Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 16 - Nhiều Tác Giả |
|
Tác giả | Nhiều Tác Giả |
Bộ sách | Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa |
Thể loại | Biên khảo - Địa Lý |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 2420 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full 1000 eBook Việt Một Thời Vang Bóng Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Lịch sử Việt nam |
Nguồn | tve-4u.org |
ĐỒNG chí Mi-côi-ăng, trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Liên-xô sang năm nước Việt-nam ta vừa rồi có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Nó không những thắt chặt thêm tình hữu nghị thắm thiết giữa nhân dân hai nước Việt-Xô, mà còn đẩy mạnh thêm cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập – dân chủ của nhân dân ta, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình ở Đông nam Á và thế giới. Nói sao hết lòng hân hoan của đồng bào ta, đủ mọi tầng lớp, đã biểu lộ ra từ lúc nghe tin đến khi được đón tiếp đoàn đại biểu nước bạn vĩ đại ở trên đất nước ta ! Tả sao hết lòng biết ơn của nhân dân ta đối với sự chú ý giúp đỡ của Liên-xô từ trước tới nay, nhất là từ khi hòa bình được lập lại tới giờ ! Nhân dịp này, chúng tôi muốn ôn lại quan hệ Việt – Xô trong quá trình cách mạng để thấy sự ràng buộc lịch sử giữa hai nước chúng ta chẳng phải mới có bây giờ, mà đã có từ gần bốn mươi năm trước, sau Cách mạng tháng Mười.
Một điều mà ai nấy đều thấy rõ : nói đến Liên-xô là phải nói đến Cách mạng tháng Mười, nói đến vai trò Liên-xô trong cuộc đấu tranh cho hòa bình thế giới, giải phóng các dân tộc bị áp bức. Cách mạng tháng Mười, theo lời Sta-lin, không phải chỉ nằm trong phạm vi dân tộc, mà trước hết, là một cuộc cách mạng trong phạm vi quốc tế, phạm vi thế giới, vì nó đánh dấu một khúc quanh lịch sử do nhân loại làm ra, từ thế giới cũ, thế giới tư bản, chuyển sang thế giới mới, thế giới chủ nghĩa xã hội. Do đó, cách mạng Việt-nam, cũng như các nước khác trên thế giới, dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, đã rọi ra một đường lối mới, một triển vọng mới. Liên-xô, nơi phát sinh ra Cách mạng tháng Mười và là thành trì của cách mạng thế giới, đối với Việt-nam, cũng như với nhiều nước khác trên thế giới, có một quan hệ mật thiết.
Sau đại chiến thứ nhất, quốc tế cộng sản thành lập (1919), mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc nhỏ yếu ở các thuộc địa, bán thuộc địa đã gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản. Mặc dầu thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn rào, nhân dân Việt-nam đã bắt đầu nhìn thấy một phương trời mới xuất hiện trên một phần sáu quả địa cầu. Qua những tài liệu của các thủy thủ từ các tầu biển bên Âu-châu mang về hay các sách báo mới từ Trung-quốc đem sang, nhân dân Việt-nam đã nghe biết có một chính quyền mới của giai cấp công nhân. Nhà cách mạng Phan Bội-Châu trong khi lưu vong ở Trung-quốc (1920), lần đầu tiên thấy Liên-xô qua quyển sách « Điều tra về chân tướng của nước Nga » và trực tiếp giao thiệp với nhân viên đại sứ quán của Liên-xô tại Trung-quốc. Theo lời Phan viết trong quyển « Sào-Nam niên biểu », thì, chính lúc ấy một bạn Liên-xô đã nói với cụ về việc gửi học sinh sang du học và khuyên cụ nên viết một quyển sách bằng chữ Anh vạch rõ chính sách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt-nam để tuyên truyền ra thế giới. Nhưng một người Việt-nam đã hấp thụ tư trào Cách mạng tháng Mười sớm nhất cũng như gặp Liên-xô trước tiên vẫn không ai khác hơn là cụ Nguyễn Ái-Quốc. Tháng 6-1923, sau khi vào đảng Cộng sản Pháp (1921), cụ Nguyễn đã được cử đi dự Đại Hội quốc tế Cộng sản tại Mạc-tư-khoa vào tháng 10-1923. Cũng trong cuộc hội nghị này, một ủy ban thường trực phụ trách các thuộc địa đã thành lập và cụ Nguyễn Ái-Quốc với danh hiệu Song-Man-Tcho được cử làm ủy viên. Như thế nghĩa là từ năm 1923, cách mạng Việt-nam đã đặt dưới sự lãnh đạo của bộ tham mưu quốc tế và nước Việt-nam đã gắn liền với nước bạn Liên-xô.
Cuộc Đại cách mạng 1925-27 ở Trung-quốc, bắt nguồn từ tư trào cách mạng tháng Mười, đã dội mạnh vào giai cấp công nhân Việt-nam vừa thành hình và đương phát triển, vào giai cấp tiểu tư sản Việt-nam đương tìm một lối ra. Năm 1926, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, những truyền đơn đã rải ở Sài-gòn giới thiệu Cách mạng tháng Mười và nước Nga mới. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt-nam đã rõ rệt hướng về Liên-xô. Từ lúc này, cách mạng Việt-nam không riêng biệt nữa. Nó đã thuộc trong phạm trù của cách mạng vô sản thế giới với những hình thức cách mạng áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt-nam. Rồi đó, đảng Việt-nam Thanh-niên cách mạng, đảng tiền bối của đảng Cộng-sản Đông-dương, thành lập. Những đường lối chính trị cũng như tài liệu tuyên truyền huấn luyện mặc dầu còn nhiều sai sót, nhưng một điểm chắc chắn là con đường đương đi và tiến tới vẫn là con đường mà Liên-xô đã vạch ra. Tháng 11-1929, sau khi các tổ chức cộng sản kế tiếp xuất hiện, nhân dân Việt-nam đã công khai kỷ niệm Cách mạng tháng Mười với cờ đỏ búa liềm, với khẩu hiệu ủng hộ Liên bang xô-viết. Đầu năm 1930, đảng cộng sản thống nhất, và sau đó được công nhận làm một trong những chi bộ của quốc tế cộng sản. Trong luận cương cách mạng tư sản dân chủ, đã liệt khẩu hiệu ủng hộ Liên-xô làm một trong 13 khẩu hiệu chính. Tháng 9-1930, Xô-viết đầu tiên thành lập ở làng Võ-liệt và kế đó, khắp ba tỉnh Nghệ-an, Hà-tĩnh và Quảng-ngãi. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt-nam, một lần nữa, xác nhận con đường duy nhất để giải phóng dân tộc ra khỏi ách đế quốc và phong kiến, tiến lên xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là con đường của Liên-xô đã vạch ra. Bọn thống trị điên cuồng lên. Ngoài những thủ đoạn đàn áp, khủng bố dã man, chúng khởi một cuộc phản tuyên truyền bằng cách tung ra những sách báo như « Khôn sống mống chết », « Mặt nạ cộng sản » v.v… để nói xấu Liên-xô, bôi nhọ sự thật của chế độ người không bóc lột người. Tuy vậy, ảnh hưởng của Liên-xô vẫn cùng với cách mạng Việt-nam ngày càng đi sâu vào công nhân và nhân dân Việt-nam. Vuợt qua những hàng rào của thực dân Pháp, một số học sinh Việt-nam đã có mặt ở trường Sta-lin tại Mạc-tư-khoa với những đại biểu Việt-nam đi dự hội nghị các tổ chức quốc tế. Từ đó trở đi, cách mạng Việt-nam có khi dâng lên, khi sụt xuống ; nhưng lý luận Mác-Lê và ảnh hưởng xứ xã hội chủ nghĩa vẫn không ngừng thấm vào tư tưởng và tình cảm của công nhân và nhân dân Việt-nam. Cho đến phong trào Mặt trận bình dân 1936-1939, trên các sách báo công khai, nhân dân Việt-nam đã học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin, nêu gương Liên-xô, đánh lui những tà thuyết phản động chực bôi nhọ xứ xã hội chủ nghĩa. Mỗi năm gặp ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, các báo cơ quan của nhóm Cộng sản và mặt trận Dân-chủ Đông-dương như Tin tức, Đời nay, Thời báo, Thời thế, Bạn dân, Người mới, Ngày mới, Nhánh lúa, Dân, v.v… đều ra số đặc biệt để giới thiệu Liên-xô với thắng lợi của xã hội chủ nghĩa. Cuộc đại chiến thứ hai bùng nổ, kế đó phát-xít Đức tấn công Liên-xô, nhân dân Việt-nam theo rõi một cách hồi hộp những biến diễn của chiến tranh. Trong những ngày quân phát-xít bao vây thành phố Lê-nin, tiến đến ngoại ô thành phố Mạc-tư-khoa cùng trận quyết chiến ở thành phố Sta-lin, bao nhiêu trái tim của các chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt-nam đã hồi hộp rung động khi thấy thành trì cách mạng lâm nguy và vẫn vững tâm tin tưởng khi nghe nhật lệnh của cố đại nguyên soái Sta-lin, vị lãnh tụ thiên tài đương chỉ huy cuộc kháng chiến. Năm 1942, đảng Cộng-sản Đông-dương đã xuất bản hai quyển sách « Mặt trận dân chủ quốc tế chống phát xít xâm lược » và « Chiến tranh Thái-bình-dương với cách mạng Việt-nam », trong đó giải thích về tính chất cuộc chiến tranh và tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Liên-xô và mặt trận dân chủ. Cuộc cách mạng tháng Tám thành công trước hết là do lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt-nam, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng-sản Đông-dương ; nhưng một yếu tố cục kỳ quan trọng là hồng quân Liên-xô đã đánh tan đạo quân Quan-đông làm cho phát-xít Nhật phải vội vã đầu hàng, gây điều kiện khách quan dễ dàng cho cách mạng Việt-nam cùng nhiều nước khác. Trong 9 năm kháng chiến của dân tộc ta, các báo chí Liên-xô luôn luôn cất tiếng nói của chính nghĩa, đồng tình với nhân dân Việt-nam và tố cáo tội ác của bọn can thiệp Mỹ cùng thực dân Pháp. Cuối năm 1949, biên giới vừa mở, Liên-xô, cũng như Trung-quốc, chính thức công nhận Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hòa. Từ đó, nhân dân Việt-nam hòa chung với khối dân chủ nhân dân hơn 900 triệu người do Liên-xô lãnh đạo.
Hòa bình trở lại, trong cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh và đấu tranh để thống nhất nước nhà, chúng ta được sự giúp đỡ của Liên-xô đủ mọi phương diện, về vật chất cũng như về tinh thần, ở trong nước cũng như ở quốc tế. Qua những phái đoàn tham quan Liên-xô, tiếp xúc với nhân dân Liên-xô, chúng ta càng thấy rõ mối tình Việt – Xô là tình anh em ruột thịt cùng sống trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Việc Hồ Chủ tịch cùng phái đoàn Chính phủ Việt-nam sang thăm Liên-xô vừa qua và đồng chí Mi-côi-ăng cùng phái đoàn Chính phủ Liên-xô sang thăm Việt-nam ngày nay đủ nói lên tất cả những tình ý mặn nồng và vận mạng tưong quan giữa nhân dân Việt-nam và Liên-xô ngày nay chẳng phải chỉ ở chỗ quan hệ bang giao, mà càng chứng tỏ rõ rệt hơn nữa ở chỗ nhân dân Việt-nam và Liên-xô, tiến chung một con đường, nhằm chung một mục đích, đang mở rộng quan hệ với nhau trên một giai đoạn mới. Lịch sử của nhân dân Liên-xô vĩ đại là lịch sử đấu tranh từ Cách mạng 1905, đến Cách mạng tháng Mười, trừ nội phản, diệt ngoại xâm, kiến thiết chủ nghĩa xã hội và sau cùng là đánh tan quân phát-xít, làm cột trụ của thế giới hòa bình. Lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt-nam qua tám mươi năm chống thực dân Pháp đến cuộc Cách mạng tháng Tám thành công và kế đó là 9 năm kháng chiến thắng lợi, xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Điểm cần ghi là : quan hệ lịch sử của hai nước đã bắt đầu từ 40 năm nay và ngày càng trở nên mật thiết. Một số đông sử gia và sinh viên Liên-xô hiện nay đương chú ý nghiên cứu lịch sử Việt-nam càng tỏ rõ sự quan tâm của các bạn Liên-xô đối với Việt-nam, đi sâu vào lịch sử Việt-nam.
Bản tuyên bố chung tháng 7-1955 giữa Hồ Chủ tịch, thay mặt Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hòa và đồng chí Mi-côi-ăng thay mặt Chính phủ liên bang cộng hòa xã hội Xô-viết là một trang lịch sử chung đánh dấu sự tương quan giữa hai nước trong cuộc đấu tranh hiện tại và đương tiến lên một triển vọng vô cùng tươi sáng. Bản tuyên bố chung ấy là tiếng nói, là tấm lòng, là ý chí của nhân dân hai nước Việt – Xô.
Cuộc mít-tinh của 15 vạn nhân dân thành Hà-nội ngày 3-4 vừa qua tại quảng trường Ba-đình, Hồ Chủ tịch nói : « Nhân dân Việt-nam ta và nhân dân Liên-xô là anh em trong đại gia đình chủ nghĩa xã hội và dân chủ nhân dân. Từ bao nhiêu năm, hai dân tộc ta đã cùng nhau đoàn kết, phấn đấu dưới ngọn cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vì sự nghiệp độc lập dân tộc, tự do dân chủ, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã-hội và bảo vệ hòa bình thế giới ». Đồng chí Mi-côi-ăng nói : « Nhân dân Liên-xô tỏ tình hữu nghị nồng nhiệt với các đồng chí và các bạn, với cả tấm lòng nhiệt tình chúc các bạn đạt được nhiều thành tích trong việc xây dựng đời sống mới, khôi phục và phát triển hơn nữa nền công nghiệp và nông nghiệp trong việc cải cách dân chủ, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ». Đây cũng là những tiếng nói lịch sử, một lần nữa, tỏ rõ mối tương quan và tình hữu nghị về quá khứ, hiện tại và tương lai giữa nhân dân hai nước.
Trong cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ cho cả nước, chúng ta có Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, có Đảng Lao-động Việt-nam lãnh đạo, có Mặt trận hòa bình dân chủ quốc tế ủng hộ, do Liên-xô vĩ đại đứng đầu, chúng ta nhất định thắng, phát triển lịch sử quang vinh của dân tộc, của nhân loại.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN-SỬ-ĐỊA
Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 16.