Trước hết, phải khẳng định một điều, Thánh giá rỗng không hẳn là một cuốn truyện trinh thám dở. Cũng như nhiều tác phẩm khác của Keigo, Thánh giá rỗng không đặt nặng ở vấn đề trinh thám. Tình tiết của cuốn truyện khá đơn giản, cách để tìm ra chân tướng, hung thủ thật sự không quá rắc rối, phức tạp.
Đề tài mà Higashino Keigo khai thác ở tác phẩm này là câu hỏi: Nên hay không nên bỏ án tử hình? Và cách mà Keigo thể hiện để tài đó vẫn như những tác phẩm khác của ông, để lại dấu lặng, khoảng trắng cho độc giả tự suy nghĩ rồi đưa ra câu trả lời thích hợp nhất với bản thân. Đặc biệt, hình ảnh cây thánh giá rỗng – tượng trưng cho một thứ luật pháp nửa vời, không mang tính răn đe, cũng không mang tính thanh lọc.
Tác phẩm Thánh giá rỗng của Higashino Keigo. |
Tuy nhiên, so với những tác phẩm đã đạt đến thành công vang dội trước đó của Higashino Keigo như Phía sau nghi can X hay Bạch dạ hành, Thánh giá rỗng là một bước lùi không thể chối bỏ trên mọi phương diện.
Mặc dù đề tài thú vị nhưng cách viết của Keigo lại không tới. Không tính đến yếu tố trinh thám chỉ làm nền để thể hiện nội dung tư tưởng trong Thánh giá rỗng nên con đường tìm đến sự thật của Nakahara quá mức bằng phẳng, đơn giản, không có chút sóng gió hay trở ngại.
Các tình tiết và cách sắp xếp tình tiết cùng xử lý những nút thắt ở Thánh giá rỗng khá rườm rà cũng như thiếu đi tính cao trào. Tác giả kể lể về đời sống cá nhân của hầu hết từng nhân vật mà thiếu đi những chi tiết thực sự đắt giá để nối kết toàn bộ câu chuyện vốn đã quá mức bình lặng này. Bởi thế, đọc Thánh giá rỗng, người đọc không khỏi cảm thấy mệt mỏi, thậm chí có phần... buồn ngủ.
Nếu như ở Bạch dạ hành hoặc Phía sau nghi can X, bóng dáng tác giả luôn lùi về rất xa để người đọc có thể thấy được một phong cách trần thuật trung lập thì Thánh giá rỗng không như vậy. Người đọc dễ dàng nhận thấy, qua nhân vật Sayoko, Nakahara hay người luật sư Hirai lộ rõ bóng hình một Higashino Keigo không thể tự đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Nên bỏ án tử hình hay không?
Bởi lập trường không vững nên cách viết của ông không tránh khỏi lúc nghiêng về phía giữ khi ngả về bên bỏ, thậm chí có cả những khoảnh khắc phân vân. Để rồi tác giả đặt một cái kết đầy lửng lơ với câu trả lời khá... ba phải ai cũng có thể nói: “không thể nào có được một phiên tòa hoàn hảo cho cả nhân loại”; cũng như con người vốn không hoàn hảo, cũng như không có quyết định nào là đúng đắn, chính xác hoàn toàn.
Có lẽ cũng bởi vậy mà ý nghĩa của một cái kết mở không còn trọn vẹn nữa. Bởi độc giả, đã bị bó hẹp suy nghĩ khi mà ý đồ, lập trường của tác giả gần như lộ rõ đến như vậy.
Các tác phẩm khác của Higashino Keigo. |
Nếu đọc Phía sau nghi can X, bạn ấn tượng trước một Ishigami thông minh đến tột đỉnh và yêu thương đến tận cùng. Ở Bạch dạ hành, bạn lạnh sống lưng trước một Yukiho ti tiện tới cùng cực ẩn sau lớp ngụy trang hào nhoáng, một Ryoji tồn tại như một bóng ma... Thì tới Thánh giá rỗng, có lẽ bạn khó có thể thấy được những nhân vật độc đáo và đặc sắc đến như vậy. Bởi tuyến nhân vật ở cuốn tiểu thuyết này thiếu đi tính riêng biệt, đột phá đủ để “gây sốc” cho người đọc.
Mọi cá tính đều quá mờ nhạt, bình lặng như chính dòng chảy tình tiết của câu chuyện. Nhóm cảnh sát nói chung, thanh tra Sayama nói riêng như một nhóm nhân vật xuất hiện cho đủ... số lượng. Nakahara, nhân vật chủ yếu được tác giả đặt điểm nhìn trong suốt cuốn tiểu thuyết thì như chỉ muốn làm một đôi mắt, hòa lẫn vào dòng đời: “Tôi không định khiển trách hay truy cứu bất cứ hành động hay quyết định nào của anh. Kẻ giết người phải đền tội thế nào, câu hỏi ấy có lẽ không thể dùng bất cứ mô phạm nào để giải đáp. Tôi cho rằng, đáp án anh đưa ra sau những trăn trở, chính là đáp án chính xác nhất cho việc lần này”.
Nhân vật nổi bật nhất và có lẽ cũng thú vị nhất trong câu chuyện: Hamaoka Sayoko; tác giả lại không khai thác đủ sâu để làm nổi bật hết sự “thú vị” của nhân vật này. Sayoko trải qua đủ đau thương đến mức tưởng chừng kiên định với lập trường: giết người phải đền tội vậy mà cũng từng phải lung lay lập trường rồi lấp liếm điều đó bằng cách lảng tránh đồng thời lấp liếm đi bằng một lập luận khác. Sayoko, kẻ từng mất con, tan nát gia đình giờ lại đang lùng sục những đau thương trong quá khứ để tàn phá một gia đình khác?
Nhà văn Nhật Bản Higashino Keigo. |
Khi nghĩ về Hamaoka Sayoko, thật không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Tiếc nuối về một cá tính nếu như được Keigo khai thác sâu hơn nữa thì chắc hẳn Thánh giá rỗng đã có một nhân vật nữ đặc sắc đủ để bao thế hệ độc giả tranh luận như Yukiho trong Bạch dạ hành.
Thánh giá rỗng được đầu tư rất lớn về khâu in ấn và dịch thuật. Tuy nhiên, trước những hạn chế đến từ nội tại cuốn sách, tác phẩm không khỏi bị fan trinh thám nói chung và fan của Higashino Keigo nói riêng đánh giá là một trái bom... xịt.