DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tấn trò đời tập hợp toàn bộ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của văn hào Honoré de Balzac (1799 – 1850), gồm trên 90 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập, có thể đọc riêng rẽ, đồng thời là bộ phận của một tổng thể toàn vẹn và duy nhất.

Với phát kiến “nhân vật tái hiện”, Balzac miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục, với nhiều thắng lợi hay thất bại, bởi cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn. Theo dõi nhân vật qua nhiều tác phẩm, độc giả sẽ không bị giới hạn trong cảm thụ thẩm mỹ, sẽ cảm nhận được ba chiều không gian (André Wurmser) và cả chiều sâu thời gian (André Maurois) của Tấn trò đời.

Sự tiếp cận đó hiện nay gần như không thể thực hiện, bởi bộ Tấn trò đời gồm 16 tập, với những tác phẩm được dịch trọn vẹn hoặc tóm tắt, nhưng điều quan trọng là được đặt trong hệ thống, do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành vào dịp kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Balzac, cách đây đã gần hai mươi năm, đến giờ rất khó sưu tầm đầy đủ.

Bởi vậy, Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Trithuctrebooks) tái bản bộ tiểu thuyết với hy vọng đáp ứng nhu cầu của người đọc được tiếp cận tác phẩm trong tổng thể, để như nhận xét của George Sand, nữ tiểu thuyết gia cùng thời với Balzac “mỗi phần, kể cả những phần ban đầu ta không ưa nhất, đều lấy lại được giá trị đối với ta”.

 

Nhà xuất bản Văn học

***

THÀNH TỰU CỦA BALZAC*

 

Balzac là một huyền thoại: con người cũng như tác phẩm. Nếu như con người nhiều lần sạt nghiệp vì những việc kinh doanh rồ dại và rủi ro, thì thành tựu văn chương của ông vô cùng lớn lao từ thuở sinh thời, ngày nay thật trọng đại và khiến ông thành một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất và được bình luận nhiều nhất trên thế giới.

Là phòng tranh sinh động lạ thường, là bức họa về một xã hội vận động và rạn nứt, Tấn trò đời cung cấp cho độc giả một phối cảnh kỳ lạ những tính cách, những đam mê, mãi mãi làm say lòng người. Trong sự vận động của những năng lượng, sự vận động thực sự dệt nên các tác phẩm của ông, Balzac tỏ ra đồng thời là sử gia, là nhà phân tích, nhà tâm lý, nhưng trước hết ông là một nhà linh giác vĩ đại: ông là “nhà thơ của hiện thực” được Rodin thể hiện thật tài tình trong bức tượng ở đại lộ Raspail.

Là nhà sáng tạo thiên tài, người “ganh đua với hộ tịch” theo như câu nói nổi tiếng của ông, Balzac thuộc số rất ít văn hào toàn thế giới đã nâng nhân vật của mình lên tầm huyền thoại, và các hình tượng Rastignac, Nucingen, đại tá Chabert hoặc lão Goriot đã thành những mẫu người, chỉ cần nêu tên là miễn phải miêu tả tính cách. Nhà văn và tác phẩm của ông giờ đây thuộc về di sản của nhân loại.

Như vậy cần nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến của Nhà xuất bản Thế Giới, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào, đã tiến hành xuất bản có hệ thống, bằng tiếng Việt, các tiểu thuyết trong Tấn trò đời. Nếu như một số cuốn đã được dịch riêng rẽ ở Việt Nam thì cả bộ tiểu thuyết còn chưa được xuất bản một cách tổng quát và hệ thống. Công trình rất lớn lao có thể nói là “mang tính chất Balzac” này, xứng đáng với văn hào và sẽ tiến hành trong nhiều năm. Dĩ nhiên công trình lập tức được cơ quan văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hưởng ứng và ủng hộ. Đây là một công trình tập thể, hợp tác giữa Pháp và Việt Nam: Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu về Balzac, do bà Nicole Mozet phụ trách đã động viên và giúp đỡ. Nhưng nếu không có lòng nhiệt tình của các nhà nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam, trước hết là bà Lê Hồng Sâm và nhóm dịch giả do các nhà nghiên cứu trên tập hợp, thì kế hoạch này sẽ chẳng bao giờ được thực hiện. Tôi tin rằng, cùng với sự cảm tạ hết sức lớn lao của Cơ quan văn hóa Pháp, sẽ là sự cảm tạ của độc giả Việt Nam trong khi phát hiện, hoặc tái phát hiện công cuộc “đi tìm tuyệt đối” này.

 

François GAUTHIER

Tham tán Văn hóa và Hợp tác

Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội

***

BALZAC VÀ TẤN TRÒ ĐỜI

 

I. THÀNH BALZAC HOẶC KHÔNG GÌ CẢ (Nicole Mozet, Lê Hồng Sâm dịch)

Honoré de Balzac là ai? Là một người trước hết ý thức được rằng mình thuộc về một thời đại mà dòng dõi gia tộc không còn đủ nữa để xác định một cá nhân. Toàn bộ Tấn trò đời dường như được tạo ra để minh họa một câu ông viết trong một bức thư: “Ngày nay quý tộc là 500.000 phơ-răng lợi tức hoặc một danh tiếng cá nhân” (Thư từ, II, tr. 710). Một người có cuộc đời riêng nhịp theo các đứt gãy chính trị: Đế chế, Trùng hưng, Quân chủ tháng Bảy, Cách mạng 1848. Con trai trưởng một gia đình khó xác định vị trí xã hội, lại thêm một ông bố tuổi rất cao và một bà mẹ rất trẻ. Một cậu bé đam mê. Một chàng trai không chịu trở thành công chứng viên như một ông anh họ tỉnh lẻ. Cuối cùng, một nhà văn, ở nhà văn này viết là tìm tòi bản sắc, và bản sắc không có nghĩa ngoài sự viết. Một nhà tiểu thuyết, nghĩa là một người, từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, khẳng định và xác định qua việc ký tên tính độc đáo tác gia của mình, đồng thời khéo xoay trở đến vô cùng với những bản sắc vay mượn. Toàn bộ phần mở đầu Facino Cane nhắc tới, chỉ chuyển đổi chút ít, khả năng của chính ông, “khả năng sống cuộc sống” của một cá nhân khác: “Trong khi nghe những người ấy nói, tôi có thể hòa theo cuộc sống của họ, tôi cảm thấy áo quần rách rưới của họ trên mình tôi, chân tôi đi đôi giày thủng của họ; mong muốn của họ, nhu cầu của họ, tất cả chuyển sang tâm hồn tôi, hay là tâm hồn tôi chuyển sang tâm hồn họ. Đó là giấc mơ của người thức.”

Tuổi thơ: từ Tours đến Paris

Balzac ra đời ở Tours ngày 20 tháng 5 năm 1799 và hình như không chịu lễ rửa tội. Về sau nhà văn sẽ ghi ngày tháng tượng trưng này ở lần tái bản thứ hai Những người Chouans, tác phẩm đầu tiên ký tên khai sinh của ông. Vào thời đó, Tours có 20.000 dân và nước Pháp, xứ sở nông nghiệp, còn tắm mình trong một nền văn hóa truyền khẩu. Nền Đốc chính, sắp bước vào cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù, đang trên đường tiến tới Đế chế. Đường phố nơi Balzac ra đời mang tên Armée d’Italie, trước khi đổi thành Indre-et-Loire, rồi Napoléon, rồi Royale và cuối cùng là Nationale. Bố mẹ của Balzac, dù không có quan hệ thân tộc ở địa phương, vẫn thuộc hàng danh gia trong thành phố. Ông bố, phụ trách binh lương quân khu 22, được quận trưởng Pommereul che chở, quận trưởng cử ông làm chủ sự viện cứu tế. Ông cũng là bồi thẩm trợ tá cho pháp quan tạp tụng và từ 1803 đến 1808 là phó thị trưởng. Bởi vậy, ta có thể băn khoăn khó nghĩ khi đọc điều người con viết, trong một bài tựa Bông huệ trong thung, cho rằng cha mình “bị cách mạng làm cho tan nát”.

Dù sự nghiệp của Bernard-François đã được Roger Pierrot* thuật lại và được những bài viết gần đây làm sáng tỏ, dòng dõi bên nội vẫn bí ẩn, cho đến cả cái họ mà nhà văn rất lấy làm tự hào. Con người xuất thân nông dân miền Tarn này, sinh năm 1746, thực ra mang họ Balssa nhưng sớm đổi thành Balzac, một họ quý tộc, họ Balzac d’Entraigues. Về sau, trong Ảo mộng tiêu tan, con trai ông cũng đã nhớ lại rằng đó là tên một thành phố nhỏ gần Angoulême và tên họ một nhà văn, “Guez danh tiếng, được biết nhiều hơn dưới tên Balzac”. Cả tiểu phẩm từ De cũng không nguyên gốc.

Vậy là ngẫu nhiên Balzac ra đời ở Tours, và theo em gái ông, ngẫu nhiên ông được gọi là Honoré, cái tên không có tiền lệ ở một họ bản thân nó cũng cắt đứt với họ của tổ tiên, dường như ông bố muốn tái diễn cho con trai động tác định lại tính danh mà ông đã từng áp đặt cho họ gốc của mình. Hai cô con gái – Laure (20 tháng 9 năm 1800) và Laurence (18 tháng 4 năm 1802) – theo tên thánh của mẹ. Còn Henri-François, ra đời năm năm sau, ngày 21 tháng 12 năm 1807, có lẽ Bernard-François biết mình không phải là bố. Anh cả của Henri cũng biết điều đó, không hiểu bằng cách nào, và sau này sẽ đề cập trong một bức thư viết cho bà Hanska, ngày 19 tháng 6 năm 1848.

Trong huyền thoại Balzac, miền Touraine giữ một vị trí thiên đường, cần rời bỏ để trở nên người trưởng thành. Và, còn hơn cả Tours, chính Saint-Cyr-sur-Loire, ở bên kia sông, được coi như khởi điểm. Cậu bé sống tại đó, ở nhà vú nuôi, cho đến bốn tuổi, sát gần ngôi nhà nhỏ của Thạch lựu trang (La Grenadière), sau này được nhà văn tạo thành một nơi gần như thiêng liêng.

“Ở giữa lòng Touraine, nó là một Touraine nhỏ, nơi mọi loài hoa trái, mọi vẻ đẹp của xứ sở này đều được biểu trưng trọn vẹn”.

Sau đó Honoré sống với bố mẹ trước khi vào học trường Vendôme gần sáu năm, từ tháng 6 năm 1807 đến tháng 4 năm 1813. Ở ký túc xá là quy tắc đối với các học sinh thuộc môi trường của Honoré, nhưng chế độ tại Vendôme rất nghiêm ngặt: không được phép ra ngoài và rất ít được đến thăm. Trải nghiệm này cung cấp chất liệu cho các truyện kể về trường trung học trong Louis Lambert, song cũng không nên biến những điều đó thành tư liệu tiểu sử. Năm 1813, Honoré bị trả về nhà vì một lý do không được biết rõ, vô kỷ luật hoặc ốm đau. Đầu mùa hè năm ấy, cậu được gửi trọ tại Paris, trong tòa nhà phố Marais, nay là Bảo tàng Picasso, và theo học ở trường Trung học Charlemagne. Gửi các cậu bé tỉnh lẻ còn ít tuổi như thế đến Paris học tiếp không phải là thông lệ nhưng hình như Balzac đã trải nghiệm việc “bứng đi” này như một sự khai tâm có lợi. Quả thực làm sao không nghĩ tới định thức trong Gaudissart trứ danh cho được?

“Hãy bứng người dân Touraine đi nơi khác, các đức tính của anh ta sẽ phát triển và tạo nên những điều lớn lao (...) Người Touraine, ra ngoài thì xuất sắc đến thế mà ở nhà lại vẫn như người Ấn Độ trên chiếc chiếu, như người Thổ Nhĩ Kỳ trên trường kỷ của mình”.

Giống như Félix de Vandenesse ở đầu truyện Bông huệ trong thung, Honoré được mẹ đưa trở lại Tours vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 1814, vừa vặn trước khi Paris đầu hàng (ngày 30 tháng 3) và Napoléon thoái vị (ngày 10 tháng 4). Cậu học ngoại trú tại trường Trung học Tours, nhưng tháng 11 năm ấy lại rời Tours quay về Paris: trường Trung học Charlemagne rồi học luật. Việc lựa chọn dứt khoát trở thành nhà văn là vào năm 1819. Kể từ buổi đi vào văn chương ấy, tiểu sử và thư mục ngày càng ít tách bạch.

Người sáng tác tiểu thuyết

Khởi đầu Balzac giam mình trong “gác xép” nhà số 9 phố Lesdiguières, tầng bốn. Ông viết một vở kịch, vở Cromwell, mà vị Viện sĩ Hàn lâm được nhờ đánh giá sẽ phán quyết là dở, và một cuốn tiểu thuyết sẽ không xuất bản: Sténie. Balzac hãy còn chưa là Balzac, nhưng các chủ đề lớn mang tính chất Balzac về quan hệ cha con, về quyền lực, về sự trở lại Touraine đều đã hiện diện. Rồi đến ngôi nhà của bố mẹ tại Villeparisis và thời kỳ của các biệt danh: lord R’hoone, Horace de Saint-Aubin. Sau cảnh cô độc ở phố Lesdiguières, khởi đầu các mối kết giao và cộng tác văn chương. Cũng bắt đầu quan hệ yêu đương cùng Laure de Berny, với bà, Balzac được biết thế nào là tình ái đắm say, là lạc thú cùng chia sẻ và một sự đồng tình trọn vẹn về trí tuệ. Laure đóng một vai trò quyết định trong việc đào tạo Balzac, nhà văn thường tôn vinh điều đó. Ông tìm thấy ở Laure một người dìu dắt và một người tình, đồng thời là nữ độc giả lý tưởng, có khả năng khuyến khích trong khi phê phán. Suốt thời kỳ tiềm tàng và mò mẫm này, cho đến Những người Chouans năm 1829, Balzac – nhà văn tập luyện song chỉ nếm trải thất vọng. Làm xuất bản, ấn loát, lại còn tồi tệ hơn thế nữa. Ta chỉ có thể khâm phục sức sống giúp ông chống trả từ đáy sâu thất bại: “ở tuổi ba mươi sắp tới, tôi còn lại lòng can đảm và tên tuổi không hoen ố” (Thư từ, I, tr. 336). Ông viết điều đó ngày 1 tháng 9 năm 1828 cho tướng De Pommereul, ở Fougères, để xin lưu trú: “Tôi sẽ lại cầm bút và cánh bay linh hoạt* của chim quạ hoặc ngỗng cần phải giúp cho tôi sống và trả nợ mẹ tôi”. Đó là những năm vinh quang của tiểu thuyết lịch sử Pháp. Cuốn Cinq-Mars của Vigny, tái bản lần thứ ba do Balzac in, ra đời năm 1826, và chính Balzac cũng nghĩ tới điều này từ lâu. Trở lại văn chương, ông định sử dụng câu chuyện được nghe kể về “một sự kiện lịch sử năm 1798 có liên quan đến cuộc chiến của những người Chouans và người miền Vendée”, nghĩa là bên trong thể loại lịch sử, ông chọn một quá khứ rất gần. Thời kỳ của Tấn trò đời tương lai, về thực chất là truyện* về nửa đầu thế kỷ XIX, rốt cuộc đã tới. Viên đá đầu tiên của công trình lớn lao đến năm 1840 sẽ tìm được tiêu đề, được đặt vào tháng 3 năm 1829, với cuốn tiểu thuyết khi đó mang tên: Người Chouan cuối cùng hay là miền Bretagne năm 1800. Dù tác phẩm chỉ mới được hoan nghênh phần nào, một tác giả đã ra đời: ông Honoré Balzac, một thời gian rất ngắn không thêm tiểu phẩm từ.

Kể từ Sinh lý học hôn nhân (tháng 12 năm 1829) và Những cảnh đời tư vào tháng 4 năm 1830, cỗ máy Balzac ra sức hoạt động, mỗi tác phẩm sản sinh một hoặc nhiều tác phẩm khác, như đâm cành hoặc mọc mầm. Tấm vải dệt bắt đầu từ Lão Goriot nhờ biện pháp “nhân vật tái hiện” là một hình ảnh hay về phương thức đan dệt sợi dọc sợi ngang lặp đi lặp lại với các biến thể, chuyển hóa và đảo ngược. Tôn ti đẳng cấp từ đó bị đảo lộn – một nhân vật trung tâm trong một tác phẩm, ở chỗ khác có thể bị ấn vào một xó –, và những sự tương phản thành ra tương đối: “người tỉnh lẻ ở Paris” được những “người Paris ở tỉnh lẻ” làm đối xứng, như Bianchon và Lousteau trong Nàng Thơ của quận, Vautrin lặp lại với Lucien de Rubempré mưu toan cám dỗ từng bị Eugène de Rastignac cự tuyệt, chàng trai này cũng từ Angoulême đến, các nữ công tước lộn xộn phóng túng còn các nhà tư sản ngày càng vênh vang dạn dĩ: dưới thời Louis-Philippe, nước Pháp đã chuyển từ một phu nhân De Beauséant sang một gã Beauvisage*tầm thường. Nên thêm vào các nhân vật trên cô nàng Nicole de Beaupertuys của Truyện cười. Năng suất tài chính của phương thức viết này chẳng phải là xoàng, năng suất sáng tạo dù sao cũng thật lớn lao. Những lần tái bản và những lần tái sử dụng mang tính hệ thống, hầu như bao giờ cũng kèm theo một chiến dịch viết lại kéo dài nhiều hoặc ít khiến việc thu tiền về chậm hơn nhưng việc sản sinh ý nghĩa tăng thêm. Chính sự kiến tạo/tái tạo vận động liên miên bất tuyệt này làm nên tính độc đáo của tiểu thuyết Balzac: mỗi văn bản cứ bật lên khi ta ngỡ nó đã hoàn tất. Giống hình ảnh tác giả, tác phẩm có thể được ví với chim phượng hoàng luôn tái sinh khi tưởng như tuyệt diệt.

Bấy giờ Balzac sống một cuộc sống xã giao và yêu đương mãnh liệt. Laure de Berny, cho đến khi qua đời, năm 1836, vẫn giữ một vị trí ưu tiên bên nhà văn, tuy thế không thể ngăn ông yêu người phụ nữ khác. Năm 1832, Balzac nhận được một bức thư ký người đàn bà phương xa, bức thư sẽ hướng cả cuộc đời ông vào một quan hệ yêu đương xây dựng trên cơ sở vắng mặt trong một thời gian dài. Có một cái gì gây choáng váng trong mối tình say đắm xa vời vợi đến mức nó để cho hai bên được hoàn toàn tự do, đồng thời cung cấp cho trí tưởng tượng của họ chất dinh dưỡng mà cả người này lẫn người kia rõ ràng cùng có nhu cầu. Ngoài bà Hanska, rất quý phái và rất giàu, những người đàn bà có ý nghĩa nhất đối với ông, sau Laure de Berny, có lẽ là nữ công tước d’Abrantès năm 1825, nữ hầu tước De Castries năm 1832 và nữ bá tước Guidoboni-Visconti năm 1835. Ông còn có những người tình khác nữa. Hình như ông không tìm lại được với một ai trong những phụ nữ ấy, những người tuy thế đã ít hoặc nhiều yêu ông vì tài năng hay vì danh tiếng, vị ngọt ngào của tâm tình bộc bạch như thời Laure de Berny. Balzac là một người được săn đón, ân cần rất nhiều, nhưng rốt cuộc khá cô đơn.

Thời kỳ trước khi xuất bản dồn dập Tấn trò đời cũng là thời của những chuyến đi đầu tiên ra ngoài nước Pháp, về cuối đời Balzac bất đắc dĩ phải du lịch rất nhiều, nhà du hành này năm 1832 mới ra khỏi biên giới lần đầu, để đến gặp bà De Castries tại Aix-les-Bains, lúc đó là một thành phố của Sardaigne (thuộc nước Ý – ND), rồi tại Genève: vụ này ông thất bại. Năm sau ông hai lần trở lại Thụy Sĩ để gặp bà Hanska. Ở Genève, vị phu nhân đài các người Ba Lan và nhà văn đã nổi tiếng thành đôi tình nhân: đó là sự phục thù tốt lành. Những chuyến đi sau đó xác nhận danh tiếng Âu châu của Balzac: năm 1835, tại Vienne, ông được Metternich tiếp. Năm 1836, 1837 và 1838 tại Ý, ở Turin, Venise, Gênes, Florence và đặc biệt ở Milan, mọi cánh cửa đều mở đón ông. Dị thường hơn nữa là vụ làm ăn dại dột đen đủi dẫn ông sang Sardaigne tìm mỏ bạc để khai thác. Đồng thời ông tiếp tục dọc ngang khắp miền Trung nước Pháp mà ông rất quen thuộc. Với Touraine, ông sẽ thủy chung trọn đời. Ông cũng lưu lại nhiều lần tại gia đình Carraud ở Angoulême và năm 1838, nhân ở gần Issoudun, vẫn tại gia đình Carraud, ông lưu lại nhà George Sand ở Nohant một tuần lễ. Tỉnh nhỏ trong Tấn trò đời cung cấp một ý niệm khá đúng về nước Pháp của Balzac, trừ ngoại lệ nổi tiếng là Douai trong Đi tìm tuyệt đối, ông không đến đó bao giờ.

Vào mùa thu năm 1840, Balzac đến ở Passy, khi đó còn là một làng, trong ngôi nhà hiện nay là số 47 phố Raynouard, nơi đặt Nhà Balzac (cũng là Bảo tàng Balzac – ND). Ông ở đó cùng một phụ nữ, Louise Breugniot, tức bà De Brugnol, là quản gia đồng thời là tình nhân của ông, bà Hanska sẽ rất ghen tuông với bà này. Từ khi rời Villeparisis, ông vẫn luôn ở Paris, nhưng thường là ngoại ô, và đôi khi ẩn danh, để thoát được các chủ nợ, các kẻ quấy rầy và sự trưng tập của quốc dân quân Paris. Mới đầu ông ở một căn hộ phố Tournon, rồi một căn khác phố Cassini từ 1828. Năm 1835, ông náu mình dưới một tên giả tại làng Chaillot, phố Batailles, tại đó ông bố trí cho mình gian biệt thất xa hoa được mô tả trong Cô gái mắt vàng. Ông cũng sử dụng một nhà nhỏ ở tạm, phố Provence, vào năm 1837, khi ông tậu cơ ngơi Jardies tại Sèvres, trên đường Versailles, ba năm sau ông buộc phải bỏ cơ ngơi này. Vừa ở vừa làm việc tại Passy, ông vẫn giữ nơi tạm trú phố Richelieu, trong nhà của Buisson, người thợ may được ông đưa vào làm nhân vật trong Tấn trò đời.

Người khởi xướng Tấn trò đời

“Thời điểm” của Tấn trò đời tương ứng với một biến chuyển khó đánh giá trong cuộc đời và sáng tác của Balzac. Dĩ nhiên ai nấy đều nhất trí công nhận rằng con người năm 1845 lập nên “mục lục” của Tấn trò đời vẫn là một nhà xây dựng vĩ đại, nhưng đôi khi ta tự hỏi phải chăng sức sáng tạo mãnh liệt của ông sắp nhụt dần đi do tác động phối hợp của tuổi tác, sự mệt mỏi, những chuyến đi xa và tình trạng mối tình của ông với Eve Hanska chuyển thành nỗi ám ảnh từ 1842 khi bà thành quả phụ. Chắc chắn là cái chết của Venceslas Hanski đã khiến đời Balzac xoay chuyển bất ngờ. Quả thực tất cả đều biến đổi kể từ mồng 5 tháng 1 năm 1842, ngày ông nhận được thư của bà Hanska từ năm 1835 chưa gặp lại, báo tin bà góa bụa. Mong ước kết hôn với bà lại nảy sinh và không rời ông nữa. Bà Hanska ít nôn nóng hơn. Sau một thời gian dài cưỡng lại, cuối cùng bà đồng ý để ông đến gặp tại Saint-Pétersbourg vào mùa hè năm 1843. Chuyến đi bằng đường biển, lên tàu tại Dunkerque, mất 15 ngày. Ông lưu lại nhiều tuần, trong cảnh thân mật đầy hạnh phúc, rất ít thủ tục xã giao. Tuy vậy cuộc hôn nhân sẽ bị hoãn lại mãi vì Nga hoàng không cho phép bà Hanska lấy người ngoại quốc mà vẫn giữ đất đai điền sản, chưa kể niềm e ngại chính đáng có thể do tình hình tài sản của nhà văn gây nên. Kết thúc chuyến đi đầu tiên này, Balzac rời Saint-Pétersbourg ngày 7 tháng 10 bằng xe trạm, trước khi có thể lên tàu hỏa ở Berlin. Ông thăm Berlin, Dresde và đầu tháng 11 mới về Passy, bị đau đầu nặng do một tai biến màng não có lẽ không phải lần thứ nhất. Ông chỉ thực sự làm việc lại vào năm 1844. Năm 1845, ông khởi đầu một loạt các cuộc du hành lớn qua châu Âu với bà Hanska, con gái bà và chàng rể tương lai, bá tước Georges Mniszech. Họ tự xưng là những người leo dây múa rối, Balzac là Bilboquet*. Mùa hè ông đưa bà Hanska về Touraine, cuối năm đến Provence, trước khi sang Ý. Để bà và các con ở lại Ý, ông trở về Paris vào tháng 11, nhưng tháng 3 năm sau lại sang Rome gặp bà. Họ cùng nhau đi Thụy Sĩ. Tất cả những chuyến du lịch này đều có những cuộc viếng thăm các nhà bảo tàng và mua hàng tại các hiệu đồ cổ, từ đó sẽ xuất hiện Anh họ Pons. Người ta dễ dàng hiểu được rằng Balzac, con người của các danh mục và các sự phân bố, trở thành nhà sưu tập, với ông giữa sưu tập và sáng tạo không hề có mâu thuẫn. Ông về Paris vào cuối tháng 5 năm 1846 với hy vọng được làm cha, niềm hy vọng khơi lại mơ ước khi xưa về Thạch lựu trang, ước mơ tậu một ngôi nhà ở Touraine. Lần này, ông nghĩ tới lâu đài Moncontour, gần Vouvray. Đứa trẻ định mang tên Victor-Honoré song sẽ chẳng bao giờ ra đời. Moncontour không được tậu. Balzac lại sang Đức gặp bà Hanska cùng gia đình. Suốt thời kỳ này, Tấn trò đời vẫn tiếp tục và hai cuốn tiểu thuyết lớn, thuộc số tác phẩm mãnh liệt nhất mà Balzac từng viết, được khởi công và hoàn thành: Chị họ Bette, đăng làm bốn mươi kỳ trong báo Người lập hiến giữa tháng 10 và tháng 12 năm 1846, tiếp sau làAnh họ Pons, năm 1847. Cũng cần phải nêu Nghị viên miền Arcis Hóa thân cuối cùng của Vautrin.

Từ năm 1845, nghĩ đến việc ở Paris cùng bà Hanska, Balzac lùng mua nhà. Tháng 9 năm 1846, ông tậu tòa nhà phố Fortunée, ông sẽ qua đời tại đó. Nhưng phải có thời gian để sửa sang sắp đặt ngôi nhà. Tháng 2 năm 1847, khi bà Hanska đến Paris, do cuộc hôn nhân vẫn chưa tiến hành, bà ở phố Neuve-de-Berry, nay là phố Berri. Balzac vẫn ở Passy, làm việc rất nhiều. Tháng 5, ông đưa bà đến tận Francfort rồi trở lại Paris ngay. Vào tháng 6 hoặc đầu tháng 7, bà Hanska về Wierzchownia. Tháng 9, Balzac sang đó gặp bà và ở lại đến tháng 1 năm 1848. Thất vọng vì bà Hanska vẫn không chịu thành hôn, ông rời Wierzchownia bất kể mùa đông và về tới Paris vài ngày trước cách mạng tháng Hai. Từ 19 tháng 9, ông lại sang Nga. Quá ốm yếu không thể du lịch trong mùa hè 1849, ông ở lại Wierzchownia lâu hơn dự định, tới tháng 4 năm 1850, viết các kịch bản và vẫn hy vọng cho công diễn các vở kịch của mình tại Paris. Đó là một người mang nỗi ám ảnh, và bị việc hôn nhân trì hoãn giày vò cũng nhiều như bệnh tật. Từ lâu ông đã mắc căn bệnh mà y học thời đó gọi là chứng “tâm khuếch trương”, tức là chứng thiểu năng động mạch vành sẽ dẫn tới bệnh phù phổi khiến ông qua đời năm sau. Ông đã đoán ra những gì? Ông có tin đến cùng là mình bất tử, như bố ông hay không? Với bác sỹ Knothé, thầy thuốc của Wierzchownia, ông có niềm tin vững chắc như niềm tin ông phô ra trong các bức thư của mình hay không? Dù sao mặc lòng, thay vì chiến thắng bao lâu mong ước, việc trở về Paris sau khi kết hôn, chuyển thành tai họa như ngày tận thế: một cánh cổng đóng kín giữa đêm hôm phải nhờ thợ khóa mở ra, một gia nhân lên cơn mê sảng, một chị nấu bếp ốm nặng và một ông chủ hấp hối, gần như mù lòa, thở hết sức khó khăn. Điều này không ngăn được ông hễ hơi đỡ là phạm những điều bất cẩn, không ngăn được ông bông đùa cùng cô cháu gái, một tháng trước khi qua đời, kể với cô rằng người ta tiên đoán ông sẽ ốm rất nặng ở tuổi năm mươi nhưng sẽ chết ở tuổi tám mươi.

Balzac mất ngày 19 tháng 8 năm 1850. Lập tức người ta lấy tên ông đặt cho phố Fortunée, nơi Eve de Balzac, mà mọi người lên án là nguôi khuây quá nhanh, ở cho đến khi chết, năm 1882. Ông được tặng Huân chương Bắc đẩu, đó là vinh dự chính thức duy nhất ông đạt được khi còn sống, nhưng bù lại, câu chuyện thần kỳ về ông hình thành rất nhanh. “Trong cùng một ngày, ông đi vào vinh quang và vào cõi chết”, Victor Hugo sẽ nói điều đó trong điếu văn đọc tại nghĩa trang Père-Lachaise. Trong tờLa Mode ngày 24 tháng 8 năm 1850, Barbey d’Aurévilly viết: “Cái chết ấy là một tai họa tinh thần thực sự, chỉ có cái chết của Byron mới so sánh được [...]”.

Hạnh phúc lớn nhất của nhà văn sau khi qua đời có lẽ là niềm say mê ở một nhà sưu tập người Bỉ, nam tước Spoelberch de Lovenjoul (1836 – 1907), ông đã thu thập tất cả những gì có thể tìm lại được về các văn bản của Balzac – tác phẩm đã in, thư từ và bản thảo –, cũng như các tờ báo, tạp chí và các tư liệu khác của thời kỳ lãng mạn. Bộ sưu tập quý giá của ông được tặng cho Học viện Pháp quốc vào năm 1905.

 

II. TẤN TRÒ ĐỜI – “MỘT TRONG NHỮNG CÔNG TRÌNH MÊNH MÔNG NHẤT MÀ MỘT CON NGƯỜI DÁM ĐƠN ĐỘC CẤU TỨ” (Lê Hồng Sâm)

Một số tiểu luận và ghi chép của Balzac từ trước tuổi hai mươi đã cho thấy một khát khao hiểu biết rất mạnh mẽ đối với triết học và khoa học. Bản thân Balzac từng muốn là triết gia, trước khi nghĩ đến làm tiểu thuyết gia, và bộ tiểu thuyết của ông mang dấu ấn mối kỳ vọng “bao quát hết thảy, chế ngự hết thảy, lý giải hết thảy”*.

Năm 1830, Những cảnh đời tư gồm sáu truyện vừa, là mầm mống của công trình sau này.

Năm 1833, khi đã xuất bản trên hai mươi tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ý định tập hợp các tác phẩm tản mạn vào một tổng thể rộng lớn hình thành rõ nét ở Balzac; ông phác họa Khảo luận phong tục thế kỷ XIX (được chia thành Những cảnh đời tư, Những cảnh đời tỉnh lẻ, Những cảnh đời Paris), nền móng đầu tiên của bộ tiểu thuyết.

Năm 1834, một đề cương rành mạch cho thấy nhà văn đã ý thức được tính thống nhất của công trình đang thực hiện, bao gồm ba bộ phận lớnKhảo luận phong tục, Khảo luận triết học,  Khảo luận phân tích. Trong bức thư đề ngày 26 tháng 10 năm 1834, gửi bà Hanska, ông xác định phần Khảo luận phong tục sẽ trình bày các hiện tượng xã hội “không bỏ sót một hoàn cảnh nào, một gương mặt nào, một tính cách nào của đàn ông hay đàn bà, một lối sống nào, một nghề nghiệp nào, một giới xã hội nào...”. Hiện tượng phong phú muôn vẻ, bởi thế phần này bao gồm một số lượng rất lớn tác phẩm. Trên cơ sở đó, Khảo luận triết học lý giải nguyên nhân và cuối cùng, Khảo luận phân tích đề xuất nguyên lý.

Cấu trúc tổng quát đã được tạo dựng, hệ thống đã xác lập, chỉ còn thiếu tiêu đề chung. Thoạt tiên, Balzac định chọn tiêu đề Khảo luận xã hội, nhưng cuối năm 1840, “cái tên tuyệt vời và sâu sắc”* Tấn trò đời được quyết định, biểu lộ rõ ý định thể hiện trọn vẹn một thực tế đang hoạt động, đang diễn tiến. Kiệt tác Thần khúc hẳn có gợi ý cho Balzac – năm 1835, mở đầu truyện Cô gái mắt vàng, ông viết rằng “địa ngục” Paris “một ngày kia, có lẽ sẽ có DANTE của nó”. Nhưng từ năm 1834, ông đã nhắc tới Shakespeare ở bài giới thiệu Khảo luận triết học, phát biểu tham vọng trình bày với người đương thời tấm gương soi thế gian: “Người ta bảo rằng xưa kia, trong các vở kịch của ông, Shakespeare từng tự đề ra một mục đích tương tự”. Và gần gũi hơn, trực tiếp hơn, là nhà hài kịch Pháp thế kỷ XVII, Balzac nói khi đã gần hoàn thành công trình: “Nếu như Molière sống ở thời chúng ta, hẳn ông sẽ viết Tấn trò đời”.

Năm 1842, nhà văn viết Lời nói đầu cho cả công trình, một tuyên ngôn độc đáo biểu lộ nhiều quan điểm mỹ học, triết học, chính trị, với kết luận: “Một dàn ý mênh mông bao gồm cả lịch sử lẫn phê phán xã hội, cả sự phân tích những bệnh tật lẫn sự luận bàn những căn nguyên xã hội, thiết tưởng cho phép tôi đặt tiêu đề công trình xuất bản ngày hôm nay là Tấn trò đời. Liệu có đầy tham vọng không? Chẳng là chính xác hay sao? Đó là điều công chúng sẽ quyết định, khi tác phẩm hoàn tất”.

Tác phẩm sẽ không hoàn thành. Năm 1845, Balzac lập danh mục toàn bộ Tấn trò đời, bao gồm 137 đầu sách, trong số này 87 cuốn được thực hiện. Ngoài ra, còn 5 cuốn viết sau năm 1845, chưa ghi tên trong danh mục, có những kiệt tác như Chị họ Bette (1846), Anh họ Pons (1847), hayNông dân, tác phẩm lớn xuất bản sau khi ông qua đời. Khiếm khuyết rõ rệt nhất, như ông đã nêu trong Lời nói đầu, là ở Những cảnh đời binh nghiệp: trong 23 tác phẩm dự kiến, chỉ có 2 tác phẩm được hoàn thành. Và nếu nhìn tổng thể, phần Khảo luận phân tích thật ít tương xứng với công trình đồ sộ. Nhưng, Tấn trò đời là “một trong những công trình bát ngát mênh mông nhất mà một con người dám đơn độc cấu tứ”*, và cái chết của Balzac lại đến sớm. Sở dĩ Barbey d’Aurévilly coi “cái chết ấy là một tai họa tinh thần thực sự, chỉ có cái chết của Byron mới so sánh được” vì theo D’Aurévilly, khác với Walter Scott tắt đi như vừng dương êm ả sau một ngày dài, với Gœthe đã thành tượng hoa cương bất tử từ khi còn sống, Byron cũng như Balzac chết giữa lúc tài năng nở rộ, bỏ lại công trình dang dở...

 

※ ※ ※

 

Danh mục năm 1845 dưới dây do Balzac soạn cho nhà in sắp chữ. Về sau, ông có thay đổi đôi chút trật tự các tiểu thuyết. Các tác phẩm Chị họ Bette, Anh họ Pons, Một tay làm ăn, Gaudissart II  Những phiền hà trong đời sống vợ chồng chưa có tên trong danh mục.

Mời các bạn đón đọc Tấn Trò Đời Tập 1 của tác giả Honoré de Balzac.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000