Sống mòn hoàn thành vào năm 1944, xuất bản ban đầu với tên gọi “Chết mòn” năm 1956. Trong tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Họ là những người có ý thức rất cao về nhân phẩm và danh dự, có khát vọng – hoài bão văn chương lớn lao nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bóp nghẹt sự sống. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.”
Cuốn tiểu thuyết chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút. Không có những xung đột gay gắt, mâu thuẫn cao trào, chỉ đơn giản là những giằng xé đấu tranh nội tâm của mỗi phận người. Chỉ với giọng văn điềm đạm, cốt truyện đơn giản, thế nhưng, Sống mòn đã hội tụ đầy đủ tất cả sự điêu luyện, tinh tế của một ngòi bút truyện ngắn bậc thầy.
Nhận định
Tập tiểu thuyết ấy quăng đi, ném lại, không lọt qua được lưới kiểm duyệt để xuất bản, tuy rằng soi từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được. Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.” – (Nguyễn Đình Thi)
Nam Cao là một nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê… Tên khai sinh: Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, nhưng theo người em ruột của ông là Trần Hữu Đạt thì ông sinh năm 1915. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.
Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.
Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.
Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, trên đường Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.
Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.
Phát xít Nhật thâm nhập Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn…
***
Nam Cao - Nhà văn nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam, bên cạnh các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết bất hủ như “Chí Phèo”, Nam Cao còn sở hữu hàng loạt tác phẩm được nhiều bạn đọc yêu thích trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm “Sống mòn”. “Sống mòn” là bức tranh về một thời kỳ đen tối của xã hội nửa phong kiến - một giai thoại mà cả xã hội Việt Nam chìm trong bóng đêm của nghèo đói, bệnh dịch, cướp bóc và đặc biệt là sự phân biệt giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội; lúc bấy giờ tầng lớp trí thức nghèo bị ảnh hưởng khá nhiều khi mà mọi đam mê và mơ ước đều bị lấn át bởi cơm áo, gạo tiền. Hãy cùng tìm hiểu tác phẩm “Sống mòn” của Nam Cao - tiểu thuyết hiện thực thành công bậc nhất của Nam Cao.
Tiểu thuyết “Sống mòn” được nhà văn Nam Cao viết vào năm 1944, ban đầu có tên là “Chết mòn”, sau đó Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản tác phẩm lần đầu vào năm 1956 và đổi tên lại là “Sống mòn”.
Cuốn tiểu thuyết là lời tâm sự đầy trăn trở của chính nhà văn Nam Cao về cuộc sống đấu tranh tư tưởng và nội tâm của những người trí thức nghèo thời đó, họ bị vòng xoáy cơm áo gạo tiền đu bám, cố thoát ra nhưng vẫn không thể và rồi cái nghèo khổ bào mòn đi bản tính tốt đẹp cùng những ước mơ của họ. Tiểu thuyết không có quá nhiều chi tiết cao trào hay phức tạp nhưng vẫn đủ để người đọc cảm nhận thông điệp của tác phẩm muốn truyền tải, rất tinh tế và sâu sắc mà chỉ có Nam Cao mới có thể lột tả được.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là một thầy giáo tên Thứ, anh đã từ bỏ cuộc sống chốn làng quê và gia đình của mình để lên Hà Thành làm thầy giáo cho một trường tư của anh họ là Đích với mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng cuộc đời chưa bao giờ dễ dàng đến thế, những ước mơ của Thứ đã dần lụi tàn theo cuộc sống cơ cực nơi tha phương, nhiều mối lo đè nặng lên vai anh, từ chuyện tiền nhà trọ cho đến tiền lương không đủ sống hay bị đối xử ích kỷ, hẹp hòi bởi những người xung quanh.
Tất cả những điều này khiến Thứ cảm giác như mình đang chết đi từng ngày, ước mơ khát vọng cũng vì thế mà quên lãng, cái vòng lặp nghèo khổ oan nghiệt của cuộc đời vẫn bám víu, làm thay đổi con người anh và hơn hết là thay đổi cả cuộc đời của Thứ. Nó đã khiến cho anh và Liên, vợ của mình phải chia đôi hai ngả và làm cho hiểu lầm chồng chất hiểu lầm. Tất cả những điều đó cũng vì cái nghèo mà ra thôi.
Nam Cao đã thật sự thành công khi khắc họa thành công những day dứt khổ cực của Thứ phải trải qua, cái chết không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là việc mỗi ngày thức dậy đều phải vì cơm áo gạo tiền mà sống rồi bỏ quên đi ước mơ của bản thân, sống nhỏ nhen, lay lắt, chết mòn chết héo trong những ngày tháng khổ đau nhất cuộc đời. Trong một xã hội còn đang khó khăn và nghèo đói ở khắp nơi, việc kiếm tiền sinh nhai vốn chẳng dễ dàng gì chứ đừng nói là theo đuổi ước mơ và tham vọng của bản thân.
Ban đầu tiểu thuyết có tên là “Chết mòn”, sau đó được đổi tên thành “Sống mòn” - sự thay đổi này nhằm nhấn mạnh hơn về cái bi kịch mà Thứ đang phải chịu đựng. Những đồng lương ít ỏi, những lo toan thường nhật, tình yêu dành cho văn học của Thứ cũng bị cái nghèo làm mờ đi, trở nên méo mó và mất đi hình dạng ban đầu để rồi mỗi đêm nhớ về vợ mình, anh lại chì chiết và lên án Liên thậm tệ. Sống cứ lê lết từng ngày, mòn mỏi trong sự nghèo khổ, rách nát và chật hẹp, những khốn cùng bủa vây một tâm hồn người nghệ sĩ giàu tình yêu cho cái đẹp nhưng rồi cũng bị vùi dập bởi cơm áo, gạo tiền “Cơm áo không đùa với khách thơ” bao giờ cả! Đau xót biết bao nhiêu, khi cuộc sống mà chẳng có lấy một niềm vui, cứ phải lay lắt cho hết ngày, chán chường nhưng chẳng có lối thoát…
Số phận cứ vùi dập Thứ - một người có học thức, có ước mơ nếu không vì cuộc đời quá nghiệt ngã thì có lẽ anh đã có thể có một tương lai tươi sáng và hạnh phúc bên gia đình. Có thể thấy “Sống mòn” - cái tên đơn giản chỉ hai từ nhưng Nam Cao đã đưa tác phẩm của mình lên một tầm cao mới, có chiều sâu và tinh tế hơn so với cái cũ.
Ở phần cuối tác phẩm, Thứ đã chấp nhận trước số phận nhưng bất chợt anh nghĩ về tình thế chiến tranh đang xảy ra, đột nhiên trong đầu anh có một niềm tin le lói rằng mọi thứ mọi thứ trong tương lai sẽ tốt đẹp và rộng mở hơn. Kết thúc tiểu thuyết, Nam Cao đã gợi mở ra cho người đọc một niềm tin và hy vọng mới không chỉ riêng nhân vật Thứ mà còn là bộ phận chung giới trí thức nghèo bấy giờ. Nam Cao ít nhiều muốn chúng ta hiểu được rằng, tại sao phải vùi mình vào những khổ đau khi mà ai cũng có quyền suy nghĩ tích cực và nỗ lực hơn cho một cuộc đời tốt đẹp đang chờ phía trước.
KẾT LUẬN
“Sống mòn” là một tiểu thuyết hiện thực thành công bậc nhất của Nam Cao, tác phẩm đã neo đậu lại trong lòng rất nhiều khán giả suốt một thời gian dài. Khi gấp lại cuốn tiểu thuyết, người đọc dường như vẫn còn chưa thoát khỏi sự ảm đạm, bí bách về một xã hội cùng cuộc sống khốn đốn, nghèo khổ bủa vây, hiện thực quá khắc nghiệt đến nỗi biến đổi bản chất của con người, vùi dập đi những tính tốt đẹp của họ. Cho đến tận ngày nay không thể phủ nhận được sự thành công của cuốn tiểu thuyết, “Sống mòn” rất đáng để chúng ta đọc một lần.
Mời các bạn đón đọc Sống Mòn của tác giả Nam Cao.