Thợ Săn Bóng Tối |
|
Tác giả | Donato Carrisi |
Bộ sách | Marcus |
Thể loại | Trinh thám |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 2902 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 Sách Nói Audio full Donato Carrisi Phạm Bích Ngọc Marcus Tiểu Thuyết Trinh Thám Văn học Italia Văn học phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Sau Tòa án linh hồn, Thợ săn bóng tối là phần tiếp theo trong xê ri trinh thám mang đậm chất tôn giáo của nhà văn người Italia Donato Carrisi.
Marcus, một linh mục ân giải, tỉnh dậy sau cơn hôn mê ở Prague và hoàn toàn mất trí nhớ. Bên giường bệnh, anh tìm thấy hai phong bì dán kín: một chiếc chứa vé tàu tới Roma cùng với lời cam kết ở đó, anh sẽ tìm lại được quá khứ của mình; trong phong bì còn lại chứa 20.000 euro cùng một hộ chiếu mang danh tính giả để Marcus làm lại cuộc đời. Vị linh mục sẽ lựa chọn cái nào?
Marcus quyết định vò nát chiếc phong bì chứa tiền và hộ chiếu giả để anh không có cơ hội đổi ý, và lựa chọn trở về Rome. Ở đó, anh được dẫn đến Vatican, và lần đầu tiên nhận ra khả năng nhìn thấu cái ác như đang diễn ra ngay trước mắt của bản thân mình. Sau khi được huấn luyện, Marcus sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của mình đúng vào lúc cả thành phố Rome đang lâm vào trạng thái hoảng loạn bởi một tên sát nhân hàng loạt. Hắn lựa chọn nạn nhân là các cặp đôi đang thân mật với nhau ở ngoại ô thành phố với cùng một cách thức gây án: nạn nhân nam nhận cái chết êm ái với một phát đạn vào gáy trong khi nạn nhân nữ phải chứng kiến cái chết của người tình, sau đó bị tra tấn dã man trước khi những nhát dao chí tử cướp đi mạng sống của họ.
Trong lúc Marcus thâm nhập các hiện trường án mạng để tìm kiếm manh mối, anh gặp lại Sandra - nữ cảnh sát chụp ảnh hiện trường. Cả hai nhanh chóng phát hiện ra kết quả khám nghiệm tử thi đã bị làm cho sai lệch bởi chính vị chuyên gia pháp y - kẻ đứng đầu một giáo phái bí truyền và từng điều hành một bệnh viện dành cho tội phạm vị thành niên trong quá khứ.
Tuyến nhân vật đa dạng, các vụ án kép diễn ra liên tục với nhịp điệu điên cuồng cùng tình tiết truyện phức tạp tạo nên một tác phẩm cuốn hút và thể hiện tài năng phi thường của Donato Carrisi.
Tác giả
Donato Carrisi sinh năm 1973 ở Ý, tốt nghiệp ngành luật và tội phạm học trước khi trở thành nhà viết kịch bản phim truyền hình. Cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay Kẻ nhắc tuồng của ông đã gây được tiếng vang lớn với năm giải thưởng Văn học quốc tế, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, và đưa tác giả lên vị trí “nhà văn Italia được đọc nhiều nhất trên thế giới”.
***
Marcus là một nhân vật nổi bật trong loạt tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Donato Carrisi, đặc biệt là trong các tác phẩm như Tòa Án Linh Hồn và Thợ Săn Bóng Tối. Ông được khắc họa là một linh mục nhưng cũng là một điều tra viên đặc biệt, thuộc một tổ chức bí mật của Giáo hội Công giáo gọi là Penitenzieri (Người Chuộc Tội). Công việc của Marcus là giải mã những bí mật và những bất thường trong các vụ án, sử dụng sự nhạy bén tâm linh và khả năng quan sát tinh vi.
***
“Khi giết người, bọn trẻ còn tàn độc hơn cả người lớn: sự ngây thơ là vỏ bọc của chúng. Khi tới đây, có vẻ như chúng hoàn toàn không nhận thức được mức độ trầm trọng của việc chúng đã và sắp thực hiện. Nhưng sự ngây thơ trong hành vi của chúng có thể đánh lừa. Như trường hợp của đứa trẻ tra tấn một con côn trùng nhỏ. Người lớn sẽ phạt nó nhưng lại nghĩ đó là một trò chơi vì luôn cho rằng đứa bé không có nhận thức đầy đủ về sự khác biệt giữa tốt và xấu. Nhưng một phần trong đứa trẻ biết rằng việc nó làm là sai trái và nó cảm thấy vui thú khi hành hạ người khác”.
Sau cuốn “Kẻ nhắc tuồng”, tôi bị ám ảnh khá lâu với hình ảnh đôi mắt đẹp của đứa trẻ lúc nhúc giòi bọ nên đã quyết định không đụng đến truyện của tác giả Donato Carrisi nữa. Tuy vậy, vì đam mê trinh thám cách mù quáng nên tôi lại đánh liều đọc “Cô gái trong sương mù” và cảm thấy yêu trở lại, do đó tôi đọc luôn “Tòa án linh hồn”. Tôi tiếp tục để dành “Thợ săn bóng tối” một thời gian khá lâu mới đọc, để kéo dài cảm giác hào hứng chờ mong đối với một quyển sách mà mình biết chắc là rất hấp dẫn.
Sau khi vượt qua nỗi niềm đau thương vì cái chết của chồng, nữ cảnh sát chụp ảnh hiện trường Sandra Vega sống tiếp quãng đời tương đối bình lặng của một phụ nữ trẻ. Mối quan hệ có thể xem như tình bạn giữa Sandra và vị linh mục ân giải Marcus tạm thời gián đoạn khi mỗi người đều bận rộn với những công việc riêng. ‘Công việc riêng’ của Marcus là điều tra một cách vô vọng về cái chết của một bà xơ trẻ đẹp bị sát hại một cách tàn bạo ngay giữa khu vườn um tùm trong lòng Vatican, còn ‘công việc riêng’ của Sandra là cùng tổ điều tra cật lực phá vụ án giết hại dã man các đôi tình nhân. Đối với nước Ý là vùng đất của yêu đương nồng nàn, giờ đây không còn sự an toàn cho các cặp đôi khi hẹn hò ban đêm ở nơi vắng vẻ. Trên lúc theo đuổi manh mối các vụ án, Sandra và Marcus bỗng nhận ra con đường của họ có vài điểm giao nhau.
Hai cuốn “Tòa án linh hồn” và “Thợ săn bóng tối” của Donato Carrisi gợi liên tưởng chặt chẽ đến những cuốn về gián điệp Gabriel Allon của tác giả Daniel Silva và cuốn “Bí ẩn tông đồ thứ 13”, tuy nhiên bối cảnh trong hai cuốn trinh thám Ý này là các nhà thờ trong quốc gia Vatican chứ không liên quan trực tiếp đến Giáo Hoàng như trong những cuốn của Daniel Silva. Trong “Thợ săn bóng tối”, tác giả Donato Carrisi dùng bút lực sáng tác thượng thừa của mình để đưa người đọc vào một cuộc phiêu lưu qua những dòng chữ. Cuốn sách to dày mở đầu với vụ sát hại một bà xơ trẻ đẹp thuộc dòng tu kín, vị linh mục ân giải Marcus nhận nhiệm vụ điều tra nhưng lại không được cấp trên cho tiếp cận bất kỳ manh mối hoặc nhân chứng nào. Nghe có vẻ hết sức mâu thuẫn và không kém phần quan liêu. Tận một năm sau vụ án, Marcus vẫn chưa tìm ra hung thủ, và đó cũng là thời điểm những vụ sát hại các đôi tình nhân bắt đầu.
Trong “Tòa án linh hồn”, tác giả đã gieo vào lòng người đọc hình tượng nữ cảnh sát Sandra Vega đa sầu đa cảm nhưng lại làm một công việc dường như không hề thích hợp với một phụ nữ trẻ: chụp ảnh những hiện trường vụ án tàn bạo man rợ. Để bảo vệ tâm hồn mong manh của mình trước sự tăm tối của cái ác, Sandra dùng ống kính máy ảnh như một chiếc khiên, chặn đứng cái ác bên ngoài bản thân mình. Giải pháp yếu ớt này thoạt đầu có vẻ hiệu quả, nhưng nó đôi lúc cũng gây thiệt hại cho công việc của cô. Rất may, vì là nữ chính trong truyện nên Sandra được mặc định có sự bảo vệ che chở của nam chính Marcus. Vị linh mục ân giải này – thực chất là một người đàn ông mẫn tuệ, dịu dàng nhưng không thiếu phần hùng mạnh – luôn âm thầm dõi theo để kịp thời giải vây cho cô khỏi hiểm cảnh. Thế nhưng trong cuốn này, nhân vật tôi thích không phải nam chính mà là hai nam phụ. Quả thật, người mình thích mà nằm ngoài tầm tay của mình thì sức quyến rũ của họ càng lớn!
Xét kỹ thì trong “Thợ săn bóng tối” có hai vụ án song song không liên quan nhiều đến nhau, nhưng cách tác giả viết khiến độc giả không bị khó chịu bởi sự tách biệt của hai vụ án. Trong lúc đọc, tôi đã giở lại đầu sách để nhìn xem truyện được dịch sang tiếng Việt từ tiếng Anh hay tiếng Ý. Vì không thấy ghi tựa gốc tiếng Anh nên tôi cho rằng truyện được dịch từ tiếng Ý (dịch giả thật là giỏi). Nhưng dù được dịch từ thứ tiếng nào thì tôi vẫn thấy văn phong + nội dung truyện của Daonato Carrisi rất lôi cuốn. Vài chục trang trước khi kết truyện, tôi đã thầm đoán hung thủ là ai, nhưng chỉ đoán đúng được một nửa. Quyển “Thợ săn bóng tối” khổ lớn và khá dày (hơn 460 trang), tình tiết phức tạp đan xen, giữa những dòng mang đậm chất trinh thám lại là những đoạn triết lý sâu sắc và dễ hiểu về cuộc sống, về tôn giáo, về lòng người.
“Đây là Roma. Một nơi mà mọi sự thật được làm sáng tỏ lại ẩn chứa một bí mật. Và tất cả bị che đậy bởi truyền thuyết. Vì thế chẳng ai có thể thực sự biết được điều gì nằm phía sau mọi việc. Tất cả để không ảnh hưởng đến tâm trí của con người quá nhiều. Những sinh vật nhỏ bé và vô nghĩa không hề hay biết cuộc chiến đang tiếp diễn thầm lặng xung quanh họ”.
Tương tự như những cuốn trinh thám khác của Donato Carrisi, trong và sau khi đọc “Thợ săn bóng tối”, tôi cho rằng mình đã phát hiện ra vài điểm phi lý. Cái kết tuy là happy ending nhưng vẫn không khiến tôi hài lòng. Tôi nghĩ không phải là tác giả viết sách dày quá nên bỏ sót mà là ông cố tình đưa vào những điểm vô lý đó để tạo điểm không hoàn hảo cho tác phẩm (giống như chiếc răng khểnh trong nụ cười duyên), qua đó khiến tác phẩm trở nên đời thường, ‘thân thiện’ hơn với não trạng của độc giả! Cuối sách có phần “Trò chuyện cùng tác giả”, trong đó Donato Carrisi khẳng định rằng Tòa Án Linh Hồn, kho lưu trữ tội ác và những linh mục ân giải đều có thật, thậm chí họ còn có trang web riêng. Nhưng tôi không thể tin. Những người phải che giấu hành tung để hoạt động, chỉ được tiết lộ danh tính “trong khoảng thời gian giữa tia chớp và tiếng sấm” thì tạo trang web riêng là một việc vô cùng nguy hiểm.
Sau cuốn “Cô gái có hình xăm rồng”, tôi rất bực bội với lỗi chính tả và lỗi biên tập trong sách của NXB PN nên thường cố tình soi khi đọc sách của nhà này, nhưng với ba cuốn xuất bản gần đây của Donato Carrisi, tôi không phát hiện nhiều lỗi, phần dịch thuật rất ổn, trình bày đẹp dễ đọc nên tôi khá hài lòng. Tôi đã mượn đọc cả ba quyển, và khi thấy mình thật sự thích thì tôi mua luôn sách giấy để vui vẻ xếp chúng lên kệ sách của mình. Tôi cho rằng sau “Kẻ nhắc tuồng” và “Người ru ngủ”, cách viết của tác giả Ý này có chút thay đổi theo chiều hướng tươi sáng hơn, tuy nhiên người đọc vẫn có thể thưởng thức giọng điệu bí ẩn hấp dẫn và những cú bẻ lái bất ngờ trong truyện.
“Khi mọi chuyện này kết thúc và chúng ta nhìn vào mặt tên sát nhân, tất cả chúng ta sẽ thấy mình thật ngu ngốc. Chúng ta quan sát hắn và nhận ra là hắn không hề như những gì chúng ta mường tượng. Trước hết, chúng ta sẽ nhận ra hắn không phải là một con quái vật mà là một con người bình thường, như chúng ta. Thậm chí, hắn cũng giống chúng ta. Chúng ta đào bới cuộc sống nhỏ bé của một con người bình thường và không tìm thấy gì khác ngoài sự chán chường, tầm thường và thù hận. Chúng ta sẽ phát hiện ra rằng hắn thích giết người nhưng có khi lại yêu chó và thù ghét những kẻ hành hạ động vật. Rằng hắn có con cái, gia đình và thậm chí cả người mà hắn thực sự yêu thương. Chúng ta sẽ không sợ hắn nữa và ngạc nhiên về chính mình vì đã bị lừa gạt bởi một con người tầm thường như thế”.
(Sea, 4-6-2021)
Cáo Biển Non Xanh
***
Trích đoạn 1
Trong lịch sử mười lăm năm của mình, trường Hamelin là nơi ghé chân của khoảng ba mươi đứa trẻ.
Chúng đều phạm cùng một tội. Sát nhân. Cho dù không phải đứa trẻ nào cũng thực sự giết người. Một vài đứa chỉ có biểu hiện “khuynh hướng sát nhân rõ rệt” hay đã bị ngăn chặn trước khi đạt được mục đích hoặc chúng thực hiện không thành công.
Xét về độ tuổi của trẻ phạm tội, ba mươi là một con số đáng kể. Bản kê khai về những gì chúng phạm phải không có ảnh đính kèm, cũng chẳng có tên khai sinh.
Danh tính của mỗi đứa trẻ được che giấu bằng một câu chuyện cổ tích.
“Khi giết người, bọn trẻ còn tàn độc hơn cả người lớn: sự ngây thơ là vỏ bọc của chúng.” Joseph Kropp viết. “Khi tới đây, có vẻ như chúng hoàn toàn không nhận thức được mức độ trầm trọng của việc chúng đã và sắp thực hiện. Nhưng sự ngây thơ trong hành vi của chúng có thể đánh lừa. Như trường hợp của đứa trẻ tra tấn một con côn trùng nhỏ. Người lớn sẽ phạt nó nhưng lại nghĩ đó là một trò chơi vì luôn cho rằng đứa bé không có nhận thức đầy đủ về sự khác biệt giữa tốt và xấu. Nhưng một phần trong đứa trẻ biết rằng việc nó làm là sai trái và nó cảm thấy vui thú khi hành hạ người khác.”
---
Đứa trẻ bằng rơm mười hai tuổi và không có tình cảm. Trên thực tế, người mẹ đơn thân đã giao nó cho vợ chồng người dì vì không có khả năng chăm sóc. Một ngày nọ, trong một công viên trò chơi, nó đã gặp một đứa bé năm tuổi và lợi dụng lúc cô trông trẻ của cậu bé sao nhãng, nó đã thuyết phục cậu bé đi theo mình vào một nhà kho bỏ hoang. Ở đó, nó đã dẫn cậu bé tới gần miệng của một bể chứa sâu hàng mét và đẩy cậu bé xuống dưới. Đứa bé bị gãy cả hai chân nhưng chưa chết ngay. Hai ngày sau đó, trong khi mọi người đổ xô đi tìm kiếm và nghĩ rằng nó bị một người lớn bắt cóc, hung thủ thực sự đã nhiều lần quay lại nhà kho, ngồi trên miệng bể chứa để nghe tiếng khóc và những lời cầu cứu từ bên dưới vọng lên - như một con ruồi bị cầm tù trong một cái lọ. Cho đến ngày thứ ba, những lời van nài chấm dứt.
Đứa bé bằng bụi lên bảy tuổi. Trong một thời gian dài, nó là đứa con duy nhất, vì thế nó không chấp nhận sự xuất hiện của em trai mình - một kẻ lạ mặt đáng ghét đã phá hủy chuỗi tình cảm gia đình. Một ngày nọ, lợi dụng lúc bà mẹ không để ý, nó đã lấy đứa trẻ sơ sinh ra khỏi cũi và mang vào phòng vệ sinh, dìm em nó xuống bồn tắm đầy nước. Bà mẹ đã phát hiện ra khi nó đang lặng ngắm đứa em trai chết đuối và bà ta đã kịp cứu đứa nhỏ vào phút cuối cùng. Dù bị bắt quả tang nhưng đứa trẻ bụi luôn miệng nói là mình vô tội.
Theo Kropp, việc giết người đôi khi được thực hiện trong một trạng thái tâm thần phân liệt. “Khi thực hiện hành vi, đó thực sự là một cuộc chạy trốn thực tại mà trong đó nạn nhân được xem như một đồ vật chứ không phải con người. Điều đó giải thích cho việc tên tội phạm sau đó thường bị mất trí nhớ, sát thủ trẻ thơ không thể nhớ được việc mình đã làm, thấy thương cảm hay hối hận.”
Trích đoạn 2
Marcus thường xuyên tới đó, chỉ để ngắm nhìn cô.
Họ mới chỉ gặp nhau bốn lần, khi cô từ Milan tới Roma để điều tra về cái chết của chồng mình, gần ba năm trước. Marcus nhớ như in từng lời họ nói với nhau và từng chi tiết trên khuôn mặt cô. Đó là một trong những hệ quả của chứng mất trí nhớ: một bộ nhớ mới cần được lấp đầy.
Sandra Vega là người phụ nữ duy nhất anh liên lạc trong suốt quãng thời gian đó. Và cũng là người lạ mặt duy nhất mà anh tiết lộ danh tính của mình.
Anh nhớ lại những lời của Clemente. Trong cuộc sống trước kia của anh, Marcus đã tuyên thệ: không ai được biết đến sự tồn tại của anh. Với tất cả, anh là kẻ vô hình. Một linh mục ân giải chỉ có thể xuất hiện trước những người khác, tiết lộ danh tính thật của mình trong khoảng thời gian giữa tia chớp và tiếng sấm. Một khoảng nghỉ mong manh diễn ra trong tích tắc hoặc vô tận, không ai có thể biết được. Mọi chuyện đều có thể trong thời khắc mà người ta nhận thấy không khí được tiếp sức bởi năng lượng phi thường và niềm mong chờ thấp thỏm. Đó là khoảnh khắc bấp bênh và mơ hồ, khi những hồn ma trở lại hình hài con người. Và xuất hiện trước những người sống.
Chuyện đã xảy ra với anh như thế, đúng vào lúc một cơn bão dữ dội, trên ngưỡng cửa một gian để đồ thờ. Sandra đã hỏi anh là ai và anh đáp: “Một linh mục”. Quá mạo hiểm. Anh không biết chính xác tại sao mình lại làm vậy. Hoặc có thể anh biết điều đó, nhưng chỉ bây giờ anh mới chịu thừa nhận.
Anh có một tình cảm lạ lùng dành cho cô. Có thứ gì thân quen gắn kết anh với người phụ nữ ấy. Anh cũng tôn trọng cô vì cô có thể bỏ lại nỗi đau ở phía sau. Cô đã chuyển tới một văn phòng mới và thuê một căn hộ nhỏ ở khu Trastevere. Cô đã có bạn mới, những mối quan tâm mới. Cô đã bắt đầu mỉm cười.
Marcus luôn cảm thấy ngạc nhiên trước những thay đổi. Có lẽ bởi vì với anh điều đó là không thể.
Anh biết lộ trình của Sandra, giờ giấc, những thói quen nhỏ nhặt của cô. Anh biết cô đi chợ ở đâu, cô thích mua quần áo ở chỗ nào, quán pizza cô thường ăn mỗi Chủ nhật sau khi đi xem phim. Đôi lúc, như tối hôm đó, cô về nhà rất muộn. Nhưng cô không có vẻ kiệt sức, cô chỉ mệt: phần còn lại có thể chấp nhận được của một sống dữ dội, một cảm giác có thể được xua đuổi khi tắm mình dưới dòng nước ấm và ngủ một giấc thật say. Phần dư thừa của hạnh phúc.
Thi thoảng, vào buổi tối anh chờ cô ngay dưới cửa nhà, thầm nghĩ sẽ ra sao nếu mình bước một bước ra khỏi bóng tối và xuất hiện trước mặt cô. Liệu cô có nhận ra anh.
Nhưng anh chưa bao giờ làm việc đó.
Cô có còn nghĩ đến anh? Hay cô đã bỏ anh lại, cùng với nỗi đau? Chỉ ý nghĩ đó cũng đủ làm anh đau lòng. Như việc dù anh có can đảm để lại gần cô cũng chỉ là vô ích vì không thể có tương lai.
Dẫu vậy anh vẫn không ngừng kiếm tìm cô.