Tắt đèn là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố (tiểu thuyết, in trên báo Việt nữ năm 1937). Đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Tác phẩm kể về nhân vật chính là chị Dậu. Trước khi lấy chồng chị vốn có tên là Lê Thị Đào, một cô gái đẹp, giỏi giang, tháo vát và (theo nhà văn là) sinh ra trong gia đình trung lưu.
Vốn lúc đầu, gia cảnh anh chị Dậu có dư dả, nhưng vì liền lúc mẹ và em trai anh Dậu cùng qua đời, anh chị dù đã hết sức cần kiệm nhưng vẫn phải tiêu quá nhiều tiền cho hai đám ma chay. Chưa hết, sau khi đám ma cho em trai xong, anh Dậu bỗng mắc bệnh sốt rét, không làm gì được, mọi vất vả dồn lên vai chị Dậu, khiến gia cảnh lâm vào'nhất nhì trong hạng cùng đinh' trong làng.
Mùa sưu đến, chị Dậu phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để nộp cho chồng, nhưng không kiếm đâu ra. Anh Dậu dù bị ốm nhưng vẫn bị bọn cai lệ cùm kẹp lôi ra giam ở đình làng. Cuối cùng, bần quá, chị buộc lòng phải dứt ruột bán đi cái Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi ngoan ngoãn hiếu thảo, và ổ chó mới đẻ cho vợ chồng lão Nghị Quế để lấy hai đồng nộp sưu. Nhưng vừa đủ tiền nộp sưu cho chồng, bọn cai trong làng lại ép chị nộp cả tiền sưu cho em trai anh Dậu với lý do chết ở năm ta nhưng lúc đó lịch năm tây đã sang năm mới. Vậy là anh Dậu vẫn bị cùm kẹp không được về nhà.
Nửa đêm, anh Dậu dở sống dở chết được đưa về. Được bà con lối xóm giúp đỡ, anh dần tỉnh lại. Một bà lão hàng xóm tốt bụng cho chị bò gạo nấu cháo để anh ăn lại sức. Nhưng vừa kề bát cháo lên miệng, bọn cai lệ và người nhà lý trưởng ập vào ép sưu. Chị Dậu ra sức van xin không được, cuối cùng uất ức quá không thể chịu được nữa, chị đã ra tay đánh cả cai lệ và tên người nhà lý trưởng.
Phạm tội đánh người nhà nước, chị bị thúc giải lên quan. Tên quan huyện lại là tên dâm ô, định ra tay sàm sỡ chị. Chị bèn vứt tọt nắm bạc vào mặt hắn rồi vùng chạy.
Sau đó, chị may mắn gặp một người nhà quan cụ trên tỉnh. Người này cho chị 2 đồng nộp nốt tiền sưu và hứa hẹn cho chị công việc vắt sữa để quan cụ uống (do quan cụ đã rụng hết răng không ăn được cơm). Chị bèn về bàn với anh Dậu, cho cái Tỉu làm con nuôi nhà hàng xóm, lên tỉnh làm việc.
Thời gian đầu, chị làm được tiền và gửi về cho anh Dậu. Nhưng vào một đêm tối, quan cụ mò vào buồng của chị định dở trò đồi bại với chị... Tác phẩm kết thúc bằng câu "Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!"
***
Bắt đầu từ gà gáy một tiếng, trâu bò lục-tục kéo thợ cầy đến đoạn đường phía trong điếm tuần.
Mọi ngày, giờ ấy, những con-vật này cũng như những người cổ cầy, vai bừa kia, đã lần-lượt đi mò ra ruộng làm việc cho chủ. Hôm nay, vì cổng làng chưa mở, chúng phải chia quãng đứng rải-rác ở hai vệ đường, giống như một lũ phu vờ chờ đón những ông quan lớn.
Dưới bóng tối của rặng tre um-tùm, tiếng trâu thở hì-hò, tiếng bò đập đuôi đen- đét, sen với tiếng người khạc khúng-khắng.
Cảnh-tượng điếm tuần thình-lình hiện ra trong ánh lửa lập-lòe của chiếc mồi rơm bị thổi. Cạnh giẫy sào, giáo ngả nghiêng dựng ở giáp tường, một lũ tuần-phu lố-nhố ngồi trên lớp chiếu quằn-quèo. Có người phì-phò thổi mồi. Có người ve-ve mồi thuốc và chìa tay chờ đón điếu đóm. Có người há miệng ngáp dài. Có người đang hai tay dụi mắt. Cũng có người gối đầu trên cái miệng hiệu sừng trâu, ngảnh mặt vào vách mà ngáy.
Cái điếu cày và cái đóm lửa bị năm, sáu người chuyền tay, chiếu đi, chiếu lại độ vài ba vòng, ánh lửa lại tắt, trong điếm chỉ còn tiếng nói chuyện rầm-rầm.
Gà gáy giục. Trời sáng mờ-mờ.
Trâu bò, con đứng, con nằm, thi nhau quai hai hàm răng nhai trầu xuông và nhả ra những cục nước bọt to bằng cái trứng.
Thợ cầy khắp lượt dùng bắp cầy, vai cầy làm ghế ngồi, cùng nhau bàn tán băng-cua về chuyện sưu thuế.
Những con chèo-bẻo chẽo-choẹt hót trên ngọn tre, như muốn họa lại khúc ca réo-rắt - mà người quê vẫn gọi là khúc váy cô, cô cởí - của mấy con chào-mào đậu trên cành xoan, đon- đả chào vẻ tươi đẹp của cảnh trời buổi sáng.
Toang cổng vẫn đóng chặt. Tuần-phu lại lần lượt thổi mồi hút thuốc lào.
- Ông Trương ơi, ông làm ơn mở cổng cho tôi đánh trâu ra đồng ạ. Mọi ngày bây giờ tôi đã cầy được ba sào ruộng rồi. Hôm nay, bây giờ còn nhong-nhóng ở đây... Phỏng chừng từ giờ đến trưa, cầy sao cho xong cái ruộng mẫu hai? Thôi ông làm phúc, làm đức...
Sau tiếng năn-nỉ của anh chàng cục-mịch, vai vác cầy, tay cầm thừng trâu, trương-tuần quẳng cái điếu cầy xuống đất, thở nốt khói thuốc trong miệng, rồi giương đôi mắt say thuốc lờ- đờ:
- Nay chẳng xong thì mai! Ông Lý đã bảo thuế còn thiếu nhiều, không cho một con trâu, con bò nào ra đồng hết thảy...
- Thưa ông, ông chủ tôi nóng tính lắm kia! Ông ấy đã dặn buổi nay tôi phải cầy cho xong ruộng ấy, nếu không xong, đến trưa về ăn cơm, ông ấy mắng như tát nước và nói như móc cơm ra... Chớ tôi có muốn vất-vả vào mình làm gì? Vả lại, ông Lý sai tuần đóng cổng, cốt để bắt trâu, bắt bò của người thiếu thuế kia chứ! Ông chủ tôi nộp thuế đủ từ hôm qua rồi, xin ông mở cổng cho tôi...!
Trương-tuần nhăn mặt:
- Tôi không phải tộc-biểu, không phải phần thu, biết điếc gì đâu ông chủ anh nộp thuế rồi hay chưa nộp. Bây giờ mở cổng cho anh, chốc nữa ông Lý ông ấy chửi cha tôi lên, anh có-nghe hộ tôi không?
Anh chàng cục-mịch lủi-thủi đánh trâu gồng cầy lùi xuống, để nhường khu đất trước điếm cho người khác vác bừa và đuổi trâu lên.
- Người ta trâu của nhà, ông chẳng cho ra thì chớ. Đây tôi, trâu thuê... đồng hai một buổi đáp, ông ạ. Xin ông lượng tình mà ngỏ cổng cho tôi ra đồng kẻo trưa quá mất rồi.
Người ấy nói tuy thiết-tha, trương-tuần chỉ đáp lại bằng cái lắc đầu:
- Nếu trưa quá thì bừa luôn đến chiều. Trâu thuê sợ gì!
- Thế được thì còn gì nói truyện gì nữa! Của một đống tiền, ai để cho mình ốp nó đến chiều? Chỉ đến non trưa, ông chủ có trâu cho thuê đã ra tận ruộng tháo vai trâu mà dắt trâu về, muốn bừa thêm một nửa đường nữa cũng không cho, ông ạ. Thôi! Mùa làm ăn, ông nghĩ lại...!
- Tôi chẳng nghĩ lại, nghĩ đi gì cả! Bố tôi sống lại, bảo tôi mở cổng này bây giờ, tôi cũng xin chịu đừng nói anh...
Người ấy lại vác bừa, đưa trâu trở lại chỗ cũ với cái sắc mặt thìu-thịu.
Mặt trời ngấp nghé mặt lũy, muốn nhòm vào điếm. Tuần-phiên lẻ-tẻ vác sào, cắp chiếu, đeo hiệu đi về. Trong điếm chỉ còn trương-tuần duỗi gối kiểu gọng bừa, ngồi trên chiếc chiếu điểm những tro mồi, bã điếu, đốc suất mấy tên đàn em ở lại canh ngày.
Xa xa nẻo trong đình, một hồi mõ cá thật dài, tiếp luôn đến trống ngũ-liên nện đủ ba hồi chín tiếng.
...
Mời các bạn đón đọc
Tắt Đèn của tác giả
Ngô Tất Tố.