Khi tôi 13 tuổi, bố dẫn tôi đến thăm quan triển lãm thương mại máy vi tính tại thành phố Atlantic, New Jersey. Đó là năm 1965 và bố tôi đã vô cùng phấn khích khi nhìn thấy những cỗ máy to bằng cả căn phòng được sản xuất bởi những công ty hàng đầu của Mỹ như IBM. Bố tôi tin tưởng vào bước tiến này, và ông cho rằng những chiếc máy tính đầu tiên ấy sẽ mở ra cánh cửa hướng đến tương lai. Tuy nhiên, là một thiếu niên bình thường, tôi chẳng có chút ấn tượng gì về mấy cái máy tính đó. Trông chúng thật tẻ nhạt khi nằm trong sảnh trưng bày rộng lớn. Chẳng có gì để xem ngoại trừ hàng dãy hộp máy kim loại hình chữ nhật bất động. Chẳng có màn hình nhấp nháy, cũng không có thiết bị âm thanh đầu vào, đầu ra. Việc duy nhất những chiếc máy có thể làm là in ra từng hàng chữ số màu xám trên những tờ giấy đã được gấp gọn. Vốn đã biết về máy tính thông qua những cuốn sách viễn tưởng sống động, tôi chẳng thể tin những cái máy này là máy tính thực sự.
Năm 1981, tôi được đặt tay lên chiếc máy tính Apple II tại phòng thí nghiệm của trường Đại học Georgia nơi tôi làm việc. Mặc dù chiếc máy này có một màn hình màu đen và xanh để hiển thị văn bản, tôi vẫn chẳng mấy ấn tượng với nó. Apple II có thể gõ văn bản tốt hơn một cái máy đánh chữ, và nó thực sự là một chuyên gia về số đồ thị và ghi chép dữ liệu, nhưng đối với tôi, đó vẫn chưa phải một chiếc máy tính thực sự. Nó chẳng làm cuộc đời tôi thay đổi chút nào.
Thế nhưng chỉ một vài tháng sau, tôi đã thay đổi quan điểm hoàn toàn khi thử cắm chính chiếc Apple II đó vào đường dây điện thoại với một cái modem1. Lúc ấy, mọi thứ đột ngột thay đổi. Có cả một vũ trụ rộng lớn và gần như vô tận xuất hiện ở đầu kia của giác cắm điện thoại. Ở đó có các bản tin trực tuyến2, các hội nghị trực tuyến thử nghiệm, và thế giới đó được gọi là Internet (mạng). Cổng thông tin qua đường dây điện thoại đã mở ra một thế giới rộng lớn mà vẫn ở quy mô vừa đủ với loài người. Nó có tổ chức, kết cấu và rất tuyệt vời. Nó kết nối con người và máy móc theo một cách cá nhân. Tôi có thể thấy cuộc đời mình đã đi lên một tầm cao mới. Khi nhìn lại dòng lịch sử, tôi cho rằng thời đại của máy vi tính chỉ mới thực sự bắt đầu ở khoảnh khắc ấy, khi máy tính được kết nối với điện thoại. Chỉ riêng máy tính thôi thì không đủ. Những tính năng có giá trị của máy tính đến những năm 1980 mới xuất hiện, khi máy tính được kết hợp với điện thoại để làm nên một thiết bị hỗn hợp.
1 Thiết bị điện tử cho phép một máy tính truyền tin đến một máy tính khác ở khoảng cách xa thông qua đường dây điện thoại tiêu chuẩn.
2 Diễn đàn trực tuyến nơi người tham gia có thể đăng nhập để chia sẻ thông tin và ý tưởng. Hệ thống bản tin trực tuyến đã trở thành một cộng đồng trực tuyến chủ đạo để trao đổi giữa người dùng những năm 1980 và đầu những năm 1990, trước khi hệ thống mạng lưới toàn cầu (world wide web) ra đời.
Trong ba thập kỷ sau đó, sự kết hợp công nghệ giữa truyền thông và tính toán ngày một nở rộ và phát triển. Hệ thống Internet (mạng kết nối máy tính), web (mạng kết nối người dùng) và di động từ chỗ chỉ được một bộ phận trong xã hội biết đến (năm 1981) nay đã tiến vào vũ đài trung tâm của xã hội hiện đại toàn cầu. Trong vòng 30 năm, nền kinh tế xã hội dựa trên công nghệ đã có những lúc thăng trầm, với những nhà kinh doanh phất lên rồi lại chìm xuống. Nhưng rõ ràng là đã có một xu hướng ở quy mô lớn chi phối những gì đã diễn ra suốt 30 năm qua.
Những xu hướng có tính lịch sử này đóng vai trò quan trọng bởi những điều kiện thúc đẩy nền tảng của chúng vẫn còn có giá trị và đang tiếp tục phát triển.
Và một khi điều kiện còn, thì những xu hướng ấy vẫn sẽ tiếp diễn trong vài thập kỷ tới mà không thứ gì có thể ngăn lại được. Thậm chí những thế lực có thể gây cản trở như tội phạm, chiến tranh hay những hành động vượt quá giới hạn của con người cũng sẽ đi theo xu hướng này. Trong cuốn sách này, tôi sẽ mô tả 12 sức mạnh công nghệ định hình tương lai của chúng ta trong 30 năm tới.
“Tất yếu” là một tính từ mạnh. Đối với một số người, đây có thể là lời tuyên chiến, bởi họ luôn phản đối rằng chẳng có gì là tất yếu. Họ cho rằng loài người với khả năng cung cấp năng lượng và có mục đích rõ ràng có thể và nên chuyển hướng, khống chế cũng như kiểm soát mọi xu hướng cơ khí. Theo họ, “điều tất yếu” chỉ xảy ra khi chúng ta đầu hàng ý chí. Khi ý niệm về sự tất yếu được gắn với những công nghệ hào nhoáng, như tôi đang làm trong cuốn sách này, sự phản đối một định mệnh được định sẵn lại càng dữ dội và quyết liệt hơn. Đã có người định nghĩa về “điều tất yếu” là kết quả cuối cùng của thí nghiệm tư duy kinh điển. Theo đó, nếu chúng ta lội ngược dòng lịch sử và sống lại thời kỳ khai hóa văn minh hết lần này đến lần khác, thì dù chúng ta có “tua lại” bao nhiêu lần, loài người vẫn luôn đi đến thời điểm năm 2016, khi các thiếu niên cứ năm phút một lại đăng một tweet. Nhưng đó không phải điều tôi muốn nói đến.
Tôi muốn nói về sự tất yếu theo một cách khác. Luôn có một định kiến trong bản chất của công nghệ khiến nó nghiêng về một vài đường hướng nhất định. Trong khi mọi thứ đều ngang bằng, hai yếu tố đưa công nghệ đi lên là vật lý và toán học lại có xu hướng thiên vị một số hành vi. Những xu hướng này tồn tại chủ yếu trong những nhân tố tổng hợp định hình sự phát triển chung của các loại hình công nghệ chứ không điều chỉnh những trường hợp chi tiết và cụ thể. Chẳng hạn, sự hình thành Internet, một mạng lưới của các mạng lưới trải rộng toàn cầu, là điều không thể tránh khỏi, nhưng loại hình Internet cụ thể chúng ta lựa chọn thì chưa chắc đã xuất hiện. Bởi chúng có thể mang tính thương mại thay vì phi thương mại, mang tính quốc gia hơn là quốc tế hay mang tính cá nhân hơn là công khai. Tương tự, điện thoại, thiết bị liên lạc đường dài, là tất yếu, nhưng iPhone thì không. Phương tiện di chuyển bốn bánh là tất yếu, nhưng một chiếc ô tô SUV thì không. Và tin nhắn là tất yếu, nhưng đăng tin cứ năm phút một trên twitter thì không.
Theo một cách hiểu khác, năm phút một lần đăng tweet không phải là điều chắc chắn xảy ra. Chúng ta đang tiến lên hối hả đến nỗi những sáng chế mới chúng ta tạo ra còn nhanh hơn tốc độ truyền bá và sử dụng thành thạo chúng. Ngày nay, chúng ta mất cả thập kỷ sau khi một công nghệ mới ra đời để đạt được đồng thuận trong xã hội về tính năng và cách sử dụng nó. Trong năm năm nữa chúng ta sẽ tìm được một cách sử dụng twitter lịch sự và thích đáng, giống như khi chúng ta phát hiện ra cần phải làm gì để giải quyết vấn đề điện thoại réo lên mọi nơi (đơn giản là tắt chuông và bật chế độ rung). Và như thế, bởi tốc độ ra đời của công nghệ quá nhanh, phản ứng đầu tiên của con người khi đón nhận một công nghệ mới sẽ sớm mất đi và chúng ta sẽ thấy nó chẳng còn cần thiết hay tất yếu nữa.
“Điều tất yếu” mà tôi đang nói đến trong lĩnh vực kỹ thuật số chính là kết quả của động lực, một động lực của sự dịch chuyển công nghệ đang tiếp diễn. Làn sóng mạnh mẽ định hình công nghệ số trong 30 năm qua sẽ tiếp tục được mở rộng và củng cố trong 30 năm tới. Điều này không chỉ đúng với Bắc Mỹ, mà còn được áp dụng cho toàn thế giới. Trong cuốn sách này, tôi sử dụng những ví dụ quen thuộc ở Mỹ để độc giả dễ hiểu hơn, nhưng đối với mỗi ví dụ, tôi đều có thể dễ dàng lấy một trường hợp tương ứng ở Ấn Độ, Mali, Peru hay Estonia. Chẳng hạn, những người đi đầu thực sự của hệ thống thanh toán điện tử lại ở châu Phi và Afghanistan, nơi tiền kỹ thuật số đôi khi trở thành loại tiền tệ duy nhất được lưu hành. Trung Quốc hiện đang là nước dẫn đầu về phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động. Trong khi yếu tố văn hóa có thể thúc đẩy hoặc cản trở các biểu hiện của công nghệ, những nhân tố nền tảng vẫn tồn tại ở mọi nơi.
Sau khi sống trong thời đại công nghệ trực tuyến (online) suốt 30 năm, từ khi là người tiên phong trong một lĩnh vực tương đối hoang sơ và sau đó trở thành một phần đóng góp vào miền đất mới mẻ ấy, sự tự tin của tôi về tính tất yếu của công nghệ được dựa trên những thay đổi công nghệ sâu sắc mà tôi từng chứng kiến. Sự hấp dẫn của những công nghệ mới lạ vẫn xuất hiện mỗi ngày trong dòng chảy chậm chạp của cuộc sống. Gốc rễ của một thế giới số hóa nằm ở các nhu cầu vật chất và xu hướng tự nhiên của bit (đơn vị thông tin nhị phân), thông tin và mạng lưới. Bất kể ở điều kiện địa lý nào, trong công ty nào, hay nền chính trị nào, những đầu vào cơ bản của bit và mạng lưới sẽ mang đến những kết quả tương tự hết lần này đến lần khác. Tính tất yếu của công nghệ bắt nguồn từ tình trạng vật lý cơ bản của chúng. Trong cuốn sách này, tôi đã nỗ lực tìm đến nguồn gốc của công nghệ số để từ đó, tôi có thể đưa ra dự đoán về những xu hướng công nghệ bền vững trong ba thập kỷ tới.
Tuy nhiên, không phải mọi sự dịch chuyển công nghệ sẽ đều được đón nhận. Những nền công nghiệp lâu đời sẽ bị lật đổ vì phương thức làm ăn lạc hậu của họ không còn hiệu quả. Toàn bộ ngành nghề sẽ biến mất, cùng với đó, đời sống của một bộ phận dân cư cũng bị ảnh hưởng. Những nghề nghiệp mới ra đời và sẽ phát triển một cách không đồng đều, từ đó gây ra sự ganh tị và bất công. Sự tiếp diễn và mở rộng của những xu hướng mà tôi chỉ ra sẽ thách thức các niềm tin pháp lý hiện hành và chạm đến phần rìa ngoài của vòng pháp luật, trở thành một rào cản cho các công dân tuân thủ luật pháp. Về bản chất, công nghệ mạng lưới kỹ thuật số sẽ làm ảnh hưởng đến biên giới quốc tế vì nó vốn không có giới hạn. Sẽ có những vụ việc đáng tiếc, những xung đột, những mập mờ lộn xộn và cả những lợi ích đáng kinh ngạc.
Phản ứng đầu tiên của chúng ta khi đối mặt với sự thay đổi công nghệ mạnh mẽ trong lĩnh vực kỹ thuật số có lẽ sẽ là sự chối bỏ. Ban đầu, chúng ta sẽ tìm cách chấm dứt nó, ngăn cản, phủ nhận nó hay ít nhất là làm nó khó sử dụng hơn. Ví dụ, khi Internet khiến việc sao chép nhạc và phim ảnh dễ dàng hơn, Hollywood và nền công nghiệp âm nhạc tìm mọi cách để ngăn chặn việc sao chép, nhưng không có kết quả, các nhà sản xuất nhạc và phim chỉ càng làm cho các khách hàng đối đầu với họ. Ngăn cấm những điều tất yếu thường chỉ đem đến kết quả ngược lại. Cấm đoán là biện pháp tạm thời tốt nhất, nhưng vẫn gây phản tác dụng về lâu dài.
Một đường lối thận trọng và cởi mở sẽ đem lại hiệu quả hơn nhiều. Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là tìm ra nguyên nhân của những thay đổi kỹ thuật số để chúng ta có thể nhiệt tình chấp nhận chúng. Khi tìm được nguyên nhân ấy, chúng ta có thể hợp tác với bản chất của chúng thay vì ra sức chống lại chúng. Việc sao chép hàng loạt đã và đang diễn ra, cũng như việc lần theo dấu vết và giám sát toàn phần. Quyền sở hữu đang dần mất đi. Còn thực tế ảo lại trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể ngăn cản trí tuệ nhân tạo (AI)1 hay robot phát triển, làm việc và cướp đi việc làm của chúng ta. Đó có thể là phản ứng bước đầu của chúng ta, nhưng dần dần chúng ta nên chấp nhận sự tiến hóa không ngừng của những công nghệ này. Chỉ bằng cách làm việc cùng chúng thay vì ngăn chặn chúng, chúng ta mới có thể đạt được những lợi ích tốt nhất mà công nghệ mang đến. Điều này không có nghĩa là ta nên phó mặc mọi thứ cho công nghệ, mà vẫn cần kiểm soát và quản lý những phát minh mới để ngăn ngừa những mối nguy hại thực tế (so với những tác hại giả định) bằng biện pháp công nghệ và pháp lý. Chúng ta cần phải phổ biến rộng rãi và làm quen với việc sử dụng các phát minh mới tùy vào từng đặc tính cụ thể của chúng. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được như vậy nếu chúng ta tìm hiểu sâu, trải nghiệm thực tế và chấp nhận một cách thận trọng những công nghệ mới này. Chẳng hạn, chúng ta có thể và nên quản lý các dịch vụ taxi như Uber, nhưng chúng ta không thể và không nên hạn chế sự nhân rộng của các dịch vụ. Những công nghệ này sẽ không bao giờ biến mất.
1 Artificial intelligent.
Thay đổi là tất yếu. Cho đến nay, chúng ta đã chấp nhận rằng mọi thứ có thể và đang được thay đổi, dù rằng có nhiều sự thay đổi không thể nhận thấy. Những ngọn núi cao nhất cũng đang mòn dần, trong khi mọi động vật và thực vật trên hành tinh cũng đang thay đổi vô cùng chậm chạp. Kể cả ánh dương vĩnh cửu cũng đang mờ dần đi trên lịch thiên văn, dù đến khi điều này dễ nhận thấy hơn thì chúng ta cũng lìa đời rồi. Sinh học và văn hóa cũng là một phần của sự chuyển biến gần như vô hình này.
Trung tâm của những biến đổi này có lẽ chính là công nghệ. Công nghệ là nhân tố gia tốc của loài người. Nhờ có công nghệ, mọi thứ chúng ta làm ra đều nằm trong quá trình “trở thành”. Mọi thứ đều đang được cải tiến để trở thành một thứ khác, khi ta nói nó “có thể là” và dần chuyển thành nó “đích thực là” cái gì mới. Mọi thứ đều vận động. Không có gì đã kết thúc, cũng không có gì đã hoàn thành. Sự biến đổi không hồi kết này chính là trục xoay then chốt của thế giới hiện đại.
Sự vận động không ngừng có nhiều ý nghĩa hơn chỉ đơn giản là “mọi thứ sẽ khác”. Nó có nghĩa rằng quy trình, cũng chính là động cơ của sự vận động, còn quan trọng hơn sản phẩm. Phát minh vĩ đại nhất của chúng ta trong suốt 200 năm qua không phải một vật dụng hay công cụ cụ thể mà là bản thân quy trình nghiên cứu khoa học. Khi phát minh ra một phương pháp khoa học, ngay lập tức chúng ta có thể tạo ra hàng nghìn thiết bị tuyệt vời mà chúng ta đã có thể không bao giờ khám phá ra. Quá trình tạo ra phương pháp làm nên thay đổi và cải tiến còn đáng giá hơn một triệu lần so với việc phát minh ra bất kỳ sản phẩm cụ thể nào, bởi kể từ khi được tạo ra, quá trình này đã làm ra một triệu sản phẩm mới trong hàng thế kỷ. Khi ta nắm bắt quá trình này một cách chính xác, nó sẽ không ngừng mang lại lợi ích. Trong kỷ nguyên mới của chúng ta, quy trình sẽ chiến thắng sản phẩm.
Xu hướng chú trọng đến quy trình này đồng nghĩa với việc những thay đổi không ngừng sẽ là vận mệnh cho mọi thứ chúng ta tạo ra. Chúng ta đang dịch chuyển từ một thế giới của những danh từ cố định sang thế giới của những những động từ thể hiện chuyển động. Trong 30 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục biến những vật chất rắn như ô tô hay giày thành những động từ trừu tượng. Các sản phẩm sẽ trở thành các dịch vụ và các quy trình. Trong lĩnh vực số hóa phi vật chất, không có gì là bất động và cố định. Mọi thứ đều đang cải tiến để “trở thành” cái gì mới.
Mọi gián đoạn của sự hiện đại đều bao trùm lên những thay đổi không ngừng này. Cho đến nay, tôi đã được chứng kiến sự bùng nổ của nhiều nguồn sức mạnh của công nghệ để có thể phân chia chúng thành 12 động từ, như truy cập, theo dấu và chia sẻ. Nói một cách chính xác, chúng không chỉ là động từ, mà còn là “hiện tại phân từ”, một thể ngữ pháp diễn tả hành động đang diễn ra. Và nguồn sức mạnh này là những hành động đang không ngừng tăng tốc. Trong đó mỗi hành động lại là một xu hướng đang tiếp diễn và có đầy đủ bằng chứng cho sự tồn tại của nó trong ít nhất ba thập kỷ tới.
Tôi gọi những xu hướng biến đổi này là “tất yếu” vì chúng bắt rễ từ bản chất của công nghệ, chứ không phải từ bản chất của xã hội. Đặc tính của 12 động từ này đi liền với những định kiến của các công nghệ mới, một định kiến mà mọi công nghệ đều có. Trong khi những nhà chế tạo như chúng ta có thể đánh giá và đưa ra quyết định trong việc kiểm soát công nghệ, thì bản thân công nghệ cũng có những phần chúng ta không thể chi phối. Những quy trình công nghệ cụ thể tất yếu sẽ “thiên vị” và hướng đến những điều kiện cụ thể. Ví dụ, các quy trình công nghiệp (như động cơ hơi nước, nhà máy hóa chất, đập) thì cần nhiệt độ và áp suất ngoài sức chịu đựng của con người, còn các công nghệ số (như máy tính, Internet hay ứng dụng trực tuyến) thì cần được nhân rộng với giá rẻ và phổ biến ở mọi nơi. Sự thiên vị dành cho nhiệt độ và áp suất cao trong quá trình công nghiệp đã đẩy các khu chế tạo xa khỏi khu dân cư để đến những nhà máy tập trung quy mô lớn, bất kể đó là nền văn hóa, chính trị hay nền tảng xã hội nào. Cũng như vậy, sự thiên vị dành cho những bản sao tràn lan với giá rẻ của công nghệ số luôn xuất hiện mà không cần xét đến điều kiện về quốc tịch, kinh tế hay nhu cầu của con người, và do đó khiến công nghệ trở nên phổ biến trong xã hội. Những định kiến này đã được gắn vào bản chất của các bit kỹ thuật số. Trong cả hai ví dụ này, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng tối đa công nghệ khi “lắng nghe” điều nó cần và điều chỉnh các kỳ vọng, quy tắc cũng như các sản phẩm theo những xu hướng cơ bản của công nghệ. Nếu việc sử dụng công nghệ thuận theo xu hướng phát triển mang tính thiên vị, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát những phức tạp, tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu những tác động xấu của các công nghệ cụ thể. Chính vì thế, mục đích của cuốn sách này là tập hợp lại và phơi bày ra trước mắt chúng ta những xu hướng đang vận động trong các công nghệ mới nhất này.
Mười hai động từ tôi sắp xếp và chỉ ra trong cuốn sách này đại diện cho những thay đổi trong nền văn hóa của chúng ta trong tương lai gần. Những bước tiến lớn này đã và đang diễn ra trong thế giới ngày hôm nay. Còn những chi tiết cụ thể như việc công ty nào sẽ dẫn đầu thì được quyết định bởi xu hướng sở thích, phương thức và thương mại, những nhân tố hoàn toàn không thể dự đoán. Nhưng xu hướng chung của sản phẩm và dịch vụ trong 30 năm tới thì có thể nắm bắt được. Bởi về cơ bản, chúng bắt nguồn từ những công nghệ đang nổi lên và ngày càng trở nên phổ biến. Hệ thống công nghệ rộng lớn và phát triển nhanh chóng này sẽ làm thay đổi xã hội một cách khó nhận biết nhưng từ từ và chắc chắn. Nó sẽ mở rộng các nguồn sức mạnh sau: Trở thành, Cải tiến, Dòng chảy, Trình chiếu, Truy cập, Chia sẻ, Sàng lọc, Remix, Tương tác, Theo dấu, Đặt câu hỏi và Bắt đầu.
Mặc dù tôi chia mỗi sự vận động kể trên thành một chương, nhưng chúng không phải là các động từ rời rạc hay những quá trình hoạt động độc lập. Trên thực tế, chúng là những nguồn sức mạnh có sự giao thoa, phụ thuộc và thúc đẩy nhau. Khó có thể nói về một nhân tố mà không đồng thời liên hệ đến các nhân tố khác. Sự chia sẻ gia tăng sẽ thúc đẩy và cùng lúc phụ thuộc vào dòng chảy. Cải tiến đòi hỏi sự theo dấu. Trình chiếu không thể tách rời với tương tác. Bản thân mỗi từ đã là một sự tháo và ráp lại (remix), và tất cả các sự vận động này là những biến chuyển đang trong quá trình trở thành. Chúng là một dòng chuyển động thống nhất.
Những nguồn sức mạnh này là con đường, chứ không phải đích đến. Chúng không cho biết trước ta sẽ dừng lại ở đâu. Chúng chỉ cho ta biết rằng trong tương lai gần chúng ta tất yếu sẽ đi theo hướng nào.
Mời các bạn đón đọc
The Inevitable: Làm Chủ Công Nghệ Làm Chủ Tương Lai của tác giả
Kevin Kelly.