Cuốn sách Thói quen tốt rèn trí não siêu việt không giúp bạn biến con cái thành một người răm rắp làm theo những gì được bảo, mà là để giúp chúng có thể tự mình rèn luyện thói quen tư duy và hành động tích cực thông qua những phương pháp, kỹ năng giúp nâng cao tố chất và khai phá tiềm năng của trẻ.
Với tư cách là một chuyên gia thần kinh học nổi tiếng của Nhật Bản, đã từng nghiên cứu về cấu tạo và hoạt động của não hơn nửa thế kỷ, tác giả Kubota Kisou không chỉ đề cao việc xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ một cách lành mạnh mà còn nhấn mạnh đến việc “cải thiện trí thông minh thông qua quá trình vận động thể chất”, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi mà phương pháp học theo kiểu nhồi nhét kiến thức đã khiến cho cơ hội được hoạt động thể chất và vui chơi của trẻ giảm đi đáng kể, đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng stress ở trẻ, khiến chúng không thể phát huy tiềm năng của mình một cách tối đa, gián tiếp khiến cho chúng gặp vô vàn trở ngại trong cuộc sống sau này.
Là bậc làm cha làm mẹ, chắc hẳn bạn luôn mong muốn con cái mình lúc nào cũng sống vui vẻ, khỏe mạnh và có một tương lai tươi sáng, hy vọng rằng những thói quen thú vị, hữu ích được giới thiệu trong cuốn sách có thể mang đến cho bạn những gợi mở trong quá trình nuôi dạy con cái.
***
Là một nhà thần kinh học, tôi đã tiến hành nghiên cứu về cấu tạo và hoạt động của não hơn nửa thế kỷ.
Tuy có những nhà khoa học nghiên cứu riêng về từng lĩnh vực ăn ngủ, vận động, học tập, giáo dục, nhưng hầu như chưa ai có thể hiểu rõ mối quan hệ sâu sắc của não đối với tất cả các hoạt động kể trên.
Sau khi lý giải về cơ chế của não mà tôi đã tìm hiểu được cho đến nay, tôi xin giới thiệu một điều hết sức gần gũi trong thói quen sinh hoạt hằng ngày để phát triển não cho trẻ và để nuôi dạy trẻ trở nên thông minh.
Đặc biệt, cuốn sách này không chỉ đề cập đến thói quen sinh hoạt như ăn uống, ngủ nghỉ, giao tiếp hay vui chơi mà còn nhấn mạnh đến “việc cải thiện trí thông minh thông qua quá trình vận động”.
Ở Nhật Bản, phương pháp học theo kiểu nhồi nhét kiến thức khiến cho những đứa trẻ của chúng ta mất đi nhiều cơ hội vận động thân thể, vui chơi với bạn bè. Còn một nguyên nhân khác là những con đường an toàn để trẻ vui chơi cũng giảm đi nhiều. Trong khi đó, vận động và vui chơi mang lại hiệu quả lớn giúp trí não con người phát triển tốt hơn.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, số lượng trẻ tham gia các lớp học thêm đến tận khuya, xem ti vi, đi ngủ muộn cũng đang tăng lên. Khi đã trở thành thói quen, đương nhiên buổi sáng trẻ không thể dậy sớm, đến trường trong trạng thái mơ màng, cũng không có thời gian để vận động cơ thể. Dường như cũng có rất nhiều trẻ không đủ thời gian để trò chuyện, kết giao với bạn bè tốt. Với lối sinh hoạt thế này, ngày càng nhiều những đứa trẻ cảm thấy bị “áp lực”. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu chịu áp lực liên tục từ hai tuần trở lên, hồi hải mã vốn có liên quan đến lưu trữ ký ức trong não bộ sẽ bị phá hoại, vùng vỏ não trước trán liên quan đến toàn bộ hành động của con người cũng bị tổn thương, dẫn đến làm việc gì cũng thờ ơ. Dù đây là một nghiên cứu được tiến hành với đối tượng là người lớn nhưng tôi nghĩ cũng có thể áp dụng tương tự đối với trẻ em. Chẳng phải chính trẻ em mới là những đối tượng dễ chịu tổn thương từ áp lực do não vẫn chưa phát triển đầy đủ hay sao?
Tất cả các bậc phụ huynh đều mong con cái mình lúc nào cũng sống tốt, khỏe mạnh với viễn cảnh tươi sáng. Để tương lai của những đứa con yêu quý có thể tỏa sáng, tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ áp dụng những thói quen được giới thiệu trong cuốn sách này, dù chỉ từng chút một.
Kisou Kubota
Mời các bạn đón đọc
Thói Quen Tốt Rèn Trí Não Siêu Việt của tác giả
Kubota Kisou.