeus Seneca |
Bộ sách | |
Thể loại | Triết Học |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 22680 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Lucius Annaeus Seneca Andy Luong Triết Học Tư Tưởng Chủ Nghĩa Khắc Kỷ |
Nguồn | adreamer.spiderum.com |
Chủ Nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học cổ đại được sáng lập bởi nhà triết học Zeno xứ Citium vào đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên. Sau đó trường phái này được kết thừa bởi ba trụ cột thời La Mã là Seneca, hoàng đế Marcus Aurelius và Epictetus.
Chủ Nghĩa Khắc kỷ được khai sinh với sứ mệnh trui rèn bản lĩnh và tinh thần của con người trước những áp lực và khổ đau trong cuộc sống. Trong một thế giới hiện đại chênh vênh và đầy khủng hoảng: thất nghiệp, dịch bệnh, nỗi đau, cái chết, Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ giúp bạn vững vàng đối mặt và tìm được sự bình thản trong tâm trí (the tranquillity of mind), để không bị "cuốn theo chiều gió" trước vô vàn những cám dỗ và khó khăn của đời sống thường ngày.
Lucius Annaeus Seneca - một trong ba trụ cột của Chủ nghĩa Khắc Kỷ, đã sử dụng một định dạng văn bản triết học do chính ông sáng tạo ra là các bức thư gần gũi, thân thiện với nhiều đối tượng độc giả để nhằm trả lời cho câu hỏi “làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp”. Tính độc đáo của thể loại văn bản này đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của ông "Moral letters from Seneca to Lucilius”. Tác phẩm này đã được tác giả Andy Lương và đội ngũ Spiderum dịch lại dưới tên “Seneca: Những bức thư đạo đức – Chủ nghĩa Khắc kỷ trong đời sống”.
Lucius Annaeus Seneca (4 TCN - 65) là một triết gia người La Mã thuộc trường phái Triết học Khắc kỷ và là chính khách, nhà biên kịch, nghệ sĩ hài đương thời, ngoài ra ông còn là một tên tuổi lớn của văn học La Mã. Seneca quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức Khắc Kỷ vào cuộc sống của mình để chữa lành những tổn thương tâm lý. Câu hỏi chi phối các tác phẩm triết học của ông là làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp. Các tác phẩm của ông chứa đầy những ví dụ sống động, những ẩn dụ ấn tượng, những câu nói hay và những hiệu ứng âm thanh dứt khoát. Ông biết cách thay đổi giọng điệu, từ cuộc trò chuyện bình thường đến lời cổ vũ mạnh mẽ và sự lên án quyết liệt.
Những bạn trẻ đang tìm hiểu về triết học, đặc biệt là về Chủ nghĩa Khắc kỷ và phương pháp thực hành triết học trong cuộc sống thường ngày
Những ai quan tâm tới văn học, lịch sử, nghệ thuật Hy Lạp - La Mã cổ đại để tìm về các tri thức trường tồn qua dòng thời gian của Seneca, Marcus Aurelius, Plato…
Những ai đang gặp vấn đề với việc phát triển bản thân, các mối quan hệ, sự nghiệp, tình cảm và cần lời khuyên thực sự có ý nghĩa
Những bạn trẻ muốn trang bị cho mình một tâm thức mạnh mẽ để sẵn sàng đương đầu với thời đại biến đổi khôn cùng.
***
Lời tựa:
Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.
Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.
Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn.
- Andy Luong***
Bức thư số 1 : Về tiết kiệm thời gian
Bạn thân mến!
Xin hãy làm việc này, bạn của tôi: Khẳng định quyền tự do làm chủ thời gian của bạn. Hãy nhìn nhận những khoảng thời gian bị lấy mất khỏi cuộc sống của bạn, bất kể do bị lãng phí, bị cướp mất, hay chỉ vô tình trôi qua mà thôi. Tuy nhiên, không có sự mất mát nào đáng thất vọng bằng khi không cẩn thận mà mất. Vì vậy, hãy kiểm tra cẩn thận, và bạn sẽ thấy khi bạn không sống chuẩn, phần lớn thời gian bị lãng phí, khi bạn lười nhác, hầu hết thời gian mất đi, nhưng khi bạn không để ý, bạn mất toàn bộ thời gian của mình.
Liệu bạn có thể chỉ cho tôi dù chỉ một người định giá cho thời gian của anh ấy, hay ai thực sự biết giá trị của một ngày, hoặc người nào nhận ra rằng mỗi ngày anh ta đang chết dần? Chúng ta đã sai khi nghĩ rằng cái chết ở tương lai: thực ra nó đến với ta mỗi ngày, bằng chứng là toàn bộ quá khứ của ta thực ra đều đã chết rồi đó.
Vì vậy, hãy thực hiện điều bạn đã nhắc đến trong thư: trân trọng từng giờ từng phút. Nếu kiểm soát tốt ngày hôm nay, bạn sẽ thấy ta không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào ngày mai. Khi bạn trì trệ, cuộc sống sẽ vượt bạn và mọi thứ sẽ vội vã trôi qua trong đời. Tất cả mọi thứ chúng ta có đều phụ thuộc vào người khác, của người khác, chỉ có thời gian là thực sự của ta mà thôi. Đó là thứ tự nhiên thực sự ưu ái dành cho mỗi người, nhưng trớ trêu thay nó cũng dễ dàng bị đánh cắp bởi bất cứ người nào khác. Đây là một điều ngờ nghệch thú vị của cuộc sống: khi người khác mượn ta thứ gì, dù là rẻ nhất, họ ghi nhớ khoản nợ của họ. Vậy mà không ai đếm xỉa gì đến việc họ đã sử dụng thời gian của ta, thứ duy nhất mà ngay cả người cẩn thận có uy tín nhất cũng không thể trả lại.
Bạn hỏi tôi: Vậy ông đang dùng thời gian như thế nào, mà ở đó mạnh mồm bày đặt khuyên răn? Tôi có thể thoải mái thừa nhận: đúng, tôi đang lãng phí khá nhiều thời gian. Nhưng điều tôi làm được là tôi ghi chép lại, và vì vậy tôi biết rõ cái gì đang lấy đi thời gian của tôi, tại sao và như thế nào? Tôi có thể chỉ ra chính xác những thứ làm xao nhãng bản thân.
Nhưng, hoàn cảnh hiện tại của tôi cũng giống như với một người bị dồn xuống cảnh bần cùng mà không phải lỗi của họ: người ngoài sẽ dễ dàng đồng cảm với họ, nhưng không mấy ai sẽ tìm đến để giúp đỡ. Tại sao ta phải nghĩ về điều đó? Là vì một người không thực sự nghèo, nếu anh ta còn hài lòng với những thứ mà anh ta có, dù chỉ là chút ít. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn bạn giữ gìn những gì là của mình (ý chỉ khoản thời gian còn lại, vì Lucilius cũng già cả rồi). Và hãy khởi đầu thật sớm. Vì các cụ vẫn bảo: "Người ta chỉ biết tiết kiệm khi của cải đã gần hết mà thôi". Và cấn thì thường không những ít mà còn rất kém chất lượng nữa cơ.
Mời các bạn đón đọc Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức của tác giả Lucius Annaeus Seneca & Andy Luong (dịch).