Trương Gia Hòa (1975) được độc giả biết đến với giọng thơ giàu nữ tính của văn học Sài Gòn thế hệ lớn lên sau chiến tranh.
Mới đây nhất, nhà thơ, nhà báo Gia Hòa cho ra mắt bạn đọc cuốn tạp văn Đêm nay con có mơ không?. Cuốn sách chất chứa những xúc cảm tích cực mà người viết muốn truyền đến cho bạn đọc, giúp họ gột rửa những bụi bặm của cuộc sống.
không hề khoa trương, hoa mỹ hay lồng những chi tiết giật gân để làm nên sự vĩ đại cho tác phẩm, Gia Hòa lôi kéo công chúng bằng cách khác. Từng mẩu chuyện nhỏ mà nữ tác giả mang đến cho bạn đọc đôi khi chỉ là những ghi chép tỉ mẩn của một bà mẹ công chức “bỉm sữa” yêu con, vừa đi làm, vừa vun vén khéo chuyện nhà hay nỗi nhớ nhung xa xôi của một người luôn hướng về gia đình lớn, cội rễ để mình đâm chồi, nảy lộc; là những băn khoăn của một thị dân trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại...
Tất cả những câu chuyện, lời văn trong trẻo, hồn nhiên và hết sức gần gũi ấy đã giúp Gia Hòa chiếm chọn trái tim độc giả.
Trong hiện thực đời sống, những áp lực từ công việc; cơm áo, gạo tiền; từ dư luận… khiến nhiều người mất đi sự vui vẻ, niềm tin vào cuộc sống. Không ít người có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí họ chọn cái chết để giải thoát cho chính mình.
Nhưng với Gia Hòa, dù cuộc sống đáng chán thế nào đi nữa cô cũng tìm ra một góc nhìn khác để thấy rằng những giá trị nền tảng trong văn hóa, đời sống, ứng xử của người Việt chưa hoàn toàn mất đi, nếu chúng ta biết gìn giữ và dung hòa chúng.
Đơn giản như sự chậm rãi, “truyền thống” nơi người già và cái vô tư thời thượng của người trẻ mà tác giả Gia Hòa mang đến cho bạn đọc chứa đựng hàm ý sâu xa, đủ cả vui lẫn buồn.
Theo dõi từng trang viết, những dòng tự sự của tác giả làm ta thấy chốn náu nương không gì có thể thay thế đó chính là gia đình. Với Trương Gia Hòa, đó là bàn tay ve vuốt của bà nội, là những câu hỏi quan tâm lạc thời: Được tăng lương chưa, chồng con có ngoan không...
“Dù nội có thọ đến mấy thì cũng không mãi mãi ngồi đó mà đợi mình về, để gãi lưng, để hỏi chồng bây có ngoan không, còn nhậu không, chịu lau nhà không, để hỏi được tăng lương chưa và để mỗi khi mình quên cách thắt một cái nút vải thì nội ôn tồn ngồi đó chỉ lại như thể lần đầu.
Nội không mãi mãi ngồi đó nhìn mình mặc cái quần jeans ôm sát hai ống chân rồi tưởng tượng, rủi mà có con kiến nó chui vô thì cách gì mà bắt nó ra… Nội không mãi mãi ngồi đó để chỉ mình cách làm món bột gạo lá mít, cách làm bánh đúc có xương…, những món mình đã ăn mòn răng mà cứ lần lữa không chịu học cách làm, vì ỷ lại. Từ nay có thèm bất tử, thì cứ ngồi yên đấy mà chép miệng bùi ngùi”.
Tất cả tình yêu thương ấy được thể hiện một cách mộc mạc lại chính là những liều thần dược giúp cô có thêm sức mạnh để bước tiếp sau mỗi bận rã rượi với bao bon chen nơi phố thị.
Hay trong lời yêu thương gởi con trước giờ giao thừa, bà mẹ này gửi gắm: “Khi không biết được ngày mai ta sẽ thế nào thì hôm nay, đừng giận hờn ai con nhé. Hãy sống thật vui vẻ. Con cứ cười khi thấy vui và hãy cười cả khi lòng tan nát. Giận hờn, ghen tức, tranh chấp hơn thua sẽ khiến cuộc sống chúng ta nặng nề mà thôi. Mỗi ngày được sống là một món quà, nếu con vui tức là con đang có lãi...”.
Gấp lại hơn 200 trang sách bạn sẽ nhận ra rằng không quá khó để thích nghi với những áp lực, chật chội, bức bối của phố thị nếu biết chọn một cách nghĩ, cách sống phù hợp.
Nguyên Phương - Zing.vn