Thắng Bại là bức tranh hoành tráng và chân thực về một thời cách mạng sôi động và oanh liệt của bà con lao động sống nơi cửa ô và nhân dân Hà Nội, cùng nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng vùng lên làm Cách mạng tháng Tám và trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tới ngày giải phóng Thủ đô.
Bạn đọc như được sống lại cùng với các nhân vật trọng bầu không khí sôi sục cách mạng, cũng như hiểu rõ cảnh cơ cực bần hàn của người dân mất nước, để càng thêm quý, thêm yêu quá khứ hào hùng và vẻ vang của dân tộc, càng thấy rõ cái giá mà dân tộc ta đã phải trả để giành giữ độc lập và tự do.
Cửa ô bất ngờ bùng cháy ngọn lửa cách mạng. Cùng với đồng bào Thủ đô, bà con nơi đây tập hợp thành đội ngũ tiến vào Hà Nội cướp chính quyền từ trong tay Nhật Pháp, giành lại độc lập tự do.
Rồi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Rồi cả nước trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào sống nơi cửa ô vẫn bền bỉ sát cánh cùng nhân dân Hà Nội tiếp tục chiến đấu trong lòng địch cho tới ngày giải phóng Thủ đô...
Mặc dù giặc Pháp đã cố tình bưng bít, tin thất thủ Điện Biên Phủ vẫn cứ lọt vào từng căn phòng kín của mỗi gia đình Hà nội. Để rồi ai nấy dường như lúc nào cũng dỏng tai lên đón đợi những tin tức từ hội nghị Giơ-ne-vơ vọng về...
Không khí Hà Nội dồn nén hết mức.
Người công khai, kẻ âm thầm chuẩn bị cho tương lai, phòng khi... nước đến chân...
Cuối cùng thì, không còn là những lời thầm lén, vụng trộm mà là loa phát, báo đăng Trên bàn đàm phán tại hội nghị Giơ-ne-vơ, hiệp định đình chiến giữa hai chính phủ Việt Pháp đã được ký kết!.
***
Trời sắp sáng.
Từ trong lòng nội thành, mọi thứ tiếng nổ vọng ra tới cửa ô, lúc này đã thưa hơn. Và, cả những quầng lửa đỏ rực trên bầu trời Hà Nội, lúc này cũng đã nhạt dần…
Suốt đêm, khúc đường nơi cửa ô này ồn ào, náo động bởi số đồng bào trong nội thành vì nhiều lí do khác nhau, cố nấn ná nuôi hi vọng vào lời sấm truyền: “Thăng Long phi chiến địa” do cổ nhân để lại. Song, lời sấm không ứng nghiệm. Thế là cuộc chiến tranh vệ quốc đã nổ ra, ngay tại giữa kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến! Và, cho mãi tới tận khi tiếng súng đã thực sự rền vang, cùng với khói lửa chiến tranh ngùn ngụt bốc lên, thì số đồng bào này mới đành lòng dứt bỏ mái ấm thiêng liêng của gia đình mình, hối hả gồng gánh, dắt díu nhau lên đường… chạy tản cư.
Khi đã vượt qua được cái ụ chiến đấu vừa rộng vừa cao[1] sừng sững đứng chắn ngang mặt đường Nam Bộ[2] thì ai nấy bỗng đều dừng lại, ngoái đầu nhìn về nơi súng nổ rền vang và lửa đang rừng rực bốc cao, nơi mà họ vừa từ đấy bước ra…
Minh và Tấc từ trong Ngõ Bò đi ra, vừa tới cửa ô gặp ngay cảnh tượng ồn ào, hỗn độn của đám đông đồng bào, mà chỉ thấy có hai ba đồng chí tự vệ làm công tác giữ trật tự, tình hình cứ rối lên. Minh bèn bảo Tấc cùng mình xông vào can thiệp: đun nước mời đãi mọi người, can các đám cãi nhau…
Một bà – nom cách ăn mặc ra dáng người giàu có – sau một hồi nghỉ ngơi, đến lúc con cháu giục mời đứng dậy đi tiếp thì bỗng nhiên đổi ý. Bà khăng khăng đòi quay trở lại ngôi nhà do chính bàn tay tần tảo của mình chắt chiu “từng đồng từng chữ” để tạo dựng nên. Nay dù thế nào bà cũng quyết đòi được chết tại chính cái ngôi nhà ấy. Người con trai Âu phục chỉnh tề, người con dâu áo “lơ muya” quần lĩnh trắng, khăn san, giày cườm (dường như chiến tranh là một sự quá đỗi bất ngờ, nên không kịp lo liệu cho mình…); và đàn cháu bốn năm đứa “có nếp có tẻ”, tíu tít bâu quanh! Ai nấy tha thiết khẩn nài, van xin… nhưng bà vẫn rền rĩ khóc than, chẳng chịu xiêu lòng!
...
Mời các bạn đón đọc
Thắng Bại của tác giả
Nguyễn Văn Hồng.