Tuổi thơ của những năm toàn quốc kháng chiến, khi những đứa trẻ lớn lên trong cảnh bom đạn, những niềm vui vẫn hồn hậu ngây thơ ấy đã nhuốm màu mất mát và bi thương. Tuổi thơ ấy, càng lưu dấu bền lâu trong tâm trí mỗi đứa trẻ đã đi qua bom đạn để trưởng thành.
Hình ảnh mẹ trong trang viết của tác giả là hình ảnh một người phụ nữ Việt chịu thương, chịu khó, tảo tần chăm sóc gia đình. Đây cũng là hình ảnh khắc sâu trong tâm trí của tác giả nhất, khi chứng kiến cái chết của mẹ bởi bom đạn chiến tranh.
Trong bài viết Bà và Mẹ, Nguyễn Hữu Quý trải lòng: “Những kỷ niệm về mẹ gần gũi và ấm áp hơn”, là những kỷ niệm về một quầy hàng của mẹ ở chợ, với đầy đủ những món đồ vui mắt, kỷ niệm về những đêm được ngủ với mẹ, “nằm nghiêng áp mặt, áp bụng vào lưng mẹ, Hơi người mẹ lan sang tôi, mùa hè mát mùa đông ấm”; kỷ niệm về những bài hát ru ầu ơ, đã đu vào “giấc trẻ thơ”... cũng có kỷ niệm buồn về chuyện của cha mẹ, nhưng chuyện mà trẻ con thuở ấy chưa hiểu hết, chỉ thấy thương mẹ, vì mẹ nhẫn nại, chịu đựng và vun vén.
Thế rồi trong Một đêm chiến tranh, mẹ bị bom Mỹ đánh trúng, mẹ mất. Kỷ niệm về đêm chiến tranh ấy, và đám tang của mẹ, tác giả kể rất tỉ mỉ, chi tiết, bằng giọng văn thấm đẫm một nỗi buồn thương.
Ngày mẹ mất là ngày “ám ảnh mãi trong tâm trí tôi”, là ký ức lưu trú mãi trong tâm tư của tác giả, có lẽ khiến nhiều độc giả cùng trưởng thành trong thời chiến như anh đồng cảm, bởi nỗi mất mát của chiến tranh hiện diện khắp nơi, trong từng căn nhà, từng mặt người thuở ấy.
Tập tản văn Thì thầm tiếng cát của tác giả Nguyễn Hữu Quý. |
Dẫu bom đạn vẫn không ngừng đổ trên quê hương bạt ngàn cát và gió ấy, thì tiếng thì thầm yêu thương trong mỗi khoảnh khắc vẫn không ngừng đầy lên. Ấy là ký ức về những đêm sáng trăng, cùng chúng bạn đi chơi (Một góc trăng quê); là những ngốc nghếch thuở đến lớp (Khóc vì chữ O); hay là những buổi chiếu phim lưu động nơi làng quê nghèo, khi người người rộn ràng rủ nhau đi xem phim, niềm vui thực khó tả (Đội chiếu bóng của tôi)...
Những ký ức ấy, chính là khoảng ấm áp và dung dưỡng cho tâm hồn của tác giả, để anh trưởng thành, khắc ghi và kể lại cho độc giả bằng những đoạn viết tha thiết tình cảm.
Nguyễn Hữu Quý vốn là một nhà thơ. Anh thường viết nhiều về quê hương đất nước, bày tỏ những tình cảm, những băn khoăn trăn trở về đất nước. Thì thầm tiếng cát, dù không phải là một tác phẩm thơ, nhưng lại thấm đẫm chất thơ.
Dòng tự sự rất chân thực, được ghi lại bởi trí nhớ rất bền bỉ về ngày xưa, qua biết bao nhiêu thời gian, những câu chuyện cũ, những con người cũ dường như càng trở nên sống động hơn trong tâm trí của tác giả, khiến anh viết mà như dòng nước tuôn chảy, cứ tự nhiên, câu chữ trải ra trên trang giấy, bày biện kỷ niệm, để độc giả được chiêm ngưỡng, ngâm ngợi trong suy tư và đồng cảm.
Những bài tản văn ngắn, có thể chỉ là một phần ký ức rất nhỏ trong cuộc đời đầy sắc màu của một nhà thơ, đi nhiều, gặp gỡ nhiều và viết nhiều, nhưng có lẽ đây chính là những ký ức sâu nhất, đẹp nhất, bởi nó là những ký ức đầu tiên, thơ ngây và hồn nhiên. Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta có thể thu thập và lưu giữ ảnh hình một cách sắc nét và dai dẳng nhất, vì những ký ức ấy mà ta có một nhà thơ, nhà văn Nguyễn Hữu Quý như ngày hôm nay.
Nằm trong tủ sách Viết cho những điều bé nhỏ, Thì thầm tiếng cát một lần nữa lại nối dài những điều nhỏ nhắn, dung dị nhưng có ý nghĩa tốt lành trong cuộc sống. Chính bởi vì lưu níu những điều bé nhỏ ấy, khắc khoải, trân trọng vì nó, nên biết tha thiết yêu thương cuộc sống, ấy là một câu chuyện đời sống được viết lên trang giấy sẽ còn rất dài và rất đẹp, đang chờ người đọc viết tiếp.
Nguyễn Hữu Quý sinh năm 1956 tại Quảng Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.