#Review
TÌNH ĐẦU CỦA TIỂU YÊU
Tác giả: Thủy Hợp
Thể loại: Cổ đại, huyền huyễn, cung đấu, có sủng có sắc, HE
Độ dài: 22 chương + 2 NT
Tình trạng: Hoàn - đã xuất bản.
-----------------------------------
Chuyện kể rằng, vào nghìn năm trước, trên ngọn núi Ly Sơn có một bộ tộc Hồ ly sinh sống. Họ rất chan hòa, không gây sự, chỉ muốn yên ổn tu luyện và duy trì dòng giống.
Thế nhưng, năm Bảo Lịch thứ hai đời Đường, dưới sự cai trị của một tên hôn quân, toàn bộ tộc Hồ có nguy cơ diệt chủng vì thú vui săn hồ ly của hắn. Không còn cách nào khác, Tộc trưởng đành phải ra quyết sách cuối cùng, dùng bí kiếp ngàn đời của Hồ ly để bảo vệ bộ tộc, chính là đưa một con Hồ ly đã được huấn luyện đến hoàng cung dụ dỗ tên hôn quân kia. Người được chọn là Thúy Hoàng.
Để mọi chuyện trở nên thuận lợi, Tộc trưởng dự định cho Thúy Hoàng ăn quả Mị đan, 80 năm mới cho quả 1 lần, để hoàn thiện vẻ đẹp và mê lực của mình.
Kế hoạch hoàn hảo là vậy, thế nhưng ngay thời điểm then chốt lại xảy ra một chuyện động trời khiến cho tất cả dự liệu đều phải thay đổi. Chính là vì hai con tiểu yêu Hồ Phi Loan và Hoàng Khinh Phụng.
Khinh Phụng vốn không phải là Hồ ly, mà là chồn tinh. Nàng ta và Phi Loan là chị em kết nghĩa, bởi vì mẹ của Khinh Phụng chính là nhũ mẫu của tiểu hồ ly Phi Loan.
Hai người thân thiết từ nhỏ, nhưng tính cách thì hoàn toàn trái ngược. Phi Loan hiền lành và nhút nhát bao nhiêu thì Khinh Phụng lại lanh lợi hoạt bát bấy nhiêu.
Chính vì mình là chồn sống bên cạnh hồ ly xinh đẹp, Khinh Phụng luôn có cảm giác mình xấu xí, nên vừa nghe nói Mị đan có thể làm tăng thêm vẻ quyến rũ kinh động lòng người thì nàng ta lập tức hái trộm. Lại không muốn phải phạm tội một mình, nàng ta mới dụ dỗ Phi Loan ngây thơ cùng ăn Mị đan. Kết quả, người đang xinh đẹp thì càng xinh đẹp hơn, còn nàng ta, hầu như chẳng thay đổi được gì cả.
Nhưng cho dù thế nào, thực tế là hai nàng cũng đã ăn Mị đan, kế hoạch vẫn phải tiến hành. Thế là trong sự bất an đến cùng cực, Tộc trưởng cũng đành phải quyết định đưa hai nàng xuống núi, thực hiện nhiệm vụ “hồng nhan họa thủy”.
Hai con tiểu yêu lần đầu đến kinh thành, vô cùng háo hức. Nhưng chưa kịp bày mưu tính kế thì đã bị lôi vào một cuộc chiến tranh giành đoạt vị. Vừa được hoàng đế chú ý thì ngay đêm đó tên hôn quân kia đã bị ám sát trước sự chứng kiến của hai nàng. Haizzzzz, đây có phải là “hồng nhan họa thủy” trong truyền thuyết không vậy?
Nhiệm vụ chưa cần ra tay đã hoàn thành, lẽ ra hai nàng phải trở về núi phục mệnh. Thế nhưng bản tính ham chơi của Khinh Phụng trỗi dậy, nàng ta lại thuyết phục Phi Loan cùng ở lại với mình, với lý do rất chi là hùng hồn, chính là, cử 2 người đi, thì phải diệt được 2 tên hoàng đế!
Phi Loan ngây thơ lại nhút nhát, một lòng một dạ nghe lời tỷ tỷ. Vừa quyết định ở lại chưa bao lâu, trong cung lại có biến. Vị vua mới vừa được đưa lên lại ngay lập tức bị phản thần tiêu diệt. Một lần nữa, nhiệm vụ của hai nàng lại được người khác hoàn thành.
Lần này đúng là không còn lý do để ở lại nữa, thế nhưng ngay khi vừa gặp được người kế vị tiếp theo, Khinh Phụng đã không thể nào nhấc chân nổi nữa.
Câu chuyện “Tình đầu của tiểu yêu” chính thức được bắt đầu.
Hoàng đế mới tên gọi là Lý Hàm, anh tuấn và khí chất, khiến cho Khinh Phụng vừa gặp đã yêu. Nàng rơi vào lưới tình, ngày ngày vận dụng đầu óc thông minh nhanh nhạy của mình để có thể ngày càng đến gần chàng hơn. Cũng từ đó, trong hậu cung xuất hiện toàn những trò tinh quái nhưng không kém phần lém lỉnh của nàng.
Cuối cùng nàng cũng được toại nguyện. Hoàng đế Lý Hàm đã để ý đến cả hai nàng, nhưng lại có vẻ mê mẩn sắc đẹp của Phi Loan hơn. Thế này thì không được rồi, Khinh Phụng nàng không muốn vậy đâu.
Thế là, bằng một nỗ lực vô cùng xuất sắc, nàng đã khiến cho tình đầu của Phi Loan xuất hiện. Thư sinh Lý Ngọc Khê, mang một niềm tin lớn lao đối với khoa cử, ngay từ lần đầu gặp mặt đã trúng tiếng sét ái tình của Phi Loan. Cùng với sự giúp đỡ có chút lòng riêng của Khinh Phụng, cuối cùng hai người đã đến được với nhau.
Cũng trong lúc đó, những hành động dường như vô tình lại dường như hữu ý, khiến cho hoàng đế Lý Hàm dần thay đổi cách nhìn đối với tiểu chồn tinh Khinh Phụng. Sự thông minh lanh lợi của nàng, khiến cho một vị hoàng đế cao cao tại thượng nhưng thân bất do kỷ như chàng, cảm thấy việc sống giữa những toan tính thâm sâu kia cũng còn có một chút an ủi là nàng.
Cứ như vậy, tình chàng ý thiếp, nồng nàn mật ngọt.
Lại nói một chút về Thúy Hoàng, con hồ ly bị cướp mất Mị đan. Thật ra, nàng ta vốn là một con thanh hồ vô cùng xinh đẹp, cũng chính vì vậy mà từ trên người nàng luôn tỏa ra một loại thần thái kiêu ngạo, không dễ đến gần. Sau khi hai tiểu yêu kia phụng mệnh xuống núi đã ba năm, tộc hồ ly cũng không còn gặp nguy hiểm nữa mà vẫn chưa chịu về. Tộc trưởng mới lệnh cho nàng xuống tìm hiểu tình hình.
Có ai ngờ được, khi nàng đến hoàng cung, trong lúc vô tình lại bị cuốn vào âm mưu soán ngôi của một nữ phi tiền triều. Nhưng đó chưa phải là vấn đề mấu chốt. Nàng trong hình hài của nữ phi đó, đã nảy sinh một thứ tình cảm vô cùng xa lạ với một người vô cùng không có khả năng, chính là tên thái giám bên cạnh nữ phi, Hoa Vô Hoan. Và đây, cũng là tình đầu của nàng.
Ba con tiểu yêu xuống núi, đều yêu phải người phàm. Nghĩ thôi cũng đủ biết, khó khăn đến nhường nào. May cho các nàng, gặp được Vĩnh đạo sĩ có đạo pháp phi thường và một trái tim nhân hậu. Bản tính ngông nghênh nhưng lại vô cùng ấm áp. Vĩnh đạo sĩ cảm động trước sự chân thành của các nàng, đã rất nhiều lần ra tay cứu giúp, mới khiến các nàng bảo toàn sinh mệnh.
Ai bảo đó là tình đầu của các nàng chứ. Có thương tích đầy mình, có hiểm nguy trùng trùng, các nàng cũng không hề sợ hãi. Con người ta khi yêu, tự khắc sẽ có thêm một loại sức mạnh, gọi là dũng khí.
Chính vì có dũng khí, tiểu hồ ly Phi Loan vượt ngàn dặm đi tìm đan dược, chỉ mong có thể sinh con cho người mình yêu, cho dù phải đánh đổi 300 năm làm người quét lá.
Chính vì có dũng khí, thanh hồ Thúy Hoàng mới dẹp bỏ sự kiêu ngạo của mình và sự khiếm khuyết của thái giám kia, bằng lòng ở bên hắn, sống cuộc sống phiêu diêu tự tại.
Chính vì có dũng khí, tiểu chồn tinh Khinh Phụng mới quyết định ở bên cạnh hoàng đế Lý Hàm, cho dù là dưới hình dạng người hay chồn.
Câu chuyện của ba nàng tiểu yêu này được kể lại một cách rất đáng yêu, giọng điệu vui vẻ và hài hước. Tuy chuyện này diễn ra trong thâm cung, giữa những âm mưu đen tối của các thế lực, nhưng điều đó không những không làm cho câu chuyện nặng nề, mà càng làm tăng thêm những tình cảm nhẹ nhàng quý giá giữa những toan tính lọc lừa ấy.
Phi Loan được vua để mắt, nhưng lại bằng lòng ở bên cạnh một chàng thư sinh tay trắng, tình cảm này trong sáng biết bao.
Thúy Hoàng vì muốn ở cạnh người mình yêu, bằng lòng sống trong hình hài của một nữ phi suốt ngày đau ốm, tình cảm này độ lượng biết bao.
Khinh Phụng không màng sống chết, kiên quyết ở bên cạnh hoàng đế trong cảnh loạn lạc triều chính, máu chảy thành sông, tình cảm này khắc cốt biết bao.
Không thể nói các nàng là dại khờ, hay là may mắn, vì cuối cùng cũng được sống với người mình yêu, cho dù chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi.
Chỉ biết rằng, đó là mối tình đầu tiên của các nàng, là thứ tình cảm xa lạ nhưng cũng vô cùng thú vị, khiến các nàng trong lúc mê mải đã bước vào từ lúc nào không hay.
Tình yêu mà, phải có dằn vặt, có đau khổ, có biệt ly. Nhưng tuyệt nhiên không có hối hận. Các nàng đã dốc lòng rồi, mang hết tất cả những tâm tình mình có trao hết cho người kia. Không sợ đắng cay, không sợ khổ cực, chỉ sợ không được bên nhau.
Tình đầu, thường dang dở. Vì người ta chưa từng yêu, nên cũng không biết thử thách chông gai có thể lớn đến chừng nào đã vội bỏ cuộc.
Không ai chỉ cho chúng ta biết cách vượt qua như thế nào, chỉ có thể chắc chắn một điều, nếu không có dũng khí để tiến lên, thì sẽ không bao giờ biết, hạnh phúc phía bên kia vẫn đang chờ đợi mình.
“Nếu ta đã động lòng, dù chỉ là một nhánh cây, ngọn cỏ ta cũng có thể thích, vì sao lại không thể thích ngươi?”
------------------------------------
" ": trích từ truyện
Review by #Lâm Tần - lustaveland.com
Thủy Hợp
Thuở nhỏ sống ở Nam Kinh, học hành thì qua loa đại khái nhưng lại cực kỳ yêu thích tiểu thuyết. Trong số đó đã từng say mê những truyện phong hoa tuyết nguyệt, thần tiên ma quái, đến nay thì thích nhất Ngụy Tấn lục triều, thích tưởng tượng những văn nhân nhạy cảm ẩn nấp trong số những nhân vật phong lưu, và mong một ngày nào đó có đủ khả năng để hạ bút viết về những nhân vật đầy mâu thuẫn như vậy...
Một ngàn một trăm chín mươi năm trước, vào năm Bảo Lịch thứ hai, đời Đường, hoàng đế đương triều mang họ Lý, tên chỉ có duy nhất một chữ Trạm, tục gọi Đường Kính Tông.
Năm đó, vị hoàng đế này mới tròn mười sáu tuổi, đương tuổi thanh xuân niên thiếu, tinh thần cũng phấn chấn vui tươi. Nghe một cung nữ già ở cung Đại Minh kể lại, ngày bệ hạ của họ xuất thế giữa trời tháng Sáu, mây hồng ráng đỏ trải dài vô tận, đàn hạc trắng đang bơi lội tung tăng trong hồ Thái Dịch cũng vút lên trời cao, dang đôi cánh rộng chao liệng xung quanh cung Đại Minh, tiếng hạc du dương vang xa, dù có đứng ở cung Thái Cực cũng có thể nghe thấy được.
Hoàng đế vừa mới chào đời đã mang theo điềm lành như vậy, dáng vẻ lại phấn điêu ngọc trác, như bảo như châu, cho nên luôn được cưng chiều hết mực. Mười sáu năm ròng hắn sống trong nhung lụa, đương nhiên sẽ bị chiều chuộng thành hư. Bởi vậy, dù mới kế vị có hai năm ngắn ngủi, vị hoàng đế trẻ tuổi ấy đã bộc lộ đủ mọi tư chất của một tên hôn quân mẫu mực.
Hắn mê rượu, háo sắc, ham vui. Hôm nay hắn vừa gióng trống khua chiêng đòi xây dựng một cung điện mới thật nguy nga tráng lệ, ấy thế mà khi cung điện mới được xây dựng xong, chưa ở được mấy ngày hắn đã lại muốn xuất cung “vi hành”. Mà hoạt động hắn thích nhất mỗi khi “vi hành” chính là đến Ly Sơn để “đả dạ hồ”.
“Đả dạ hồ” nghĩa như tên gọi, chính là buổi tối lên núi săn hồ ly. Hồ ly trời sinh có tập tính hoạt động về đêm, vì thế, chiêu này của hắn chẳng khác nào đuổi tận giết tuyệt cả Hồ tộc. Hắn cứ năm lần bảy lượt dẫn người đi săn như vậy, khiến cho chúng hồ ly sắp không thể tiếp tục sống ở Ly Sơn được nữa. Chuyện này cuối cùng cũng chọc giận đến tộc trưởng Hồ tộc.
“Nếu cứ tiếp tục thế này, đám đồ tử đồ tôn của chúng ta sẽ bị tên hoàng đế đó giết sạch mất. Thật đáng hận!” Tộc trưởng của Hồ tộc là Hắc Nhĩ mẫu mẫu giậm mạnh cây quải trượng bằng gỗ táo xuống nền đất, nói. “Hồ tộc chúng ta và người phàm xưa nay vốn là nước giếng chẳng phạm nước sông. Mặc dù đời tổ tiên chúng ta đã từng có mấy vị nương nương xuống núi, hại chết mấy tên hôn quân, hủy hoại mấy cái giang sơn xã tắc, nhưng đó là vì chúng ta nhận sự ủy thác của người khác chứ thực chất không liên quan gì đến chúng ta cả...”
Chuyện xa xưa tạm thời chưa cần nhắc đến, chỉ nói về chuyện của tám mươi năm trước đây. Nghe nói khi đó có một vị hoàng tử, vì bất mãn chuyện phụ hoàng muốn cướp vương phi của mình nên đã nghe theo lời khuyên của một lão đạo sĩ, lấy ranh giới năm trăm dặm xung quanh Ly Sơn làm thù lao để nhờ Hồ tộc giúp hắn tạo ra một thế thân, đưa vào cung vua cha của hắn. Mà vị “hồng nhan họa thủy” ấy sau này đã dùng kế kim thiền thoát xác[1], thăng thiên thành tiên ở dốc núi Mã Nguy. Trong suốt tám mươi năm qua, đây luôn là câu chuyện được người trong Hồ tộc nhắc đi nhắc lại nhiều nhất. Cũng chính vì thế mà hôm nay, khi bị một vị hoàng đế thích giữa đêm lên núi săn hồ ly hành hạ như vậy, bọn họ lại không tự chủ được mà nghĩ đến mấy chữ “hồng nhan họa thủy” này.
[1]. Kim thiền thoát xác (Ve sầu lột xác) là một trong ba mươi sáu kế của Binh pháp Tôn Tử (bộ sách về chiến lược quân sự của Trung Quốc thời xưa), sử dụng trong lúc hỗn chiến giữa hai bên. Trong khi hai bên giao đấu, dùng kế “kim thiền thoát xác” để thay đổi hình dạng, đánh lừa đối phương để từ đó trốn thoát hoặc quay lại tập kích đối phương. - Người dịch (ND)
Thế là, Nhị đương gia của Hồ tộc, Khôi Nhĩ mẫu mẫu, bèn hiến kế cho tộc trưởng. “Mẫu mẫu, tám mươi năm thoắt cái đã qua, trên gốc cây Mị của Hồ tộc chúng ta cũng đã kết được một hạt kim đan, chuyện này không thể chậm trễ được nữa, hay là chúng ta cứ sắp xếp cho một cô nương xuống núi thu phục tên hoàng đế độc ác kia đi!”
Hắc Nhĩ mẫu mẫu nghe Khôi Nhĩ mẫu mẫu nói như vậy, trong lòng còn do dự không quyết. “Cho dù tên hoàng đế đó thực sự hung tàn, nhưng suy cho cùng hắn vẫn là thiên tử được Ngọc Hoàng đại đế đích thân lựa chọn. Hồ tộc chúng ta chưa từng tự ý xuất thủ bao giờ, lần này không phải nhận mệnh từ Nữ Oa nương nương[2], cũng không có hoàng tộc đến nhờ vả, nếu như chúng ta cứ tùy ý hành sự, chỉ e sẽ bị trời phạt...”
[2]. Nữ Oa nương nương là vị nữ thần thủy tổ và được coi là vị thần Thượng cổ vĩ đại nhất trong thần thoại Trung Quốc. Liên quan đến nội dung trong tác phẩm, tương truyền xã hội Trung Quốc cổ phát triển đến thời nhà Thương (khoảng hơn 1000 năm trước Công nguyên), dưới thời trị vì của Trụ Vương, dân chúng lầm than đói khổ, xã hội không thể phát triển được, đi vào bế tắc. Nữ Oa không muốn chứng kiến cảnh sinh linh lầm than nên đã phái Hồ ly tinh Đát Kỷ xuống núi mê hoặc quân vương, mục đích là để diệt nhà Thương, xây dựng một triều đình mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, sau khi xuống núi, Đát Kỷ bị nhiễm những thói tham lam tàn bạo của người phàm, càng tạo nghiệt cho chúng sinh hơn nên đã bị Nữ Oa trừng phạt. (ND)