Độc giả ít ai còn lạ với Guy de Maupassant (1850-1893) nên chúng tôi không cần phải giới thiệu nhiều. Ông với Honoré Balzac (1799-1850) là hai tiểu thuyết gia Pháp ở thế kỉ trước được Âu, Mĩ, mà có lẽ cả thế giới khâm phục nhất.
Anatole France bảo “nghệ thuật viết truyện của ông hoàn toàn: mạnh mẽ, uyển chuyển mà cân xứng”. Léon Tolstoi khen ông là “đã đạt được những chỗ thâm áo yên lặng của con người”. Còn những tiểu thuyết gia Anh như Joseph Conrad và William Somerset Maugham đều nhận rằng “tài kể chuyện của ông thì không ai bằng”; nhất là Maugham coi ông như bậc thầy của mình, chịu phục rằng nhiều truyện ngắn của ông, không dư mà cũng không thiếu một chi tiết, đem kể ra thì bất kì ai nghe cũng phải mê.
Tác phẩm của ông gồm non hai chục cuốn vừa truyện ngắn, truyện dài (không kể một tập thơ). Nhiều nhà phê bình đồng ý rằng truyện dài hay nhất của ông là Une Vie (Một đời sống); còn truyện ngắn xuất sắc nhất là Boule de Suif mà chúng tôi dịch là Thùng Nước Lèo. Chính truyện ngắn này đã được nhà xuất bản Seghers lựa trong tập Les Vingt meilleures nouvelle française (1956) và nhà Pocket Library trích và ca tụng trong tập: The great short stories of De Maupassant (1955).
Trong khoảng bốn chục trang, tác giả kể cho ta nghe một bi hài kịch thời chiến tranh Pháp – Phổ (1870). Nhân vật gần đủ các giới trong xã hội Pháp thời đó: giới quí phái, giới con buôn trọc phú, giới cách mạng, giới cần lao… nhân vật chính là một gái điếm, mà hạng người còn có liêm sỉ giữ được chút thiên lương lại chính là ả gái điếm đó chứ không phải là bọn thượng lưu như ta tưởng.
Ông không giảng luân lí, không dựng một triết thuyết, không phân tích tâm lí, cơ hồ như cũng không có thắc mắc nào cả, chỉ kể chuyện một cách khách quan, không thương cũng không ghét, mà rất có nghệ thuật, tình tiết xảy ra tự nhiên, đoạn trước gợi ra đoạn sau, đoạn sau giảng thêm đoạn trước, thành thử câu chuyện rất nhất trí, mạnh mẽ, đầy đủ mà hấp dẫn, đọc không thấy chán. Đọc xong ai cũng thấy chua chát và có cảm tưởng rằng tác giả nhìn xã hội mắt một cặp mắt tinh quái, ngạo đời, nhưng không tàn nhẫn.
Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy có vài nét hơi đậm, mạnh và bén thật, nhưng kém phần tế nhị; có lẽ đó là một tật chung của tuổi trẻ vì ông viết chuyện đó hồi mới ngoài hai mươi. Những tác phẩm hồi sau giọng đằm khi đã từng trải nhiều, lòng trắc ẩn của ông mới hiện rõ, như trong truyện dài Une Vie chẳng hạn.
Dù sao, văn mỗi tuổi cũng có vẻ đẹp riêng của nó, và Thùng Nước Lèo vẫn đáng là “một trong những bi kịch hay nhất của hậu bán thế kỉ trước”.
***
Henri René Albert Guy de Maupassant (1850–1893) là nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp.
Guy de Maupassant sinh tại vùng Normandie ở miền bắc nước Pháp, trong một gia đình giàu có.
Cha mẹ Maupassant ly thân năm ông lên mười một tuổi, và bà mẹ đã một mình nuôi dạy con. Từ ảnh hưởng ấy, bà đã trở thành nhân vật nữ trong rất nhiều câu chuyện của ông. Maupassant được gửi đến trường nội trú ở Yvetot vì bản tính bất trị, hay nổi loạn. Ông từng học ở trường Phổ thông cao đẳng tại Rouen và được bằng Cử nhân Văn chương. Sau khi tốt nghiệp, Maupassant gia nhập quân đội và tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ (1870–1871).
Năm 1871, ông đến Paris làm một viên chức nhỏ cho Bộ Hải quân. Từ năm 1878 trở đi ông làm một viên chức Bộ Giáo dục. Cuộc đời làm viên chức nhỏ kéo dài khá lâu, đã để lại nhiều dấu ấn trong tư tưởng và sự nghiệp của ông, góp phần quan trọng vào việc hình thành "hình tượng con người bé nhỏ" - một kiểu nhân vật văn học quan trọng sẽ ra đời vào cuối thế kỷ 19 và thịnh hành suốt nửa đầu thế kỷ 20.
Với những khó khăn dồn dập, Maupassant ngày càng trở nên bi quan đến nỗi bị chứng nhức đầu kinh niên không dứt, chỉ có thể làm dịu cơn đau bằng cách hít ether. Việc lạm dụng ether đã gây cho ông nhiều ảo giác và cuối cùng Maupassant bị sụp đổ tinh thần hoàn toàn. Rồi ông trở nên giàu có, và chi tiêu bừa bãi vào thú ăn chơi. Nhưng sau thời gian này, ông trở nên tuyệt vọng, vào năm 1892 tự tử nhưng được cứu sống.
Sau đó Maupassant bị giam trong dưỡng trí viện tư nhân Doctor Blanche tại Passy, Paris.
Maupassant mất ngày 6 tháng 7 năm 1893, chỉ vừa 42 tuổi, trong thời kỳ thứ ba của bệnh giang mai, căn bệnh đã kết liễu cuộc đời của nhà văn.
Tiểu thuyết
- Một cuộc đời (Une vie, 1883)
- Anh bạn đẹp (Bel-Ami, 1885)
- Mont-Oriol (1887)
- Pierre et Jean (1888)
- Fort comme la Mort (1889)
- Notre Coeur (1890)
Truyện ngắn
- Viên mỡ bò (Boule de Suif, 1880)
- La Maison Tellier (1881)
- Une partie de campagne (1881)
- Cô Fifi (Mademoiselle Fifi, 1882)
- Contes de la Bécasse (1883)
- Au soleil (1884)
- Clair de Lune (1883)
- Les sœurs Rondoli (1884)
- Yvette (1884)
- Miss Harriet (1884)
- Adieu (1884)
- Monsieur Parent (1885)
- Contes du jour et de la nuit (1885)
- La Petite Roque (1886)
- Toine (1886)
- Le Horla (1887)
- Sur l'eau (1888)
- Le Rosier de madame Husson (1888)
- L'héritage (1888)
- La Main gauche (1889)
- Histoire d'une fille de ferme (1889)
- La vie errante (1890)
- L'Inutile beauté
- Le père Millon (1899, sau khi chết)
- Le colporteur (1900)
- Les dimanches d'un bourgeois de Paris (1900)
- Bố của Simon (Le Papa de Simon)
- La Ficelle (1883)
- La Légende du Mont St Michel (1882)
Kịch
- Histoire du vieux temps (1879)
- Musotte (1890)
- La paix du ménage (1893)
- Une répétition (1910)
- Phê bình
- Émile Zola (1883)
- Étude sur Flaubert (1884)
***
Luôn mấy ngày liền, những mảnh tàn quân đã đi qua châu thành. Không còn phải là một bộ đội nữa mà chỉ là một bầy ô hợp tán loạn. Râu thì dài và bẩn, quân phục thì rách rưới, họ uể oải tiến, chẳng cờ xí, chẳng kỷ luật gì cả. Hết thảy đều có vẻ mệt đừ, không suy nghĩ, quyết định được gì nữa, chỉ do thói quen mà bước, chứ hễ dừng lại là té quị liền vì kiệt sức. Nhiều nhất là bọn bị động viên, hạng người vốn hiếu hòa, yên nhiên hưởng lợi tức đó mang không nổi cây súng; rồi tới bọn dân quân nhỏ bé, nhanh nhẹn, dễ hoảng hốt mà cũng dễ hăng tiết, sẵn sàng chiến đấu mà cũng sẵn sàng đào tẩu; xen vào những bọn đó có vài tên lính chánh qui, quần cụt đỏ đã mệt đừ, còn sót lại sau một trận lớn; một số lính pháo thủ ủ rủ sắp hàng với những bộ binh hỗn tạp đó; và thỉnh thoảng người ta thấy cái nón bóng loáng của một kị binh nặng nề bước mà theo không kịp bọn phóng viên nhanh nhẹn.
Tới phiên những đoàn nghĩa dũng quân đi ngang qua, tên thì rất oai hùng: “Đội trả thù Chiến bại – Đội Công dân của Nhà mồ - Đội Chia phần chết”, mà vẻ mặt thì y như tụi ăn cướp.
Chủ soái của họ, xưa kia buôn nỉ hay buôn lúa, bán mỡ bò hay bán xà bong, do hoàn cảnh mà thành chiến sĩ, nhờ có nhiều tiền hay có bộ râu mép dài mà được phong làm sĩ quan, mình đeo đầy khí giới, bận đồ nỉ, gắn lon, bàn cãi oang oang về những trận đồ, phách lối khoe khoang rằng chỉ có mình là đưa vai ra để chống đỡ nước Pháp hấp hối; nhưng đôi khi họ sợ ngay những lính của họ, bọn đầu trộm đuôi cướp, thường can đảm ghê gớm, phá phách và trụy lạc.
Tụi Phổ sắp vô thành Rouen, người ta bảo vậy.
Đội dân quân, hai tháng nay, thận trọng dò xét trong những cánh rừng bên cạnh, có khi bắn lầm vào lính gác của mình, và mới nghe thấy tiếng động của một con thỏ con ở trong bụi là đã lắp đạn sẵn sàng chiến đấu rồi, bây giờ cũng đã giải tán, ai về nhà nấy. Khí giới của họ, quân phục của họ, tất cả những khí cụ sát nhân của họ trước kia làm cho các cây trụ trên quốc lộ trong một khu rộng ba dặm ở chung quanh phải bở vía, bỗng biến đi đâu mất hết.
Những người lính Pháp cuối cùng mới qua con sông Seine để theo đường Saint-Sever, Bourg-Achard mà tới Pont-Audemer, và ở cuối đoàn, viên tướng tuyệt vọng, vô phương mưu tính cái gì được với bọn tàn quân rời rạc đó, đành bước theo họ, giữa hai sĩ quan hầu cận. Vì chính ông cũng ngơ ngác trong cuộc tan rã lớn lao của một dân tộc quen thắng trận mà rồi thua một cách tai hại mặc dầu khét tiếng hùng dũng.
Mời các bạn đón đọc
Thùng Nước Lèo của tác giả
Guy de Maupassant.