DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây

Tác giả Sơn Táp
Bộ sách
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 6393
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Sơn Táp Giải Goncourt Tiểu Thuyết Lịch Sử Văn học phương Đông
Nguồn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Giải Goncourt cho giới trẻ 2001

Tại một đô thị hẻo lánh vùng Mãn Châu những năm 1930, một thiếu nữ mười sáu tuổi băn khoăn nhiều đến những chuyện riêng tư con gái của mình hơn là những cuộc xung đột thù hận giữa đồng bào mình với quân xâm lược Nhật Bản. Vẫn còn là nữ sinh trung học, nàng đã chọn được người tình đầu tiên của mình, một sinh viên kháng chiến, nhưng càng dấn sâu vào cuộc đời người lớn, nàng càng cảm thấy khinh bỉ nó, và nàng càng mê đắm vào những cuộc cờ vây mà nàng vẫn bày hàng ngày trên quảng trường Thiên Phong, nơi đó, một sỹ quan Nhật cải trang thành kỳ thủ đáng ghờm nhất của nàng. Và cùng với những trận cờ, cuộc đời phong kín của họ dần dần lộ ra, thay đổi, một mối tình không ai nói, với những thế cờ khiến họ xích lại gần hơn số phận dị thường của họ. Sự điềm nhiên của thếu nữ và những quân cờ trên quảng trường cuối cùng không thoát khỏi sự xô đẩy của cuộc chiến. Nàng gặp lại kỳ thủ của mình trong một tình huống oái oăm hơn bất cứ thế cờ nào mà họ từng đối mặt, và chỉ có cái chết mới giúp hai người được an lành với tình yêu của mình giữa cuộc chiến thảm khốc ấy.

Trong "Thiếu nữ đánh cờ vây", Sơn Táp đã chưng cất những xúc cảm của tuổi hoa niên thành một câu chuyện mê đắm, đẹp một cách khắc khổ, về tình yêu, sự tàn bạo và sự mất đi của tuổi ngây thơ trong trắng.

"Tôi nghĩ, cuốn sách này sở dĩ đoạt giải thưởng văn học, được đông đảo bạn đọc yêu thích, là do nó đã chạm đến  đáy sâu về tình cảm, về sự sinh tồn của người hiện đại...Khi viết đến trang cuối của "Thiếu nữ đánh cờ vây" tôi không sao kìm được nước mắt. Nhiều độc giả viết thư cho tôi bảo sau khi đọc xong cuốn sách, họ cũng từng khóc nấc lên." - (Lời tựa của tác giả viết cho bản tiếng Trung)

"Với văn phong sáng sủa, tự nhiên, “Thiếu nữ đánh cờ vây” cuốn hút ta. Vẻ nữ tính của tác giả thể hiện rõ nét hơn ở cuối tiểu thuyết, nó như một dòng chảy tuôn trào không ngừng nghỉ" - (Hà Nội mới)

"Tiểu thuyết đã từ một không gian cực nhỏ "Cờ vây", miêu tả và khúc xạ nỗi bi ai cực lớn của thời đại và nhân loại. Với một cấu tứ tinh xảo diệu kỳ và lối tự sự đầy cảm xúc cảm như vậy, có thể coi Thiếu nữ đánh cờ vây là thượng phẩm của sáng tác nữ tính" - (Trương Kháng Kháng - nữ văn sỹ Trung Quốc)

"Chừng mực...Chính xác...cái phông lịch sử mãnh liệt ở phía sau đã tạo ra một khung cảnh hấp dẫn cho câu chuyện về một mối tình tưởng như không thể" - (Sara Ivy, San Francisco Choronicle)

"Mộng mơ...mãnh liệt...câu chuyện tình yêu dị thường này...thật là đẹp, gây sốc và buồn" - (Jennifer Reese, Entertainment Weekly)

"Một lối văn xuôi đơn sơ với những hình ảnh làm lay động tâm trí...Sự tiếp nối của những giọng kể thôi miên, như trong giấc mộng, đối lập với một cốt truyện bạo liệt" -  (Janice P.Nimura, New York Time Book Review)

***

REVIEW: “THIẾU NỮ ĐÁNH CỜ VÂY” – SƠN TÁP (Winny Nguyễn)

Đề tài tình yêu duy nhất mà mình có hứng thú là tình yêu có sự chia cắt, đặc biệt là do chiến tranh. Đau thương nhưng mạnh mẽ, mãnh liệt và u buồn, nhiều cảm xúc và dễ rơi nước mắt. Có ba quyển thuộc thể loại này mà mình thích nhất là “Đừng bao giờ xa em” – Margaret Pemberton (quyển này siêu hiếm có khó tìm ấy, giờ không còn ai tái bản nữa. Yêu thích: 5/5), “Nghiệt duyên” – Thommayanti (4,5/5) và “Thiếu nữ đánh cờ vây” này.
Truyện lần lượt qua các chương là lời kể của chàng trai là một sĩ quan người Nhật đang chiếm đóng Trung Quốc với lý tưởng trung thành vì danh dự Thiên Hoàng, và cô gái là một thiếu nữ mười sáu tuổi, nữ sinh trung học, con của một gia đình quý tộc Mãn Châu sa sút, với biệt tài chơi cờ vây. Chàng trai mang trong mình tư tưởng võ sĩ đạo, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì danh dự gia đình. Cô gái thuần khiết mà không ngây thơ, thông minh, phóng khoáng có chút hoang dại của tuổi trẻ. Họ không có tên, âm thầm và lặng lẽ kể chuyện cuộc đời mình và những người xung quanh trong tình hình chiến tranh – chính trị rối ren. Chàng sĩ quan vùi mình trong cuộc chiến gian khổ rồi lại say sưa bên các cô điếm người Hoa. Cô gái chập chững khám phá cuộc sống người lớn – tình yêu và tình dục – với một sinh viên kháng chiến. Ban đầu đó là hai cuộc đời riêng biệt, thế nhưng số phận kỳ lạ đã đưa đẩy họ gặp nhau tại bàn cờ vây tại quảng trường Thiên Phong. Họ hầu như không nói gì với nhau, ngôn ngữ duy nhất giữa họ là những quân cờ đen trắng trùng điệp. Họ dần tìm hiểu nhau qua những nước đi, hiểu rõ đối phương, tin tưởng vào đối phương, và dần say đắm đối phương. Giữa những rối ren của cuộc chiến tranh, bỏ lại đằng sau những bom đạn kẻ thù, quên đi những băn khoăn trong cuộc sống, họ hoàn toàn quên mình trong những ván cờ vây, lạc lối trong ánh mắt của đối thủ, vô thức mở lòng mình ra hơn những gì họ có thể nghĩ. Giữa những ván cờ, họ quên mất mình là kẻ thù của nhau. Họ tìm đến với cờ vây vì sự thu hút của đối phương, vì sự thu hút giản đơn của những quân cờ đen trắng. Cờ vây giúp chàng trai quên đi thân phận người lính, quên đi bom đạn giết chóc, chợt nhận ra bản thân cũng có thể khao khát những điều bình yên. Còn với cô gái, cờ vây giúp cô quên đi những hiện thực trần tục của cuộc sống người lớn mà cô đã sớm dấn thân vào, rồi chợt nhận ra nó quá tầm thường. Chàng trai – cô gái, họ đến với cờ vây để tìm quên, để rồi dần lạc vào nhau. Không ai nói gì hay làm gì, họ đã phải lòng nhau bằng một thứ tình cảm gắn bó bền chặt kỳ lạ, buộc họ vào nhau bằng sự thấu hiểu sâu sắc. Đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng lắng đọng. Tình yêu không lời, lặng thầm mà mãnh liệt. Họ đều có nhiều trải nghiệm tình dục của riêng mình, họ có những khao khát rất bản năng và con người. Nhưng tình yêu duy nhất của họ, họ đến với nhau mà không vương chút bụi trần, bỏ lại những tình yêu dối trá, những dục cảm phù phiếm. Tình yêu của họ là sự thanh cao nhất, không gì khác ngoài tâm hồn đối phương, không có cả một cái tên. Họ đến với nhau bằng những gì vẹn nguyên, trong sáng nhất.
Chiến tranh là bi kịch, hai người lẽ ra không nên yêu nhau thì càng bi kịch. Họ hiểu nhau, yêu nhau, biết nhau, nhưng họ không thể chạm tới nhau, không thể ở bên nhau. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng họ có thể hiểu rõ tình cảm của nhau, có thể nói những lời yêu nhau và ôm nhau trong vòng tay, ấy là khi họ sắp phải vĩnh viễn sang thế giới bên kia. Cô gái bỏ trốn khỏi Mãn Châu, lọt vào tay quân Nhật và bị chúng toan cưỡng hiếp. Chàng trai tình cờ có mặt trong số quân Nhật đó, phát hiện ra đó là cô dưới mái tóc vừa bị cắt đi và bộ quần áo con trai. Để bảo vệ cô, chàng trai đã giết cô bằng súng rồi tự vẫn. Đau đớn nhất là đến cuối cùng, họ vẫn không thể biết tên nhau. Có lẽ một mối tình đẹp là khi nó còn dang dở, nhưng phải trả giá bằng cái chết thì quá khắc nghiệt, bởi chiến tranh đã đẩy họ vào việc không còn sự lựa chọn nào khác. Một tình yêu chưa từng được biểu lộ, chỉ còn cách dùng cái chết để thực hiện. Đó là tình yêu, là nỗi đau, là sự bất lực trước thời cuộc. Chàng trai muốn ở bên cô gái, muốn nói thêm những lời yêu thương, muốn cùng chơi cờ vây, muốn biết tên cô gái. Cô gái muốn đi tìm người mình yêu, muốn thoát khỏi chiến tranh, muốn cho chàng trai biết tên của mình. “Em tên là…” – cô gái chưa kịp nói tên, chàng trai đã bóp cò súng. Cuối cùng, chỉ có cái chết mới có thể giúp họ ở bên nhau ở một thế giới tốt đẹp hơn khi thế giới bom đạn tàn nhẫn này không có chỗ cho họ. Kết thúc ở đây nhưng mở ra một khởi đầu mới. “Em đừng sợ, anh sẽ theo em. Anh sẽ bảo vệ em trong thế giới bên kia”, “Tôi biết rằng chúng tôi sẽ chơi tiếp ván cờ ở nơi xa kia. Để có thể ngắm nhìn người tôi yêu dấu, tôi đã cố gắng giữ cho mắt mở.”
Sẽ có những đoạn bạn phải chững lại để đọc đi đọc lại từng câu từng chữ để ngấm hết cái đẹp của ngôn từ giản dị mà đầy chất thơ và gợi cảm, có những đoạn mà bạn sẽ rơm rớm nước mắt nghẹn lòng. Không có quá nhiều quyển sách mình đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần mà vẫn thấy đau, thấy thương, cái chất nhẹ nhàng trầm lắng mà đầy ám ảnh không thôi. Một tác phẩm đẹp cả về nội dung và từ ngữ, da diết tình cảm mà không bi lụy, dữ dội mãnh liệt mà lại dịu êm, có lúc tuyệt vọng lạnh lùng nhưng cũng có lúc lãng mạn và trong trẻo. Ngôi kể liên tục hoán đổi cho nhau lần lượt như các nước đi của cờ vây, mạnh mẽ nhưng nhịp nhàng, tựa như các cảnh quay trong phim liên tục đan xen. Chiến tranh, danh dự, kẻ thù, Tổ quốc, liệu có còn điều gì là quan trọng trong khoảnh khắc ta chợt nhận ra mình đã yêu và muốn bảo vệ cho người đó? Tình yêu, một lần nữa, đã vượt lên trên tất cả. Khép sách lại như vừa kết thúc một giấc mơ đẹp, mà khi tỉnh dậy ta chợt nhận ra mắt mình còn vương một giọt lấp lánh.

***

“Thiếu nữ đánh cờ vây” (nguyên tác tiếng Pháp: La joueuse de go) được Éditions Grasset xuất bản lần đầu vào năm 2001, trở thành một trong những tiểu thuyết ăn khách nhất tại Pháp, được dịch ra hơn mười thứ tiếng.

Đây là tác phẩm đầu tiên của Sơn Táp đã xuất bản trong và ngoài nước Pháp, được 4 giải văn học lớn của Pháp đề cử và đoạt giải thưởng văn học Goncourt năm 2001 dành cho giới trẻ, đồng thời cũng giành giải Kiriyama năm 2004 ở Mỹ dành cho văn học hư cấu.

Ai cũng có tên trừ hai nhân vật chính

Từ năm 1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc bị địch chiếm đóng, đến năm 1937 Nhật Bản phát động toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. “Thiếu nữ đánh cờ vây” lấy bối cảnh từ những xung đột chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và Nhật Bản lúc bấy giờ.

Trong các thế xung đột đẫm máu đó, có một khoảng trời bình yên – quảng trường Thiên Phong nho nhỏ, dưới lùm cây tỏa bóng, hai nhân vật chính, một cô gái Trung Hoa và một sĩ quan Nhật Bản, tình cờ gặp nhau bên chiếc bàn đá có khắc sẵn bàn cờ.

Anh là một gián điệp Nhật Bản, lạnh lùng tàn nhẫn lại si tình. Thế giới của anh lý tưởng trung thành vì danh dự Thiên Hoàng, là doanh trại, là ngục tù, là thuốc súng, là những cuộc chơi đùa bên gái điếm.

Cô là một thiếu nữ Trung Quốc, thuần khiết mà không ngây thơ, thông minh mà không tàn nhẫn. Thế giới của cô là một gia đình quý tộc đã sa sút, là đoàn thể thanh niên chống Nhật, là ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc đang oằn mình dưới gót giày quân Nhật, là một xã hội lai căng nửa mùa.

Một ván cờ vây, cũng đủ để đánh mất mình trong chốn mê cung tình cảm. Mỗi ván cờ bày ra, là một giấc mơ diệu kỳ. Một ván cờ khép lại, ai nấy phải trở về với thực tại phũ phàng. 

Cho đến cuối cùng, cô gái chưa kịp nói ra tên mình. Mỗi một nhân vật phụ đều có tên, nhưng hai nhân vật chính không ai được gọi tên. Họ có thể là bất cứ ai, cũng có thể không là ai cả, giữa súng đạn chiến tranh, đứng bên hai bờ chiến tuyến, danh tính dường như không còn quan trọng nữa. 

Câu chuyện được hai nhân vật chính kể theo ngôi thứ nhất, đan xen nhau, mỗi phần không quá dài, có khi là rất ngắn, như hai đường thẳng song song tưởng chừng không thể giao thoa, lại cắt nhau tại một điểm không ngờ. Một cái kết có thể gọi là ám ảnh, cũng có thể gọi là giải thoát.

Một tình yêu thuần khiết.

Nhiều độc giả cho rằng họ không cảm được tình yêu mà đôi nhân vật chính dành cho nhau, và tác giả đã quá khiên cưỡng để áp đặt như vậy. Bởi xuyên suốt câu chuyện, cuộc đời họ chỉ giao nhau trên ván cờ vây, duy có hai lần ngoại lệ: một lần anh trông cho cô ngủ và một lần hội ngộ ở cuối truyện.

Thế nhưng, điều quan trọng khác chính là ván cờ vây đó!

Cô không bao giờ hỏi tên đối thủ của mình. Mỗi người ngồi ở chỗ của anh, đều giống nhau, chỉ có các nước đi của họ là khác nhau. Nhưng cô đối với anh lại khác. Ngay từ ván đầu tiên, nước đi của anh làm cô thấy lạ. Đến nỗi cô quyết định tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩ của anh. Cô ghi lại thế cờ sau mỗi lần đấu để khi ngồi trên xe về nhà, cô đọc đi đọc lại các nước đi. Không phải là để thắng anh mà là để khám phá tâm hồn anh. Cô đã thăm nó, cô đã chạm vào những góc cạnh mà anh không ngờ tới. Cô đã trở thành anh!

Còn anh thì sao?

“Cô gái chơi cờ mãi không quay lại. Chiếc áo dài xanh lá của em, lúc này nhìn có vẻ buồn thảm, nay bỗng toát lên sức sống khi em hòa lẫn trong màu cây xanh quanh em. Phải chăng đó là hình ảnh nước Trung Hoa của tôi, niềm say mê và mối căm thù của tôi? Khi gần em, nỗi khốn khổ của em khiến tôi thất vọng. Đứng xa em, nét duyên dáng của em ám ảnh tôi.”

Cờ vây là cái cớ để gặp đối phương, qua sự di động vô thanh đầy giảo hoạt trên bàn cờ, họ chạm vào tâm hồn nhau, thấu hiểu lẫn nhau. Người xưa thường nói “Kì phẩm là nhân phẩm” – chính là hướng tới cái ý như vậy.

Và, bởi vì quá hiếm hoi nên những chi tiết nhỏ bé về sự gần gũi của hai người trở nên đắt giá, là khi anh ve vuốt cơ thể cô bằng bóng chiếc quạt giữa ngày hè oi ả, là khi cô nhắm mắt gối trên đùi anh ngủ say, là lần duy nhất họ có cơ hội ở bên nhau thật gần, anh vừa hạnh phúc vừa đau đớn vì thèm khát được ôm cô vào lòng. Những khoảnh khắc thiêng liêng đó ẩn chứa một tình cảm khát khao đến cháy bỏng, đồng thời cũng vô cùng thuần khiết và trân quý.

Một nỗi đau hai chiều

Chiến tranh là bi kịch. Hai người ở hai thế đối địch yêu nhau thì càng bi kịch.

Cô gái Trung Hoa bị trói buộc trong một buổi giao thời nửa phong kiến nửa thuộc địa, giãy giụa giữa làn sóng đấu tranh cách mạng và sự hèn nhát trước đế quốc, nơi giáo điều vẫn đó mà con người thì cứ chực bung ra. Tuổi trẻ của cô chơi vơi trong xã hội lai căng và sự thức tỉnh của tình dục. Hai chàng sinh viên đi qua cuộc đời cô là niềm tin bám víu để trưởng thành, là cái cớ để nổi loạn. Để rồi khi bị phản bội, cô buộc phải tự phủ định mình vì niềm tin sụp đổ. Cờ vây giúp cô thắng lại đau đớn. Từng quân từng quân một giúp cô vừa trốn chạy vừa đối diện với cuộc sống.

Người lính Nhật Bản ưỡn ngực đi đến một dân tộc xa lạ với niềm tin khai sáng và ban ơn, để rồi sống trong hoài nghi và bất lực. Giữa hiện thực tàn khốc với tội ác đầy rẫy, niềm tin của anh ngày một méo mó, héo mòn đi. Anh mệt mỏi bàng hoàng giữa cuộc chiến vô nghĩa. Anh cay đắng nhận ra dân tộc anh xâm lược là một dân tộc đáng kính và tốt đẹp. Anh biết bản thân yêu điều đó, qua hình ảnh cô gái Trung Hoa – niềm say mê và mối căm thù của anh.

Tâm hồn họ giao thoa qua từng nước cờ, họ là những người cô đơn trong thế giới của riêng mình, tìm được mối đồng điệu từ đối thủ. Nội tâm của họ bị bóc tách từng lớp mặt nạ. Nhẹ nhàng và chắc chắn, họ nâng linh hồn nhau về phía cuộc sống, như bà đỡ đang hướng cho em bé chào đời – tâm hồn họ trần truồng, nhăn nheo, đỏ hỏn khi đứng trước mặt nhau.

Hai con người đứng bên hai bờ chiến tuyến, đại diện cho hai dân tộc. Ở đấy tình yêu trở thành sự hóa giải thù hận. Với cách để cho hai nhân vật chính luân phiên nhau kể, tác giả cho thấy một nỗi đau hai chiều, nỗi đau của kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược, nỗi đau của quốc gia đi khai sáng và đất nước bị chiếm đóng. 

Mật mã tượng trưng cho văn hóa và hòa bình.

“Trên một bàn cờ vây, các quân cờ chiến đấu trên 361 ô vuông kẻ bằng 19 vạch ngang và dọc tạo nên. Hai đối thủ chia xẻ mảnh đất trống này và đến cuối trận so lại xem ai chiếm được nhiều đất hơn. Tôi thích cờ vây hơn cờ tướng vì nó thoáng hơn, tự do hơn. Trong ván cờ tướng, hai vương quốc với các chiến binh mặc giáp trụ, đối đầu nhau. Còn các kỵ sĩ cờ vây có thể khéo léo xoay ngang xoay dọc, bẫy nhau trong các vòng xoáy ốc: sự táo bạo và trí tưởng tượng là những đức tính đưa đến chiến thắng.” – Nội tâm của cô gái Trung Hoa.

Nét cuốn hút của cuốn tiểu thuyết là những trận cờ vây sống động và đầy kịch tính. Để có được những trang viết tự tin như thế, Sơn Táp đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu cờ vây, thậm chí còn đến hỏi ý kiến các chuyên gia ở Viện cờ vây Trung Quốc.

Trong tác phẩm này, cờ vây chính là mật mã tượng trưng cho văn hoá và hoà bình.

Trên Bắc Kinh thanh niên báo, Trương Kháng Kháng bày tỏ:

“Sơn Táp đã biến cái kì đạo kì lý của cờ vây thành một cuộc thực nghiệm văn thể của tiểu thuyết, từ từ nhấm nháp chúng quả là kì thú vô cùng. Nhân vật trong tiểu thuyết như thể các quân cờ vừa đối lập lại vừa nương tựa vào nhau, chỉ thấy sự di động vô thanh đầy giảo hoạt trên bàn cờ, mà người chơi vẫn cảm nhận được, mới hay tình yêu đâu phải dùng lời.”

Về tác giả Sơn Táp

Sơn Táp vốn là cái tên được gọi bởi độc giả Trung Quốc và Việt Nam, tên thật của cô là Diêm Ni, bút danh trên văn đàn quốc tế là Shan Sa.

Sơn Táp sinh ngày 26 tháng 10 năm 1972, trong một gia đình trí thức cao cấp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm lên 8 tuổi, cô đã có thơ in thành tuyển tập. Năm 14 tuổi, cô đã đoạt giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc, gây chấn động văn đàn Trung Quốc, cô đã xuất bản được 4 tập thơ khi còn ở trong nước. Năm 1990, cô du học rồi định cư tại Pháp. Bắt đầu từ năm 1997, Sơn Táp từng bước chiếm lĩnh văn đàn Paris, là thế hệ thứ ba của các nhà văn Hoa kiều ở Pháp.

Sơn Táp rất thích núi, tiếng thông reo và đọc sách. Bút danh Sơn Táp của cô được gợi ý từ bài thơ cổ ngũ ngôn “Tùng thanh” của Bạch Cư Dị:

“Hàn sơn táp táp vũ

Thu cầm lãnh lãnh huyền.”

Cuối năm 2003, Sơn Táp trở thành tâm điểm của giới báo chí và xuất bản Pháp vì một trận chiến ầm ĩ giữa hai Nhà xuất bản Albin Michel và Grasset để giành quyền ấn hành cuốn Impératrice (Vương hậu) của cô.

Về tác phẩm Thiếu nữ đánh cờ vây, Sơn Táp nhận xét:

“Sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, xã hội phương Tây đớn đau trong việc kiếm tìm các loại định nghĩa mới, chẳng hạn thế nào là đen, thế nào là trắng, thế nào là phạm tội, thế nào là trừng phạt, thế nào là trung thành, thế nào là phản bội… Thế nhưng, “Thiếu nữ đánh cờ vây” lại chứng tỏ, trong bối cảnh hai nền văn hóa đối địch, đàn ông và đàn bà vẫn có thể đến với nhau và yêu trong sự đối lập, vẫn có được giây phút thăng hoa của tình yêu. […] “Thiếu nữ đánh cờ vây” là một giấc mơ, mong sao những cảnh trầm luân và ái tình trong giấc mơ sẽ khiến con người có được sự tỉnh táo trước hiện thực, khiến con người có được khát vọng và niềm tin cháy bỏng về hạnh phúc và tương lai.” 

Duyên Review

 
Mời các bạn đón đọc Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây của tác giả Sơn Táp.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000