Âu Cô và Midori.
Hai cô gái châu Á nhỏ bé kỳ lạ lần đầu gặp nhau khi là du học sinh ở Melbourne. Một đến từ Việt Nam. Một đến từ Nhật Bản.
Điều đó không hẳn tạo ra sự xa cách giữa họ với những sinh viên bản xứ.
Tình yêu đã làm điều đó.
Âu Cô yêu Midori cũng như Midori yêu cô. Tình yêu thầm kín và dữ dội. Như sóng.
Sóng cũng là tên tiểu thuyết của tác giả người Australia gốc Việt: Hoa Pham.
Tác phẩm Sóng của Hoa Pham. |
Câu chuyện về nỗi đau, tình yêu, sự chối bỏ và tha thứ này sử dụng một lối viết tiết chế và duy mỹ. Hoa Pham để cho câu chuyện được kể dưới những góc nhìn khác nhau đến từ những nhân vật chính, như những đường chỉ đan nhau dệt thành một bức tranh của nỗi cô đơn bản năng trong thế giới ẩn chứa những mối nguy tiềm tàn đợi thời điểm thích hợp để bùng phát.
Lần lượt những vai ấy xuất hiện, chuyển vị trí trung tâm và nói lên những điều trước đó người đọc chưa được rõ.
Sóng trở thành biểu tượng mời gọi đồng thời hình thành một dạng cấu trúc riêng cho chính tác phẩm này. Các chương luân phiên xuất hiện như những đợt sóng kéo đến rồi rút đi, tự thương rồi tự bôi xóa.
Sóng như một bài thơ mỏng manh, thâm trầm mà dữ dội, trôi giạt giữa những niềm đau quá khứ, gợn lên trước những bi kịch tối tăm, rồi lại dịu dàng ôm ấp chuyện tình giữa hai cô gái đồng tính suốt đời không đến được với nhau.
Hoa Pham đã khiến câu chuyện vốn dĩ bi kịch ngay từ lúc bắt đầu này trở nên nhẹ bẫng một cách kỳ lạ. Giọng văn đầy nữ tính, cố giữ bình tĩnh ngay cả trong những thời khắc nguy khốn nhất, vẫn duy trì cho mình một nhịp điệu không đổi, như thể bi kịch, biến cố chỉ là một phần tất yếu của cuộc sống.
Trong cái không gian mà Hoa Pham tạo ra, tất cả chỉ còn là những lời thầm thì, như bí mật cần được che đậy, khẽ khàng hé môi thủ thỉ cùng độc giả qua từng trang sách.
Trong lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam này, Hoa Pham bổ sung cho độc giả quốc nội một tờ thiếp để biết thêm về những nhà văn gốc Việt viết văn bằng ngoại ngữ.
Tác giả người Australia gốc Việt Hoa Pham. |
Dễ dàng nhận ra ở tiểu thuyết của nhà văn gốc Việt này dấu vết văn hóa Việt Nam như một niềm ám ảnh, một thứ mặc cảm được thu vén trong tiềm thức. Âu Cô, tên nhân vật chính, trở thành một ký hiệu gợi nhớ đến tổ mẫu Âu Cơ. Và câu chuyện về rồng mà cả hai người tình cùng nhau. Cả hai kết hợp lại thành nỗi khắc khoải nhớ nhung về nguồn cội, không hề kín đáo, nhưng cũng chẳng ồn ào.
Nữ sĩ Hoa Pham, hay có thể gọi chị theo đúng cách ta phát âm một cái tên Việt: Phạm Hoa, cô gái được sinh ra ở Australia và tiếp nhận lại một Việt Nam thông qua ký ức gia đình và sách vở, đã cố tái hiện lại một thiếu nữ Việt Nam bằng văn chương theo cách cô nghĩ. Dù chúng ta khi đọc cuốn sách này sẽ phát hiện khoảng cách giữa tác giả và hiện thực có những độ chênh nhất định.
Dẫu vậy, những điều ấy không làm cản trở được sự lấp lánh chữ nghĩa trong tác phẩm này.
Hoa Pham hà tâm lý học, cũng là tác giả của 6 tựa sách, 2 vở kịch.
Cô nhận bằng Tiến sĩ về Nghệ thuật sáng tạo, bằng Thạc sĩ về Viết sáng tạo và Tâm lý học.
Hoa Pham cũng là người sáng lập Peril Magazine – tạp chí trực tuyến dành cho người Australia gốc Á.
Cô từng nhận tài trợ từ Hội đồng Nghệ thuật Australia, tham gia chương trình Asialink Residency ở Việt Nam cùng nhiều chương trình học thuật tại Tyrone Guthrie Centre và Goethe Institute Berlin.
Tác phẩm Sóng được ấn hành tháng 11/2017.